Dường như mọi người có quan niệm, hình ảnh về người Trung Quốc là đóng cửa, là bảo thủ. Từ xưa đến nay, ở Trung Quốc, chưa từng xuất hiện những nhà thám hiểm vĩ đại như Côlômbô, Magenlăng. Về điều này, Lương Khải Siêu trong “Ẩm băng thất hợp tập” đã phê phán, ông đã chỉ ra một phản chứng, đó là “Trương Khiên tạc không.” (Trương Khiên mở đường)
Người đàn ông kỳ lạ nhất (Đệ nhất kỳ nam tử)
Lương Khải Siêu đã coi Trương Khiên là “người đàn ông kỳ lạ nhất” của Trung Quốc cổ đại, điều này cũng không có gì là quá đáng. “Hán thư” của Ban Cố đã ghi lại: “Trương Khiên, người Hán Trung, làm quan Lang thời Kiến Nguyên. Lúc đó, người Hung Nô đánh phá vua Nguyệt Thị, muốn lấy đầulàm đồ uống, vua Nguyệt Thị phải bỏ trốn mặc dù căm hận vẫn không dám đánh lại. Vua Hán đang muốn diệt Hồ, nghe nói việc này, muốn thông sứ, dọc đường tất phải qua Hung Nô, liền tìm sứ giả. Khiêm là quan Lang ứng mộ, đi sứ Nguyệt Thị, cùng với nô Cam Phu Đường Ấp Thị đi Lũng Tây. Qua Hung Nô, Hung Nô giữ lại, truyền chỉ cho Thuyền Vu. Thuyền Vu nói: “Nguyệt Thị ở phía bắc nước ta, sao vua Hán lại muốn thông sứ? Ta muốn thông sứ, vua Hán có nghe không?” Bèn giữ Trương Khiên ở lại mười năm, lấy vợ, có con, nhưng khí tiết người Hán của Khiên vẫn không mất.
Sau khi bị giữ lại Hung Nô, Khiên cùng với gia thuộc tìm cách trốn đi Nguyệt Thị, đi về phía tây khoảng mười ngày thì đến Đại Uyển. Đại Uyển nghe nói Hán là nước có sản vật phong phú, muốn thông sứ mà chưa được, gặp Khiên rất mừng, hỏi tìm cách giao thương. Khiên đáp: “Tôi đi sứ đến Nguyệt Thị nhưng bị Hung Nô ngăn đường, nay bỏ trốn, được người dẫn đường, khi trở về Hán sẽ tâu lên nhà vua, còn sản vật của người Hán thì không thể nói được bằng lời”. Đại Uyển để cho Khiên đi, còn cho thêm ngựa cưỡi, đến Khang Cư. Rồi từ Khang Cư đến Nguyệt Thị. Vua của Đại Nguyệt Thị đã bị rợ Hồ giết hại, nay vợ của vua được lập làm Vua. Đến gặp vua của nước Đại Hạ, đất đai phì nhiêu, ít giặc dã, đời sống an lạc. Từ Nguyệt Thị đến Đại Hạ, Khiên đã nắm được những nét đại thể về Nguyệt Thị. Ông ở lại Tuế Dư, rồi trở về, qua Nam Sơn, từ đó về nước, lại một lần nữa phải qua Hung Nô. Khi ở lại Tuế Dư, Thuyền Vu đã chết, trong nước loạn lạc, Khiên cùng với vợ người Hồ và Đường Ấp Phụ trở về Hán. Khiên được đón tiếp trọng thị và phong làm Thái trung đại phu, Đường Âp Phụ được phong Sử quân. Rồi sau đó được cử đi một lần nữa. Khiên là người thân thể cường tráng, tấm lòng rộng rãi tin người, được những người Man Di yêu mến. Đường Âp Phụ là người Hồ, có tài bắn giỏi, những lúc cần thiết có thể săn thú mà ăn. Ban đầu, cả đoàn có tới hơn trăm người, đi mười ba năm, chỉ có hai người trở về. Bản thân Khiên đã đi qua Đại Uyển, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, Khang Cư, có đến năm sáu nước, đến đâu cũng thông tỏ địa hình. Những điều này được ghi chép cả trong “Tây Vực ký”.
Tây Vực, thời Hán chỉ vùng đất phía tây Ngọc Môn quan tỉnh Cam Túc , phía đông Thông Lĩnh, có tất cả mười mấy nước lớn nhỏ, khoảng vào khu vực Tân Cương ngày nay. Phần lớn các nước Tây Vực đều thần phục Hung Nô. Để triệt để cô lập Hung Nô, Võ Đế chủ trương liên kết với Tây Vực. Nghe nói nước Đại Nguyệt Thị (nguyên ở gần Ngọc Môn Quan, sau ở gần vùng Apganixxtan) vốn có mối thù với Hung Nô, vì thế năm 138 trước công nguyên, Hán Võ Đế cử Trương Khiên cùng một số người đi Tây Vực, muốn liên minh với Đại Nguyệt Thị cùng nhau chống Hung Nô. Nhưng trên đường đi, Trương Khiên bị Hung Nô bắt giữ, chẳng mấy chốc đã mười mấy năm. Sau đó trốn thoát được, đi qua Điểu Tôn, Đại Uyển, Khang Cư rồi đến Đại Nguyệt Thị. Lúc ấy, Đại Nguyệt Thị không muốn liên minh, khiến chuyến đi của Trương Khiên không đạt được mục đích. Trên đường về nước, Trương Khiên một lần nữa lại bị Hung Nô bắt giữ, mất hơn một năm cuối cùng năm 126 trước công nguyên mới trở về đến Trường An.
Đến năm 119 trước công nguyên, Trương Khiên lại tháp tùng theo Vệ Thanh đi đánh Hung Nô, ông mang theo hơn ba trăm người cùng với rất nhiều của cải đi Tây Vực. Sau khi đến Ô Tôn, lại gặp sứ của các nước Đại Uyển, Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, An Tư, làm rõ uy danh của nhà Hán. Năm 115 trước công nguyên, Trương Khiên cùng với khoảng mười người trong đoàn sứ của Điểu Tôn trở về đến Trường An. Từ đó, mở ra quan hệ hữu hảo giữa Hán và các nước Tây Vực.
“Sử ký” của Tư Mã Thiên , gọi Trương Khiên trong chuyến đi Tây Vực là “tạc không”, “không” tức là “Khổng” ý nói mở ra con đường lễ nghĩa. Từ đó, chuyến đi Tây Vực của Trương Khiên xuất phát từ Trường An đã khiến cho người Trung Quốc qua đó đến được Tây Á, Bắc Phi và Châu Âu. Nó đã dần mở ra sự giao lưu văn hoá và kinh tế giữa Trung Quốc với phương Tây, từ đó hình thành con đường tơ lụa rất đặc sắc từ Trung Quốc sang phía Tây, vì thế ngày nay gọi Trương Khiên là người đã mở ra con đường tơ lụa. Hai lần sang Tây Vực của Trương Khiên không chỉ mở rộng văn minh của triều Hán ra nước ngoài mà còn mang về Trung Hoa vốn văn hoá vô cùng phong phú của các nước xung quanh. Ngày nay, con đường tơ lụa không dứt những du khách trong ngoài nước, tiếp tục góp phần giao lưu văn hoá từ Trung Quốc sang phương Tây.
Con đường tơ lụa
Con đường tơ lụa chỉ con đường giao thông giữa Trung Quốc đến phương Tây từ triều Hán, những sản phẩm tơ lụa gấm vóc của Trung Quốc qua con đường này được chuyên chở đến phương Tây, vì thế gọi là con đường tơ lụa. Trong thế giới cổ đại, chỉ có Trung Quốc là nước có cây dâu, nuôi tằm sản xuất ra tơ lụa. Những tài liệu khảo cổ đã chứng minh, từ đời Thương, Chu, Chiến Quốc các sản phẩm tơ lụa đã được sản xuất ở trình độ kỹ thuật cao. Lúc đó, các sản phẩm tơ lụa của Trung Quốc dưới bàn tay của các dân tộc vùng Tây Bắc đã được mang tới các nước Trung Á và Ấn Độ.
Đầu triều Hán, Trung Quốc đã chiếm các nước Ô Tôn, Nguyệt Thị, Hung Nô, các nước nhỏ ở Tây Vực Lục Châu bị Hung Nô khống chế, con đường từ Hán sang phương Tây còn rất nhiều khó khăn. Sau năm Nguyên Quang thứ hai (133 trước công nguyên), Hán Võ Đế liên tiếp đưa quân đánh chiếm Hung Nô, củng cố vùng biên giới phía tây bắc, lại liên tiếp thành lập bốn quận Tửu Tuyền, Võ Uy, Trương Dịch, Đôn Hoàng, cắt đứt mọi liên hệ với người Hung Nô và người Khương để thông với Tây Vực. Lại từ Đôn Hoàng đến Diêm Trạch (nay là La Bố Bạc) đã cho củng cố và xây dựng rất nhiều công trình phòng thủ để ngăn chặn Hung Nô tiến về phía nam. Năm 77 trước công nguyên, quân Hán đánh chiếm nước Lâu Lan, rồi đổi tên nước là Thiện Thiện, dời kinh đô đến phía nam thành Thiên Nê. Năm 60 trước công nguyên, triều Hán bắt đầu đô hộ Tây Vực, lập đồn điền ở thành Ô Luỹ (nay ở phía đông Luân Đài, Tân Cương) để bảo vệ con đường Tây Vực. Sau khi Trương Khiên đã sớm kết liên minh với Ô Tôn, sứ giả, thương nhân người Hán thường đi về phía tây, tăng cường việc buôn bán tơ lụa ở đây, số lượng tơ lụa từ đây chuyển sang phía tây không ngừng tăng, đồng thời, từ các nước phía tây, những sản phẩm quý hiếm cũng được đưa về Trung Quốc. Sau đó từ thời Vương Mãng đến cuối triều Hán, ở Tây Vực tuy mấy lần thay đổi tình hình, mối quan hệ với triều Hán có gián đoạn nhưng việc buôn bán qua lại vẫn có ảnh hưởng rất lớn.