Tưởng Giới Thạch thấy căn cứ địa cách mạng của đảng cộng sản Trung Quốc không ngừng phát triển bèn ngông nguồng tiến hành “vây diệt”, nhưng dưới sự chỉ đạo của tư tưởng quân sự sáng suốt của Mao Trạch Đông, Hồng quân đã anh dũng chiến đấu, nhiều lần đánh lui quân địch. Sau đó, do tư tưởng tả khuynh sai lầm của Bác Cổ đang giữ vai trò lãnh đạo trong đảng lúc bấy giờ, trong lần thứ 5 chống lại chiến dịch “vây diệt” của địch, Hồng quân bị tổn thất nặng nề. Do đó, Hồng quân không thể không dời bỏ căn cứ địa, tiến hành cuộc Trường chinh hai vạn năm nghìn dặm nổi tiếng.
Tháng 1 năm 1935, Ban chấp hành Trung ương khai mạc Hội nghị Tuân Nghĩa, thanh toán những sai lầm của tư tưởng tả khuynh, khôi phục vị trí lãnh đạo cho Mao Trạch Đông, khiến toàn quân trở lại với tinh thần, khí thế mới. Chiến dịch 4 lần vượt sông xảy ra trong thời kỳ này.
Ngày 19 tháng 1, Phương diện quân thứ nhất xuất phát từ Tuân Nghĩa, men theo con đường nhỏ gập ghềnh trong dãy núi Đại Lâu hướng về Xích Thủy thuộc vùng Xuyên Kiềm. Khi ấy, Tưởng Giới Thạch đang tập trung lực lượng các quân phiệt tới hơn 150 đơn vị khác nhau, từ bốn phương tám hướng bao vây Hồng quân, hy vọng sẽ tiêu diệt Hồng quân ở vùng tiếp giáp ba tỉnh Xuyên, Kiềm, Điền. Mao Trạch Đông đã có những dự định từ trước, nhìn xa trông rộng, quyết định, nhân lúc quân địch đang hình thành thế bao vây, chỉ huy một Phương diện quân của ta đang ở giữa khu vực Nghi Tân, Lư Châu hoặc thượng du Nghi Tân vượt sông Trường Giang, hợp quân với Phương diện quân thứ 4, xây dựng căn cứ địa cách mạng mới.
Hạ tuần tháng 1, một Phương diện quân đã tới Thổ Thành trên bờ sông Xích Thủy, đánh tan ba đơn vị quân địch đang phòng thủ ở Quý Châu, sửa lại cầu phao đã bị kẻ địch phá hoại. Tới ngày 29, việc vượt sông Xích Thủy lần thứ nhất thắng lợi. Quân ta tiến vào phía nam tỉnh Tứ Xuyên (vượt sông lần thứ nhất).
Lú đó, có một Phương diện quân cũng đang chuẩn bị vượt sông Trường Giang hợp quân với Phương diện quân thứ 4 khiến quân địch vô cùng hoảng sợ. Quân phiệt Tứ Xuyên vội vàng đưa lực lượng tới Xuyên Quý đề phòng dự định phong tỏa Trường Giang. Chu Hỗn Nguyên, Ngô Kỳ Vĩ, các tướng của Tưởng Giới Thạch cũng đưa quân từ Hồ Nam tới.
Trước hết, Hồng quân ở Thổ Thành chuẩn bị lực lượng để tiêu diệt quân phiệt Tứ Xuyên. Nhưng ở đây, quân địch chiếm được địa thế thuận lợi, đã mấy lần xung phong nhưng Hồng quân dưới sự chỉ huy của Bành Đức Hoài vẫn không thể chiếm được địa thế thuận tiện, ngược lại, lực lượng còn bị tổn thất. Địa hình vô cùng bất lợi, vách núi dựng đứng như tường, không thể triển khai tác chiến khiến Hồng quân không thể không rút khỏi Thổ Thành. Lúc ấy, Tổng tư lệnh Chu Đức đang chỉ huy tác chiến ở đây. Đang lúc rút lui thì hỏa lực của địch bỗng mạnh lên, nhưng may mắn, một đội nữ du kích do Khang Khắc Thanh chỉ huy đã anh dũng xông tới trong làn mưa đạn của quân địch hỗ trợ cho Hồng quân.
“Song thương binh” của quân phiệt Tứ Xuyên cũng không ngừng ngăn cản việc vượt sông Trường Giang. Mao Trạch Đông sáng suốt quyết định thay đổi kế hoạch ban đầu, ra lệnh cho bộ đội tiến về phía tây tới Vân Nam, luồn vào phía sau quân địch.
Ở Vân Nam, Hồng quân tiến hành chỉnh đốn lực lượng, con số lên tới hơn ba nghìn người, thanh thế rất lớn khiến Tưởng Giới Thạch phải sớm điều các lộ quân tới đây hy vọng có thể tiêu diệt được Hồng quân. Nhưng Hồng quân dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông vận dụng chiến thuật chiến lược một cách cơ động, linh hoạt hoàn toàn vượt qua những dự định của quân địch, đột nhiên trở lại vùng Tứ Xuyên, trong hai ngày 18 và 19 tháng 2, một lần nữa vượt sông Xích Thủy, trở lại Quý Châu, bỏ lại quân địch ở một nơi rất xa hai bên bờ Trường Giang.
Sau khi tiến vào Quý Châu, Hồng quân nhanh chóng chiếm được Đồng Tử. Quân phiệt Quý Châu của Vương Gia Liệt vội vàng tới Tuân Nghĩa, đưa hai sư đoàn bố trí ở khu vực giữa Tuân Nghĩa và Đồng Tử, ý đồ cố thủ ở Lâu Sơn Quan. Sau khi đánh được Đồng Tử, Hồng quân thừa thắng tiến công đánh thẳng tới Lâu Sơn Quan.
Lâu Sơn Quân nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Lâu Sơn, trấn giữ đường nối Đồng Tử và Tuân Nghĩa, địa thể vô cùng hiểm trở, có cái thế “một người giữ, vạn người không thể qua”. Lúc đó, Vương Gia Liệt sử dụng một sư đoàn trấn giữ Lâu Sơn Quan. Hồng quân có 3 sư đoàn được đưa tới chuẩn bị tiến công mãnh liệt vào đây. Được sự yểm trợ của nhiều loại vũ khí, cùng với quân số áp đảo, các chiến sĩ Hồng quân đã anh dũng xông lên đỉnh núi, cùng kẻ địch đánh giáp lá cà khiến quân địch hết sức hoảng sợ. Lợi dụng quân địch rút chạy hỗn loạn, Hồng quân đã chiếm được Kim Sơn, tới xế chiều, Hồng quân lại chiếm được Tọa Sơn Đầu. Sau đó, quân cách mạng còn đánh bại được mấy lần phản kích của quân địch, hoàn toàn chiếm được Lâu Sơn Quan. Mao Trạch Đông đã rất phấn khởi, viết một bài “Từ” mang tên “Nhớ Tần Nga, Lâu Sơn Quan” nói lên những cảm xúc này.
Sau khi chiếm được Lâu Sơn Quan, Hồng quân thừa thắng tiến công Tuân Nghĩa, tiêu diệt toàn bộ tàn quân của Vương Gia Liệt trong thành. Vương Gia Liệt đành phải cùng mấy viên tùy tùng bỏ chạy.
Hồng quân giành được thắng lợi vô cùng to lớn gây chấn động cho phái phản động Tường Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch vội vàng điều hai sư đoàn tăng viện cho Tuân Nghĩa. Hồng quân hai lần tiến hành giao tranh với quân địch. Trời đổ mưa lớn, đường núi lầy lội, ba quân đoàn của Hồng quân cùng với quân địch giành giật để không chế các cao điểm. Một quân đoàn thừa lúc đêm tối đánh thẳng vào sào huyệt của quân địch, tiếng la hét bốn bề vang vọng khắp sườn núi. Quân địch bị đánh từ sau lưng, phút chốc hỗn loạn, bỏ chạy về phía nam. Hồng quân truy kích, cho tới sông Ô Giang, tiêu diệt hơn một sư đoàn địch. Tàn quân địch vượt về phía nam, sợ Hồng quân đuổi theo vội phá hủy cầu phao trên sông bỏ mặc hơn một nghìn quân và quân trang quân dụng chưa chạy thoát còn đang ở bờ bắc sông, toàn bộ bị Hồng quân bắt làm tù binh. Chiến dịch này đã giành được thắng lợi lớn nhất kể từ ngày mở đầu cuộc trường chinh.
Sau đại thắng ở Tuân Nghĩa, Tưởng Giới Thạch càng thêm đứng ngồi không yên, vội tới ngay Trùng Khánh đốc chiến, điều binh khiển tướng chống lại Hồng quân. Tưởng dùng sách lược “Nam thủ bắc công” hòng vây Hồng quân ở Tuân Nghĩa, Áp Khê để tiêu diệt. Sau khi nghiên cứu tình hình địch, Mao Trạch Đông tương kế tựu kế, chỉ quanh quẩn ở Tuân Nghĩa, thu hút càng nhiều quân địch tới để vây hãm. Bộ binh của Hồng quân lợi dụng địa hình có lợi ở Đồng Tử, Lâu Sơn và Tuân Nghĩa hình thành một phòng tuyến chờ đợi quân Tưởng tới để giao chiến. Trong lúc quân địch ngày càng đông lên, để tiếp tục đánh lừa quân địch, trong hai ngày 16 và 17 tháng 2, Hồng quân đột nhiên tổ chức vượt sông Xích Thủy lần thứ ba tiến về phía nam.
Quân Tưởng thấy thế vội vàng bố trí lại binh lực. Nhưng trái ngược lại với phán đoán của địch, Mao Trạch Đông lại chỉ huy quân đội từ phía nam Tứ Xuyên tiến về Quý Châu. Ngày 22 tháng 3, Hồng quân lần thứ tư vượt sông Xích Thủy, đưa toàn bộ quân chủ lực của địch ở lại phía sau.
Cuối tháng 3, Hồng quân tiếp tục tiến về phía nam, vượt sông Ô Giang thẳng tiến về Quý Dương. Lúc đó, Tưởng Giới Thạch đang đốc chiến ở Quý Dương, trong thành để không. Hồng quân đánh tới ngoại ô, Tưởng Giới Thạch mới hoảng hốt điều động quân phiệt Vân Nam tới “hộ giá”. Đúng với dự đoán của Mao Trạch Đông: chỉ cần địch đưa quân từ Vân Nam tới, ta sẽ thắng lợi. Vì thế, Mao Trạch Đông chỉ huy quân chủ lực của Hồng quân thừa lúc thành Quý Dương trống trải, nhanh chóng tiến công rồi tiến về phía Vân Nam. Quân địch không thể ngăn cản, Hồng quân như con thuyền đang lướt sóng, mỗi ngày tiến hàng trăm dặm chẳng mấy chốc đã bao vây quân địch.
Toàn bộ chiến dịch 4 lần vượt sông đã thể hiện chiến thuật vận động chiến khéo léo, khiến Hồng quân giành được thế chủ động, thoát khỏi vòng vây của Quốc dân đảng, đặt cơ sở cho những thắng lợi của cuộc trường chinh về sau.