Bài trước, đã nói tới cú đánh chí mạng vào chất lượng giáo dục là chủ trương “trong số lượng đã có chất lượng”, khiến giáo dục phát triển vô tội vạ thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Đòn đánh thứ hai vào chất lượng giáo dục là lối “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi thực hiện cuộc cải cách năm 1981.
Tôi không nói tới nội dung của cuộc cải cách lần này, không muốn nói tới chương trình và sách giáo khoa, những thứ mà hễ mỗi lần định cải cách người ta hay quan tâm đầu tiên mà chỉ muốn nói tới cách thực hiện cuộc cải cách..
Cuộc cải cách lần này đã được chuẩn bị từ trước khá lâu, nhưng khi bắt tay vào thực hiện năm 1981, nó đã gặp nhiều bất lợi. Trước hết, đây là những năm kinh tế suy thoái trầm trọng, thầy chẳng thiết dạy, trò chẳng thiết học, không khí hoạt động của các trường không tránh khỏi sự rệu rã. Ở các nơi, phong trào “toàn dân đi thi” có cơ lan rộng. Dạy một bài mới, giáo viên phải bỏ ra khá nhiều công sức soạn bài. Lên lớp có một tiết, nhưng với bài mới, có khi soạn bài mất hàng tuần. Những bài soạn ấy, sau mỗi năm, được sửa chữa, bổ sung, phải tới dăm ba năm mới có thể được coi là tạm hoàn chỉnh, sau đó, giáo viên đã “thuộc”, lên lớp không cần chú ý tới bài soạn, hoàn toàn chủ động. Ở mỗi lớp, tùy hoàn cảnh cụ thể nội dung sẽ được “gia giảm” chút ít cho phù hợp. Những tiết dạy như thế mới có thể có chất lượng.
(Nhân đây cũng xin nói một chuyện, không biết bây giờ còn tồn tại không. Mấy ông lãnh đạo ở Sở, ở trường, chắc sợ giáo viên rỗi rãi rồi sinh ra “nhàn cư vi bất thiện” nên cứ bắt hàng năm phải soạn giáo án mới. Có nơi yêu cầu mới 100%, có nơi đòi mỗi năm soạn mới 30%. Thế là chỉ yêu cầu cái ngọn, cái hình thức. Làm thế, chỉ tổ tốn giấy, tốn thời gian ngồi chép lại, chỉ để “hành” giáo viên là những người vốn đã không ít nỗi khổ. Một giờ lên lớp tốt hay không chủ yếu dựa vào cái đầu của ông thầy. Cái đầu này rỗng thì có giáo án giời cũng chẳng thể dạy tốt. Cuối những năm 60, ở một trường nổi tiếng đã xảy ra chuyện: Nhiều cán bộ cấp trên đột xuất về dự kiểm tra giờ dạy của một giáo viên. Cũng thấy anh ta có sách, có vở để trên mặt bàn. Và giờ dạy quả thực thành công. Lúc rút kinh nghiệm, ai cũng khen nức khen nở. Một người hỏi muốn xem giáo án (xem để học tập thôi chứ không phải để kiểm tra). Anh ấy bảo chẳng có gì. Cái túi chỉ có cuốn sách giáo khoa và cuốn vở chẳng liên quan gì đến việc dạy học. Vì dạy không có giáo án nên giờ dạy này phải “lờ” đi (không phê phán được vì trót khen mất rồi)).
Nhưng với chương trình và sách giáo khoa mới lần này (chương trình lại “nặng” hơn), giáo viên đâu có nhiều thời gian soạn bài, chưa nói tới việc đầu tư công sức. Các cấp lãnh đạo từ Bộ đến Sở, tới trường cũng giống như anh em, còn mải lo cho nồi cơm của vợ con, chẳng có thời gian mà kiểm tra (mà nói thật, mình làm ăn còn chẳng ra gì, mặt mũi nào đi kiểm tra, phê phán chấn chỉnh ai). Thế là cứ “tùy nghi di tản’, mọi việc đều dần tồi tệ, chất lượng càng xuống. Đến khi kinh tế tạm được vực dậy (gần hai chục năm sau) thì tình trạng đã tồi tệ tới mức không thể cứu vãn. Mà cũng chẳng hề có một sự cảnh báo, nhắc nhở nào, cứ như mọi sự đều tốt đẹp. Và sự tồi tệ vẫn không ngừng phát triển.
Trầm trọng nhất là chuyện mỗi nơi một phách. Ở cấp vĩ mô, chương trình, sách giáo khoa thì chủ trương phân luồng học sinh sau khi học hết THCS, chỉ chọn khoảng 30% vào PTTH để tạo nguồn cho tuyển sinh đại học. (Cho nên cấp THCS mới thêm một lớp để học sinh thêm một tuổi, già dặn hơn trước khi vào học trung cấp hay học nghề). Vì chỉ dành cho 30% học sinh, tức là những người có học lực khá nên chương trình có nhiều phần nâng cao hơn chương trình cũ. Nhưng khi thực hiện người ta lại không làm theo chủ trương ấy. Lẽ ra, phải hạn chế việc mở thêm các trường PTTH, đầu tư, tập trung ngân sách nâng cấp các trường đã có, tăng cường các trường trung cấp, các cơ sở dạy nghề để tiếp nhận 70% học sinh đã tốt nghiệp PTCS. Nhưng các trường PTTH cứ được mở tràn lan với tâm lý muốn tạo cơ hội công bằng cho con em nhân dân được học Phổ thông Trung học. Rồi tới khi có chủ trương xã hội hóa giáo dục thì các trường dân lập được mở khắp nơi, thu nhận đến nay tới gần 100% học sinh sau khi học THCS. (Gần 100% không phải vì thiếu trường, mà do có những học sinh không có nhu cầu học nữa, thực tế, các trường dân lập hiện nay đang “khát” học sinh trầm trọng). Hàng năm từng lớp không có sự chọn lọc (toàn lên lớp 100% do căn bệnh giả dối), rồi chuyển cấp cũng gần 100%, do nhu cầu thu học phí của các trường dân lập. Thế là chất lượng càng được thả nổi. Cùng với sự giả dối, đây là một lý do quan trọng nảy sinh nhu cầu học thêm của không ít học sinh. Do ngồi nhầm lớp, trình độ không đủ hiểu bài ở lớp, cần có người giảng lại, giải bài tập hộ, thậm chí ném bài hoặc đem theo các loại phao khi thi cử. Một số giáo viên không lương thiện đã lợi dụng tình hình này để “đục nước béo cò”, ép học sinh học thêm bằng đủ mọi cách khiến tình hình càng thêm hỗn loạn.
Trong phương án đổi mới giáo dục sắp tới, cũng thấy nói tới việc phân luồng học sinh như một phát kiến gì mới lạ. Nhưng thực ra, chủ trương này đã được nêu ra từ hơn ba chục năm trước. Nhưng mong muốn có một nền giáo dục lành mạnh hình như chỉ có ở một thiểu số, còn số đông những người có quyền quyết định vẫn chỉ lo cho cái lợi ích của nhóm mình. Cho nên sợ rằng những đổi mới giáo dục sắp tới không thoát ra khỏi tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trước đây. Và như thế, con cháu chúng ta lại một lần nữa biến thành những con chuột bạch để các vị làm thí nghiệm hết lần này tới lần khác. Nhân dân lại tốn kém nhiều nghìn tỷ đồng tiền thuế. Ông Bộ trưởng lại đã tuyên bố trong trận đánh cuối cùng này, sẽ chấp nhận hy sinh. Chỉ mong, các vị đừng hy sinh bằng con em nhân dân, còn con em các vị đã được lo cho du học ở khắp các nước trên thế giới.
Thật tuyệt, một người dám nói thắng và thật.
Cờ đến tay ai người đó phất, cũng chỉ là đục nước béo cò thôi bác. Gốc đã mục ruỗng rồi, cành lá chăm chút tỉa tót cũng chỉ là chờ thời gian.