“Xung quan nhất nộ vi hồng nhan”, đó là  câu thơ mọi người đã nghe quen, nó có xuất xứ từ câu chuyện thời cuối Minh đầu Thanh khi tướng quân Ngô Tam Quế đưa quân Thanh vào Sơn Hải Quan. Chưa cần biết sự chân thực của câu chuyện đến mức nào nhưng chúng ta phải thừa nhận  hành động của Ngô Tam Quế đã có ảnh hưởng to lớn đối với những bước đi của lịch sử Trung Quốc. Dân tộc Mãn vào Sơn Hải Quan đã xây đựng triều Thanh, thống trị Trung Quốc gần 300 năm. Quân Thanh có thể nhanh chóng chiếm được Trung Nguyên  có một nguyên nhân quan trọng là do sự đầu hàng của Ngô Tam Quế. Sau khi đầu hàng nhà Thanh, Ngô Tam Quế lại phản bội, phát động “loạn tam phiên”, đây cũng lại là một sự kiện nữa ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Quốc.

 Tình hình trước trận chiến Sơn Hải Quan

      Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ lạc Nữ Chân, xây dựng chính quyền Hậu Kim, đối lập với triều đình nhà Minh. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết, Hoàng Thái Cực kế vị, đổi “Kim” thành “Thanh”, xây dựng triều đình nhà Thanh, sau đó, quân Thanh vây hãm Đại Lăng Hà, chiêu phục người bạn Triều Tiên của triều Minh và Thái Cáp Nhĩ Mông Cổ, sau đó lại vây hãm Cẩm Châu, đánh bại 13 vạn quân Minh đến giải vây, làm sụp đổ toàn bộ phòng tuyến từ Cẩm Châu đến Ninh Viễn, làm triều đình nhà Minh mất ăn mất ngủ suốt mười năm. Con đường thôn tính nhà Minh ở phía nam chỉ còn  từ Sơn Hải Quan  đến một  trạm gác đơn độc là thành Ninh Viễn.

Sơn Hải Quan nằm trên con đường từ Đông Bắc tiến vào Hoa Bắc, có thể gọi “một người giữ, vạn người không thể qua”. Trước khi Sơn Hải Quan mất, quân Thanh muốn xâm nhập, phải đi vòng qua Mông Cổ, vượt qua Trường Thành, thực hiện chiến lược “tằm ăn lá dâu”. Để “lấy được Bắc Kinh cũng giống như chặt cây lớn , chặt cả hai bên, cây lớn tất đổ”, bây giờ, quân tinh nhuệ của triều Minh đã hết, ta lại bốn phía vây chặt, nhất định sẽ chiếm được Bắc Kinh”. Năm 1643, Hoàng Thái Cực chết ở Thẩm Dương, con là Phúc Lâm mới 6 tuổi kế vị, đó là vua Thuận Trị.

Nguy cơ ngay ở trước mắt, chưa cần đến lúc quân Thanh xâm nhập, vương triều Minh trước ngọn sóng của nông dân khởi nghĩa đã đổ sụp. Khởi nghĩa của nông dân Thiểm Bắc nổ ra từ năm 1627, qua 17 năm chiến đấu giằng co, đến năm 1644 quân khởi nghĩa đã phá cửa Cư Dung, tiến vào Bắc Kinh, Vua Sùng Trinh tự thấy ngày đã tận, tự sát tại Mô Sơn (nay là Cảnh Sơn), chấm dứt 276 năm thống trị của triều Minh.

Trong lúc tình hình biến chuyển vô cùng khẩn trương, bí thư viện đại học sĩ Phạm Văn Trình của nhà Thanh  cho rằng sự mất còn của triều Minh chỉ còn là vấn đề thời gian, vì thế, kẻ địch chủ yếu của quân Thanh  lúc này không phải là triều Minh mà là quân nông dân khởi nghĩa, ông đề nghị quân Thanh phải chớp lấy thời cơ, nhanh chóng  tiến vào Sơn Hải Quan, đánh thẳng vào kinh đô của triều Minh. Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn chấp nhận kiến nghị của ông, mang 14 vạn đại quân tiến vào Sơn Hải Quan  giành lấy thiên hạ. Khi quân Thanh qua Liêu Hà mới biết là quân khởi nghĩa nông dân của Lý Tự Thành, đã chiếm được Bắc Kinh, triều Minh đã mất. Lúc ấy, Đa Nhĩ Cổn tiến thoái chưa quyết,  hỏi ý kiến của Hồng Thừa Trù, hàng tướng triều Minh  về cách  giải quyết với nghĩa quân nông dân, Hồng Thừa Trù kiên quyết chủ trương đánh Bắc Kinh, khẳng định trong cuộc chiến đấu với nghĩa quân nông dân, quân Thanh nhất định giành được thắng lợi. Nghe xong, Đa Nhĩ Cổn rất tán thành, quyết định lấy đường Mông Cổ vào Sơn Hải Quan, chuẩn bị đánh Bắc Kinh.

Lúc ấy, Ngô Tam Quế đang  giữ Sơn Hải Quan, cho rằng  quân khởi nghĩa nông dân và quân Mãn Thanh tranh giành thiên hạ tất phải đem quân đến chiếm lấy Sơn Hải Quan, một địa thế  vô cùng quan trọng. Ngô Tam Quế người  huyện Cao Bưu tỉnh Giang Đông, dựa vào con đường chinh chiến, anh dũng thiện chiến nên lên nhanh như diều. Trong lúc quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành đang tiến về Bắc Kinh, vua Sùng Trinh phong Ngô Tam Quế là Bình Tây bá, lệnh cho ông ta bỏ Ninh Viễn về Bắc Kinh “cần vương” (bảo vệ vua). Ngô Tam Quế sau khi tiếp được chỉ của vua Sùng Trinh đem theo mấy mươi vạn quân dân tiến về hướng tây nhưng  hành động trì hoãn, do dự không tiến quân. Sau khi biết kinh sư đã mất, vua đã chết, Ngô Tam Quế lại quay về Sơn Hải Quan. Khi đó, ông ta đã nhận thấy giữa quân nông dân và quân Thanh, để bảo vệ lợi ích cá nhân, không thể đầu hàng quân nông dân, mà phải dựa vào quân Thanh, nhưng vẫn chưa thật dứt khoát.

   Xung quan nhất nộ vi hồng nhan

     Sau khi tiến vào Bắc Kinh, Lý Tự Thành nhận thấy Ngô Tam Quế đang đóng quân ở Sơn Hải Quan, giữ một vị trí quan trọng. Trong tình hình ấy, muốn giành lấy Sơn Hải Quan chỉ còn  chọn một trong hai cách, một là dùng vũ lực tiêu diệt đến cùng quân Ngô Tam Quế;  hai là chiêu hàng, tránh được cảnh đầu rơi máu chảy. Sau khi quân nông dân đã vào Bắc Kinh, tướng lĩnh chẳng còn muốn chiến đấu, binh sĩ thì say sưa với thắng lợi, chiêu dụ là thượng sách. Vì thế, Lý Tự Thành cử người đi dụ hàng Ngô Tam Quế, mang theo bốn vạn lạng bạc, nghìn lạng vàng cùng một sắc thư phong  Ngô Tam Quế tước hầu. Lúc ấy, Ngô Tương, tổng quản binh mã ở kinh sư, cha của Ngô Tam Quế đã bị bắt ở Bắc Kinh, Lý Tự Thành lệnh cho ông ta viết cho con một bức thư khuyên hàng. Ngô Tam Quế không biết làm thế nào, quyết định chính thức tiếp  sứ, đầu hàng quân nông dân.

Nhưng trong lúc Ngô Tam Quế chuẩn bị mang quân về kinh đô yết kiến Lý Tự Thành, khi đi đến trạm dịch Tây Sa Hà  phủ Vĩnh Bình (phủ trị nay là  huyện Hộ Long, tỉnh Hà Bắc), bỗng nhiên quay ngựa, trở về Sơn Hải Quan. Việc Ngô Tam Quế đã đầu hàng Lý Tự Thành nhưng giữa đường lại quay đầu làm phản có hai cách lý giải: một là sau khi thấy quân nông dân Đại Thuận vào kinh, thực hiện những chính sách trả thù, lại bắt  rồi đánh đập Ngô Tương là  cha mình nên Ngô Tam Quế hối hận; một cách giảI thích khác thì cho rằng Ngô Tam Quế có người ái thiếp là Trần Viên Viên bị tướng của quân Đại Thuận là Lưu Tông Mẫu bắt ép, mọi người thường dùng câu “xung quan nhất nộ vi hồng nhan” để nói lý do này.

Trần Viên Viên là một danh kỹ ở Tô Châu cuối đời Minh, người ta tương truyền rằng nàng là người “thanh, đứng đầu thanh trong thiên hạ; sắc, đứng đầu sắc trong thiên hạ”. Người đời Thanh đã ghi chép, thời tuổi trẻ, Ngô Tam Quế thường đến đoàn tuồng tán tỉnh Trần Viên Viên, sau khi làm quan tổng binh ở Liêu Đông, Ngô Tam Quế cho người  mang nhiều vàng bạc đến chuộc Trần Viên Viên, không ngờ bị  Điền Uyển, cha của  một ái phi của thiên tử đương triều mua mất. Ái phi muốn giải buồn cho Sùng Trinh, bàn với cha mua Trần Viên  Viên dâng cho Sùng Trinh. Trần Viên Viên vào cung nhưng lúc ấy, vua Sùng Trinh có nhiều điều lo buồn, không để ý đến thanh sắc của nàng, nên không lâu sau, Trần Viên Viên được trả về Điền phủ. Khi quân nông dân của Lý Tự Thành  trên đường tiến vào Bắc Kinh, Điền Uyển lo lắng giữ gìn sự phú quý của bản thân, Trần Viên Viên cho ông ta một kế: “Bây giờ thiên hạ đại loạn mà đại nhân chẳng biết trông cậy vào đâu, một khi có biến, hoạ không lường được. Ngô Tam Quế chẳng bao lâu nữa đem quân xuất quan,  chi bằng đại nhân đến kết giao với ông ta để có chỗ dựa, có nên chăng?” Điền Uyển theo kế ấy, đích thân đến  phủ họ Ngô mời Ngô Tam Quế đến dự tiệc. Trong bữa tiệc, Ngô Tam Quế chẳng cần che giấu, nói : “Nhược bằng đem Trần Viên Viên cho ta, ta sẽ tận lực phá địch, công công không còn lo gì là nguy hiểm nữa.” Ngô Tam Quế đang nắm giữ binh quyền trong tay, Điền Phủ chỉ còn cách bằng lòng. Ngô Tam Quế muốn đưa Trần Viên Viên đi Sơn Hải Quan nhưng cha là Ngô Tương ngăn cản nên việc không thành. Sau khi Lý Tự Thành đưa quân chiếm được Bắc Kinh, đại tướng Lưu Tông Mẫu chiếm luôn phủ Điền Uyển, thấy Trần Viên Viên, biết là người trong phủ họ Ngô, bèn bắt Ngô Tương tra hỏi, Ngô Tương không khuất phục, Lưu Tông Mẫu giết sạch cả phủ họ Ngô, rồi bắt Trần Viên Viên về.

Sau khi chiếm được Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế hiểu rằng thực lực quân sự của mình không đủ để chống lại quân nông dân, mà chạy về đầu hàng nhà Thanh thì mang tội với quân vương nên  mới mượn người của nhà Thanh để thực hiện mục đích trả thù, Ngô Tam Quế viết một bức thư cho Đa Sĩ Cổn, nói muốn mượn binh của quân Thanh. Đa Sĩ Cổn nhận được thư, tuy trong bụng rất mừng nhưng không lộ ra ngoài, hứa cho viện binh, đồng thời nêu ra điều kiện: Ngô Tam Quế phải đem quân đầu hàng quân Thanh.

Trong lúc quân nông dân đánh đến gần Sơn Hải Quan,  Ngô Tam Quế càng muốn quân Thanh nhanh chóng tăng viện.  Sau khi nhận được thư, biết tình hình rất cấp bách,  để đề phòng quân nông dân chiếm được Sơn Hải Quan Đa Sĩ Cổn hạ lệnh cho quân Thanh ngày đêm đi gấp. Khi quân Thanh còn cách Sơn Hải Quan mười dặm, quân của Ngô Tam Quế đã giao tranh kịch liệt với nghĩa quân nông dân. Đến đầu tháng 4,  cánh giữ phía bắc Sơn Hải Quan của quân Ngô Tam Quế đầu hàng quân nông dân, quân của Ngô Tam Quế đã trong thế sụp đổ mà quân Thanh không thấy tăm hơi. Ngô Tam Quế nhiều lần cho người  mời quân Thanh tiến quân, nhưng Đa Sĩ Cổn vẫn án binh bất động, ông ta muốn Ngô Tam Quế phải tự thân cầm quân chiến đấu, muốn “mượn quân giúp sức”  đổi thành “đầu hàng triều Thanh”. Ngô Tam Quế chỉ còn cách mang toàn bộ binh lực phá vây nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Ngày 27 tháng 4 năm 1644, hai bên đạt được thoả thuận, Ngô Tam Quế đưa quân trở về Sơn Hải Quan, mang khoảng hơn 5 vạn người ra giao chiến, đồng thời, ra lệnh mở thành đón quân Thanh. Cửa đông Sơn Hải Quan mở, quân Thanh tràn vào như nước. Lý Tự Thành không biết chút gì về việc này.

Trưa hôm đó, chiến trường Sơn Hải Quan như gặp cơn gió lớn, cát bay đá nhảy, trong lúc quân Ngô Tam Quế và quân nông dân  giao chiến  Đa Sĩ Cổn tiến vào thành  hạ lệnh đột kích, quân Thanh như tên bật khỏi cung, không ai có thể cản nổi. Lý Tự Thành lập tức lên ngựa thoát thân, thấy một lá cờ trắng trên trận thế, đang lúc kinh hoàng, một người quỳ trước ngựa, nói: “Kỵ binh của lá cờ trắng này không phải là lính Quan Ninh (ý chỉ quân Ngô Tam Quế), tất là quân Mãn Châu, đại vương mau chạy cho nhanh”. Lý Tự Thành không nói một lời, lên ngựa hướng về phía tây, quân nông dân hoảng hốt kêu lên “Quân Mãn đến!” rồi bị quân Thanh ép ra phía biển,  đến nỗi “chết ngay trên gối”.

Sau khi về Kinh, tại hoàng cung, Lý Tự Thành  cử hành lễ lên ngôi, tiếp nhận triều kiến của bá quan. Ngày hôm sau, từ sáng sớm, quân khởi nghĩa rời Bắc Kinh, rút về Tây An. Ngày thứ 3 sau khi Lý Tự Thành rời Bắc Kinh, Đa Sĩ Cổn mang theo quân Thanh, oai phong tiến vào thành Bắc Kinh. Tháng 10 năm 1644 Đa Sĩ Cổn đưa vua Thuận Trị  từ Thẩm Dương về Bắc Kinh, coi Bắc Kinh là quốc đô của  triều Thanh. Từ nay trở đi, vương triều Thanh mở đầu sự thống trị trên toàn cõi Trung Quốc.

Đa Sĩ Cổn  đã tổ chức rất long trọng lễ đón vua Thanh Thế tổ  Thuận Trị vào  thành, ở Bắc Kinh đã xây đựng triều đình Đại Thanh, chuẩn bị kiểm soát toàn bộ đất nước. Để khen thưởng Ngô Tam Quế đã có công mở thành đón quân Thanh, triều đình nhà Thanh sắc phong cho ông ta là Bình Tây Vương, lại thưởng vạn lạng bạc. Ngô Tam Quế đã tiếp nhận tất cả những ban thưởng đó. Đến lúc này, việc mời quân giúp sức đã hoàn toàn thay đổi về chất, Ngô Tam Quế đã trở thành kẻ phản bội dân tộc mở cửa thành đầu hàng kẻ địch.

Sau khi vua Sùng Trinh chết, phó vương Chu Do Tung lập triều đình mới ở Nam Kinh gọi là Nam Minh. Triều đình mới biết chắc chắn Ngô Tam Quế nắm lực lượng quan trọng, là người có quyền thế, nên cử đặc sứ tới Giáng Châu, muốn phong Ngô Tam Quế làm Kế quốc công, lại chở bằng đường biển 30 vạn gánh gạo, năm vạn lạng bạc để khao thưởng Ngô quân. Không ngờ Ngô Tam Quế đã nhận sắc phong của triều đình nhà Thanh, không tiếp nhận  triều đình Nam Minh, ông ta đã quyết định quy phục hoàn toàn  trở thành thủ hạ của Mãn Thanh. Sau đó, Ngô Tam Quế được phong là Bình Tây Vương, trấn thủ Vân Nam, kiêm Quý Châu, vì thế càng ngạo nghễ xa xỉ, ý đồ mong con cháu họ Ngô  sẽ là Phiên vương. Sau khi vua Khang Hy lên ngôi, chuẩn bị “triệt phiên”, Ngô Tam Quế lại phản bội, đó chính là “loạn tam phiên”. Năm 1681, quân Thanh đánh vào Côn Minh, âm mưu của Ngô Tam Quế thất bại.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here