Đập Đô Giang là công trình thủy lợi nổi tiếng thế giới, phản ánh đầy đủ trí tuệ của nhân dân lao động Trung Quốc thời cổ, đến nay đã được liệt vào một trong những di sản văn hóa thế giới. Đập Đô Giang xây dựng vào thời Chiến Quốc, do quận thú quận Thục nước Tần Lý Băng cùng con trai là Nhị Lang chỉ huy nhân dân xây dựng nên.
Thành Đô của quận Thục thuộc huyện Quán là một bình nguyên lớn ở bờ đông sông Mân, nhưng nước sông Mân chảy bị núi Ngọc Lũy ngăn cản, không tới được phía đông, bình nguyên cách nguồn nước rất gần nhưng lại không có nước tưới. Khi có nước lụt, xảy ra tình trạng bờ đông hạn, còn bờ tây lụt lội.
Tần Chiêu Tương Vương lên ngôi không lâu, biết Lý Băng có kinh nghiệm trị thủy, liền cử ông đến đảm nhậm chức vụ hành chính cao nhất ở địa phương: quận thú.
Lý Băng mới nhâm chức đã tích cực tìm hiểu về nước, về dân. Ông cùng con trai là Nhị Lang còn mời những nông dân có kinh nghiệm cùng khảo sát bờ sông Mân, nghe ý kiến của nhân dân địa phương, điều tra địa hình, nghiên cứu phương pháp trị thủy sông Mân.
Họ đến ngoại thành huyện Quán, nhìn dãy núi cao vòi vọi ở bờ đông sông Mân, chặn mất lối đi của sông. Dân chúng địa phương nói với họ, đây là núi Ngọc Lũy. Một nông dân cao tuổi nói với Lý Băng:
– Phải mở một cánh cửa ở núi Ngọc Lũy, dẫn dòng nước về bờ đông. Dòng nước ở bờ tây sẽ bớt đi, bờ đông có thể dẫn nước tưới, thật là “nhất cử lưỡng đắc”.
Lý Băng xem xét cẩn thận địa hình, cho rằng lời đề nghị này rất đúng, quyết định mở núi Ngọc Lũy, chia dòng diệt tai họa, dẫn nước vào ruộng.
Lý Băng công bố quy hoạch này, mọi người đều biểu thị sự tán thành. Thế là trận chiến đấu đục núi thanh thế rung chuyển đã bắt đầu. Sau lúc khởi công, rất đông nông dân và thợ thuyền, người đục đá, kẻ khiêng đá rất náo nhiệt. Cho dù khi đó đã sử dụng đồ sắt, việc đào, đục đá vẫn hoàn toàn dựa vào sức người. Mỗi ngày qua đi, công việc tiến triển rất chậm, đá không đục được bao nhiêu, công cụ bị hư hỏng rất nhiều.
Có người đề xuất ý kiến: trước tiên đục rãnh trên đá, sau đó, trên rãnh và khe đá nhét cỏ khô, trên đó xếp đầy cành cây, củi rồi đốt. Đá bị nóng sẽ nứt ra, đục vào đó sẽ đỡ tốn sức.
Lý Băng bảo mọi người làm như thế, quả nhiên, tiến độ công việc nhanh hơn hẳn. Mọi người trải qua lao động gian khổ đã đục được một cửa lớn qua núi. Thấy nước sông ào ạt chảy qua cửa mở vào ruộng, khỏi phải nói niềm vui của mọi người như thế nào. Vì lỗ thủng ở núi Ngọc Lũy mới mở giống như miệng chiếc bình, mọi người đã gọi nó là “Bảo bình khẩu”. Đoạn núi vừa mở này gọi là Lý Đôi. Họ còn gọi dòng sông Mân cũ là Ngoại Giang, chi lưu mới gọi là Nội Giang.
Sau khi công trình Bảo Bình khẩu được xây dựng, Lý Băng phát hiện chưa thể thỏa mãn được nhu cầu tưới nước. Làm thế nào để lượng nước lớn của Ngoại Giang qua đây? Cha con Lý Băng bèn đi khảo sát thượng du Bảo Bình khẩu, cùng bàn bạc với các phụ lão địa phương, cuối cùng cũng đã tìm được biện pháp mới. Trên thượng du sông Mân, cách Bảo Bình Khẩu không xa, có thể xây dựng một đập chia nước khiến cho nước sông chia làm hai dòng. Như vậy, nước sông chảy vào Nội Giang sẽ nhiều lên.
Nhưng giữa dòng nước chảy cuồn cuộn xây dựng một con đập phân thủy đâu phải việc dễ? Ban đầu họ lợi dụng thời cơ nước ít, dùng nguyên liệu sẵn có ở nơi ấy là đá cuội, giữa dòng nước xây một con đê. Nhưng không ngờ, chỉ mấy ngày sau, con đê đã bị cuốn trôi. Qua nhiều lần thử nghiệm, không ngừng cải tiến, cuối cùng, một con đê lớn tương đối vững chắc cũng đã được xây dựng. Nhưng chỉ một lần nước lũ lớn đã cuốn trôi tất cả, con đê không còn để lại một chút dấu vết.
Lý Băng vô cùng buồn rầu, ngày ngày trăn trở tìm cách giải quyết.
Một hôm, cha con Lý Băng tới thượng du sông Mân để khảo sát nước sông, nhìn đám đông phụ nữ đang giặt quần áo bên bờ sông, thấy họ dùng cái sọt tre đựng quần áo. Cái sọt đặt dưới dòng sông, dù nước chảy khá xiết nhưng cái sọt vẫn không bị trôi. Lý Băng chợt liên tưởng đến việc đem đá cuội đựng trong những sọt tre, thả xuống đáy nước.
Ông đem ý tưởng nói với mọi người. Ai ai cũng đồng tình hưởng ứng, tin rằng ý tưởng sẽ thành công. Nói là làm, Lý Băng bảo Nhị Lang đưa các phụ lão lên núi chặt tre, tự mình tập hợp nhiều thợ đan sọt. Không lâu sau, nhiều sọt tre đã đan xong, Lý Băng bảo mọi người cho đá trứng ngỗng vào sọt, chuẩn bị làm thí nghiệm trước. Đến ngày thử nghiệm, cha con Lý Băng đến từ sớm, rất đông phụ lão cũng có mặt. Đầu tiên, họ thử chỗ nước cạn thì thành công, nhưng khi thả sọt tre xuống nơi nước chảy xiết thì sọt trẻ bị chuyển động rồi trôi mất. Có lẽ vì sọt tre quá nhỏ. Lý Băng bảo thợ đan sọt dài hơn, lớn hơn. Mỗi sọt mới đan có kích thước rất lớn, dài tới ba trượng, rộng tới ba, bốn thước. Sau khi cho đá cuội vào, thả xuống nước, dù nước chảy xiết, những cái sọt vẫn không thể lay động. Lý Băng và mọi người đều vô cùng vui sướng.
Qua lao động gian khổ, đập chia nước đã hình thành, nó sừng sững giữa dòng sông, giống như một hòn đảo nhỏ hẹp và dài. Từ xa nhìn tới giống như một con cá lớn, đầu cá hướng về dòng chảy của sông Mân, rẽ sóng mà tiến, chia sông Mân thành hai dòng, cho nên, người ta gọi là “phân thủy ngư chủy” (miệng cá chia nước). Đập chia nước xây dựng xong, lượng nước của Nội Giang tăng lên, có thể tưới nước cho nhiều đồng ruộng, một năm bốn mùa, nước không ngừng chảy.
Để đảm bào lượng nước của Nội Giang không quá lớn vào mùa hạ, cha con Lý Băng lại chỉ huy mọi người đắp đập Phi Sa giữa “Phân thủy ngư chủy” và “Ly Đôi”. Toàn bộ thân đập là sọt tre và đá cuội xếp thành, đỉnh đập thấp hơn bờ đê. Khi nước sông Nội Giang quá lớn sẽ tự tràn qua đỉnh đập, chảy về Ngoại Giang, tránh được tai họa. Từ đó, sông Mân được chế ngự, nhân dân lao động ở hai bên bờ có thể sản xuất nông nghiệp. Lý Băng đặt cho đập tên Đô An, sau đó, mọi người đổi tên thành Đô Giang.
Đập Đô Giang được xây dựng xong, từ đó tới nay công trình thủy lợi này không ngừng được cải tiến, quy mô công trình ngày càng hoành tráng và hiệu quả ngày càng cao. Cho tới nay, công trình vẫn phát huy hiệu quả như trước, tưới cho hàng trăm vạn mẫu ruộng, khiên bình nguyên Thành Đô trở thành một bình nguyên nổi tiếng.
Chú thích:
- Thục quận: Năm 316 trước CN, Tần diệt nước Thục; năm 285 trước CN, đặt quận, quản lý một vùng bồn địa Tứ Xuyên, trị sở huyện Thành Đô (nay là Thành Đô, Tứ Xuyên).
- Nhân công luyện sắt và chế tạo đồ sắt sớm nhất ở Trung Quốc vào đầu thời Xuân Thu, sau giữa thời Chiến Quốc, công cụ sắt dùng trong công nghiệp và nông nghiệp đã được sử dụng phổ biến.