Bó chân là một tập quán  để làm đẹp chỉ có trong lịch sử xã hội Trung Quốc trước đây. Người ta dùng một băng vải dài, bó chặt vào mắt cá chân của phụ nữ, làm cho thịt xương biến hình, chân sẽ  bị vặn cong. Trong thời buổi này, con gái 4, 5 tuổi đã bắt đầu bó chân, đến sau khi thành niên, xương cốt đã định hình thì có thể bỏ băng vải đi.

Bó chân xuất hiện không phải là một hiện tượng tự nhiên,nó phản ánh tổng hợp lễ giáo phong kiến truyền thống và quan niệm lệch lạc về thân thể người phụ nữ. Ở Trung Quốc, trăm nghìn năm nay, người phụ nữ ở địa vị phụ thuộc nam giới, con gái chưa lấy chồng theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con, đó là điều trời định không thể vượt qua. Thói quen quan niệm “nam tôn nữ ti” khiến cho người con gái trở thành nô lệ và trò chơi của nam giới. Chính trong hoàn cảnh đó, tục bó chân đã xuất hiện.

 Quá trình thay đổi của tục bó chân

      Tục bó chân có từ thời nào, không sao biết được. Đào Tôn Nghi trong “Nam thôn chuyết canh lục” dẫn Trương Bang Cơ trong “Mặc Trang mạn lục” nói, “Nam sử” viết Đông Hôn Hầu nước Tề vì yêu Phan Quý phi đã lấy vàng tạc thành hoa sen đặt trên mỗi bước  nàng đi, gọi là “bộ bộ sinh liên hoa” (mỗi bước hoa sen nở),  nhưng chưa thấy nói đến cái chân của nàng. Nhưng “Cô Nhạc Phủ”, “Ngọc đài tân vịnh”” người viết đều ở đời Lục triều nói con gái đẹp có nhan sắc, tuổi yêu đương trang điểm sa hoa, còn nói đến cả các bộ phận như lông mày, mắt, môi, miệng, lưng, cánh tay, nhưng chưa nói đến bó chân. Có thể thấy lúc đó chưa có tục bó chân. Từ việc xem các tư liệu, có thể thấy, phụ nữ đời Đường cũng chưa có tục bó chân. Lý Bạch trong bài “Hoạt sa thanh thượng nữ” đã viết “Nhất song kim xỉ lý, Lưỡng túc bạch như sương”(Một đôi giày bằng vàng, Hai bàn chân trắng muốt). Có thể thấy phụ nữ lúc đó chưa biết bó chân, đôi bít tất cũng có thể không mang nên mới có thể nhìn thấy màu da chân.

    Dựa vào truyền thuyết, đến đời Nam Đường, hậu chủ Lý Dục, sau khi vợ trước là Nga hậu chết, buồn bã vô cùng, các phi tần tìm mọi cách để ông ta vui lòng. Cung nữ Yểu Nương dùng vải quấn chân, khi nhảy múa, trọng tâm không vững, người lắc lư như cây dương liễu trước gió. Lý hậu chủ sai thợ khéo dùng vàng chế tác thành đài Kim liên cao sáu thước, lệnh cho cung nữ lên đài mà nhảy múa, cái tên “tam thốn kim liên” từ đó mà có. Thơ đời Đường có câu “Liên trung hoa cánh hảo, Vân lý ảnh trường đoạn” (Trong sen cánh hoa thắm, Trong mây ảnh chập chờn) chính là miêu tả họ. Về sau con gái nhà khuê các đua nhau mà học, dần thành mốt, cũng giống như hiện nay, các cô gái để tóc, đi giày, cứ thế được truyền mãi. Việc bó chân sở dĩ trở thành phong tục gắn bó chặt chẽ với giáo dục đạo đức truền thống của phụ nữ Trung Quốc. Đến đời Tống, Lý học hưng thịnh, đề xướng “khắc kỷ phục lễ”, yêu cầu phụ nữ “tam tòng tứ đức”, ở trong khuê các, tuân theo quy tắc. Sau khi bó chân, phụ nữ không thể có  sức của cái chân bình thường  để đi, đồng thời mất khả năng chạy nhảy,  chỉ có thể “đợi ở trong phòng”. Bó chân chính là một thủ đoạn  rất hay để trói buộc nữ giới.

    Trương Bang Cơ người đời Tống, trong “Mặc Trang mạn lục” nói: “Phụ nữ bó chân bắt đầu cũng từ gần đây, đời trước  truyền lại đẹp không gì sánh nổi. Xem trong các bức tranh thấy phụ nữ đời Bắc Tống bó chân cũng không nhiều, Vương Cư Chinh vẽ hai người phụ nữ trong bức tranh “kéo sợi” đều là người bình dân đi giày lớn, phu nữ Tống trong các bức tranh tường Đôn Hoàng cũng thấy rất ít  người bó chân, có thể nói lúc đó, tục bó chân còn chưa phổ biến. Nhưng đến đời Nam Tống, hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi. Thời kỳ này, người phụ nữ có chân cong được coi là đẹp. Phụ nữ trong hai bức tranh “Sưu sơn đồ” và “Tạp kịch nhân vật đồ” giữ tại Bảo tàng Cố Cung hai chân đều rất nhỏ, có một cô còn hiện rõ vết tích chân cong lưu lại do bó chân.

    Về sau, các thời kỳ Nguyên, Minh, Thanh dường như vẫn theo phong tục của đời Tống để lại, bó chân được coi như thời thượng. Chỉ có một bộ phận phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số là chưa bị ảnh hưởng của thói quen này. Các loại tiểu thuyết, bút ký của thời Minh cũng viết về bó chân. Trương Đại trong “Đào Am mộng lục”. Dương Châu sấu mã” ghi lúc đó khi tuyển kỹ nữ phải kiểm tra độ lớn nhỏ của chân từng người.  Kim Bình Mai  viết Tây Môn Khánh khi đến lầu Mạnh Ngọc cũng có xen tả đôi chân. Đày tớ gái Tống Huệ Liên bị Tây Môn Khánh trêu đùa, Tây Môn Khánh khoe chân của Phan Kim Liên lớn đến mức có thể đem giày của nàng đặt vào trong. Chuyện này Phan Kim Liên nghe trộm được, lòng ghen ghét bốc lên như lửa cháy, cuối cùng tìm cách hãm hại Tống Huệ Liên và chồng của nàng. Tống Huệ Liên chỉ vì khoe khoang cái chân nhỏ của mình mà bị hại. Cũng có người vì chân to mà gặp tai hoạ. Mã Hoàng hậu của  Chu Nguyên Chương chưa bó chân. Tương truyền điển cố “Lộ mã cước” có từ việc Mã Hoàng hậu ngồi trên kiệu, vì gió thổi, màn che kiệu bay lên mà bị người ta phát hiện bà có đôi bàn chân to.

    Chính quyền triều Thanh biết phụ nữ người Mãn chưa có tục bó chân nên phản đối người Hán bó chân, nhiều lần đã hạ lệnh cấm. Năm Thuận Trị thứ hai (1645) hạ chiếu: “Phàm là khi sinh con gái, nghiêm cấm bó chân”. Năm Khang Hy thứ nhất (1662) lại một lần nữa quy định  như sau năm Tuyên Đức thứ nhất, người sinh con gái mà bó chân thì “trừng phạt cha mẹ của đứa con gái, nếu người cha có chức vụ thì giao cho hai bộ xét xử, người bình dân thì giao cho bộ Hình xử lý. Người có tình tiết nghiêm trọng bị đánh bốn mươi gậy, đuổi khỏi quê quán mười năm. Về sau, có nghị sĩ tấu rằng như thế pháp luật quá nghiêm khắc, nên chuẩn tấu, từ đó không cấm nữa, phụ nữ dân thường lại trở lại tục xấu bó chân. Phương Huyến, nhà  văn đời Thanh thậm chí đã viết một cuốn sách gọi là “Hương biên phẩm tảo” chuyên miêu tả và bình phẩm những bàn chân nhỏ. Ông nhận thấy, những bàn chân nhỏ chia làm năm loại: một là cánh hoa sen, hai là vầng trăng đầu tháng, ba là hoà phương, bốn là mầm trúc, năm là củ ấu. Có thể thấy đến đời Thanh, người ta yêu quý cái chân nhỏ đã đến mức tột cùng.

    Năm 1851 nổ ra cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc, quân khởi nghĩa đến địa phương nào đều dán cáo thị khuyên phụ nữ trong thiên hạ bỏ sự ràng buộc, tham gia quân khởi nghĩa, những quân nhân lanh lợi đã trải qua cuộc sống trong quân Thái Bình đều lấy danh nghĩa Thái Bình Thiên Quốc  phản đối phụ nữ bó chân, xem đó là một biểu hiện quan trọng tỏ là người của Thái Bình Thiên Quốc; có thể thấy ảnh hưởng của Thái Bình Thiên Quốc rất lớn. Nhưng ở những vùng quân Thái Bình Thiên Quốc không có ảnh hưởng, tục bó chân vẫn thịnh hành.

    Tục bó chân sau này phải tiến công kịch liệt bằng tư tưởng tiến bộ của phương Tây cuối cùng mới tiêu trừ được.

 Nguy hại của bó chân

      Phụ nữ Trung Quốc từ xưa đến nay đều ở địa vị bị nô dịch, bó chân càng làm cho họ bị tổn thất ở hai phương diện thân thể và tâm lý. Tống Thái  trong “Lục Trai tí nghị cứu thảm” nói :”vì bó chân mà mười người chết hai, ba; bị thương thì mười người đến bảy tám”. Tục ngữ nói: “chân nhỏ một đôi, nước mắt một vại”. Nỗi khổ của chân nhỏ phụ nữ hiện đại khó mà tưởng tượng nổi. Con gái mới bốn năm tuổi bắt đầu bó chân. Khi bó chân, chỉ có ngón chân cái  được để bên ngoài, dùng vải trắng quấn chặt, làm cho chân không thể phát triển được, đợi sau khi hình dáng chân đã cố định mới đi vào giày mũi nhọn. Đến sáu bảy tuổi, lại đem xương ngón chân đã cong, dùng vải quấn thật dày, thật chặt, mỗi ngày lại quấn cho chặt thêm, làm cho chân bị biến hình, phải bó đến “nhỏ, gầy, nhọn, cong mềm như lụa” mới được coi là thành công.  Qua nhiều năm bị bó buộc một cách tàn bạo, một  đôi chân dường như từ làn da đến bắp thịt, gân khớp, xương cốt đều đã thay đổi hình dạng. Nhìn bên ngoài, làn da trắng muốt, mềm mại, gan bàn chân sâu hoắm; từ dưới nhìn, giống như cái bánh chưng ba góc, trừ một ngón ở bên ngoài, bốn ngón khác bị thoái hoá chỉ còn như những hạt lạc lớn nhỏ. Xương ngón chân trên thân thể bị vặn thành so le, sự đau đớn về thể xác khó mà tưởng tượng được, lúc gặp nguy hiểm không có cách nào để thoát thân.

    Nhưng bó chân cứ đời này đến đời khác theo nếp cũ, cũng dần trở thành “tập quán bình thường”, trở thành phong tục, trở thành tâm lý chung của xã hội. Nếu con gái trong nhà không chịu bó chân, đâu phải chỉ có cha mẹ mất mặt, bản thân người ấy cũng gặp nguy hiểm vì không lấy được chồng. Bó chân là “phép tắc”, để có thể tìm được người mẹ chồng tốt. Ca dao dân gian đã nói rõ: “Bó chân nhỏ, lấy tú tài, ăn cơm trắng, với thịt cá; Bó chân to, lấy chồng mù, ăn rau cám, chịu cay độc”. Bó chân không chỉ là nhu cầu cấp bách mà như gắn chặt với sinh mạng người con gái. Người con gái nước mắt ròng ròng, phải cắn răng lo cho đôi chân của mình vừa đau khổ, vừa hy vọng.

     Bó chân cũng đã từng làm cho dân tộc Trung Hoa mất thể diện. Đầu triều Thanh, đại thần Thôi Anh đi sứ nước Anh. Một hôm, phu  nhân của ông đem vải bó chân giặt xong, treo cao phơi chỗ nắng trong sứ quán. Người ngoại quốc thấy tấm vải trắng dài đu đưa trong gió, tưởng lầm là Trung Quốc có quốc tang, đến hỏi thăm phúng viếng, quan viên trong sứ quán lại giải thích không rõ khiến họ vô cùng bối rối. Giai thoại kể Lý Hồng Chương, đại thần Bắc Dương của triều Thanh, có một lần đi thăm nước ngoài,  tham quan trường  trẻ em mù. Trẻ em mù từ lâu đã nghe Trung Quốc có chuyện “hoa sen ba tấc”, bèn nhân lúc Lý Hồng Chương đến gần ngồi sụp xuống sờ vào chân ông. Tất nhiên Lý Hồng Chương không có chân nhỏ, nhưng bọn trẻ con mù ngoại quốc đều hiểu người Trung Quốc có tục bó chân, trong suy  nghĩ của họ, người Trung Quốc không phân biệt nam nữ, đều là “hoa sen ba tấc”. Từ đó có thể thấy, tục bó chân của người Trung Quốc có ảnh hưởng rộng lớn, làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh Trung Quốc.

 Cấm bó chân

     Đầu đời Thanh, văn hoá tiến bộ phương Tây dần dần du nhập Trung Quốc. Người Trung Quốc đã giác ngộ nhanh khi cuộc vận động “Thiên túc” mà Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cùng lực lượng tiến bộ phát động đã đánh mạnh vào những quan niệm thế tục hủ bại từ lâu đời, cuối cùng là hạn chế tục bó chân.

Tổ chức chống bó chân đầu tiên ở  Trung Quốc là Hội truyền giáo Hạ Môn – Luân Đôn do mục sư Mại Khắc Cao Vọng sáng lập. Năm 1874, tại Hạ Môn, ông triệu tập một hộinghị chống bó chân, có hơn 60 phụ nữ tham gia, đa số là những phụ nữ lao động thuộc tầng lớp dưới. Họ quyết định thành lập một đoàn thể chống bó chân, gọi là “Hội Thiên túc”, phụ nữ vào hội không được bó chân.

    Cùng lúc này, phái Duy Tân thời kỳ đầu ở Trung Quốc cũng đã chú ý đến vấn đề phụ nữ. Họ chủ trương nam nữ đều được tôn trọng, phản đối việc đem phụ nữ làm trò chơi. Phái Duy Tân còn nhận ra giải phóng hình thể là điều kiện đầu tiên để giải phóng phụ nữ. Đầu năm 1883, Khang Hữu Vi, đại biểu phái Duy Tân tại  nhà ông ở Nam Hải, Quảng Châu đã tập hợp một số thân sĩ tiến bộ ở thôn quê sáng lập Hội không bó chân. Ông cũng làm gương, vợ và con gái ông đều không bó chân. Năm 1886, Khang Hữu Vi, Khang Quảng Nhân ở Quảng Châu lại thành lập Hội không bó chân Việt Trung, đề xướng phụ nữ    không bó chân, lúc mới thành lập đã có hàng vạn hội viên. Cùng với Khang Hữu Vi, một người nổi tiếng không kém là lãnh tụ phái Duy Tân Lương Khải Siêu cũng tích cực hoạt động chống bó chân. Ngày 30 tháng 6 năm 1897, ở Thượng Hải, ông thành lập Tổng hội không bó chân. Sau khi Tổng hội thành lập, Thượng Hải chấn động. Chương trình của Tổng hội không bó chân đề ra mấy điểm: Hễ là người của hội khi sinh con gái không được bó chân; hễ sinh con trai không được lấy vợ bó chân; nếu là người sinh con gái đã bó chân nhưng chưa đến 8 tuổi phải bỏ ngay.

    Từ Hy Thái hậu thống trị triều Thanh đã đàn áp vận động biến pháp mới của phái Duy Tân do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu chủ trương, nhưng sau đó không lâu, bà đã giương ngọn cờ chống bó chân mà Khang, Lương đã đề xướng. Năm 1902, Từ Hy Thái hậu đã hạ ngự chỉ khuyên cấm bó chân, sau đó được  quan lại các địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Tôn Trung Sơn là người đầu tiên của Chính phủ lâm thời Nam Kinh  ban bố lệnh cấm phụ nữ bó chân. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, ông phát lệnh cho Bộ nội vụ thông tri cho các tỉnh văn bản khuyên cấm bó chân. Văn bản nói rõ, đang lúc giao thời mới cũ, những ác tục phải huỷ bỏ đầu tiên để bồi dưỡng thể chất quốc dân. Mệnh lệnh này được gửi điện đi cả nước, các tỉnh dựa vào khuyến cáo này mà thực hiện, nếu người nào cố ý không phục tùng, người trong gia đình sĩ bị xử phạt nghiêm khắc.

    Sau Cách mạng Tân Hợi, phụ nữ đã bỏ áo quần giày mũ kiểu cũ và đi tìm những kiểu dáng mới, họ cũng cần phải làm to lên cái chân đã bó trước đây cho hợp với những đôi giày mới. Việc muốn đóng giả làm phụ nữ phương Tây vô hình trung cũng có tác dụng lớn. Mới quan hệ với phong tục bên ngoài, bó chân đã thành lạc hậu, người ta đã thấy cần phải thay bằng cái chân vốn có.

    Tháng 8 năm 1939 ở biên khu Thiểm Cam Ninh, Chính phủ ban bố điều lệ cấm phụ nữ bó chân, quy định phụ nữ dưới 18 tuổi không được bó chân, phụ nữ 40 tuổi trở xuống, người bó chân lập tức phải tháo ra; phụ nữ trên 40 tuổi trở lên nếu bó chân được khuyên cởi bỏ, không bắt buộc. Chính quyền còn cử hàng loạt cán bộ phụ nữ  làm công tác thuyết phục quần chúng.

    Ngày 15 tháng 7 năm 1950, Chính phủ trung ương nước Cộng  hoà nhân dân Trung Hoa đã ra mệnh lệnh về việc cấm phụ nữ bó chân, mệnh lệnh nêu rõ: đang có hiện tượng một bộ phận phụ nữ chúng ta  bó chân, đây là biểu hiện áp bức của xã hội phong kiến đối với phụ nữ, có hại cho sức khoẻ của phụ nữ, cản trở phụ nữ tham gia sản xuất nên phải cấm.

    Sau đó, đại đa số  nữ thanh niên đã bắt đầu chấm dứt bó chân, phụ nữ nhiều tuổi cũng đua nhau tháo bỏ, vứt đi cái băng vải quấn chân, việc bó chân cuối cùng đã mất. Một thời đại đã kết thúc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here