Sự bạo tàn của triều Tần đã tới lúc khiến trời phải giận dữ, dân tình oán than. Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng dựng cờ khởi nghĩa, hào kiệt trong thiên hạ nô nức hưởng ứng. Hạng Lương là con và Hạng Vũ, cháu của tướng Sở Hạng Yên cũng khởi binh ở Hội Kê (Thiệu Hưng, Chiết Giang ngày nay).
Hai chú cháu Hạng Lương và Hạng Vũ là người Hạ Tương. Hạng Vũ cha mẹ chết từ nhỏ, nhờ chú là Hạng Lương nuôi dưỡng trưởng thành. Hạng Vũ cao lớn, khôi ngô, sức mạnh khiến người người khiếp sợ, cái đỉnh nặng nghìn cân cũng có thể nhấc được, nhưng lại không thích học hành. Thuở nhỏ, chú là Hạng Lương dạy đọc sách, anh ta đọc được mấy ngày thì bỏ; lại dạy học kiếm, học được một hồi, anh ta cũng bỏ luôn.
Hạng Lương rất tức giận, mắng cháu không có tiền đồ. Hạng Vũ cãi lại:
– Đọc sách, viết chữ cùng lắm chỉ viết được tên họ; học kiếm thuật có giỏi, cùng lắm cũng chỉ địch được một hai người. Cháu muốn học được cái bản lĩnh có thể địch được nghìn vạn người.
Nge cháu nói như thế, Hạng Lương cho là Hạng Vũ có chí lớn, rất vui sướng, bèn dạy cho Hạng Vũ học binh pháp, cho anh ta biết đây chính là cái bản lĩnh có thể chiến thắng được nghìn vạn người. Đúng lúc này, Hạng Lương vì đánh chết người, phạm pháp nên hai chú cháu vội đến Ngô Trung, quận Cối Kê ẩn náu.
Có lần, Tần Thủy Hoàng đi về phía nam qua Ngô Trung, mọi người đến xem rất náo nhiệt, Hạng Lương và Hạng Vũ cũng trong đám người ấy. Khi đội ngũ của Tần Thủy Hoàng đang rầm rộ đi qua trước mặt, Hạng Vũ nói:
– Chúng ta cũng có thể thay ông ta.
Hạng Lương vội bịt miệng Hạng Vũ, cảnh cáo:
– Nói bậy, bị người ta tố cáo là cả nhà chịu chết đấy!
Trong chuyến đi đó, Tần Thủy Hoàng trên đường về Hàm Dương thì chết. Năm sau, Nhị Thế nối ngôi vua, Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa ở làng Đại Trạch. Hạng Lương thấy thời cơ báo thù cho nước Sở đã tới cùng Hạng Vũ giết Ân Thông, đứng đầu quận Hội Kê, chiêu tập được gần chục người ở Ngô Trung khởi binh chống Tần.
Không lâu sau, có tin nói Trần Thắng bị tướng Tần Chương Hàm đánh bại, Hạng Lương liền mang tám nghìn lính vượt sông tiến về phía bắc, lợi dụng sơ hở, đánh vào hậu phương của Chương Hàm. Họ nhanh chóng đánh đến Hạ Bỉ (một vùng thuộc Bỉ Châu, Giang Tô ngày nay). Một số lực lượng chống Tần vốn rải rác như Trần Anh, Anh Bố, Lữ Thần, Bồ tướng quân… nhập vào đội ngũ của Hạng Lương khiến quân Hạng Lương nhanh chóng hùng mạnh, có tới sáu bảy vạn người. Để có chính danh, thu phục được lòng người, Hạng Lương trăm mưu nghìn kế, tìm được người cháu của Sở Hoài Vương, lập làm vua Sở để lấy danh nghĩa nước Sở diệt Tần.
Sau đó, Hạng Lương đem quân tiến lên phía bắc, mở cuộc đại chiến với tướng Tần Chương Hàm, bị Chương Hàm giết ở Định Đào (Định Đào, Sơn Đông ngày nay). Hạng Vũ, Lưu Bang, Lữ Thần đành rút quân về Bành Thành (Từ Châu, Giang Tô ngày nay) để thủ thế.
Diệt được Hạng Lương, Chương Hàm không thèm đếm xỉa gì đến Hạng Vũ, Lưu Bang, vượt Hoàng Hà, tiến công Triệu Yết (1) lúc đó xưng là Triệu Vương Triệu Vương cùng Trương Nhĩ, Trần Dư là mưu thần của ông ta không đề phòng quân Tần tấn công, vừa đánh đã bại, đành phải rút về Cự Lộc (huyện Bình Hương, tỉnh Hà Bắc ngày nay) cố thủ. Chương Hàm cử bộ tướng là Vương Ly mang quân bao vây Cự Lộc, còn bản thân mình trấn giữ phía nam Cự Lộc, tiếp tế quân lương, hỗ trợ cho Vương Ly.
Triệu Vương bị bao vây, không chống đỡ vội cho người đi cầu cứu Sở Hoài Vương và các quý tộc cũ của 6 nước xưng vương. Sở Hoài Vương cử Tống Nghĩa và Hạng Vũ mang quân tiến lên phía bắc cứu Triệu.
Tống Nghĩa đem quân đến An Dương (phía đông huyện Tào, tỉnh Sơn Đông ngày nay), nghe nói thế quân Tần rất mạnh bèn đóng quân lại, không tiến nữa. Liền mấy ngày dừng lại khiến Hạng Vũ sốt ruột, Hạng Vũ nói với Tống Nghĩa:
– Nay quân Tần đang bao vây Cự Lộc, hoàn cảnh của Triệu Vương vô cùng nguy cấp, chúng ta phải nhanh chóng vượt sông đánh vào quân Tần, cùng với Triệu Vương hợp đồng trong ngoài, như vậy, nhất định quân Tần sẽ bị chúng ta đánh bại, xin ngài nhanh chóng ra mệnh lệnh!
Tống Nghĩa chậm rãi trả lời:
– Ngài chưa hiểu cách dùng binh. Mục tiêu của chúng ta là tiêu diệt quân Tần, nay quân Tần đang đánh quân Triệu, nếu nó thắng, nhất định sẽ sức tàn lực kiệt, chúng ta khi ấy rất dễ tiêu diệt; nếu nó không thắng, chúng ta sẽ thừa cơ tiến về phía tây, lật đổ triều Tần. Cho nên chi bằng chúng ta cứ chờ xem. Ở chiến trường, lúc xung phong lâm trận, tôi không bằng ông; nhưng nói đề xuất mưu kế, ông không thể bằng tôi được.
Tiếp đó, Tống Nghĩa còn hạ lệnh:
– Các tướng sĩ đánh trận phải dũng mãnh như hổ sói, ai không phục tùng mệnh lệnh đều chém. đầu.
Đây rõ ràng là những lời cảnh cáo những người như Hạng Vũ, bảo phải phục tùng mệnh lệnh.
Hạng Vũ tính nóng như lửa, không thể chấp nhận được phương pháp tác chiến của Tống Nghĩa. Buổi sáng một hôm, Hạng Vũ đến thẳng trại của Tống Nghĩa, rút kiếm giết chết Tống Nghĩa, sau đó, tuyên bố với toàn thể binh sĩ:
– Tống Nghĩa án binh bất động, có mưu làm phản, ta theo mệnh lệnh của Sở Hoài Vương đã giết chết hắn!
Các tướng sĩ nghe nói Tống Nghĩa đã bị giết, đều nói giết là đúng, sau đó nhất trí cử Hạng Vũ làm “Giả Thượng tướng quân (2) biểu thị ý chí muốn phục tùng sự chỉ huy của Hạng Vũ. Thế là Hạng Vũ cử Anh Bố, Bồ tướng quân làm tiên phong, mang theo hai vạn quân vượt sông Chương, chiếm trận địa ở bờ bên kia, sau đó bản thân mang toàn bộ binh mã vượt sông giải vây cho Cự Lộc.
Chờ khi toàn bộ quân Sở vượt sông Chương, Hạng Vũ ra lệnh cho mỗi binh sĩ chuẩn bị ba ngày lương khô, bảo mọi người đem toàn bộ thuyến vượt sông đục thủng, dìm xuống nước, đập vỡ toàn bộ nồi nấu cơm, sau đó đưa người ngựa tiến vào trận địa của quân Tần. Hạng Vũ dùng cách đập nồi, dìm thuyền để biểu thị chỉ tiến không lùi, thề tin tưởng và quyết tâm giành thắng lợi.
Hạng Vũ chỉ huy quân Sở rất nhanh chóng bao vây quân của Vương Ly, cùng quân Tần triển khai chin trận chiến đấu ác liệt. Quân Sở người người dũng cảm, lao về phía trước, một địch nổi mười, cuối cùng đánh cho quân Tần đại bại, giết chết tướng Tần Tô Giác, bắt Vương Ly làm tù binh. Chương Hàm vội mang tàn binh bại tướng rút lui. Cuộc chiến Cự Lộc kết thúc với sự thắng lợi của quân Sở và sự thất bại của quân Tần. Quân tiếp viện của các quý tộc cũ cử đến, thấy Hạng Vũ giành toàn thắng, vừa khâm phục vừa sợ hãi. Từ đó, Hạng Vũ làm thượng tướng quân, quân đội chư hầu đều về theo sự chỉ huy của Vũ.
Chương Hàm đưa quân rút xa mấy mươi dặm, cho người về Hàm Dương xin quân cứu viện. Lúc đó Triệu Cao đang nắm quyền, cố ý làm ngơ, một tên lính cũng không cho. Mưu thần Trần Dư của vua Triệu thấy sự lung túng của Chương Hàm, viết thư khuyên Hàm đầu hàng. Chương Hàm đồng ý. Quân Sở do thiếu lương thảo, không thể giao tranh lâu dài với quân Tần, Hạng Vũ chấp nhận sự đầu hàng của quân Tần.
Trận Cự Lộc, quân Sở do Hạng Vũ chỉ huy đã đánh bại quân chủ lực của Tần. Đây là bước ngoặt trong thế trận chống Tần.
Chú thích:
(1) Triệu Yết: vốn tong thất của nước Triệu đầu đời Chiến Quốc. Năm 208 trước CN,được Trương Nhĩ, Trần Dư lập làm vua Triệu. Năm 206 trước CN, bị Hạng Vũ phế; năm 204 trước CN, bị quân Hán bắt.
(2) Giả thượng tướng quân: Giả là có ý thay thế. Thượng tướng quân là chủ soái đốc quân. Đó là chức vụ, thay Thượng tướng quân.
(3) Phủ là đồ nấu thời cổ, miệng nhỏ, thân to, có hai tai. Ngoài ra, thời Xuân Thu, phủ còn là đơn vị trọng lượng, 10 phủ bằng một chung.