Một ngày mùa đông cuối những năm 70 thế kỷ trước, trong một căn hộ chung cư đã cũ kỹ, lạnh lẽo ở Tô-rôn-tô, Ca-na-đa, một ông lão ốm yếu đang cố vùng vẫy để thoát khỏi cái chăn dầy trên giường. Nhưng vì sức cùng lực kiệt, không thoát ra nổi, ông chết cứng trên giường mình không một ai biết. Có ai ngờ con  người ấy, từ lâu đã là một nhân vật nổi đình nổi đám, một trong 13 người được  bầu vào Ban Chấp hành đảng cộng sản Trung Quốc trong Đại hội đảng lần thứ nhất. Đó là Trương Quốc Đào.

Trương Quốc Đào người Bình Hương, Giang Tây, sinh năm 1897, năm 1921 đã tham gia Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ nhất, sau đó đã được bầu làm Ủy viên Trung ương, rồi Ủy viên Bộ Chính trị. Trong cuộc trường chinh, ông đã phản đối quyết định của Trung ương đưa Hồng quân tiến lên phía bắc, tiến hành những hoạt động chia rẽ trong đảng nhưng thất bại. Sau đó Ban chấp hành trung ương cử về làm Phó Chủ tịch, thay Chủ tịch chính phủ vùng biên khu Thiểm Cam Ninh, nhưng ông đã phụ lòng tin và sự khoan dung, xa dời đội ngũ cách mạng, gia nhập Quốc dân đảng, trở thành kẻ phản bội cách mạng Trung Quốc.

 Ở phía nam khu vực Thiểm Cam Ninh (nay là huyện Hoàng Lăng tỉnh Thiểm Tây) có lăng Hiên Viên Hoàng đế. Khi Quốc dân đảng đặt trụ sở ở Tuy Tĩnh, Tây An, vào tiết thanh minh hàng năm đều tổ chức buổi lễ dâng hương ở lăng cho các quan chức của họ. Từ năm 1937, để thúc đẩy sự thống nhất thành một mặt trận chống ngoại xâm, đảng cộng sản Trung Quốc cũng cử người tham gia những buổi lễ này.

Ngày 4 tháng 4 năm 1938 là tiết Thanh minh, Trương Quốc Đào chủ động đưa yêu cầu tham gia buổi lễ. Khi buổi lễ kết thúc, Trương Quốc Đào nói với các đồng chí đi cùng:

  • Các đồng chí cứ lên xe trở về Diên An, tôi còn có việc cần đi Tây An, tôi cần gặp Lâm Bá Cứ …

Trương Hải, sĩ quan cảnh vệ nói với Trương Quốc Đào:

  • Mao Chủ tịch chẳng đã nói sau buổi lễ, chúng ta cần phải trở lại Diên An hay sao?

Không trả lời, Trương Quốc Đào đã quay người đi tới chiếc xe nhỏ của Tưởng Đỉnh Văn, chủ nhiệm văn phòng Quốc Dân đảng ở Tây An. Trương Hải đành phải theo lên xe của đội hiến binh cùng đi tới Tây An.

Tới Tây An, Trương Hải nghe tin chiếc xe con chở Trương Quốc Đào còn dừng lại ở Hàm Dương, chưa về tới nơi. Tới nơi hỏi cặn kẽ, Trương Hải mới biết Trương Quốc Đào đã tới Phòng tiếp khách cao cấp dự cuộc chiêu đãi. Trương Hải thầm nghĩ: Trương Quốc Đào là Phó chủ tịch vùng biên khu Thiểm Cam Ninh, sao tới Tây An không tìm Lâm Bá Cứ, cũng không tìm đến cơ quan đại diện Bát lộ quân ở Tây An mà lại tới nhà khách của Quốc dân đảng? Thấy hành động bất thường, Trương Hải đã nghi ngờ.

Hai ngày sau, Trương Quốc Đào đã lên một toa xe lửa đi Vũ Hán. Trước khi lên xe, vào buổi sáng, Trương Quốc Đào đã gặp Lâm Bá Cứ, nói:

  • Thưa Lâm Chủ tịch, tôi cần đi Vũ Hán.

Lâm Bá Cứ hỏi:

  • Trung ương có đồng ý không?

Trương Quốc Đào ấp úng trả lời:

  • Đây là việc riêng của tôi, trở về, nhờ ông nói với Diên An một tiếng.

Lâm Bá Cứ nghiêm giọng:

  • Ông là Phó chủ tịch của Biên khu, sao có thể hành động mà không được sự phê chuẩn của lãnh đạo tổ chức? Có việc gì, sao ông không tới văn phòng Bát lộ quân hay trở về Diên An đề nghị?

Trương Quốc Đào nói:

  • Tôi cần tới Vũ Hán để cùng Tưởng Giời Thạch bàn việc thống nhất mặt trận chống Nhật. Phải đi ngay!

Thấy Trương Quốc Đào kiên quyết lên đường, Lâm Bá Cứ không nói gì, chỉ nói  cảnh vệ Trương Hải đi cùng Trương Quốc Đào tới Vũ Hán. Nhưng Hồ Tông Nam đã cử hai viên đặc vụ Quốc dân đảng lên cùng toa xe với Trương Quốc Đào, ngồi hai bên ghế của ông ta.

Về tới văn phòng Bát lộ quân, Lâm Bá Cứ lập tức gửi điện báo cho Trung ương đảng ở Diên An về sự bất thường này. Trung ương lập tức trả lời, yêu cầu Lâm Bá Cứ gửi điện báo cho Chu Ân Lai đang là Phó Chủ tịch Vũ Hán, yêu cầu Chu Ân Lai cho người theo sát Trương Quốc Đào.

Ngày 8 tháng 4 năm 1938, Chu Ân Lai cho bốn cảnh vệ đón đường Trương Quốc Đào, nhưng qua hai ngày vẫn không gặp được . Ngày thứ ba, họ tới nhà ga xe lửa. Người trong ga nói khách đã ra hết, không còn ai mà vẫn không thấy hình bóng Trương Quốc Đào đâu. Họ bàn với nhau:

  • Có thể còn trên toa?
  • Đúng rồi. Một người đứng chờ ngoài cửa ga, còn ba người lên từng toa xem thế nào.

Lên từng toa xem xét, cuối cùng họ đã tìm thấy Trương Quốc Đào. Khi ấy, Trương Quốc Đào đang ngồi giữa hai viên cảnh vệ Quốc Dân đảng, Trương Hải ngồi ghế trước mặt. Người do Chu Ân Lai cử đến nói:

  • Chu Phó chủ tịch mời ông về văn phòng.

Trương Quốc Đào sa sầm nét mặt:

  • Tôi không cần các ông mời, tôi có việc cần tới Vũ Hán và có nơi ở.

Không làm thế nào được, họ đảnh phải để Trương Quốc Đào tới khách sạn Thái Bình Dương và cử hai người ở lại giám sát.

Buổi tối, Chu Ân Lai, Tần Bang Hiến, Diệp Kiếm Anh cùng tới khách sạn Thái Bình Dương nói chuyện với Trương Quốc Đào. Trương Quốc Đào có lúc giữ im lặng, cũng có lúc nói rất nhiều về thái độ xử lý quá đáng của Trung ương đối với ông ta. Mọi người ra sức thuyết phục, cuối cùng Chu Ân Lai nói:

  • Về việc tới Vũ Hán, cần chấp hành chỉ thị của Trung ương, còn nếu có ý kiến gì, đồng chí có thể đề xuất.

Trương Quốc Đào đành chấp nhận như con thuyền xuôi theo dòng nước và đưa ra 3 điều kiện: một là tới Thượng Hải chữa bệnh, hai là sau đó trở về Giang Tây và ba là về công tác ở Trường Giang. Chu Ân Lai cự tuyệt ba điều kiện này, thay bằng: một là trở về công tác ở Diên An, hai là đi học tập ở Liên Xô, ba là có thể trở về Diên An hoặc nghỉ ngơi, chữa bệnh ở Liên Xô.

Trương Quốc Đào lắc đầu, nói:

  • Không được!

Thấy Trương Quốc Đào kiên quyết không chịu, Chu Ân Lai bèn giao Trương Quốc Đào cho cảnh vệ quản thúc.

Mấy hôm sau, Trương Quốc Đào đề xuất muốn gặp Tưởng Giới Thạch, trao đổi một số tình hình về vùng  Biên khu Thiểm Cam Ninh.  Buổi chiều ngày 17 tháng 4, Chu Ân Lai cùng Trương Quốc Đào tới Vũ Xương gặp Tưởng Giới Thạch tại văn phòng của ông ta.

Sau buổi gặp gỡ, Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh đã phê phán những hành vi của Trương Quốc Đào, đưa ra ba biện pháp; một là sửa chữa những sai lầm, trở về Diên An công tác, hai là xin nghỉ công tác của đảng, ba là tự mình lên tiếng ra khỏi đảng, sau đó Trung ương sẽ tuyên bố khai trừ đảng tịch. Trương Quốc Đào đã trả lời:

  • Điều thứ nhất thì không thể được, tôi sẽ lựa chọn điều thứ hai hoặc điều thứ ba.

Rồi Trương Quốc Đào hứa sẽ suy nghĩ và trả lời sau.

11 giờ đêm ngày 17 tháng 4, Chu Ân Lai cho người tìm Trương Quốc Đào ở khách sạn Thái Bình Dương, nhưng trong phòng chỉ còn một bức thư ông ta gửi cho Chu Ân Lai, trên đó viết mấy dòng: Tôi đã quyết định lựa chọn điều kiện thứ ba. Tôi đã không còn ở đây nữa, xin đừng cho người đi tìm.

Như vậy, rõ ràng Trương Quốc Đào đã dời bỏ đội ngũ của những người cộng sản quay sang phái Quốc Dân đảng.

Trương Quốc Đào đã đầu hàng Quốc Dân đảng, sau khi cách mạng thắng lợi, ông ta đã sang Hồng Công sau đó lưu vong và mất năm 1979.

6 BÌNH LUẬN

  1. Tôi rất thích đọc các bài viết về chuyện đời, chuyện nhà của ” Ông giáo làng”
    Nhưng đôi lúc có một thắc mắc lớn: tại sao ông tỏ ra thích thú và quan tâm đến sử Trung Quốc ?
    Thật tình mà nói, tôi có cảm tưởng ông là một người nằm vùng

    • Tôi nghĩ sử Tàu (kể cả cổ điển lẫn hiện đại) rất đáng đọc vì nó cho ta bài học làm người.
      Sử của ta xưa bị chi phối bởi nhãn quan phong kiến còn nặng hơn cả “bản gốc”. Nay vẫn thế nếu không nói trầm trọng hơn.
      Tính nhân bản trong sử ta, thật tình mà nói, không so với sử Tàu được, mặc dù chính quyền của họ đô hộ ta, lấn ép nước ta từ xưa đến nay.
      Chống chọi được như tiền nhân và các nhà lãnh đạo nước ta mấy chục năm nay, tôi cho vẫn là giỏi.

    • Đọc các bài viết của ông đôi khi tôii thấy”khó hiểu”, sao ông không viết về sử Việt nam?

  2. Đứng ở góc độ Trung quốc đại lục thì Trương quốc Đảo là kẻ phản bội , còn Đài Loan thì Trương Quốc Đảo là anh hùng , hiện nay motthegioi.vn đang đăng truyện danh tướng Lý Thường Kiệt của ta đánh tướng giặc Quách Quỳ ( danh tướng Trung Quốc nhưng dân ta gọi là giặc vì đến cướp nước ta ) .

  3. Đúng Trương Quốc Đào là kẻ phản bội đối với Đảng của Mao Trạch Đông, đi theo Tưởng Giới Thạch. Nhưng nhỡ ông ta thấy đường lối của Tưởng có lý hơn đường lối của Mao thì sao?
    VN cũng có chuyện tương tự, đấy là chuyện ông Hoàng Văn Hoan. Bộ máy tuyên truyền nói rằng Hoàng Văn Hoan phản bội Tổ quốc, nhưng tôi chưa tin. Tôi chỉ tin rằng Hoàng Văn Hoan đã không chấp nhận đường lối chính trị do ông Lê Duẩn đang cầm cờ mà thôi.
    Phản bội thường là hèn kém. Nhưng cũng có thể phản bội là tốt, nếu như phản bội lại kẻ đang làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, đi ngược lại tiến bộ xã hội.
    Còn trung thành như Dự Nhượng nuốt than rồi chết để báo thù cho chủ Trí Bá, như đời xưa đã ca ngợi thì chỉ là ngu trung.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here