Triều Hán từ năm 202 trước công nguyên, phân phong bảy nước cho công thần khác họ làm vương, chín nước cho con em trong họ làm vương. Lại có hơn một trăm hầu quốc. Người được phong hầu chỉ được hưởng ấp, không làm việc hành chính. Vương quốc đó nghiễm nhiên độc lập : “chế độ cung thất của bách quan cũng giống như ở kinh sư”. Việc này chỉ xảy ra khi chế độ trung ương tập quyền còn chưa ổn định, biện pháp tạm thời “bất vi giả vương điền chi, kỳ thế bất định” (không nộp to thuế đầy đủ cho vua chúa nên thế không ổn định). Cho nên khi nghiệp đế đã xác định, Lưu Bang và Lữ Hậu đã dùng một loạt các biện pháp để tiêu diệt các công thần khác họ. Trường Sa vương Ngô Nhuế chỉ sau khi được phong có 4 tháng thì chết vì bệnh, đó là may mắn nhất.  Những kẻ khác hoặc bị giết hoặc bị bức mà mất mạng ở Hung Nô, tất cả đều chẳng ai may mắn.

Lữ Hậu là nữ chủ chuyên chính, cho Lữ Sản làm Tướng quốc, Lữ Lộc làm Thượng tướng quân. Họ Lữ được phong tam vương, dẫn đến việc đại thần trong và ngoài triều ghen ghét, nung nấu lâu ngày thành “Chư Lữ chi loạn” (loạn của bọn họ Lữ). Đến khi thế lực của nhà họ Lữ bị tiêu diệt, Văn Đế Lưu Hằng được tôn lên ngôi, triều Hán hưng thịnh trở lại đất nước mới ổn định. Văn Đế ở ngôi 23 năm, truyền ngôi cho con là Lưu Khải, lấy hiệu là Cảnh Đế, ở ngôi 16 năm. 39 năm này từ năm 179 đến năm 141 trước công nguyên, cục diện chính trị của triều Hán được chính quy hoá. Căn cứ vào pháp luật truyền thống, “đạo đức bác văn viết Văn” (đạo đức tràn làn khắp nơi gọi là Văn), “do nghĩa nhi tế viết Cảnh” (do nghĩa đạt đén nơi đến chốn gọi là Cảnh).  Văn và Cảnh đều là  cách xưng hô  đẹp. Lưu Hằng cùng Lưu Khải giảm nhẹ hình pháp, bớt tô thuế, thân thiện với nhà Nho, cầu hiền tài, năm nào gặp việc  không hay thì hạ chiếu chê trách chứ không làm to chuyện, đều một ý cùng nhân dân nghỉ ngơi. Cung kiệm vô vi đã tạo thành thời đại Văn Cảnh chi trị là thời kỳ được các nhà sử học ca ngợi nhất trong lịch sử Trung Quốc từ sau khi thống nhất.

Hai vua Văn, Cảnh (Văn Đế, Cảnh Đế) trước sau đã cai trị gần 40 năm. Theo sử sách ghi chép lại, do kinh tế được khôi phục, đời sống của dân được đầy đủ, kho tàng của quốc gia đầy ắp lương tiền, dây buộc tiền để lâu ngày mục nát mà vẫn chưa dùng đến, lương thực tích trữ nhiều năm đến nỗi biến chất.Vì thế, tài chính quốc gia dư dật, dân số không ngừng gia tăng, xuất hiện cuộc sống thanh bình. Hình ảnh này đã được các nhà sử học đời sau goi là “Văn Cảnh chi trị”, làm cơ sở vững chắc cho đời Hán Vũ Đế về sau.

“Thanh tĩnh vô vi”

 Đầu đời Tây Hán, tư tưởng “Thanh tĩnh vô vi” của học phái Hoàng  Lão  đã trở thành tư tưởng chủ đạo của phép trị nước.  Học phái Hoàng Lão cũng chính là học phái Đạo gia, học phái này tôn Hoàng đế, Lão Tử làm người sáng lập, chủ trương thống trị bằng thuật “vô vi nhi trị”, cho rằng  người cai trị  chỉ cần thực hiện cai trị một cách đơn giản, không sinh ra nhiều việc phức tạp, dân chúng sẽ vì an tĩnh mà không nghĩ đến việc chống lại. Thời Cao Tổ chính đã dùng phép “vô vi nhi trị”, đời Huệ Đế cũng tiếp tục như thế. Đến thời chấp chính của Văn Đế và Cảnh Đế đã tiến thêm một bước  việc thực hiện  chính sách “cùng dân ngơi nghỉ”, “vô vi nhi trị”.

“Hoàng Đế chi học” cùng với học thuyết “Lão Trang” nói chung đều nhấn mạnh “hư”, “nhân”, “tĩnh” đều yêu cầu người cai trị  về chính trị phải “thanh tĩnh vô vi”, “vô vi nhi trị”. Tất nhiên hai học thuyết này không hoàn toàn giống nhau, “Hoàng Đế chi học” đồng thời với việc nhấn mạnh  vô vi, cũng rất chú trọng đến “hình”, “đức” chính là việc thêm vào tư tưởng “vô vi nhi vô bất vi” trong  học thuyết  của Đạo giáo nguyên thuỷ. Cho nên , việc thực thi chính trị Vô vi của “Hoàng Lão” không phải là vô vi tiêu cực mà là sự lựa chọn sách lược của giai cấp thống trị. Trong nội bộ giới tư tưởng và tập đoàn thống trị đầu triều Hán đã khuyến khích những người giành được hoàng quyền theo tư tưởng Đạo gia khiến cho tư tưởng này được vận dụng vào thực tế, và quả thực là, nó đã góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Đầu triều Hán,  tham gia vào cách cai trị không chỉ  có một phái của Đạo gia, Lục Giả  đã chỉ ra , không thể “lập tức” trị thiên hạ, về cơ bản tư tưởng này cũng thuộc phạm trù của Nho gia, nó cũng giống như chủ trương vô vi nhi trị, làm rõ nhà Nho cũng  “đồ thời thiên dữ  thế  yển ngưỡng”  (chạy theo thời, ngửa theo thế) tích cực thay đổi  phần lạc hậu trong Nho học nguyên thuỷ để kết hợp với chính trị hiện tại. Từ ý nghĩa này mà nói, việc lựa chọn đường lối chính trị “thanh tĩnh vô vi” không thể quy kết hoàn toàn do ảnh hưởng của tư tưởng Đạo gia mà tầng lớp thống trị đời Hán do  căn cứ vào thực tế lịch sử lúc bấy giờ đã nhận thức được yêu cầu phổ biến của xã hội. Sự bất an dưới triều Tần và Chiến Quốc là cơ sở xã hội của những yêu cầu này, nhưng yêu cầu phổ biến của xã hội không  thể bao giờ cũng là tư tưởng của tầng lớp thống trị. Xã hội sau khi Tần thống nhất cũng hy vọng vào   một cuộc sống hoà bình, an ninh, nhưng tầng lớp thống trị chưa đáp ứng được yêu cầu này của nhân dân, vương triều chuyên chế trung ương tập quyền lần đầu tiên thống nhất được Trung Quốc  đã nhanh chóng diệt vong.  Những biểu hiện tàn bạo của triều Tần trong lịch sử vẫn còn thể hiện đầu triều Hán, toàn bộ bộ máy quan liêu chưa thay đổi tính chất  của triều Tần, Hán Cao Tổ đã nghiêm khắc phê phán các cấp quan lại “bối công lập tư”. Hán Văn Đế đã  đúc kết lại những  sai lầm “lại  chi bất bình, chính chi bất tuyên, dân chi bất ninh” (kẻ lại không yên ổn, chính trị không truyền rõ, dân không an ninh). Nhà chính trị nổi tiếng Giả Nghị đã chỉ ra: “Nãng chi vi Tần giả, kim  chuyển nhi vi Hán hĩ” (Xưa thì theo Tần, nay thì theo Hán) . Cho nên, tầng lớp thống trị triều Hán đã lựa chọn phương pháp cai trị phù hợp với yêu cầu xã hội, có những điều chỉnh lớn với những chính sách của tập đoàn thống trị, hoàn toàn không phải là vô vi tiêu cực.

Văn Cảnh chi trị

     Nếu chỉ dựa vào chính sách an ninh “thanh tĩnh vô vi” không thể đưa xã hội đến sự tiến bộ chắc chắn. Việc gia tăng sản xuất  của cải vật chất đã khiến cho phần đóng góp của nhân dân được giảm nhẹ, tài năng làm cho người dân có thu nhập cao. Sau khi lên ngôi, đầu triều Hán, Lưu Bang đã thay đổi chính sách tận thu của Tần Thuỷ Hoàng. Đời Cảnh Đế, cuối cùng phần thu về đất đai được quy định là “30 thu một”, về sau trở thành qui định lâu dài. Ngoài ra, các loại thuế khác ở đời  Văn Cảnh đều được giảm nhẹ ở những mức độ khác nhau. Lao dịch tăng cao là một biểu hiện của  chế độ bạo ngược đời  Tần Thuỷ Hoàng, tầng lớp thống trị đầu triều Hán đã rất hạn chế việc sử dụng sức lực của nhân dân. Để giảm nhẹ mọi nỗi khổ của nhân dân do tô thuế, Văn Đế hạ lệnh  các liệt hầu không được cư trú ở kinh thành mà phải trở về nước của mình. Văn Đế đã mở đầu cho “Tịch điền chế” (chế độ ruộng của nhà vua tự nhà vua cày) thể hiện việc coi trọng sản xuất nông nghiệp. Hai vua Văn, Cảnh còn nhiều lần hạ chiếu khuyến khích khẩn hoang, lệnh cho quan sứ các quận quốc phải chú trọng việc nông tang, phát triển sản xuất, lập “hiếu đễ lực điền”, khen ngợi những nông dân nỗ lực sản xuất.  Những chính sách hoặc pháp lệnh này đã  có tác dụng góp phần nhanh chóng ổn định trật tự xã hội và khôi phục phát triển sản xuất, làm cho nền kinh tế của quốc gia phong kiến phát triển, nền kinh tế tiểu nông đầu triều Hán trong có mấy mươi năm đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Đầu triều Hán, nhà nước  còn điều chỉnh sai lầm trong chính sách ức thương, khiến cho thương nhân và thương nghiệp lưu thông, có tác dụng phát huy việc phục vụ xã hội. Thời Văn Đế lại tiếp thu phương pháp của Tiều Thác  “nhập cốc bái tước” (nộp lương thì được phong tước) làm cho nguyện vọng được đề cao địa vị xã hội của thương nhân được thoả mãn, nông dân sản xuất được nhiều lương thực cũng có thể làm quan.

     Sự phiền hà và tàn bạo của pháp luật đời Tần đã khiến cho tù nhân đầy đường, nhà tù nhiều như phường phố, thiên hạ oán giận, buộc phải làm phản. Tầng lớp thống trị không thể xa rời pháp luật, nhưng pháp luật hà khắc chỉ có thể mang lại mối nguy cho xã hội, khiến cho người thân xa cách, quần chúng chống lại. Hình pháp thời Văn Cảnh như lịch sử ghi chép lại rất khoan dung, giảm nhẹ so với luật pháp dưới triều Tần. Đặc biệt Văn Cảnh là người rất tôn trọng pháp luật, ông tín nhiệm những người như Đình  uý Trương Thích khi làm việc không chỉ đề cao vương quyền mà còn dám ủng hộ sự tôn nghiêm của pháp luật, đề ra quan niệm về pháp luật “Thiên tử sở vu thiên hạ công cộng” (của nhà vua và của thiên hạ là của chung), đã lưu lại rất nhiều giai thoại. Thí dụ một  lần Văn Đế muốn xử người của Cảnh Kỳ ngự mã  cực hình, nhưng Trương Thích cho rằng tội ấy có thể phạt tiền, cuối cùng Văn Đế đã tán thành. Lại có một lần, Văn Đế muốn xử kẻ ăn trộm viên ngọc ở miếu Cao Tổ tử hình cả họ, nhưng Đình uý cho rằng chỉ có thể phạt tội riêng người ấy, Văn Đế không thể không tôn trọng ý kiến của Đình uý.  Mấy chục năm đầu triều Hán, hình pháp được giảm nhẹ nhưng thể hiện thái độ bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật mang lại cho nhân dân một cuộc sống ổn định.

    Có thể nói, trong việc sử dụng quyền lực, tầng lớp thống trị đầu triều Hán rất có ý thức phản tỉnh, biết kiểm soát những hành động của mình. Lối sống này bắt đầu từ đầu triều Hán, thời Văn Cảnh hưng thịnh. Trước đó, Lưu Bang đã chê trách Tiêu Hà xây dựng cung Vị Ương  tráng lệ chứng tỏ ông biết tiết kiệm sức dân, hạn chế tham lam dục vọng. Thời Huệ Đế, Lữ Hậu cũng  chú ý tiết kiệm, không có những việc làm khoa trương. Hai vua Văn Cảnh càng tự hạn chế mọi mặt, cố gắng không mệt mỏi  nêu gương liêm khiết, cần kiệm cho toàn xã hội. Văn Đế muốn xây đựng một “lộ đài” sau khi tính toán thấy tốn kém quá đã bỏ ý định ấy. Chân phu nhân rất được ông nuông chiều nhưng “áo không quét đất, màn che không thêu hoa”. Khác với Tần Thuỷ Hoàng xây dựng   phần mộ đồ sộ, với việc sống chết, Văn Đế có sự giải thích rất đơn giản, ông nói: “Vạn vật trong thiên hạ đều có sinh ra rồi đều có chết đi, người chết  là lẽ thường của trời đất, điều tự nhiên của vạn vật”.  Vì thế ông xây dựng Bá lăng “tất cả đều bằng sành, không có vàng bạc đồng thiếc. Dựa vào núi, không đắp mộ”. Trong lịch sử phong kiến, các bậc đế vương như thế thật ít thấy. Văn Cảnh cũng một lần hạ chiếu phản đối việc  điêu văn khắc lâu, yêu cầu quan lại các cấp phải coi trọng việc nông tang mà coi nhẹ vàng bạc châu ngọc, lại phải cố định các hình thức pháp luật. Phẩm chất cá nhân của tầng lớp thống trị tuy không phải là biểu hiện và nhân tố có tính quyết định sự tiến bộ  của xã hội nhưng từ bản thân những việc làm này ta  cũng thấy được tác phong sống cần kiệm cải thiện nếp sống của toàn xã hội, giảm nhẹ được sức dân và hạn chế tham ô lãng phí trong xã hội là một việc làm có ích.

    Văn Cảnh nhấn mạnh việc thống nhất, phản đối việc chia rẽ. Đầu triều Hán đã tiến hành phân phong cho các chư hầu khác họ. Các chư hầu vương này đã rất nhanh chóng trở thành thế lực cát cứ. Lưu Bang đã đấu tranhh cuối cùng  chấm dứt được nạn chư hầu vương khác họ cát cứ. Nhưng ông đã  không chịu tổng kết sai lầm từ những bài học của lịch sử, lại phân phong hàng loạt cho các chư hầu vương cùng họ, họ đã chiếm được những vùng đất trù phú và đông dân cũng rất nhanh chóng trở thành những thế lực địa phương đối kháng với trung ương, uy hiếp nghiêm trọng  chính quyền trung ương mới thống nhất chưa được bao lâu. Thời Cảnh Đế, Ngô vương Lưu T‏y   là thế lực cát cứ tiêu biểu đã liên kết  với 7 nước để làm phản, Cảnh Đế đã phải dùng những biện pháp dứt khoát trong 3 tháng để dẹp yên được cuộc phản loạn này,  tiêu diệt được thế lực cát cứ. Loạn 7 nước chưa làm được  gì ảnh hưởng đến sự ổn định của triều Hán trong những năm đầu, nhân dân vẫn an cư lạc nghiệp liên quan mật thiết đến tâm lý chán ghét rối loạn, chính sách chăm lo sức dân đã  đạt được hiệu quả chính trị tích cực. Cảnh Đế đã nắm được thời cơ có lợi, dần từng bước tăng cường chế độ trung ương tập quyền. Thứ nhất là, tiếp tục thực hiện kế hoạch “chúng kiến chư hầu vương nhi thiểu kỳ lực”, đất đai ở các nước chư hầu được chia cho nhiều  các chư hầu vương, làm cho lực lượng yếu đi. Hai là, cải cách chế độ chính trị. Các quan chức ở các chư hầu trước do các chư hầu vương  bổ nhiệm nay thay bằng  chính quyền trung ương trực tiếp bổ nhiệm, từ cách gọi cũng có sự phân biệt giữa các quan chức trung ương  và các quan chức ở các vương quốc, hạ thấp địa vị của các quan chức ở vương quốc. Thứ ba, “lệnh cho các chư hầu vương không được trở lại  giành quyền thống trị ở các vương quốc. Thông qua những việc làm này, vấn đề các vương quốc được giải quyết triệt để cục diện tập quyền trung ương thống nhất mới thực sự hình thành.

    Để ổn định,  nhà vua đã đánh vào các thế lực làm rối loạn. Cái gọi là thế lực làm rối loạn  ở đầu triều Hán chủ yếu là thế lực cường hào.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here