Cuối triều Minh, chính trị ngày càng hủ bại, việc canh phòng bỉên cương cũng ngày càng lỏng lẻo,  chi Kiến Châu Nữ Chân  của tộc Nữ Chân ở đông bắc nước ta lúc ấy thế lực ngày càng mở rộng, bắt đầu trở nên hùng mạnh. Đây chính là lúc Mãn tộc bắt đầu đến Trung Nguyên. Sau khi đã trở nên cường thịnh, Mãn tộc tràn vào Trung Nguyên xây dựng nên một vương triều chuyên chế phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta , giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Việc Mãn tộc kiến lập triều đại mới và việc khởi binh của  Nỗ Nhĩ Ca Xích có quan hệ chặt chẽ.

 Nữ Chân Kiến Châu và chế độ Bát Kỳ

      Nỗ Nhĩ Ca Xích là người sáng lập, chỉ huy  Bát Kỹ binh, một nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng, người Mãn tộc, Ái Tân Giác La Thị, sinh ở Hách Đồ A La, Tả Vệ, Kiến Châu (nay là thành Tân  Tân Tây Hách Đồ A La Lão, Liêu Ninh) trong một gia đình quý tộc Nữ Chân. Từ đời tổ thứ 6 Mãnh Ca Thấp Mộc Nhi đã được triều Minh sách phong, làm quan Hữu đô đốc, tổ phụ Giác Xương An đã làm Hữu vệ đô chỉ huy Kiến Châu, cha là Tháp Khắc Thế kế nhiệm. Nỗ Nhĩ Ca Xích từ nhỏ đã tập cưỡi ngựa bắn cung, luyện được võ nghệ thuần thục, 10 tuổi thì mẹ mất, 15,  16 tuổi sống với ông ngoại là Lãnh vương cảo gia đứng đầu Kiến Châu. Sau đó, thường đến Phủ Huấn, Thanh Hà (nay là bắc thành  Bản Khê,  Thanhh Hà) buôn bán, kết giao bạn bè rộng rãi, học chữ Mông Cổ và chữ Hán, thích xem “Tam quốc diễn nghĩa” và “Thuỷ Hử truyện”. Từ đó học binh pháp thao lược, thông thạo núi rừng, đường đi lối lại hiểm trở vùng Liêu Đông. Năm 18, 19 tuổi được Tổng binh Lý Thành Lương sử dụng, nhiều lần lập chiến công, được thưởng gươm quý.

Tộc Nữ Chân ở Kiến Châu có mấy bộ tộc thường tranh giành chém giết. Lý Thành Lương lợi dụng các bộ tộc mâu thuẫn nên tăng cường thống trị. Năm Minh Vạn Lịch thứ 11 (1583), Nỗ Nhĩ Ca Xích 25 tuổi, bộ Nữ Chân ở Kiến Châu có chủ thành Thổ Luân là  Ni Khám Ngoại Lan thường dẫn quân Minh đến đánh thành Cổ Lặc Trại của chủ thành  A Đài. Vợ của A Đài là cháu gái của Giác Xương An. Biết điều đó, Giác Xương An mang theo Tháp Khắc Thế đến  Cổ Lặc Trại thăm cháu gái. Khi quân Minh đến đánh Cổ Lặc Trại, Giác Xương An và Tháp Khắc Thế đều bị quân Minh giết hại trong cuộc hỗn chiến. Sau khi ông và cha chết, Nỗ Nhĩ Ca Xích tập chức của cha, làm chỉ huy Tả vệ bộ Kiến Châu.

Nỗ Nhĩ Ca Xích khóc than, thương tiếc,  chôn cất ông và cha nhưng nghĩ đến lực lượng còn nhỏ bé của mình chưa dám đem quân đi hỏi tội quân Minh, vì thế mang mối hận thù định đến  hỏi tội Ni Khám Ngoại Lan, chủ thành Đồ Luân, rồi sau đó khởi binh, tổ chức được gần trăm người, đánh phá thành Đồ Luân. Năm sau, khi đem quân đánh thành Ông Khoa Lạc thì trúng tên bị thương. Tháng 2 năm Minh  Vạn Lịch thứ 13, đánh liên  quân 4 thành Giới Phàm, Sa Nhĩ Hử, Đồng Quế, Ba Nhĩ Đạt. Tháng 4, mang theo 80 người ngựa, mai phục bên sông Hỗn đánh bại Giới Phàm và liên quân 5 thành 800 người. Tháng 7 năm Minh Vạn Lịch thứ 14, đánh thành Nga Nhĩ Hỗn (nay là đông Phủ Thuận), thương vong nhiều nhưng vẫn chiến đấu thắng lợi, Ni Khám Ngoại Lan chạy ngược chạy xuôi, cuối cùng chạy về Ngạc Lặc Hỗn (nay ở gần Tề Tề Cáp Nhĩ) cầu xin quân Minh bảo vệ. Nỗ Nhĩ Ca Xích cũng đuổi theo đến đó. Quân Minh thấy Nỗ Nhĩ Ca Xích ngừng tấn công, sợ từ đó  thành chiến tranh  nên nhờ Nỗ Nhĩ Ca Xích giết Ni Khám Ngoại Lan. Năm Minh Vạn Lịch thứ 15, xây  thành Hách Đồ A La (nay là thành huyện Tân Tân), ban giáo lệnh, lập pháp chế, xưng vương, lại xưng  Nữ Chân quốc Thạc Lặc Bối Lặc. Về chính trị, ân uy rõ ràng “người thuận thì phục đức, kẻ nghịch thì dùng binh”. Đến năm Minh Vạn Lịch thứ 16, thống nhất được 5 bộ tộc Kiến Châu Tô,  Khắc Sa Hử,  Hỗn Hà, Hoàn Nhan Đống Ngạc, Triết Trần. Ba thủ lĩnh Phí Anh Đông bộ Hoàn Nhan, Hà Hoà Lễ bộ Đống Ngạc, Hộ Nhĩ Hán bộ Nhã Nhĩ Cổ Đô đều quy phục, lần lượt được  coi là khai quốc phong thần. Năm thứ 17 đời Minh Vạn Lịch, chỉnh đốn quân đội, phân ra các loại quân Hoàn đao quân, Thiết chuỳ quân,  Quán xích quân và Năng xạ quân. Bộ lạc Nữ Chân có khoảng 50 đầu mục, có công được triều Minh phong tả vệ đô đốc kiểm sự Kiến Châu. Từ năm Minh Vạn Lịch thứ 18 trở đi, nhiều lần  đến Bắc Kinh triều cống. Năm Minh Vạn Lịch thứ 19, thôn tính được bộ Áp Lục Giang ở núi Trường Bạch.  Tháng 6 năm Minh Vạn Lịch thứ 21, tiến công đánh bại được liên quân 4 bộ Hiệp Hách, Cáp Đạt, Điểu La, Huy Phát. Thanh thế của  Nỗ Nhĩ  Ca Xích ngày càng lớn. Qua mấy năm, đã thống nhất được Nữ Chân Kiến Châu. Việc này khiến các bộ Nữ Chân khác lo sợ. Tộc Nữ Chân lúc đó có tất cả 3 bộ tộc, ngoài bộ tộc Nữ Chân Kiến Châu còn có Nữ Chân Hải Tây  và Nữ Chân “Dã Nhân”. Nữ Chân Hải Tây có  bộ Hiệp Hách mạnh nhất. Tháng 9 năm 1593, bộ HIệp Hách đã liên hợp 9 bộ Nữ Chân, Mông Cổ  thành liên minh, có 3 vạn quân chia làm 3 đường đánh Nỗ Nhĩ Ca Xích.

     Tháng 9, liên quân 9 bộ đến núi Cổ Lặc, quân Kiến Châu đã bố trí trận địa ở trên núi, trong trận chiến đấu ở núi Cổ Lặc, Nỗ Nhĩ Ca Xích  tự mang hàng vạn quân nghênh chiến quân Hiệp Hách và 3 vạn quân liên minh, trong trận đánh, quân Nỗ Nhĩ Ca Xích chém được khoảng 4.000 quân Hiệp Hách Bối Lặc, bắt được em của Điểu La Bối Lặc là Bố Chiếm Tần, phá tan được liên minh. Thừa thắng, Nỗ Nhĩ Ca Xích đánh tan quân của bộ Chu Xá Lý và bộ Nột Ân, rồi thừa thắng truy kích, đánh bại bộ Hiệp Hách. Qua mấy năm, về cơ bản, các bộ tộc  Nữ Chân đã thống nhất, đến năm thứ 23 đời Minh Vĩnh Lịch thì  giao hảo với  bộ Khoa Nhĩ Tấm, Ca Nhĩ Ca của Mông Cổ. Thấy Nỗ Nhĩ Ca Xích  có công ở vùng biên giới, triều đình nhà Minh phong  là Tản giai chinh  nhị phẩm, Long hổ tướng quân. Năm sau, thông sứ với Triều Tiên. Nỗ Nhĩ Ca Xích tự xưng nước Nữ Chân, quản lý và bảo vệ  người Di ở Kiến Châu, thuộc hạ có từ 32 thủ lĩnh nay tăng lên 53 thủ lĩnh, đưa Bố Chiến Tần về Điểu La làm Bối Lặc, lần lượt cùng 5 bộ kết thông gia, liên minh ăn thề cùng 7 bộ, dùng chính sách đánh và dụ, bắt đầu thôn tính lưu vực sông Đồ Môn, sông Điểu Tô Lý ra đến biển Đông. Đến năm Minh Vạn Lịch thứ 29, diệt được bộ Ca Đạt.

     Trong quá trình thống nhất các tộc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Ca Xích đã chia người Nữ Chân thành 8 kỳ, lấy 4 màu chính Vàng, Đỏ, Trắng, Lam làm cờ hiệu của các quân. Kỳ tức là đơn vị hành chính, đồng thời cũng là tổ chức quân đội. Mỗi Kỳ có nhiều Ngưu lục, mỗi Ngưu lục quản lý 300 người, bình thường , cày ruộng và săn bắn, có chiến sự thì đánh giặc. Như vậy vừa đẩy mạnh được sản xuất vừa tăng cường được sức chiến đấu. Năm Minh Vạn Lịch thứ 43, định ra chế độ Bát Kỳ, bên cạnh 4 màu sắc chính nay thêm 4 màu nữa; lại phân tán người Nữ Chân ra các Kỳ, vừa chuẩn bị chiến đấu vừa sản xuất nông nghiệp. Phàm bước vào chiến đấu, khi có lệnh, “tử binh”  phải xông lên phía trước, “nhuệ binh” phải cùng tiến phía sau, sau chiến đấu có thưởng công phạt tội. Năm 1616 sau Công nguyên, ông cho rằng thời cơ đã chín muồi, lại được sự ủng hộ của quý tộc Bát Kỳ, tại Hách Đồ A La (nay là vùng phụ cận Tân Tân, Liêu Ninh) lên ngôi xưng Hãn, quốc hiệu là Đại Kim. Để phân biệt với triều Kim trước đây, trong lịch sử, nó được gọi là Hậu Kim. Năm thứ 2 đời Hậu Kim (1617) đem quân đi thu phục bộ lạc Nữ Chân ở biển Đông, tháng 3 năm thứ 3, làm chuồng nuôi ngựa, sửa chữa vũ khí công cụ chuẩn bị, nhưng để ru ngủ triều Minh, họ vẫn tiếp tục triều cống, xưng thần, họ còn nhiều lần đến Bắc Kinh, đích thân xem xét tình hình của triều Minh.

 “Thất đại hận” 

(Bảy mối hận lớn)

      Sau khi thành lập nước Hậu Kim, Nỗ Nhĩ Ca Xích lại để hơn 2 năm chỉnh đốn nội bộ, phát triển sản xuất, tăng cường binh lực. Năm 1618 sau Công nguyên, Nỗ Nhĩ Ca Xích triệu tập thủ lĩnh và tướng sĩ  Bát Kỳ làm lễ tuyên thệ, tuyên bố có 7 mối oán cừu với triều Minh, gọi là “Thất đại hận”. Dó đó, quyết định khởi binh trừng phạt triều Minh.

Căn cứ ghi chép của  “Thanh Thái tổ Cao hoàng đế thực lục”, Nỗ Nhĩ Ca Xích đã công bố 7 mối hận này.

 (Phần này hơi dài, xét thấy không thật cần thiết và do khuôn khổ sách có hạn, nên chúng tôi không dịch).

 Năm sau, Nỗ Nhĩ Ca Xích tự thân mang 2 vạn quân mã tiến công Phủ Thuận. Trước hết ông viết một bức thư gửi cho tướng Minh giữ thành Phủ Thuận, khuyên hắn đầu hàng. Tướng giữ thành Lý Vĩnh Phương thấy thế quân Hậu Kim dũng mãnh, chưa chống lại đã  hàng phục, quân Hậu Kim bắt được cả người và gia súc đến hơn 30 vạn. Tuần phủ Liêu Đông của triều Minh cử quân đến cứu viện cho Phủ Thuận, cũng bị quân Hậu Kim chặn đánh ở giữa đường. Nỗ Nhĩ Ca Xích ra lệnh phá thành Phủ Thuận, mang toàn bộ chiến lợi phẩm trở về Hách Đồ A La. Tin tức truyền đến Bắc Kinh, Minh Thần Tông hoảng sợ,  quyết định cử Dương Cao làm Kinh lược Liêu Đông, đi đánh Hậu Kim. Dương Cao tập hợp được hơn 10 vạn người ngựa, năm 1619 sau Công nguyên, Dương Cao chia quân ra làm 4 đường, do 4 quan tổng binh chỉ huy, tiến công Hách Đồ A La. Cánh quân bên trái là Đỗ Tùng, Tổng binh Sơn Hải Quan, cánh quân bên phải là Lý Như Bá, Tổng binh Liêu Đông; cánh quân phía bắc  do Khai Nguyên, Tổng Binh Mã Lâm; cánh quân phía nam do Lưu Đình, Tổng binh Liêu Dương, tất cả 47 vạn quân. Dương Cao ngồi tại Thẩm Dương chỉ huy toàn cục. Tháng giêng, Nỗ Nhĩ Ca Xích mang quân của Khắc Hiệp Hách hơn 20 trại ứng chiến. Đầu tháng 3, trong trận chiến đấu ở Sa Nhĩ Hử, Nỗ Nhĩ Ca Xích dựa vào sách lược “Địch đến mấy đường, ta chỉ có một đường”, mang quân Bát Kỳ ứng chiến với khoảng 11 vạn quân Minh, trước sau đại phá được 4 lộ quân Minh Tây lộ của Đỗ Tùng, Bắc lộ của Mã Lâm, Đông lộ của Lưu Đình, buộc quân tăng viện của  Triều Tiên cho quân Minh phải đầu hàng, tiêu diệt khoảng 6 vạn quân Minh. Sau trận đánh ở Sa Nhĩ Hử, triều Minh hoảng hốt tinh thần, quân Hậu Kim cứ dần từng bước mà tiến, qua 2 năm Nỗ Nhĩ Ca Xích chỉ huy đại quân Bát Kỳ liên tiếp tiến công các cứ điểm quan trọng ở Liêu Đông, Thẩm Dương và Liêu Dương. Tháng 3 năm 1625 sau Công nguyên Nỗ Nhĩ Ca Xích dời kinh đô về Thẩm Dương, đổi tên Thẩm Dương là Thịnh Kinh, sau đó, Hậu Kim tiếp tục uy hiếp triều Minh.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here