Năm 284 trước CN, Yên Chiêu Vương dùng Nhạc Nghị làm tướng quân, liên hợp với Tần, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn, năm nước tiến quân đánh Tề.

Vì sao Yên Chiêu Vương lại mang quân đánh Tề? Vì ông muốn bào thù nhà nợ nước. Ban đầu cha ông làm vua, các đại thần nắm đại quyền của nước Yên làm nhiều điều xằng bậy khiến cho lực lượng của nước Yên nhanh chóng suy bại. Nước Tề nhân cơ hội ấy tiến công nước Yên, cha con vua Yên đều chết trong đám loạn quân. Sau khi  Yên Chiêu Vương nối ngôi, thu nạp nhân tài trong thiên hạ, trước hết, ông dùng ẩn sĩ Quách Quỳ làm thượng binh, dùng nhà quân sự Nhạc Nghị, đại tướng Cát Tân, âm dương gia Trâu Diễn, tung hoành gia Tô Tần… Nhờ sự giúp đỡ của họ, nước Yên dần mạnh lên.

Chiến tranh đánh Tề ban đầu thế như chẻ tre, nước Yên liên tiếp đánh chiếm được hơn 70 thành, chỉ có Cử và Tức Mặc còn ngoan cường chống đỡ, quân đội của Nhạc Nghị đã bao vây suốt ba năm vẫn không hạ được. Chiến tranh bước vào giai đoạn giằng co, cả hai bên đều chờ cơ hội.

Lúc đó ở nước Tề, lãnh đạo ở Tức Mặc là một vị tướng tên Điền Đan. Điền Đan rất yêu đất nước mình, để chống lại quân địch, ông đã mang người nhà của mình, người của dòng tộc mình phiên chế vào quân đội, cùng quân sĩ chiến đấu. Bản thân ông trong chiến đấu còn nêu một tấm gương luôn đi đầu vừa có dũng vừa có mưu, ngày thường cùng binh sĩ đồng cam cộng khổ, mọi người đều rất kính yêu và ủng hộ ông, cùng ông  đồng tâm hiệp lực bảo vệ thành Tức Mặc, liên tiếp đánh lui những cuộc tiến công của quân Yên.

Yên Chiêu Vương vừa mất, Yên Huệ Vương nối ngôi. Điền Đan nghe tin, thở phào nhẹ nhõm, biết là cơ hội đã đến. Điền Đan cho người đến nước Yên, phao tin về Nhạc Nghị, nói Nhạc Nghị đã dự dịnh thời cơ khi vua mới lên ngôi sẽ làm phản. Yên Huệ Vương nghe được, từ đó đã nhìn Nhạc Nghị cới con mắt khác.

Khi Huệ Vương còn là thái tử, có một đại phu tên Kỵ Kiếp rất có dã tâm, hắn a dua nịnh nọt thái tử và rất được lòng thái tử. Khi thái tử nối ngôi, hắn rắp tâm muốn thay thế Nhạc Nghị. Nghe tin đồn từ nước Tề truyền đến, hắn gặp Yên Huệ Vương, nói:

– Thời Yên Chiêu Vương trước đây, Nhạc Nghị giả vờ không bằng lòng vua Tề, bây giờ, Chiêu Vương đã mất, sợ rằng ông ta có tính toán gì chăng? Ngài xem, vì sao ông ta cứ ở Cử và Tức Mặc, liên tiếp tiến công mà vẫn không chiếm được? Chẳng phải ông ta lợi dụng cơ hội này để tranh thủ sự ủng hộ của nước Tề,  để đạt mục đích làm vua của ông ta sao? Khi ngài đang còn là thái tử, Nhạc Nghị đã có rất nhiều lần có ý kiến về ngài, ý kiến nào cũng tỏ ra không tôn trọng ngài. Nay ngài đã lên ngôi, ông ta nắm giữ quân đội, lại có nhiều tham vọng, liệu có tận trung tận sức với ngài không? Giả sử ông ta ngoài ý muốn làm vua nước Tề, còn có âm mưu gì với nước Yên không?

Yên Huệ Vương rất tin Kỵ Kiếp,lại càng tin lời nói của ông ta, bãi chức của Nhạc Nghị, triệu về nước. Kỵ Kiếp được thay Nhạc Nghị, lên chức tướng quân, đến nước Tề chỉ huy quân đội. Mới đến nhậm chức, Kỵ Kiếp muốn mau chóng lập công, lập tức thay đổi chiến thuật bao vây của Nhạc Nghị, bắt đầu tiến công. Vì Điền Đan đã sớm có sự chuẩn bị, cảnh giác đề phòng, nhiều lần đánh bại những cuộc tiến công của quân Yên. Thời gian càng dài, biết bản lĩnh của Kỵ Kiếp chỉ có vậy, Điền Đan  càng vui, cho rằng cơ hội phục quốc đã đến, bắt đầu chuẩn bị phản công.

Điền Đan cho người ra ngoài thành phao tin, nói nếu đem cắt mũi tù binh quân Tề, rồi đem ra trước trận tiền mà bêu, binh sĩ trong thành nhìn thấy sẽ sợ hãi mà đầu hàng. Kỵ Kiếp là người tàn nhẫn, đang lúc không có cách gì, nghe lời đồn, hạ lệnh cắt mũi tù binh, rồi đem bêu trước trận tiền. Quân Yên đối với tù binh tàn nhẫn như thế, khiến cho quyết tâm chống giặc của quân Tề càng thâm kiên định, người còn có ý nghĩ muốn đầu hàng lúc này cũng không dám nghĩ đến nữa, sợ sau khi đầu hàng, không những không được ban thưởng mà ngay đến cái mũi cũng không thể giữ được.

Điền Đan lại cho người xúi giục quân Yên, nói mồ mả của người trong thành đều ở bên ngoài thành, nếu quân Yên phá hoại mồ mả của họ, họ sẽ cho rằng còn mặt mũi nào sống ở trên đời này được nữa, còn nói gì tới chuyện đánh trận. Kỵ Kiếp lại càng trúng kế, hạ lệnh phá mồ mả, đem cả quan tài quật lên, đem thi thể thiêu đốt để cho người nước Tề nhìn thấy. Mồ mả bị khai quật là nỗi sỉ nhục lớn, quân Tề nhìn thấy đều nghiến răng hận người nước Yên, đều yêu cầu ra khỏi thành chiến đấu để báo thù.

Lúc này, Điền Đan lại cử sứ giả đi gặp Kỵ Kiếp, nói lương thực trong thành đều đã cạn, lại không có quân tới cứu viện, thực là giữ không nổi, xin được đầu hàng. Kỵ Kiếp cả mừng, quân Yên cũng cho rằng, cắt mũi, phá mồ mả đã có hiệu quả, rất sung sướng. Điền Đan lại cử một số người, giả làm người giàu có ở  trong thành, đem tiền bạc hối lộ cho quan tướng quân Yên, nói mong sau này khi quân Yên vào thành, giúp cho họ bảo toàn tính mạng và tài sản. Quan tướng quân Yên vui mừng, nhận hối lộ, còn phát cho mỗi người một lá cờ nhỏ làm dấu hiệu, để cắm trước cửa nhà. Đến lúc ấy, quân Yên hoàn toàn tin rằng quân Tề ở trong thành muốn đầu hàng, mất cảnh giác, chỉ chờ nhận hàng rồi tiến vào thành.

Điền Đan tăng cường chuẩn bị phản công. Ông lệnh tập trung toàn bộ trâu trong thành, được hơn nghìn con. Ông cho trâu mặc áo, vẽ đủ màu sắc, hình vẽ cổ quái. Sừng trâu đều gắn dao nhọn, đuôi trâu buộc những  bó lau sậy tẩm dầu.

Ông lại tuyển chọn năm nghìn quân tinh nhuệ, mặc quần áo nhiều màu sắc, bôi phẩm màu trên mặt, mang theo vũ khi theo sau đàn trâu.

Đêm trước hẹn đầu hàng một ngày, Điền Đan  hạ lệnh phá mấy lỗ ở tường thành, lặng lẽ đưa đàn trâu ra bên ngoài, sau đó đốt những bó lau sậy ở đuôi trâu. Đàn trâu kinh hoàng, không có lệnh mà đều chạy cả về phía trước. Lửa gặp gió, càng cháy càng lớn, trâu cũng ngày càng hung dữ, chỉ biết xông thẳng. Năm nghìn quân sĩ tiến theo sau đàn trâu, xông thẳng vào doanh trại của quân Yên.

Kỵ Kiếp và binh kính của quân Yên đang ngủ, bỗng nghe tiếng hô “giết”, tiếng trâu rống, còn chưa biết chuyện gì, quân Tề đã xông đến. Đàn trâu điên cuồng lao vào người, người chết, dao gắn trên sừng trâu đâm, người cũng chết, xông vào doanh trại, doanh trại bốc lửa. Năm nghìn dũng sĩ quái dị cũng  xông tới, dân chúng trong thành tiến theo sau, gõ chiêng, đánh trống trợ uy, tất cả đều  kinh thiên động địa.

Người nước Yên đã nghe nói người nước Tề được thần thánh giúp đỡ, nay lại nhìn thấy quái thú và quái nhân, tưởng là thiên binh thiên tướng chém giết, cũng không dám chống đỡ, quay đầu mà chạy, quân lính giày xéo lên nhau, chết và bị thương vô số, tướng Kỵ Kiếp cũng bị giết chết.

Quân Tề dưới sự lãnh đạo của Điền Đan thừa thắng truy kích, đội ngũ ngày càng mạnh. Không mất nhiều thời gian, quân Tề thu lại được  70 tòa thành đã mất. Khi kẻ địch đã rút chạy, Điền Đan lại đưa Tề Tư Vương từ thành Cử về kinh đô Lâm Truy, nước Tề từ mất nước trở thành thái bình.

Trận trâu lửa của Điền Đan là một trong những trận đánh kinh điển trong lịch sử quân sự Trung Quốc.

 

Chú thích:

(1)   Thượng tướng quân: các nước Ngụy, Tần, Yên, Tề đời Chiến Quốc đều đặt là người chủ soái đốc quân chiến đấu, cũng có thuyết nói chỉ tướng đi đầu.

(2)   Trâu Diễn người nước Tề thời Chiến Quốc, đại biểu của Âm Dương gia, giỏi thiên văn, người đương thời gọi là Đàm Thiên Diễn.

(3)   Yên Huệ Vương: ở ngôi 279 – 272 trước CN.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nước Yên bại trân vì Huệ Vương nghe lời và dùng Ky Kiếp bất tài xu ninh.Bao nhiêu triều đai cũng bị tiêu vong vì ngừoi càm quyên NGUY DÔT,không chịu học LỊCH SỬ,không dùng người TÀI
    chỉ dùng bon NỊNH ,THAM
    Bài HỊCH TUƠNG SI cua HƯNG ĐAO VƯƠNG liêu có mấy ai ĐỌC

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here