Nghề đóng tàu và ngành hàng hải Trung Quốc có một lịch sử lâu đời. Từ đời Đường, nhiều thương nhân nước ngoài đã vượt biển tới Trung Quốc buôn bán, phần lớn đều đến Trung Quốc tương đối an toàn. Đời Tống nhân viên hàng hải bắt đầu sử dụng kim chỉ nam trên biển, đây chính là một sáng tạo rất tốt cho nghề vượt biển. Đầu thế kỷ 13, Trung Quốc đã sử dụng những con thuyền 10 cột 10 buồm để vượt biển.

Những năm đầu triều Minh cùng với chế độ trung ương tập quyền ngày càng vững mạnh, nhiều hàng hoá trong nền kinh tế của xã hội phong kiến nhanh chóng phát triển. Để phát triển quan hệ đối ngoại, mở rộng buôn bán, chính phủ Minh đã lần lượt cử Thống sư Trịnh Hoà  7 lần vượt biển đưa những hạm đội rất lớn đến các nước  “Tây dương” (nay là bán đảo Ấn Độ, Ấn Ni, Ba La Châu, …) Trong lịch sử quan hệ đối ngoại và lịch sử hàng hải, họ đã viết được những trang đẹp đẽ.

 Bảy lần vượt biển, tỏ rõ oai phong

     Trịnh Hoà, sinh năm 1371 ở châu Côn Dương, Vân Nam (nay là huyện Ninh, Côn Minh) trong một gia đình người Hồi theo đạo Ixlam, nguyên tên ông là Mã Hoà, tên hồi nhỏ là Tam Bảo, ông nội và cha ông đều theo đạo Ixlam, còn đến tận Mecca (thánh địa chủ yếu của đạo Ixlam, nay là Sa Đặc A La Bá). Khi còn nhỏ, ông thường được nghe cha kể về những chuyến đi nước ngoài. Năm ông 11 tuổi, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương  phát động cuộc chiến tranh thống nhất Vân Nam, ông được đem tiến cung, rồi làm cận thị cho Yên vương  Chu Đệ, con thứ 4 của Chu Nguyên Chương.

    Năm 1403, Chu Đệ lên ngôi, sử gọi là Minh Thành Tổ. Ngày 1 tháng 1 năm sau, Chu Đệ nhớ đến ông là người có dũng có mưu, nhiều lần lập công bèn cho mang họ “Trịnh”, đổi tên là Trịnh Hoà, lại cho ông làm Nội cung thái giám. Đến năm Vĩnh Lạc thứ 3 (ngày 11 tháng 7 năm 1405), cử ông cùng hạm đội Long Đại lần đầu vượt biển đi sứ Tây dương. Từ năm 1405 đến 1433, trong suốt thời gian 28 năm, Trịnh Hoà đã chỉ huy hạm đội qua hơn 30 nước, vựơt hơn 10 vạn dặm, 7 lần anh dũng vượt biển khơi đến tận  vùng tiếp giáp giữa biển Trung Quốc và Ấn Độ dương, từ Đài Loan đến vịnh Ba Tư rồi đến tận châu Phi. Tuy thương nhân Trung Quốc  đã từng biết đến A La Bá, biết đến sự tồn tại của châu Âu, nhưng chưa ai nghĩ là có thể đến được những nơi ấy. Châu Âu chính là vùng đất “Viễn Tây”, nơi chỉ có thể cung cấp được lông dê và rượu, với Trịnh Hoà, có thể nói, đó là vùng đất  ít sức hấp dẫn. Trong 30 năm, các hàng hoá, vật phẩm nước ngoài cùng với những hiểu biết về địa lý đã nhanh chóng được người Trung Quốc  biết đến; ngược  lại, Trung Quốc cũng tạo ra những ảnh hưởng về chính trị chưa từng có trên vùng biển Ấn Độ dương. Trung Quốc đã cùng với các nước xây đựng mối liên hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá, hoàn thành cuộc hành trình vĩ đại trong lịch sử,  7 lần vượt biển khơi

    Tháng 6 năm 1405, Trịnh Hoà chỉ huy 62 chiến thuyền cùng hơn 2,9 vạn người tổ chức thành một hạm đội viễn dương, xuất phát từ cảng Tô Châu Lưu Gia , lần đầu tiên đi sứ phương nam. Con thuyền lớn nhất dài hơn 100 m, rộng hơn mấy mươi mét, có thể chở 1.000 người, trên thuyền có hàng hải đồ, la bàn. Lúc đó, những la bàn được sử dụng có rất nhiều phương vị. Bằng những chiếc la bàn này, trong đêm tối còn có thể xem sao, từ việc xem sao mà định hướng, nó thể hiện đầy đủ khả năng vĩ đại của nhân dân lao động và  kỹ thuật hàng hải, kỹ thuật đóng thuyền tiên tiến của người Trung Quốc. Trong lần vượt biển  thứ nhất, đầu tiên Trịnh Hoà đến Chiêm Thành (nay là miền nam Việt Nam), tiếp đó đến các nước  Qua Oa, Cựu Cảng (nay là bờ đông nam của đảo Inđônêxia), Tô Môn Đáp Lạt, Mãn Lạt Gia, Cổ Lý, Tích Lan. Ông đã mang theo rất nhiều vàng bạc, hàng hoá, đến mỗi nước, ông đều trao Quốc thư của Minh Thành Tổ cho  Quốc vương, lại đem các lễ vật dâng cho họ, mong cùng với họ có quan hệ hữu hảo. Rất nhiều nước thấy hạm đội của Trịnh Hoà to lớn như thế, lại có thái độ hữu hảo, không đe doạ,   nên họ rất nhiệt tình tiếp đãi.

    Trong chuyến đi sứ lần thứ nhất, đến tháng 9 năm thứ ba, tức năm 1407, Trịnh Hoà mới trở về nước. Quốc vương các nước Tây dương khi Trịnh Hà về nước cũng  đều cử sứ giả mang theo lễ vật đến Trung Quốc đáp lễ. Trên đường đi sứ, tuy gặp nhiều cảnh hiểm nghèo, nhưng nhờ kinh nghiệm phong phú của những thuỷ thủ lão luyện, mọi người trên hạm đội đều vượt qua. Chỉ khi trên đường về nước, khi qua Cựu Cảng, có gặp một việc rắc rối. Nguyên là ở Cựu Cảng có một thủ lĩnh cướp biển, tên là Trần Tổ Nghĩa. Hắn chiếm lấy một hòn đảo, tập hợp được một  bọn cướp biển, chuyên môn cướp đoạt các tài vật của thương nhân. Lần này, nghe nói hạm đội của Trịnh Hoà mang theo nhiều tài vật quý giá sắp qua, hắn nổi máu tham, cùng bọn đồng loã chuẩn bị nếu Trịnh Hoà thiếu đề phòng sẽ  hành động. Nhưng những mưu mô của hắn đã bị người địa phương phát hiện, họ đã cử người đến hạm đội tố cáo với Trịnh Hoà.

    Thủ hạ của Trịnh Hoà có tới 2 vạn binh lính, còn sợ gì một bọn cướp biển như thế? Ông lệnh cho đại thuyền tản ra, dừng lại ở cửa khẩu Cựu Cảng, lại lệnh cho binh lính trên thuyền chuẩn bị súng đạn đầy đủ. Đêm khuya, mặt biển yên tĩnh, gió nhẹ, Trần Tổ Nghĩa mang mấy chục con thuyền nhỏ của bọn cướp biển chuẩn bị tập kích. Chỉ nghe thấy Trịnh Hoà đang ở trên thuyền, rồi một tiếng pháo nổ, toàn bộ bọn cướp đều bị bao vây. Quân Minh người đông thế mạnh, lại có sự chuẩn bị từ trước, nhanh chóng đánh bại bọn Trần Tổ Nghĩa. Binh sĩ trên thuyền lớn đem đốt hết thuyền bè của bọn cướp. Trần Tổ Nghĩa muốn chạy cũng  không thoát, đành chịu trói.

    Trịnh Hoà đem Trần Tổ Nghĩa đưa về nước, đến Kinh thành nộp cho Minh Thành Tổ. Sứ giả các nước sau đó cũng hội kiến Minh Thành Tổ, dâng những lễ vật quý. Minh Thành Tổ thấy Trịnh Hoà đi sứ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc rất vui vẻ, nói cười không ngớt.

    Sau đó, Trịnh Hoà lại lần lượt thực hiện nhiều chuyến đi nữa, từ tháng 9 năm 1408 đến tháng 7 năm 1409; từ tháng 10 năm 1409 đến tháng 7 năm 1411; từ 1413 đến 1415; từ tháng 5 năm 1417 đến tháng 8 năm 1419; từ tháng 1 năm 1421 đến tháng 8 năm 1422; từ tháng 6 năm 1430 đến tháng 7 năm 1433 nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng  của Trung Quốc, tăng cường buôn bán với các nước.

Đoàn thuyền của Trịnh Hoà đã mang tới các nước một  lượng lớn các đồ sứ, đồ đồng, đồ sắt, vàng bạc và nhiều đồ tinh xảo bằng tơ lụa, gấm vóc,… và ngược lại, đã mang về Trung Quốc những sản vật đặc biệt của các nước Á, Phi như hồ tiêu, ngà voi, đá quý, thuốc nhuộm, lưu huỳnh, hương liệu, cây dừa, hươu cao cổ, sư tử, lạc đà báo kim tiền và nhiều động vật quý hiếm khác, thúc đẩy sự giao lưu kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Á, Phi.

 Giao lưu hữu hảo, không mong cường quyền

     Đoàn thuyền của Trịnh Hoà mỗi lần đến một địa phương nào đều có thái độ hữu nghị, giao lưu bằng hàng hoá, mọi việc đều trao đổi bình đẳng. Đồng thời ông còn chú ý tìm hiểu phong tục tập quán, tôn trọng nhân dân địa phương. Như tại Cổ Lý, dựa vào tập quán địa phương, quan hệ với mọi người theo nguyên tắc “hoặc quý, hoặc rẻ, không phải hối hận”. Vì thế ở các nơi đoàn đi qua, mọi người đều có ấn tượng tốt đẹp. Trong chuyến đi lần thứ ba đến Tư Lý Lan, ông còn đem các đồ thờ cúng bằng vàng bạc, lụa màu, gấm thêu và những đồ thích hợp khác cho chùa chiền trên đảo, lại còn đặt bia đá làm kỷ niệm. Đến nơi nào, ông cũng được nhân dân các nước hoan nghênh. Như nhân dân  Bà La Châu “Hễ thấy người Trung Quốc đến đâu, đều yêu mến, mời về nhà mình thết đãi như với người bạn cũ”. Cho đến hôm nay, nhân dân nhiều nước còn giữ  những đồ sứ đời Minh coi đó như là những  vật tượng trưng cho tình hữu nghị. Ở một số nước Đông Nam Á, còn có những địa danh như Tam Bảo Lũng, Tam Bảo Miếu; nước Thái có Tam Bảo miếu, và Tam Bảo tháp (do Trịnh Hoà được gọi là Tam Bảo thái giám mà thành tên). ở nhiều nơi đều có bia kỷ niệm.

Sau khi Trịnh Hoà vượt biển thành công, nhiều nước cử sứ đoàn tới Trung Quốc bàn việc thông thương. Quốc vương các nước Tượng Bột Ni (Gia Lý Man Đan), Phi Luật Tân, Mã Lai Á  đã đích thân tiến hành những chuyến thăm hữu nghị, thúc đẩy giao lưu kinh tế văn hoá giữa các nước Á Phi.

Năm 1498, Vasco da Gama cùng với đoàn của ông gồm 3 tàu, trên đường đến thăm Ấn Độ, qua mũi Hảo Vọng, lên bờ biển Đông Phi, người địa phương đã  biểu thị tinh thần giúp đỡ, tặng cho ông những hàng thêu tinh xảo và những cái mũ bằng tơ. Người châu Phi cười nhạo người Bồ Đào Nha về những  hạt ngọc nhỏ, những cái chuông nhỏ, những vòng san hô, cái bồn rửa mặt và cho rằng trên những cái thuyền nhỏ bé ấy chẳng có gì đáng giá. Các cụ già trong làng nói, đã từ rất lâu rồi, đã có những con “quỷ” da trắng, mặc toàn hàng bằng tơ lụa, đi trên những cái thuyền lớn đến thăm bờ biển của họ. Nhưng không có người nào biết họ là ai, cũng không biết họ từ phương trời nào tới. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here