Đường Thái Tông là hoàng đế anh minh sáng suốt, nhưng con của ông là Cao Tông thì ngược lại, là một  người hèn kém đủ điều. Sau khi Cao Tông lên ngôi, bản thân không giải quyết được chính sự, tất cả đều phải dựa vào ông cậu là Tể tướng Trưởng Tôn Vô Kỵ điều hành mọi việc. Về sau, ông đã lập hoàng hậu Võ Tắc Thiên, việc làm này đã làm xuất hiện nhiều thay đổi.

Võ Tắc Thiên vốn là một tài nhân trong cung của Đường Thái Tông (Tài nhân là tên một loại phi tần) từ năm 14 tuổi. Khi ấy, trong chuồng ngựa của vua Thái Tông có một  con ngựa quý, được gọi là “Sư tử thông”, rất được yêu quý nhưng lại bất trị, rất khó điều khiển. Một hôm, Đường Thái Tông cùng các cung phi xem ngựa quý, ông nói vui với mọi người: “Các ngươi ai có thể điều khiển được con ngựa này?”. Các cung phi không ai dám tiếp lời. Võ Tắc Thiên khi đó mới 14 tuổi đứng lên nói: “Tâu bệ hạ, thần có thể làm được!” Thái Tông rất ngạc nhiên nhìn  và hỏi cô có cách gì. Võ Tắc Thiên nói: “Chỉ cần bệ hạ cho thiếp có ba vật: thứ nhất là một cái roi sắt, thứ hai là một cái chuỳ sắt và thứ ba là một thanh đoản kiếm. Nếu nó bướng bỉnh, sẽ dùng roi sắt, nếu vẫn chưa nghe, dùng chuỳ sắt đánh vào đầu, nếu vẫn gây sự thì sẽ dùng đoản kiếm đâm vào cổ nó. Đường Thái Tông nghe nói, cười vang. Ông tuy thấy Võ Tắc Thiên tính khí còn như trẻ con nhưng cũng tán thưởng tính cách bướng bỉnh đáo để của cô. Sau khi Đường Thái Tông chết, theo quy tắc trong cung, Võ Tắc Thiên phải đưa vào am Ni cô. Việc này tất nhiên làm cô không vừa lòng.

 Nữ hoàng duy nhất

 Khi Đường Cao Tông còn là Thái tử đã biết Võ Tắc Thiên. Sau khi lên ngôi 2 năm, ông đưa Võ Tắc Thiên từ am Ni cô về, phong là Chiêu nghi (một tên gọi phi tần). Sau đó lại phế bỏ Vương hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu. Việc làm này đã bị rất nhiều lão thần phản đối, nhất là Trưởng Tôn Vô Kỵ, cậu ruột của vua Cao Tông, nói sao ông cũng không đồng ý.

    Võ Tắc Thiên ngầm lôi kéo một số đại thần, thấy Cao Tông đưa Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng hậu, có người nói với Cao Tông: “Đây là việc trong nhà của bệ hạ, người khác làm sao dám can dự”. Đường Cao Tông nghe thế càng quyết tâm thực hiện. Sau khi lên ngôi hoàng hậu, Võ Tắc Thiên  giáng chức, lưu đày  một số đại thần đã chống lại bà, sau đó Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng buộc phải tự sát. Không lâu sau đó, vua Cao Tông bị bệnh lúc nào đầu óc cũng quay cuồng, có khi mắt không mở nổi. Đường Cao  Tông thấy Võ Tắc Thiên có tài năng, lại am hiểu văn trị, đem mọi việc triều chính giao hết cho bà.

    Năm 683, vua Cao Tông chết. Võ TắcThiên lần lượt đem hai  con lập làm hoàng đế – Trung Tông Lý Hiển và Duệ Tông Lý Đán nhưng cả hai đều không vừa ý bà. Bà phế bỏ Trung Tông, đem giam lỏng Duệ Tông, tự mình với danh nghĩa Thái Hậu  trực tiếp cầm quyền. Tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên tiếp nhận lời thỉnh cầu của mọi người , tự xưng là Thánh thần hoàng đế, đổi quốc hiệu là Chu. Bà đã trở  thành nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

    Trước khi lên ngôi hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã tiến hành những cải cách có hệ thống, củng cố quyền thống trị của bản thân mình. Thứ nhất là sửa đổi “Thị tộc chí” thành “Tính thị lục”, từ truyền thống và dư luận đánh mạnh và làm suy yếu tập đoàn quan liêu các sĩ tộc đã phản đối mình, bênh vực và dựa vào giai cấp dịa chủ thứ tộc mới trỗi dậy. Như vậy tập đoàn sĩ tộc quan liêu không còn điều kiện  thuận lợi để làm quan, cũng không thể dựa vào nguồn gốc xuất thân lớp trên mà hành động. Đối với các quan xuất thân thứ tộc cũng không vì nghèo túng mà chịu sỉ nhục. “Tính sĩ lục” cũng không đếm xỉa đến đặc quyền của quý tộc sĩ tộc, vốn “Thị tộc chí” coi Võ Thị thuộc dòng họ khác, nay trong “Tính thị lục” định là dòng họ số một. Ngoài ra, bà còn thay đổi tên chức quan, đổi Đông Đô Lạc Dương thành Thần Đô, để phục vụ cho việc xưng đế của mình, tiến một bước quan trọng trong việc xây dựng trật tự mới, chứng tỏ bản thân đã chiếm giữ quyền lực ở ngôi vị cao nhất.

    Nếu như nói, đời sống chính trị của Võ Tắc Thiên trong hơn 30 năm trước khi cầm quyền đã thể hiện những thủ đoạn và mưu lược chính trị  làm cho người ta phải kinh ngạc thì  trong hơn mười năm lên ngôi bà càng thể hiện khí phách của một  nhà chính trị kiệt xuất về mọi phương diện từ cách dùng người đến  xử việc, trị nước.

    Sau khi  xưng đế, bà càng chú trọng đến việc tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Bà cho rằng “Cửu vực chi quảng,  khởi nhất nhân chi cường hoá, tất trữ tài năng, cộng thành tập quán”. Tất cả những người tài có thể “an bang quốc”, “định biên cương” , bà không cần là môn đệ, không đòi hỏi tư cách vẹn toàn đều được tuỳ tài mà sử dụng. Để đào tạo nhân tài, bà  phát triển và hoàn thiện chế độ khoa cử từ triều Tuỳ, rộng rãi chiêu hiền, cho phép tự cử làm quan, thi quan, lại thiết lập Viên ngoại quan. Ngoài ra, bà còn lần đầu tiên tổ chức điện thí và thi võ để ngày càng mở rộng việc phát hiện nhân tài, cho nhân tài những điều kiện thuận lợi để sáng tạo. Thí dụ danh tướng thời Trung Đường  Quách Tử Nghi là từ võ cử mà ra. Như vậy, trong những năm bà cầm quyền lần lượt đã xuất hiện những người tài năng kiệt xuất cả văn lẫn võ có  khả năng giúp đỡ chính quyền của bà.

    Bà cũng rất chú trọng đến sản xuất nông nghiệp. Bà nói: “Cái gốc của dựng nước phải là nghề nông”, “chú ý đến nghề nông phải khai hoang, khai hoang tất nhiều lương thực, nhiều lương thực tất dân giàu”. Bà quy định,  quan lại địa phương sẽ được thăng chức nếu “đất hoang được mở rộng, nhân dân  thừa lương ăn”; sẽ bị biếm quan, chuyển chỗ nếu hà lạm. Như vậy trong thời gian bà chấp chính, nông nghiệp và thủ công nghiệp đều phát triển tương đối mạnh, số dân không ngừng tăng nhanh. Theo thống kê lúc ấy, những năm Vĩnh Huy cả nước có 380 vạn hộ, đến năm Thần Long nguyên niên khi Võ Tắc Thiên mất, số dân đã tăng lên gần gấp đôi là 615 vạn hộ.

    Trong việc chống lại nạn xâm lược bảo vệ toàn vẹn vùng biên giới, cải  thiện quan hệ với các nước láng giềng, khi  cầm quyền bà cũng có rất nhiều cố gắng. Đối phó với sự quấy rối của quý tộc Thổ Phiên, bà đã kiên quyết ngăn chặn và giáng trả. Năm Trường Thọ nguyên niên (692), bà cử đại tướng Vương Lý Kiệt đánh bại Thổ Phiên, thu được tứ trấn vùng An Tây, lập An Tây đô hộ phủ ở Quy Từ. Sau đó lại lập Bắc Diên đô hộ phủ ở Diên Châu, củng cố biên giới vùng tây bắc mở ra con đường tơ lụa nối với vùng Trung Á. Trong những năm cầm quyền, bà kiên trì chính sách sử dụng quân đội làm đồn điền. Năm Thiên Thụ đô đốc Lân Sư Đức ở Phong  Châu đã xây dựng được đồn điền tích lương được trăm vạn. Năm Đại Túc nguyên niên (701), Đặng Nguyên Chấn đô đốc  Kinh Châu kiên trì lập đồn điền trong 5 năm “lương thực có thể nuôi quân 10 năm”. Việc xây dựng những đồn điền trong phạm vi rộng lớn ở vùng biên cương đã có tác dụng tích cực: khai phá  khu vực này, giảm số người chuyển đến, lại củng cố được biên giới.

    Đương nhiên, trong thời gian dài gần nửa thế kỷ cầm quyền, bà cũng có rất nhiều sai lầm. Bà thường trọng dụng những quan lại ác độc, lại thực hiện việc báo cáo ngầm khiến cho không ít quan lại ngang ngược hoành hành. Họ dùng cách tra tấn, bức cung những người vô tội, vu cáo khiến cho không ít văn thần võ tướng chịu oan khuất. Những việc này tuy có tác dụng củng cố chính quyền Võ Chu nhưng đã gây chia rẽ trong nội bộ tập đoàn thống trị, lòng người không yên, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến  việc nước và sự phát triển sản xuất. Bà ra sức tuyển chọn quan lại nên số lượng quan lại tăng rất nhanh, cơ cấu quan liêu bành trướng khiến sự đóng góp của nhân dân tăng cao. Cuối năm bà lại tổ chức mừng công, đời sống xa xỉ, tốn kém rất nhiều tiền của và sức lực. Tất cả những việc này ở mức độ khác nhau đã ảnh hưởng đến sự phát triển. Những sai lầm này là một phần trong cuộc đời chính trị của Võ Tắc Thiên. Bà được coi là nữ Hoàng đế  duy nhất của Trung Quốc, có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn, cai trị trong thời gian dài gần nửa thế kỷ đã hình thành được chế độ trung ương tập quyền, xã hội ổn định, kinh tế phát triển, kế thừa những năm “Trinh Quan chi trị” mở ra những năm “Khai Nguyên thịnh thế” về sau, xoá bỏ nhiều tệ nạn, phát triển sản xuất, hoàn thiện khoa cử, phá bỏ được quan niệm dòng dõi, không khắt khe sử dụng hiền tài, phù hợp với trào lưu lịch sử có công lao trong những cải cách quyết liệt, khó có thể nói hết. Những việc làm của bà trong lịch sử   chỉ có thể để lịch sử phán xét.

 Nguyên nhân của việc xuất hiện nữ hoàng

     Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế  duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, trước chưa có, sau cũng  vậy. Bà từ một thiếu nữ yếu đuối, 14 tuổi làm Tài nhân cho Đường Thái Tông, rồi làm Chiêu Nghi của Đường Cao Tông, rồi hoàng hậu và cuối cùng  trong xã hội phong  kiến nam tôn nữ ti bà đã ngồi vào chiếc ngai quyền lực cao nhất của triều đình, vượt lên trên tất cả văn võ đại thần, nắm toàn bộ quyền sinh sát thiên hạ, khiến cho các bậc nam nhi oai phong phải cúi đầu, việc này thật là  phi thường. Nghiên cứu những nguyên nhân, dĩ nhiên trước hết đó là   những tố chất hiếm có trong con người bà : tài năng chính trị kiệt xuất và ước vọng thống trị mãnh liệt, vừa có mưu cao kế hiểm, vừa thu phục được nhân tâm,  có khí phách hiên ngang lại cũng  có thủ đoạn thâm hiểm. Nhưng bất kỳ một nhân vật lịch sử nào dù có tài cao trí sâu như thế nào, cũng không thể thoát khỏi những điều kiện lịch sử. Vậy thì vì sao, dưới triều Đường lại đầy đủ điều kiện để một nữ hoàng đế xuất hiện?

    Triều Đường, đặc biệt là thời kỳ đầu của triều đại này đã mở ra một kiểu xã hội phong kiến biểu hiện trong tập tục dân gian và nếp sống xã hội, một mặt triều Đường đã trải qua sự hoà hợp của các dân tộc phía bắc mà hình thành. Hoàng thất Lý Đường mang đậm bản sắc của  dân tộc thiểu số phương bắc mà tập tục xã hội của họ không trọng lễ pháp, vừa ảnh hưởng, vừa chống lại quan niệm đạo đức luân lý truyền thống; mặt khác, đầu triều Đường, việc nghiên cứu giảng dạy cương thường luân lý, chưa hình thành  quan niệm cấm đoán phụ nữ của lý học, mà tầng lớp thống trị đầu triều Đường khi nghiên cứu kinh điển nho gia thường bài xích  lễ giáo của cựu tộc Sơn Đông, như vậy sự trói buộc trong lễ giáo đầu triều Đường cũng giảm nhẹ, địa vị người phụ nữ trong xã hội cũng tương đối cao, quan hệ hôn nhân tương đối lỏng lẻo, Võ Tắc Thiên vốn chỉ là Tài nhân của Đường Thái Tông mà sau thành hoàng hậu của Đường Cao Tông, rồi có cơ hội để làm bá chủ thiên hạ. Người phụ nữ đời Đường cũng tiếp xúc nhiều với xã hội, lại có tính cách mạnh mẽ quyết liệt, khiến cho Võ Tắc Thiên có khí phách và mưu lược đã lên được ngôi hoàng đế.

    Xã hội đời Đường không chỉ tạo cơ hội cho Võ Tắc Thiên mà còn tạo điều kiện cho nhiều nữ hào kiệt khác. Như việc trọng dụng Vi hoàng hậu của đời Đường Trung Tông; thượng quan Uyển Nhi tài hoa nhất đời; nữ giả nam Hoa Mộc Lan thay cha đi lính cũng là người đầu triều Đường. Việc Võ Tắc Thiên người phụ nữ đời Đường lần đầu tiên bước lên vũ đài  lịch sử cũng chỉ là biểu hiện rõ rệt nhất của khí phách đầu triều Đường.

    Vương triều Võ Chu là duy nhất tuy khác lạ nhưng cũng  là tiêu biểu cho cả triều Đường, đã làm tăng thêm sức hấp dẫn  của xã hội đời Đường buổi thịnh trị.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here