Một ngày của năm 209 trước CN, làng Đại Trạch ở lưu vực sông Hoài (gần Túc Châu, An Huy ngày nay) có mưa lớn. Chín trăm người nông dân nghèo khổ bị triều đình điều đến Ngư Dương (nay là tây nam Mật Vân, Bắc Kinh) làm lính thú, đi tới đây, bị trời mưa to cản đường. Lỡ không đến đúng hẹn, tội sẽ chết, khát vọng sống và sự phẫn nộ với triều Tần tàn bạo đã kích thích họ, khiến họ giương cờ đứng dậy, mở đầu cho cuộc đấu tranh bi tráng.

Chín trăm người lính thú này do hai người đứng đầu, một là Trần Thắng, một là Ngô Quảng.

Trần Thắng cũng gọi là Trần Thiệp, người Dương Thành (đông nam huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam ngày nay), Ngô Quảng, cũng gọi là Ngô Thúc, người Dương Hạ (huyện Thái Khang tỉnh Hà Nam ngày nay). Trần Thắng xuất thân nghèo khổ, làm cố nông cho địa chủ (1) nhưng là người có chí lớn, không cam chịu cuộc sống bình thường. Một hôm, Trần Thắng cùng chúng bạn đang nghỉ trưa, anh cảm khái nói với mọi người:

–         Chúng ta sau này ai được giàu sang, không được quên những người bạn nghèo hôm nay.

Mọi người nghe Trần Thắng nói thế, không nhịn được cười:

–         Trần Thắng ơi! Anh làm cố nông cho người ta, đến cái cuốc, cái bừa cũng không phải của mình, giàu sang sao được!

Trần Thắng thở dài, nói:

–         Trời ơi! Chin én, chim sẻ sao hiểu được chí của chim hồng hộc!

Ý Trần Thắng muốn nói: chim én, chim sẻ náu dưới mái nhà, sao hiểu được chí hướng cao xa của chim hồng hộc bay cao chin tầng trời?

Với cảnh ngộ của bản thân, Trần Thắng thường tỏ ra bất bình, nhưng có những việc bất hạnh hơn đã giáng xuống đầu anh. Anh và Ngô Quảng cùng với những người nông dân cùng khổ khác gồm chin trăm người bị Tần Nhị Thế bắt đi Ngư Dương làm lính đồn trú. Ngư Dương ở phương bắc xa xôi, cách quê hương của Trần Thắng và Ngô Quảng hơn nghìn dặm. Sau khi  chin trăm người này bị tập trung, Trần Thắng và Ngô Quảng được chỉ định làm Đồn trưởng (2) do hai tên quan áp giải, ngày đêm hướng đến Nghi Dương, chỉ sợ không đến đúng hạn định. Lúc đó đang mùa hạ, mưa rất nhiều, đường lầy lội. Khi tới làng Đại Trạch, huyện Kỳ, nước lớn ngập đường, cách nào cũng không thể đến Ngư Dương đúng hạn định, không thể tránh được tội chết.

Trần Thắng cùng Ngô Quảng bàn cách, Trần Thắng nói:

– Nay có trốn bị bắt về cũng chết; đứng dậy chống lại, giành lấy thiên hạ nhiều nhất cũng chỉ chết. Cùng là chết, sao không giành lấy thiên hạ mà chết?

Ngô Quảng hỏi:

– Chống lại bằng cách nào?

Trần Thắng nói:

– Chống lại giành lấy thiên hạ phải có sự ủng hộ của dân chúng. Uy tín của công tử Phù Tô, con Tần Thủy Hoàng và tướng Sở Hạng Yên rất cao, họ tuy đã chết, nhưng rất nhiều người chưa biết, chúng ta lấy danh nghĩa của hai người kêu gọi thiên hạ phản đối Tần Nhị Thế, nhất định sẽ có nhiều người hưởng ứng.

Ngô Quảng thấy Trần Thắng nói rất có lý, hai người lại bàn bạc thêm một hồi. Lúc đó, mọi người rất mê tín, muốn kêu gọi dân chúng nổi dậy, ngoài việc phải giả danh nghĩa Phù Tô và Hạng Yên, còn phải dùng cách giả thần thánh, ma quỷ để  giành được lòng tin của quần chúng. Họ quyết định làm thử.

Hôm sau, đầu bếp ra chợ mua về một con cá. Khi mổ cá ra ai cũng thấy trong bụng cá có một dải lụa trên đó viết: “Trần Thắng vương” bằng chu sa. Sự việc kỳ lạ này chẳng bao lâu được truyền rộng ra, ai cũng cho rằng đây là ý của trời, vốn Trần Thắng là người có chân mệnh thiên tử. Đến tối, bỗng có người nhìn thấy trong đám cỏ rậm bên cái miếu hoang đốm lửa lấp lánh khi sáng khi tối, lại còn nghe văng vẳng tiếng của hồ li: “Đại Sở hưng, Trần Thắng vương! Đại Sở hưng, Trần Thắng vương!” Việc này cũng được truyền rộng ra. Mọi người vừa thấy sợ hãi, vừa thấy lạ lùng. Hồ li làm sao biết nói tiếng người? Phải chăng đây là hồ li thần, cũng biết Trần Thắng có chân mệnh thiên tử, báo tin cho mọi người?

Sáng hôm sau, mọi người đều chú ý nhìn Trần Thắng, càng nhìn càng thấy ông ta quả không giống mọi người, đó là tướng mạo của một chân mệnh thiên tử. Trần Thắng, Ngô Quảng lợi dụng mê tín, tạo thành trong quần chúng  dư luận về nhân vật lãnh tụ. Trần Thắng bình thường có quan hệ tốt với mọi người, ai cũng có thể hòa hợp với ông ta, cùng vì ông ta chịu vất vả. Trần Thắng và Ngô Quảng đang có trong tay một số lượng người lớn, thừa lúc hai viên quan áp giải uống rượu say, cố ý xin về thăm nhà. Viên quan nghe xong, vừa tức vừa giận, trước hết đánh Ngô Quảng  mấy roi, sau đó lại rút kiếm muốn giết Ngô Quảng. Mọi người liền xông tới giúp Ngô Quảng chống lại. Ngô Quảng dựa vào thế đông người, như mũi tên lao thẳng tới, cướp lưỡi kiếm trên tay viên quan, đâm chết hắn. Trần Thắng thừa cơ, đánh ngã tên quan thứ hai rồi cũng dùng kiếm kết quả tính mạng của hắn.

Trần Thắng, Ngô Quảng giết hai tên quan, mọi người tỏ ra rất đắc ý, cảm thấy vô cùng sung sướng. Trần Thắng triệu tập mọi người lại, nói to:

–         Các anh em! Chúng ta gặp mưa to, không thể đến Ngư Dương đúng hẹn. Theo luật pháp, sai hẹn là phải chết. Dù có giữ được mạng nhưng người đồn trú ở biên cương, mười người có đến sáu bảy người chết. Không chết thì thôi, nam nhi đại trượng phu không chết thì thôi, chết thì phải chết cho đàng hoàng. Những vương tướng cưỡi trên đầu trên cổ chúng ta kia, lẽ nào chúng đều là phú quý trời cho?

Mọi người nghe lời Trần Thắng, đều nói lớn:

– Ngài nói đúng. Chúng tôi nghe lời ngài!

Trần Thắng, Ngô Quảng thấy mọi người rất đồng lòng, quyết định lập tức khởi nghĩa. Họ cử một số người lên núi chặt gỗ, chặt tre làm vũ khí, một số người dùng bùn đất, đắp một đài cao làm nơi tuyên thệ, lại còn may một lá cờ lớn, trên đó thêu một chữ “Sở” cỡ đại. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng.

Trần Thắng, Ngô Quảng chỉ huy mọi người cởi một cánh tay áo, để lộ cánh tay phải, tuyên thệ. Họ thuận theo dân chúng, ủng hộ công tử Phù Tô và Hạng Yên. Mọi người đều tôn Trần Thắng, Ngô Quảng làm thủ lĩnh. Trần Thắng cho người mang đầu hai tên quan tới làm lễ tế cờ. Ông tuyên bố xưng hiệu là tướng quân, phong Ngô Quảng làm đô úy. Đội quân khởi nghĩa chin trăm người đã chiếm được làng Đại Trạch.

Tin Trần Thắng, Ngô Quảng dựng gậy làm cờ ở làng Đại Trạch truyền đi, dân chúng nghèo khổ ở gần đó mang cuốc, bừa, đòn gánh nô nức gia nhập nghĩa quân, quân khởi nghĩa nhanh chóng tăng lên gấp mấy lần. Trần Thắng, Ngô Quảng lãnh đạo quân khởi nghĩa xuất phát từ làng Đại Trạch tiến đánh huyện Kỳ. Tiếp đó, Trần Thắng cử Cát Anh mang một đội quân đánh hạ năm thành ở phía đông huyện Kỳ. Khi đánh đến huyện Trần (3) quân khởi nghĩa đã phát triển có tới sáu bảy trăm cỗ chiến xa, hơn một nghìn kỵ binh, mấy vạn bộ binh và nhanh chóng chiếm được huyện Trần. Ở huyện Trần, Trần Thắng xưng vương, quốc hiệu “Trương Sở”, có ý muốn mở rộng nước Sở.

Triều Tần vốn rất hay lừa dối, dân không sống nổi. Sau khi  Trần Thắng phất cờ khởi nghĩa, nơi nơi nô nức hưởng ứng, ngọn lửa chống Tần bùng cháy khắp nơi, hình thế chiến tranh ngày càng phức tạp.

Chu Văn được Trần Thắng cử đi đánh Hàm Dương. Vốn đã là thủ hạ của tướng Sở Hạng Yên, hiểu về quân sự, tác chiến rất dũng cảm. Quân của ông ta thế như chẻ tre, đánh hạ rất nhiều nơi, thu được rất nhiều binh mã, cuối cùng đánh thắng tới Hý (nay là huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây), cách kinh thành hơn trăm dặm.

Tần Nhị Thế nghe nói quân khởi nghĩa đánh đến sát kinh thành rụng rời chân tay, vội cử thiếu tướng Chương Hàm đem mấy chục vạn người đang xây dựng lăng mộ ở Lệ Sơn, vũ trang chống lại quân khởi nghĩa. Chu Văn tuy chiến đấu rất dũng cảm, nhưng đội quân của ông ta mới được tổ chức, thiếu huấn luyện, chưa có kinh nghiệm đánh trận. Đồng thời, quý tộc cũ của 6 nước thi nhau xưng vương, hoặc gây rối loạn trong quân khởi nghĩa, kết quả quân của Chu Văn bị Chương Hàm đánh bại, Chu Văn phải tự sát.

Một cánh quân do Ngô Quảng chỉ huy tiến công Vinh Dương, một thời gian dài vẫn chưa thắng. Bộ hạ của Ngô Quảng là Điền Tàng do bất đồng ý kiến với Ngô Quảng, giả mệnh lệnh của Trần Thắng giết hại Ngô Quảng . Điền Tàng cử một số người tiếp tục tiến công Vinh Dương, bản thân cầm quân giao chiến với tướng Tần Chương Hàm, kết quả thất bại mà chết. Sau khi  Điền Tàng đánh bại Chu Văn, đem quân tiến công đại bản doanh quân khởi nghĩa ở huyện Trần, Trần Thắng đem toàn bộ binh mã chống lại, chỉ giữ lại một số ít quân. Trước thế mạnh mẽ của quân Tần, Trần Thắng đành rút quân khỏi huyện Trần, lui về Thành Phụ (tây bắc huyện Mông Thành, tỉnh An Huy ngày nay). Ở đây, người đánh xe cho ông ta là Tranh Cổ phản bội quân khởi nghĩa nông dân, ám sát Trần Thắng, đầu hàng quân Tần.

Trần Thắng bị hại, một tướng lĩnh quân khởi nghĩa là Lữ Thần chỉ huy một đội quân đầu bạc do nô lệ hợp thành từ Tân Dương (tây bắc huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy nay) đánh huyện Trần, bắt kẻ phản bội Tranh Cổ, đem giết. Không lâu sau, quân Tần lại tiến công huyện Trần. Lữ Thần thất bại.

Quân khởi nghĩa do Trần Thắng, Ngô Quảng chỉ huy bị dẹp yên nhưng vai trò mở đầu trong phong trào chống Tần của nó đã giáng một đòn nặng vào sự thống trị hủ bại của triều Tần.

 

Chú thích:

(1)   Cố nông: chỉ người bản thân không có ruộng đất, làm thuê cho địa chủ để nhận tiền công. Họ bị địa chủ bóc lột, có tinh thần phản kháng.

(2)    Đốn trưởng: tên một cấp trong quân đội, có từ đời Tần thời Chiến Quốc, đứng đầu 5 người; sau địa vị có cao hơn nhưng vẫn thuộc cấp quan thấp.

(3)    Huyện Trần tức Hòai Dương, Hà Nam ngày nay,là cố đô của nước Sở. Ở đó nhân dân nhớ về nước Sở cũ, Trần Thắng kêu gọi “Trương Sở” nên được ủng hộ. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here