Văn Cảnh chi trị
Nếu chỉ dựa vào chính sách an ninh “thanh tĩnh vô vi” không thể đưa xã hội đến sự tiến bộ chắc chắn. Việc gia tăng sản xuất của cải vật chất đã khiến cho phần đóng góp của nhân dân được giảm nhẹ, tài năng làm cho người dân có thu nhập cao. Sau khi lên ngôi, đầu triều Hán, Lưu Bang đã thay đổi chính sách tận thu của Tần Thuỷ Hoàng. Đời Cảnh Đế, cuối cùng phần thu về đất đai được quy định là “30 thu một”, về sau trở thành qui định lâu dài. Ngoài ra, các loại thuế khác ở đời Văn Cảnh đều được giảm nhẹ ở những mức độ khác nhau. Lao dịch tăng cao là một biểu hiện của chế độ bạo ngược đời Tần Thuỷ Hoàng, tầng lớp thống trị đầu triều Hán đã rất hạn chế việc sử dụng sức lực của nhân dân. Để giảm nhẹ mọi nỗi khổ của nhân dân do tô thuế, Văn Đế hạ lệnh các liệt hầu không được cư trú ở kinh thành mà phải trở về nước của mình.
Văn Đế đã mở đầu cho “Tịch điền chế” (chế độ ruộng của nhà vua tự nhà vua cày) thể hiện việc coi trọng sản xuất nông nghiệp. Hai vua Văn, Cảnh còn nhiều lần hạ chiếu khuyến khích khẩn hoang, lệnh cho quan sứ các quận quốc phải chú trọng việc nông tang, phát triển sản xuất, lập “hiếu đễ lực điền”, khen ngợi những nông dân nỗ lực sản xuất. Những chính sách hoặc pháp lệnh này đã có tác dụng góp phần nhanh chóng ổn định trật tự xã hội và khôi phục phát triển sản xuất, làm cho nền kinh tế của quốc gia phong kiến phát triển, nền kinh tế tiểu nông đầu triều Hán trong có mấy mươi năm đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Đầu triều Hán, nhà nước còn điều chỉnh sai lầm trong chính sách ức thương, khiến cho thương nhân và thương nghiệp lưu thông, có tác dụng phát huy việc phục vụ xã hội. Thời Văn Đế lại tiếp thu phương pháp của Tiều Thác “nhập cốc bái tước” (nộp lương thì được phong tước) làm cho nguyện vọng được đề cao địa vị xã hội của thương nhân được thoả mãn, nông dân sản xuất được nhiều lương thực cũng có thể làm quan.
Sự phiền hà và tàn bạo của pháp luật đời Tần đã khiến cho tù nhân đầy đường, nhà tù nhiều như phường phố, thiên hạ oán giận, buộc phải làm phản. Tầng lớp thống trị không thể xa rời pháp luật, nhưng pháp luật hà khắc chỉ có thể mang lại mối nguy cho xã hội, khiến cho người thân xa cách, quần chúng chống lại. Hình pháp thời Văn Cảnh như lịch sử ghi chép lại rất khoan dung, giảm nhẹ so với luật pháp dưới triều Tần. Đặc biệt Văn Cảnh là người rất tôn trọng pháp luật, ông tín nhiệm những người như Đình uý Trương Thích khi làm việc không chỉ đề cao vương quyền mà còn dám ủng hộ sự tôn nghiêm của pháp luật, đề ra quan niệm về pháp luật “Thiên tử sở vu thiên hạ công cộng” (của nhà vua và của thiên hạ là của chung), đã lưu lại rất nhiều giai thoại. Thí dụ một lần Văn Đế muốn xử người của Cảnh Kỳ ngự mã cực hình, nhưng Trương Thích cho rằng tội ấy có thể phạt tiền, cuối cùng Văn Đế đã tán thành. Lại có một lần, Văn Đế muốn xử kẻ ăn trộm viên ngọc ở miếu Cao Tổ tử hình cả họ, nhưng Đình uý cho rằng chỉ có thể phạt tội riêng người ấy, Văn Đế không thể không tôn trọng ý kiến của Đình uý. Mấy chục năm đầu triều Hán, hình pháp được giảm nhẹ nhưng thể hiện thái độ bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật mang lại cho nhân dân một cuộc sống ổn định.
Có thể nói, trong việc sử dụng quyền lực, tầng lớp thống trị đầu triều Hán rất có ý thức phản tỉnh, biết kiểm soát những hành động của mình. Lối sống này bắt đầu từ đầu triều Hán, thời Văn Cảnh hưng thịnh. Trước đó, Lưu Bang đã chê trách Tiêu Hà xây dựng cung Vị Ương tráng lệ chứng tỏ ông biết tiết kiệm sức dân, hạn chế tham lam dục vọng. Thời Huệ Đế, Lữ Hậu cũng chú ý tiết kiệm, không có những việc làm khoa trương. Hai vua Văn Cảnh càng tự hạn chế mọi mặt, cố gắng không mệt mỏi nêu gương liêm khiết, cần kiệm cho toàn xã hội. Văn Đế muốn xây đựng một “lộ đài” sau khi tính toán thấy tốn kém quá đã bỏ ý định ấy. Chân phu nhân rất được ông nuông chiều nhưng “áo không quét đất, màn che không thêu hoa”. Khác với Tần Thuỷ Hoàng xây dựng phần mộ đồ sộ, với việc sống chết, Văn Đế có sự giải thích rất đơn giản, ông nói: “Vạn vật trong thiên hạ đều có sinh ra rồi đều có chết đi, người chết là lẽ thường của trời đất, điều tự nhiên của vạn vật”. Vì thế ông xây dựng Bá lăng “tất cả đều bằng sành, không có vàng bạc đồng thiếc. Dựa vào núi, không đắp mộ”. Trong lịch sử phong kiến, các bậc đế vương như thế thật ít thấy. Văn Cảnh cũng một lần hạ chiếu phản đối việc điêu văn khắc lâu, yêu cầu quan lại các cấp phải coi trọng việc nông tang mà coi nhẹ vàng bạc châu ngọc, lại phải cố định các hình thức pháp luật. Phẩm chất cá nhân của tầng lớp thống trị tuy không phải là biểu hiện và nhân tố có tính quyết định sự tiến bộ của xã hội nhưng từ bản thân những việc làm này ta cũng thấy được tác phong sống cần kiệm cải thiện nếp sống của toàn xã hội, giảm nhẹ được sức dân và hạn chế tham ô lãng phí trong xã hội là một việc làm có ích.
Văn Cảnh nhấn mạnh việc thống nhất, phản đối việc chia rẽ. Đầu triều Hán đã tiến hành phân phong cho các chư hầu khác họ. Các chư hầu vương này đã rất nhanh chóng trở thành thế lực cát cứ. Lưu Bang đã đấu tranhh cuối cùng chấm dứt được nạn chư hầu vương khác họ cát cứ. Nhưng ông đã không chịu tổng kết sai lầm từ những bài học của lịch sử, lại phân phong hàng loạt cho các chư hầu vương cùng họ, họ đã chiếm được những vùng đất trù phú và đông dân cũng rất nhanh chóng trở thành những thế lực địa phương đối kháng với trung ương, uy hiếp nghiêm trọng chính quyền trung ương mới thống nhất chưa được bao lâu. Thời Cảnh Đế, Ngô vương Lưu Ty là thế lực cát cứ tiêu biểu đã liên kết với 7 nước để làm phản, Cảnh Đế đã phải dùng những biện pháp dứt khoát trong 3 tháng để dẹp yên được cuộc phản loạn này, tiêu diệt được thế lực cát cứ. Loạn 7 nước chưa làm được gì ảnh hưởng đến sự ổn định của triều Hán trong những năm đầu, nhân dân vẫn an cư lạc nghiệp liên quan mật thiết đến tâm lý chán ghét rối loạn, chính sách chăm lo sức dân đã đạt được hiệu quả chính trị tích cực. Cảnh Đế đã nắm được thời cơ có lợi, dần từng bước tăng cường chế độ trung ương tập quyền. Thứ nhất là, tiếp tục thực hiện kế hoạch “chúng kiến chư hầu vương nhi thiểu kỳ lực”, đất đai ở các nước chư hầu được chia cho nhiều các chư hầu vương, làm cho lực lượng yếu đi. Hai là, cải cách chế độ chính trị. Các quan chức ở các chư hầu trước do các chư hầu vương bổ nhiệm nay thay bằng chính quyền trung ương trực tiếp bổ nhiệm, từ cách gọi cũng có sự phân biệt giữa các quan chức trung ương và các quan chức ở các vương quốc, hạ thấp địa vị của các quan chức ở vương quốc. Thứ ba, “lệnh cho các chư hầu vương không được trở lại giành quyền thống trị ở các vương quốc. Thông qua những việc làm này, vấn đề các vương quốc được giải quyết triệt để cục diện tập quyền trung ương thống nhất mới thực sự hình thành.
Đốt sách
Ban đầu, Tần Thuỷ Hoàng chưa có những thủ đoạn tàn khốc trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá , từ năm Thuỷ Hoàng thứ 26 (221 trước công nguyên) thực hiện thống nhất Trung Quốc, đến năm Thuỷ Hoàng thứ 34 (213 trước công nguyên) thời gian là 8 năm, từ các cung đình của 6 nước và trong dân gian một số lượng lớn văn hiến cổ điển đã được sưu tập. Đồng thời, hơn 70 các lão học giả đã được triệu tập nhận chức quan bác sĩ, ngoài ra còn tập hợp hơn 20000 học sinh để giúp việc cho họ. Mục đích của triều đình là để sử dụng họ vào việc tiến hành chọn lọc các thành tựu của văn hoá cổ điển, để chính quyền có thể ra lệnh cấm đối với những sách vở không có lợi cho chính quyền chuyên chế phong kiến, phổ biến số sách có lợi cho chính quyền của Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng đã nói thành thật: “ Ta cho thu thập sách trong thiên hạ trước đây, không kể loại sách nào là muốn thiên hạ thái bình”. Vì thế không chỉ đối với hơn 70 quan bác sĩ mà đối với các chư sinh, Tần Thuỷ Hoàng cũng đối đãi rất thâm hậu.
Sự kiện đốt sách phát sinh vào năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 34, tức năm 213 trước công nguyên. Xem lại các tư liệu , có thể thấy nguyên nhân và kết cục của sự việc này có mối liên hệ chặt chẽ. Một hôm, Tần Thuỷ Hoàng mở đại yến thết đãi quần thần, Bộc xạ Chu Thanh Thần cùng hơn 70 người đến dự, đề cao công đức của Tần Thuỷ Hoàng đã nói một số lời ca tụng, như “trước kia, nước Tần không quá nghìn dặm, nay bệ hạ như thần linh minh thánh, đã bình định cả nước, không ai không hàng phục. Các nước chư hầu đã trở thành quận huyện, người người vui sướng, không còn sợ hoạ chiến tranh, sự nghiệp truyền đến vạn đời, chưa ai có uy đức bằng bệ hạ.”
Những lời ca tụng này tưởng cũng không có gì lạ, nhưng bác sĩ Thuần Vu Việt rất khó chịu. Ông lên tiếng phản đối: “Thần nghe nói ngôi vua đời Ân Chu truyền được nghìn năm, vì đã phong đất cho con em các công thần để giúp giập, nay bệ hạ đã có cả nước, mà con em vẫn như hạng thất phu, đất không có một tấc, khi có hoạ trong lục khanh, lấy ai phò vua cứu nước?” Dĩ nhiên để củng cố và phát triển, vương triều Tần không phải đã phá hoại tất cả những cái gì của chế độ cũ mà Tần Thuỷ Hoàng đã có chủ trương giữ cũ nhưng đổi mới, dần tiến hành những cải cách, sử dụng cả những thủ đoạn và truyền thống cũ.
Những lời nói của Thuần Vu Việt rõ ràng là có khuynh hướng phục cổ, nhưng nếu suy đoán có thể thấy đó không phải là phủ nhận sự nghiệp thống nhất đất nước của Tần Thuỷ Hoàng mà đó là những lời khuyên chân thành thể hiện một tấm lòng luôn lo lắng cho sự phát triển của vương triều Tần. Trước những lời khuyên chân thành này, người thống trị tối cao của vương triều Tần lẽ ra phải có thái độ suy nghĩ một cách trầm tĩnh. Tần Thuỷ Hoàng vốn là người miệt thị Nho gia, tôn sùng tư tưởng Pháp gia, ông ta vô cùng sùng bái chủ trương của Hàn Phi, một tập đại thành của tư tưởng Pháp gia: “Minh chủ chi quốc, vô thư giản chi văn, dĩ pháp vi giáo, vô tiên vương chi ngữ, dĩ sử vi sư.” (Nước có minh chủ, văn không cần sách, lấy pháp luật để dạy, không lấy lời người xưa, lấy việc cụ thể làm thầy.” Coi như tài này đã làm cho quốc phú binh cường, một diệu pháp đã vượt qua cả thời Tam hoàng Ngũ đế, cho nên trong lòng có vẻ không vừa ý với bọn bác sĩ chư sinh.
Thừa tương Lý Tư phản đối kịch liệt ý kiến của Thuần Vu Việt, lại đẩy vấn đề lên tới xu hướng cực đoan. Ông ta nói: “ Thời Ngũ đế không trở lại, Tam đại cũng không cần bắt chước, trong phép trị nước, có khi phải làm ngược lại, sao cho phù hợp với sự thay đổi của thời thế. Nay bệ hạ đã lập đại nghiệp, công ấy truyền đến muôn đời, bọn Nho sinh cổ hủ làm sao hiểu được. Chuyện đời Tam đại mà ông nói liệucó giúp ích được gì? Lúc ấy các chư hầu đánh nhau, chiến tranh liên miên, nay thiên hạ dã thái bình, luật lệ đã ban, trăm họ đã yên tâm, công nông thì dùng sức, kẻ sĩ thì học tập pháp luật. Nay các chư sinh không hiểu kim mà chỉ học cổ, không đếm xỉa gì đến hoàn cảnh hiện tại, làm nhiễu loạn dân chúng. Lý Thừa tướng lại nói những lời chết người: “Ngày xưa, thiên hạ rối loạn và phân tán, không ai thống nhất được. Do đó, chư hầu tranh nhau. Khi nói, mọi người đều đem chuyện đời xưa làm hại việc nay bày đặt những lời nói suông làm hại việc thực. Mọi người đều lấy cái học riêng của mình để chê bai điều nhà vua làm. Nhưng nay Hoàng đế đã thâu tóm cả thiên hạ, phân biệt trắng đen mà đưa ra điều duy nhất được tôn trọng. Trái lại, những kẻ theo cái học riêng của mình cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta, khi nghe lệnh ban xuống tức thì họ đều lấy cái học của riêng mình để bàn tán. Khi vào triều thì trong bụng chê bai. Ra ngoài đường thì xúm bàn trong ngõ, chê vua để lấy tiếng, làm khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ dưới phỉ báng. Nếu cứ thế mà không cấm thì ở trên uy thế nhà vua giảm sút, ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Phải cấm hết”. Những lời nói lợi hại của Lý Tư khiến cho Tần Thuỷ Hoàng được thuyết phục, chấp thuận đề nghị đốt sách của Lý Tư, chỉ trừ những sách về lịch sử nước Tần, còn các sách về “Thi”, “Thư”, toàn bộ các sách của bách gia đều bị đốt. Trừ những tranh vẽ do các quan tổng quản đang giữ, những sách về nghề nông, chữa bệnh, và bói toán, các sách khác đều phải giao nộp cho quan phủ để thiêu huỷ. Lệnh cho trong vòng 30 ngày phải đốt hết, nếu không sẽ chịu tội hình và lao dịch. Sau này nếu còn ai dám mang thi thư ra bàn luận sẽ bị tử hình. Kẻ nào mượn chuyện đời xưa để phê phán ngày nay cả nhà bị chết. Quan lại các cấp nếu biết mà không trừng trị cũng bị trừng trị như mắc tội. Đề nghị của Lý Tư ngoài việc làm vừa lòng Tần Thuỷ Hoàng còn châm ngọn lửa thiêu đốt biết bao nhiêu sách vở, chỉ chưa đến 30 ngày, biết bao những văn hiến cổ đại trước đời Tần đã biến thành đống tro tàn, những tư tưởng, văn hoá cổ đại của Trung Quốc trước đây bị tận diệt. Đây chính là sự kiện mà lịch sử gọi là “phần thư” (đốt sách).
Chôn nho
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thực hiện đốt sách một năm, lại xuất hiện bi kịch chôn nhà nho. Tần Thuỷ Hoàng biết, sách tuy đã đốt, nhưng tư tưởng của con người ta không có cách nào đốt được, trong cơ cấu chínhquyền của ông ta, còn có một bộ phận có tư tưởng phục cổ trong văn hoá, số người này tất nhiên phải diệt trừ, nhưng làm thế nào để diệt được họ?
Tần Thuỷ Hoàng là người có tính cách đặc biệt, ông là người đã từng lâm trận, chỉ huy nghìn quân vạn mã anh dũng thôn tính 6 nước nhưng lại là người mê tín thần tiên, có tâm lý tham sống, sợ chết. Sau khi thống nhất đất nước, trở thành vị hoàng đế đầu tiên, ông đã mê tín thần tiên, phương thuật, trọng dụng các phương sĩ, luyện đan tìm thuốc, không kể đến sự tốn kém của cải, cử người đi tận những nơi biển xa, núi cao để tìm thuốc trường sinh bất tử. Năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 35 (212 trước công nguyên) có hai phương sĩ là Hầu Sinh và Lư Sinh được cử đi tìm thuốc quý, họ thừa biết không có tiên dược nhưng vì ham muốn giàu sang họ vẫn nhận lời.
Thời gian đã lâu, sợ âm mưu lừa dối bại lộ, họ bàn với nhau: “Tần Thuỷ Hoàng là người bảo thủ cố chấp, sau khi thôn tính các chư hầu, trị vì thiên hạ càng có nhiều ham muốn xưa nay chưa từng có, chỉ đem tù ngục ra để đe doạ. Bác sĩ tuy có đến 70 người, nhưng sử dụng phí phạm. Thừa tướng và các đại thần biết việc này nhưng không dám có ý kiến gì. Chỉ biết đem chuyện giết người để tỏ quyền uy, thiên hạ chỉ vì sợ tội, vì tham lộc mà tỏ ra tận trung… Mọi việc trong thiên hạ đều do ông ta quyết định, …. Người tham quyền thế như vậy, tìm thuốc tiên để làm gì?” Vì thế họ bỏ trốn. Tần Thuỷ Hoàng nghe biết tin này nổi giận chỉ trích bọn phương sĩ ” bọn Hàn bỏ đi không nói với ta, bọn Từ Phúc làm ta tốn kém hàng ức vạn, nhưng cuối cùng vẫn không được thuốc, ngày ngày chỉ nghe chúng nói với nhau về việc tham lợi riêng của chúng. Bọn Lư Sinh được ta tôn quý thưởng cho rất nhiều nhưng lại phỉ báng ta để làm nặng điều sai lầm của ta, bọn nhà nho ở Hàm Dương được ta sai người hỏi thì có kẻ đặt ra những lời nói nhảm để làm loạn bọn đầu đen”, “Vì thế bắt quan ngự sử tra vấn các chư sinh, các chư sinh người nọ khai ra người kia tất cả có đến 460 người, tất cả đều bị chôn sống ở thành Hàm Dương lại tuyên cáo cho thiên hạ biết để làm răn.” Đây chính là việc “đào rãnh chôn sống nhà nho” nổi tiếng trong lịch sử. Việc chôn nho không chỉ xảy ra một lần, sau này còn xảy ra lần thứ hai, lần thứ ba. “Văn hiến thông khảo. Học hiệu khảo” ghi: Thuỷ Hoàng lại lệnh cho đến núi Cô Lệ , đưa các bác sĩ, chư sinh đến xem, để làm gương, giết 700 người. Thời Tần Nhị Thế nhân vụ nổi dậy của Trần Thắng, gọi các bác sĩ đến bàn mưu kế, có những người nói lời đáng nghi cũng giết mười người. Từ đó các bác sĩ học trò đời Tần không được dùng để tham khảo ý kiến, chỉ sợ chưa diệt được hết.
Phần tử trí thức xa rời tâm đức
Phải thừa nhận nguyện vọng của Lý Tư đi tìm sự thống nhất không có gì là sai lầm, vần đề chỉ xảy ra khi ông quá nhấn mạnh đến yêu cầu này, quá chú ý đến việc thống nhất ý chí và thống nhất văn hoá. Như vậy từ ý muốn vốn là đúng đắn đã dẫn đến việc làm sai lầm, đã tạo nên không khí im hơi lặng tiếng ngột ngạt khi tầng lớp thống trị cần tiến hành lựa chọn các quyết sách. Sự thực là ở Trung Quốc cũng như ở các quốc gia lớn khác, ý muốn thống nhất ý chí và thống nhất văn hoá chỉ là lý tưởng. Vì không kể sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế của chính quyền trung ương như thế nào, chỉ cần điều kiện vật chất trong cuộc sống không nảy sinh những sự thay đổi lớn, bất kỳ nguyện vọng thống nhất ý chí và thống nhất văn hoá nào cũng không thế thực hiện được, quy luật nội tại của sự phát triển văn hoá tất nhiên dẫn đến kết quả phát triển thực tế của văn hoá không giống với nguyện vọng chủ quan của người muốn thống nhất văn hoá. Vì thế, trong những điều kiện truyền thống và hoàn cảnh xã hội Trung Quốc lúc ấy, việc lựa chọn quyết sách về văn hoá chính xác là phải là tôn trọng đầy đủ truyền thống tư tưởng và truyền thống văn hoá của các trường phái, các địa phương, không thể làm thay đổi hay bác bỏ những truyền thống này, sự khác nhau của truyền thống văn hoá ở các địa phương và khác nhau về tư tưởng của các trường phải phải được tồn tại một cách độc lập và hợp pháp, trong lĩnh vực hình thái ý thức tư tưởng, các phần tử trí thức trong phạm vi nhất định đòi hỏi phải được tự do ngôn luận, từ đó, những oán giận, những bất mãn có nơi để bộc lộ. Như vậy, chủ trương chuyên chế văn hoá “thiên hạ vô dị ý” (thiên hạ không có ý khác ) của Lý Tư để có sự thống nhất và ổn định của đế quốc là không thể thực hiện được.
Kết quả của việc chuyên chế về tư tưởng có thể giúp thanh toán được hiện tượng hỗn loạn trong lời nói, giúp cho chính quyền củng cố và phát triển, nhưng hậu quả của nó là trên thực tế đã gia tăng các trào lưu tư tưởng khác, khiến cho quyền uy của tầng lớp thống trị bị sa sút, sự tín nhiệm bị giảm đi nghiêm trọng, người hợp tác ngày càng ít, người xa rời ngày càng nhiều. Vì thế, chính quyền đương thời khi gặp những sóng gió và trở ngại, những người từ trước vốn vẫn có thể cùng chèo chống nay trở thành đối lập với chính quyền, khiến cho chính quyền có nguy cơ sụp đổ. Chúng ta có thể thấy, cục diện chính trị hỗn loạn dưới triều Tần đã được Quách Mạt Nhược phân tích thấu đáo trong “Tần Sở chi gian đích Nho giả” (Nhà Nho trong thời Tần Sở), nguyên nhân cơ bản vẫn là vương triều Tần đã có những chính sách đàn áp để thực hiện thống nhất ý chí và văn hoá, công việc thường xuyên của các nhà nho không được thừa nhận, hỏi làm sao họ có thể cùng chung chèo lái hợp tác với chính quyền được?
Như vậy, những phần tử trí thức trung kiên của chính quyền phát hiện ra những sai lầm dù có chết cũng không dám nói, tất nhiên như thế là phần tử trí thức đã không làm tròn bổn phận của mình. Chính sách văn hoá của vương triều Tần là sự đàn áp khốc liệt. Trong vấn đề này, nguyên nhân và kết quả đan cài với nhau, nó là vòng tuần hoàn: văn hoá bị đàn áp dẫn đến sự ly khai bất hợp tác của các phần tử trí thức; sự ly khai và bất hợp tác ấy làm mâu thuẫn giữa họ và chính phủ gia tăng, chính phủ đương nhiên phải tăng cường đàn áp, chính phủ càng tăng cường đàn áp thì các phần tử trí thức càng ly khai và phản kháng… vòng tuần hoàn không dứt, cuối cùng chỉ có thể là chính phủ phải nhận lấy hậu quả xấu nhất. Việc đốt sách dẫn đến chuyện Hầu Sinh, Lư Sinh, chuyện Hầu Sinh, Lư Sinh dẫn đến tai nạn chôn nhà nho, rồi việc hai người này tự tìm đến với Trần vương, tất cả đều chứng minh một cách sinh động chính sách văn hoá không chỉ quan hệ đến bản thân văn hoá mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề có tính chất quyết định khác của vương triều, đến toàn bộ vận mệnh của dân tộc. Từ ý nghĩa này mà nói, không cần biết việc đốt sách chôn nho có làm Nho học bị tiêu diệt hay không nhưng về mặt văn hoá, văn minh, dân tộc Trung Hoa đã chịu một vết nhơ lớn nhất, một việc làm đen tối nhất, một tổn thất nặng nề nhất.