Hàn Tín là người Hoài Âm, hồi nhỏ nghèo khổ, không nơi nương tựa, gia đình cùng khốn, thường phải đến xin ăn xin uống nhà người khác.

Có lần, Hàn Tín câu cá bên bờ sông ngoài thành, gần đó có rất nhiều phụ nữ đang giặt quần áo. Một bà cụ thấy Hàn Tín đói, liền đem cơm cho ăn, liền mấy mươi hôm như thế. Hàn Tín trong lòng cảm kích, nói với bà cụ:

– Tôi sau này giàu có, nhất định sẽ báo đáp cụ!

Bà cụ nghe nói, tức giận, nói:

– Cậu đường đường là một trang nam tử mà không nuôi được mình, lại còn nói sau này là thế nào? Ta là vì thương cậu mà cho cậu  ăn, không dám trông chờ vào sự báo đáp của cậu!

Đồ tể ở Hoài Âm có một gã trẻ tuổi, một lần, trước mặt mọi người, hắn sỉ nhục Hàn Tín:

– Nhà ngươi tuy cao lớn, lại còn mang kiếm, nhưng thực ra là rất nhát gan. Nhà ngươi nếu không sợ chết, thì giết ta đi, nếu ngươi sợ chết thì hãy chui dưới đũng quần của ta!

Hàn Tín nghe, không nói gì, do dự một lát, rồi thản nhiên chui dưới đũng quần hắn. Mọi người đứng trên phố chứng kiến ai cũng bảo Hàn Tín hèn hạ, khiếp nhược.

Khi các cuộc khởi nghĩa trong thiên hạ nổi lên như gió bão, Hàn Tín theo Hạng Lương là người có danh tiếng lớn, nhưng bản thân anh ta cũng chỉ là một anh vô danh tiểu tốt dưới cờ của Hạng Lương. Sau khi  Hạng Lương thất bại mà chết, Hạng Vũ nắm lấy nghĩa quân, Hàn Tín ngẫu nhiên thành người của  Hạng Vũ, nhưng cũng chỉ được Hạng Vũ cho làm một chức Lang trung (1). Hạng Vũ vốn là người tự cao tự đại, không coi ai ra gì, ngang ngạnh bướng bỉnh. Hàn Tín nhiều lần hiến kế sách hay, nhưng đều không được Hạng Vũ sử dụng. Hàn Tín rất thất vọng.

Năm 206 trước CN, Lưu Bang được Hạng Vũ phong làm Hán Vương, đưa quân vào Xuyên Thục. Hàn Tín do nhiều lần dâng kế sách không được sử dụng, liền theo Lưu Bang. Nhưng trong quân của Lưu Bang, Tín vẫn bị xem thường, không được biết đến, cũng chỉ được làm đến chức Liên ao (nhân viên tiếp đãi khách), sau lại dính dáng đến một vụ có thể mắc tội chết. Liên lụy đến vụ này có rất nhiều người, lúc chờ đến lượt, Hàn Tín ngửa mặt lên trời, thở dài, cố ý nói cho Đằng Công Hạ Hầu Anh nghe

– Hán Vương không muốn giành lấy thiên hạ sao? Tại sao lại giết một tráng sĩ như ta?

Đằng Công nghe thấy rất lạ, lại thấy Hàn Tín khí chất ngang tàng, bèn chưa giết Hàn Tín. Chuyện trò một hồi, Đằng Công rất thích Hàn Tín, bèn tiến cử với Lưu Bang. Nhưng Lưu Bang không thích Hàn Tín như Đằng Công, chỉ cho Hàn Tín làm chức Trị túc đô úy (chức quan cao quản lý lương thảo).

Về sau, Hàn Tín thường tìm Tiêu Hà trò chuyện về suy nghĩ và chí hướng của mình. Tiêu Hà rất hâm mộ Hàn Tín, nhận định Hàn Tín là người khác thường.

Lúc đó, tiền đồ của Lưu Bang còn mờ mịt, tướng sĩ dưới trướng rất nhiều người bỏ đi. Hàn Tín nghĩ: “Tiêu Hà là người được Lưu Bang tín nhiệm nhất, mà Tiêu Hà là người rất thích mình, rất nhiều lần tiến cử mình với Lưu Bang, thế mà Lưu Bang vẫn chưa trọng dụng, chi bằng mình đi thôi”.

Nghĩ thế, một đêm, chờ khi trời tối, Hàn Tín thúc ngựa bỏ đi.

Tiêu Hà nghe nói Hàn Tín cũng bỏ đi, lập tức lên ngựa đuổi theo. Có người đến nói với Lưu Bang:

– Thừa tướng Tiêu Hà cũng bỏ đi rồi!

Lưu Bang giận dữ mãi. Sau một ngày, Tiêu Hà trở về gặp Lưu Bang. Lưu Bang vừa mừng vừa giận, trách Tiêu Hà:

– Ngươi cũng bỏ đi, vì sao vậy?

Tiêu Hà nói với Lưu Bang:

– Tôi sao có thể bỏ đi được, tôi chẳng qua là đuổi theo để giữ người bỏ đi thôi!

Lưu Bang hỏi đuổi theo ai. Khi nghe Tiêu Hà nói người đuổi theo là Hàn Tín, Lưu Bang trách:

–         Tướng sĩ bỏ đi có đến mấy chục người, sao ngươi không đuổi theo mà lại đuổi theo cái anh Hàn Tín đó, ngươi đuổi theo để làm gì?

Tiêu Hà đáp:

– Những tướng lĩnh khác rất dễ tìm được, còn Hàn Tín, đây là anh hùng tài trí vô song trong thiên hạ. Nếu ngài nghĩ đến chuyện làm vua của Hán Trung, không có Hàn Tín không sao; nhưng nếu ngài muốn giành lấy thiên hạ, không có Hàn Tín, nhất định không thể thành công được!

Lưu Bang trầm tư suy nghĩ, nghe những kiến nghị của Tiêu Hà, rồi nói:

– Ta có ý giành lấy thiên hạ, dùng Hàn Tín làm tướng quân, ngươi thấy có được không?

Tiêu Hà nói:

– Như vậy Hàn Tín còn bỏ đi!

Lưu Bang vì thế quyết định cho Hàn Tín làm đại tướng (3). Tiêu Hà nói:

– Thế thì tốt quá!

Khi Lưu Bang triệu kiến Hàn Tín, Tiêu Hà lại nói:

– Hán vương nhạt nhẽo với Hàn Tín, đây chính là nguyên nhân Hàn Tín dời bỏ ngài. Bây giờ phong cho ông ta làm đại tướng, lại gọi ông ta như một đứa trẻ con, không ổn. Phong tướng, nhất định phải chọn ngày tốt, lại phải trai giới, lập đàn, chuẩn bị lễ nghi chu đáo.

Trong khi chờ Tiêu Hà chuẩn bị, Lưu Bang thấy một số tướng quân dưới trướng đều cho rằng mình có khả năng được phong làm đại tướng quân. Cuối cùng thấy Hàn Tín là người được phong, ai nấy đều kinh ngạc.

Phong tướng xong, Lưu Bang hỏi Hàn Tín:

– Thừa tướng nhiều lần bàn bạc với tướng quân, rất khen ngợi tướng quân, không biết bây giờ ngài có mưu kế gì, có thể cho ta biết được chăng?

Hàn Tín sau một hồi tỏ ra khiêm nhường, hỏi Hán Vương:

– Ngày nay, nhìn vào thế lực, cuối cùng giành được thiên hạ có phải Hạng Vương không?

Hán Vương trả lời:

– Phải!

Hàn Tín nói:

– Hạng Vương tuy xưng bá thiên hạ, chư hầu đua nhau thần phục, nhưng cái nhìn của ông ta nông cạn, không chiếm Quan Trung, không định đô ở Bành Thành. Không những thế, làm trái lời thề, giết Nghĩa Đế, rồi đem người thân tín của mình thay thế, chư hầu ngoài mặt không nói gì, nhưng trong lòng không phục. Lại nữa, Hạng Vương tàn nhẫn, quân đội đến đâu, tất cả đều san phẳng thành bình địa khiến lòng người trong thiên hạ oán hận. Ông ta tuy trên danh nghĩa là bá chủ, nhưng thực tế là mất lòng người. Hạng Vương đã mất lòng người, đại vương cứ việc làm ngược lại, trọng dụng dũng sĩ trong thiên hạ. Hạng Vương từng dùng thủ đoạn lừa dối, chôn sống hơn hai mươi vạn quân Tần, làm cho người Tần hận đến xương tủy; Đại Vương không giống như thế, sau khi nhập quan, ngài không  xâm phạm một chút của dân chúng Tần, lại nhân đức, được lòng dân. Bây giờ, ngài đến Hán Trung, dân chúng Tần không ai không thấy hài lòng, nếu đại binh tiến về phía đông, không cần tốn sức lực có thể được Tam Tần (4).

Lưu Bang nghe Hàn Tín phân tích, vô cùng vui vẻ, trách biết người quá chậm. Từ đó, mọi việc trong quân đều nghe Hàn Tín sắp xếp.

 

Chú thích:

(1)   Lang trung thị là tả hữu của chủ soái. Tuy là một chức quan nhỏ nhưng ở gần chủ soái, thân phận không thấp.

(2)   Hạ Hầu Anh: người Tứ Thủy, huyện Bái cuối đời Tần (nay thuộc Giang Tô). Từng làm Đằng lệnh phụng quân, có hiệu Đằng công, cùng Lưu Bang nổi dậy, có nhiều chiến công. Sauk hi triều Hán kiến lập, được phong Nhữ Âm hầu, nhậm chức Thái phó.

(3)   Đại tướng: chức quan cao cấp trong quân đội thời cổ.

Tam Tần: Tần mất, Hạng Vũ ba lần vào Quan Trung, phong hàng tướng Chương Hàm làm Ung Vương, Tư Mã Hân làm Tái Vương, Đổng Ế là Địch Vương, hợp thành Tam Tần.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ba nước Hàn, Triệu, Ngụy đưọc tách ra từ nước Tần nên sau này còn được gọi là tam Tần.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here