Trong lịch sử Trung Quốc, từ xưa vốn tồn tại một vấn đề rất nhạy cảm: đó là mối quan hệ giữa trung ương với địa phương. Về hình thức, mối quan hệ này, nhìn chung, có thể chia làm hai loại chế độ: phong bang kiến quốc và quận huyện. Rất nhiều triều đại trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện
chế độ phong bang kiến quốc, như các triều đại đời Chu, Tây Hán, Tây Tấn, đời Minh đều đã sử dụng hình thức cai trị này. Đưa những người thân thích đến các vùng đất làm chư hầu, cách làm này có lợi cho việc bảo vệ sự thống trị của gia tộc, nhưng chế độ này cũng dễ dàng dẫn đến những nguy cơ, loạn bảy nước thời Tây Hán, loạn bát vương đời Tây Tấn, dịch Tĩnh Nan triều Minh là những thí dụ điển hình về mầm hoạ này. Chế độ phân phong này, sớm nhất đã được thực hiện với quy mô nhất định từ triều Chu.
Phân phong chư hầu
Sau khi diệt Thương, Chu từ một tiểu bang biến thành một nước lớn. Để củng cố và mở rộng sự thống trị của vương triều Chu, tăng cường quản lý với những vùng đất mới chinh phục, mua chuộc các vùng đất vốn là các bang quốc, từ sớm, triều Chu đã thực hiện việc phân phong. Chế độ phân phong là cho các con em, thân thích, công thần, đời sau của các thánh hiền đời trước của Chu vương đưa đến một vùng đất nhất định, được nhận một số đất đai và dân số nhất định để xây dựng nước phong. Những nước phong này chính là chư hầu, chư hầu khi được phong sẽ tiến hành nghi thức nhận sách phong, Thiên tử nhà Chu ban sách mệnh cho chư hầu, tuyên bố phạm vi cương vực, số lượng đất đai, đưa số dân ở những khu vực này ban cho chư hầu, đồng thời còn ban cho họ các quan lại phụ thuộc, nô lệ, lễ khí và nghi trượng, …Trong phạm vi đất phong của mình, các chư hầu xây dựng cơ cấu chính quyền, thiết lập quân đội và nhà tù, nhưng quy mô lớn nhỏ và địa vị đều có những giới hạn nhất định. Đối với vương triều Chu, các chư hầu cũng có những nghĩa vụ nhất định, như định kỳ triều kiến, cống nạp lễ vật, điều quân theo yêu cầu khi Chu vương chinh phạt, khi vương triều có những hoạt động tế lễ lớn, các chư hầu phải có sự hỗ trợ.
Đầu triều Chu, đã có hai lần phân phong của Chu Vũ Vương và Chu Công. Sau khi diệt Thương, Vũ Vương đã bắt đầu phân phong, Vũ Vương đã phân phong cho các nước: đời sau của Thần Nông phong là Tiêu, đời sau của Hoàng Đế phong là Chúc, đời sau của Nghiêu phong là Kế, đời sau của Thuấn phong là Trần, đời sau của Đại Vũ phong là Kỷ, Sư Thượng phụ là Tề, Chu Công là Lỗ, Thiệu Công là Yên, Thúc Tiên là Quản, Thúc Độ là Thái, đồng thời phong con của Thương Trụ Vũ Canh là Ân. Những người này đều là đời sau của các tiên hiền thánh nhân đời trước hoặc công thần, anh em của Chu và đời sau của Ân Thương. Sau cuộc đông chinh dẹp loạn thắng lợi, Chu Công tăng cường sự khống chế với vùng đất cũ của triều Ân, xây dựng một kinh đô khác ở Lạc Âp (nay là Lạc Dương, Hà Nam), coi đó là trung tâm chính trị, quân sự của tầng lớp thống trị ở phía đông, dời bộ phận dân Ân về đây, cử quân sĩ tám sư giám sát (một sư là hai nghìn năm trăm quân). Từ đó, Tây Chu có hai kinh đô: thủ đô Cảo Kinh còn gọi là Tây Đô hoặc Tông Chu, một kinh đô khác là Lạc Âp tức Đông Đô hoặc Thành Chu. Thời Chu, Chu Công lại tiến thêm một bước trong xây dựng chế độ phong kiến để các chư hầu bảo vệ vương thất của vua Chu. Rút bài học từ sau cuộc phản loạn của Vũ Canh, sau cuộc đông chinh, tuy phong cho con tông thất của Ân là Tống, nhưng lại phong cho Khang Thúc là em của Vũ Vương ở vùng đất gần đó với mục đích bảo vệ. Lại phong cho con của Thiệu Công, em Vũ Vương là Yên, phong em của Thành Vương là Đường (sau gọi là nước Tấn), phong cho con của Chu Công là Lỗ, phong cho Khương Thượng là Tề. Về sau ở lưu vực sông Trường Giang, đất phía tây cũng phong quốc như Ngô, Sở, Tần, …
Qua hai lần phân phong đầu đời Chu đã hình thành cục diện vùng đất Vương Kỳ làm trung tâm, bên ngoài bảo vệ cho vương thất nhà Chu là các chư hầu. Vương Kỳ là khu vực trung tâm của tầng lớp thống trị nhà Chu, thời Vũ Vương đã có kế hoạch xây dựng kinh đô của nhà Chu ở vùng đất giữa Lạc Thuỷ và Y Thuỷ, nhưng chưa kịp thực hiện thì nhà Chu đã mất. Sau khi Chu Công đông chinh, tiếp tục kế hoạch của Vũ Vương tu sửa Lạc Âp (nay là phía đông thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam), đưa dân của Ân đến đây để tăng cường việc giám sát. Gần khu vực thành Kiến Vương (nay là thành phố Lạc Dương), cho tám sư quân đội đóng giữ, coi Đông Đô là nơi triều hội các chư hầu ở phía đông. Như vậy, phía tây từ Kỳ Dương, đông đến Phố Điền, gọi là các vùng Vị, Kinh, Hà, Lạc, đô thành là Vương Kỳ của Chu. Bình nguyên Quan Trung ở phía tây, lấy Cảo Kinh làm trung tâm, là nơi mà người Chu nổi lên, gọi là Tông Chu. Vùng đất ở Hà Lạc phía đông, lấy vương thành Đông Đô làm trung tâm để bảo vệ Tông Chu và đề phòng các trấn quan trọng phía đông, gọi là Thành Chu. Đông Tây nối thành một khối, dài hơn nghìn dặm, lực lượng chính trị, kinh tế, quân sự ở Vương Kỳ đều được tăng cường hùng mạnh, trở thành nền tảng để khống chế toàn quốc. Bên ngoài của Vương Kỳ triều Chu có Hầu phục, Hầu Phục chính là các vùng đất các chư hầu được chia, bên ngoài Hầu phục là một số cựu quốc có quan hệ xa hoặc một số bộ lạc dân tộc thiểu số.
Trong nhiều các chư hầu để bảo vệ cho Trung Nguyên, đặc biệt quan trọng ở phương đông là Tề, Lỗ, phương bắc là Tấn, Yên.
Lỗ là nước phong của Chu Công Đán. Về cương vực, bắc đến dưới Tần Sơn, đông đến Quy Mông, phía nam bao gồm các núi Phù, Dịch. Các nước nhỏ yếu ở gần đều là phụ thuộc của nó. Đây vốn là đất cũ của Thiếu Hạo, nơi cư trú của các bộ lạc Yểm, Thương. Sau khi diệt Thương, Võ Vương đã đem vùng đất này phân phong cho Chu Công. Chu Công từ đó giúp đỡ cai quản khi Thành Vương chưa thể vươn tới vùng đất phong này. Sau khi Võ Vương chết Hoài Di và Từ Nhung ở đây cùng phản loạn, Chu Công đông chinh, bình định được cuộc phản loạn này, ổn định được tình hình, lập tức cho con là Bá Cầm đến vùng đất phong để trấn giữ, cho nó “đại khải nhĩ vũ, Vi Chu thất phụ”, cũng chính là để củng cố và mở rộng thế lực của mình, làm cho vương triều Chu càng mạnh lên. Đồng thời, phân cho con sáu tộc của người Ân, tức là Từ thị, Thượng thị, Tiêu thị, Trường Chước thị, Vĩ Chước thị cùng với một số lớn lễ khí và nghi trượng. Nước Lỗ trở thành chư hầu quan trọng của vương triều Chu ở phương đông, lãnh đạo các bộ lạc Hoài Di ở khu vực này thần phục nhà Chu.
Tề là đất phong của Sư Thượng Phụ. Sư Thượng Phụ tức Khương Thượng, một đại công thần của Chu Võ Vương, có công lao lớn trong sự hưng khởi của vương triều Chu. Chu Võ Vương phong cho ông đất Doanh Khâu (nay là bắc Lâm Truy tỉnh Sơn Đông), quốc hiệu là Tề. Đây là đất cũ của dân
Bồ Cô, cũng là thế lực lớn chống lại nhà Chu. Võ Vương cho Sư Thượng Phụ trấn dụ dân Bồ Cô, đất phong phía đông đến Hải Tân, tây đến Hoàng Hà, nam đến Mục Lăng (nay là bắc Nghi Thuỷ tỉnh Sơn Đông), bắc đến Vô Đệ (nay là Vô Đệ Sơn Đông). Đó cũng là lực lượng khống chế phía đông của nhà Chu, đồng thời vua Chu cũng giao cho ông ta quyền đánh dẹp các hầu bá chống lại vương thất.
Vệ là đất phong của Khang Thúc. Khang Thúc là em cùng mẹ của Võ Vương, chú của Thành Vương. Đây vốn là đất cũ của Ân. Sau khi Võ Vương bình định dẹp cuộc phản loạn của Võ Canh, Quản Thúc, Thái Thúc đã phong cho Khang Thúc ở đây. Cương vực của nó là lấy Triều Ca (nay là bắc huyện Cấp tỉnh Hà Nam) làm trung tâm, nam là Võ Phụ (nay là nơi tiếp giáp Hà Nam và Hà Bắc), bắc là Phố Điền (nay là tây Trung Mưu, tỉnh Hà Nam). Khang Thúc còn được phong dân của 7 bộ tộc người Ân Thương, đó là Đào thị, Thi thị, Phồn thị, Kỳ thị, Phàn thị, Cơ thị, Chung Quỳ thị, cùng rất nhiều bảo khí và nghi trượng. Từ đó, nước Vệ là đất cũ của người Ân, cho nên Chu Công rất coi trọng, đặc biệt đã viết “Khang cáo”, “Tử cáo”, “Tửu cáo” để dặn dò Khang Thúc, cho ông ta kiêm dụng chế độ Thương Chu. Khang Thúc tôn trọng sự lãnh đạo của Chu Công, rất nhanh chóng tiêu diệt được các thế lực Ân Di đối lập thu phục được lòng người. Trong rất nhiều các nước phong, đất của nước Vệ bên ngoài Trung Nguyên, lại tiếp giáp Vương Kỳ, lãnh thổ cũng rất rộng, là nước phong có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vua Chu. Sau khi nắm quyền, Thành Vương đã tín nhiệm giao cho Khang Thúc làm Tư khấu của nhà Chu, nắm quyền lực trừng phạt, Vệ hầu còn được nắm quyền chỉ huy 8 sư của Thành Chu.
Tấn là đất phong của thúc Ngu, em của Thành Vương. Đó là khu vực nay thuộc tỉnh Sơn Tây, từ xưa vốn là nơi cư trú của bộ lạc Quần Địch, họ thường xuyên nổi loạn, từ thời triều Thương phải thường xuyên động binh. Sau khi Võ Vương chết, Đường quốc ở đây thừa cơ phản loạn. Để tăng cường phòng ngự với Quần Địch, Thành Vương phong cho em là Thúc Ngu đất Đường (nay là Kỳ Thành Sơn Tây), quốc hiệu là Đường, đến đời con của Thúc Ngu đổi tên nước là Tấn. Đây vốn là đất cũ của triều Hạ, Thúc Ngu còn được nhận dân chín tộc vốn là người Hạ, cho nên nước Tấn phải thực hành chính sách chú ý đến tập quán của người Nhung Địch.
Yên là đất phong của Thiệu Công Chích. Nó là phên dậu của vương triều Chu ở vùng đông bắc, đây là vùng đất rất quan trọng, nó có thể khống chế các bộ lạc Nhung Địch ở nam bắc Yên Sơn và và vùng Liêu Tây, có thể ảnh hưởng đến khu vực giữa Bạch Sơn và Hắc Thuỷ. Ngoài ra, ở phía nam, ở vùng thượng du Hoài Thuỷ còn có Tưởng, Tư (nay là huyện Tư tỉnh Hà Nam), nước cùng họ, ở Đường, lưu vực sông Bạch Hà có Thân, Lữ nước họ Khương, ở vùng giữa Hoài Thuỷ và Hán Thuỷ có Hán Dương Chư Cơ, trong đó Tuỳ (nay là huyện Tuỳ, tỉnh Hồ Bắc) là nước lớn nhất. Ở khu vực hạ lưu sông Trường Giang, trước Văn Vương đã có nước Ngô do con cả của Cổ Công Trực Phụ là Thái Bá và con thứ là Trọng Ung thiết lập ở ven Thái Hồ.