Năm 1925, ở Bắc Kinh, sau một thời gian dài bôn ba tìm hòa bình, thống nhất , “quốc phụ” Tôn Trung Sơn lâm bệnh nặng, sau đó qua đời. Khi đó, ở Quảng Châu, Quốc dân đảng cũng xuất hiện tình trạng quyền lực bị bỏ trống. Vì thế, Tưởng Giới Thạch muốn xuất đầu lộ diện.
Tưởng Giới Thạch tên là Trung Chính, người Phụng Hoa, Chiết Giang, từ khi còn trẻ tuổi đã theo học võ nghệ, học tập ở trường Bảo Định quân, rồi tới Nhật Bản theo học lục quân ở Chấn Vũ học đường. Về sau, được sự giúp đỡ của Hoàng Kim Vinh, Đỗ Nguyệt Sênh ở Thượng Hải, bắt đầu ra vào Sở giao dịch, khởi nghiệp nghề buôn bán chứng khoán. Không lâu sau, ông tới Quảng Châu, được sự Tôn Trung Sơn tín nhiệm cử làm Hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố.
Sau khi Tôn Trung Sơn mất, ở Quảng Đông, có thực lực thuộc phe Quốc Dân đảng gồm ba người: Thống soái Việt quân Hứa Sùng Tri, nguyên lão Quốc Dân đảng Hồ Hán Dân (2) và người thuộc phái hữu được lòng người là Liêu Trọng Khải. Khi ấy, Tưởng Giới Thạch còn là người chưa được chú ý. Nhưng nhờ một cơ hội ngẫu nhiên xuất hiện, Tưởng Giới Thạch đã nắm được thời cơ để giành được đại quyền.
Ngày 20 tháng 8 năm 1925, lãnh tụ phái cách mạng Liêu Trọng Khải đột nhiên gặp tai nạn mà chết. Sau cái chết của Tôn Trung Sơn, lực lượng cách mạng lại gặp một tổn thất. Tưởng Giới Thạch thừa cơ kể các tội danh của Liêu Trọng Khải cho Hứa Sùng Tri và Hồ Hán Dân, đưa học sinh quân bao vây nhiệm sở của ông ta, gây áp lực buộc Hồ Hán Dân phải ra nước ngoài, Hứa Sùng Tri phải bỏ về Thượng Hải. Những nhân vật quan trọng có ảnh hưởng của Quốc Dân đảng lần lượt người chết, người bỏ đi, còn Tưởng Giới Thạch đang làm Tư lệnh quân chiếm đóng ở Quảng Châu. Tiếp đó, ông ta khẩn trương đưa hai đoàn học sinh quân của trường quân sự Hoàng Phố tổ chức thành Đệ nhất quân của quân Cách mạng, bản thân trực tiếp làm Quân trưởng, nghiễm nhiên trở thành người có thực lực ở Quảng Đông. Tưởng Giới Thạch cũng bắt đầu có vây cánh, lực lượng cách mạng quần chúng khi ấy cũng tương đối mạnh, đoàn cố vấn quân sự Liên Xô cũng có những ảnh hưởng nhất định. Trong tình hình ấy, phái tả cũng bắt đầu được sự quan tâm của mọi người. Mỗi khi đăng đàn, Tưởng Giới Thạch đều không quên nói tới “Tổng lý tam đại chính sách” (4), lên tiếng dạy dỗ mọi người, “cách mạng Trung Quốc, hiện thời chỉ cần nói một câu là hoàn toàn dựa vào giai cấp công nông làm lực lượng. Nếu hai đảng Quốc Cộng phát sinh xung đột, nhất định cách mạng sẽ thất bại”. Ông ta gọi cố vấn Liên Xô là “Thượng phụ”. Một lần, trong cuộc họp, ông ta bỗng nhiên kêu gọi toàn thể học sinh của Đại học Trung Sơn đứng dậy, nói những lời tỏ lòng trung thành với cố vấn Liên Xô, khiến cho cố vấn Liên Xô cũng rất bất ngờ.
Những biểu hiện này của Tưởng Giới Thạch khiến rất nhiều người tin rằng ông ta chính là người trung thành với những chính sách của Tôn Trung Sơn, ngay cố vấn Liên Xô và Tổng thư ký đảng cộng sản Trung Quốc là Trần Độc Tú cũng không nghi ngờ gì. Tháng 1 năm 1926, đại hội đại biểu toàn quốc Quốc dân đảng họp lần thứ hai, Tưởng Giới Thạch được bầu làm Thường vụ Ủy viên hội Ban Chấp hành Trung ương và Tổng giám quân cách mạng quốc dân. Cũng lúc này, quân Bắc phạt cũng nảy sinh chia rẽ, lâm vào tình trạng hỗn loạn. Cuộc chiến tranh lần thứ hai đã khiến Ngô Bội Phu quân phiệt Trực hệ thất bại, phải rút về khu vực Lưỡng Hồ, quân phiệt Trực hệ Tôn Truyền Phương giành được Thượng Hải, chiếm được năm tỉnh Hoa Đông. Do thực hiện chính sách bán nước, Đoàn Kỳ Thụy bị phản đối. Năm 1926, quân phiệt Phụng hệ khống chế được chính phủ Bắc Kinh nhưng cũng gặp trắc trở: quốc dân quân của Phùng Ngọc Tường tái khởi ở Đông Sơn và quân Phụng đánh mạnh ở Thiên Tân khiến Trương Tác Lâm không yên ổn ở phía nam. Trong hoàn cảnh ấy, quân cách mạng quốc dân ở Quảng Đông phát triển về hướng bắc, giành được những điều kiện có lợi.
Ngày 6 tháng 6 năm 1926, chính phủ Quốc dân giao cho Tưởng Giới Thạch làm Tổng tư lệnh quân cách mạng quốc dân. Ngày 27 tháng 7, mười vạn quân Bắc phạt chia làm ba đường từ Quảng Châu làm lễ xuất phát, mở đầu cuộc chiến tranh quyết định tiền đồ của Trung Quốc. Quân Bắc phạt khi ấy chia làm 8 quân, trong đó có Tứ quân (Quân trưởng Lý Tế Thám), Thất quân (Quân trưởng Lý Tông Nhân), Nhất quân (Quân trưởng Tưởng Giới Thạch và Bát quân (Quân trưởng Đường Sinh Tri) có quân lực hùng hậu, trong đó Độc lập đoàn của Đệ tứ quân được gọi là “Thiết quân” rất dũng mãnh. Tới các nơi, quân Bắc phạt đều được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nhanh chóng giành được những thắng lợi. Tháng 7, các lộ quân đánh chiếm Trường Sa, hướng về Vũ Xương là nơi Ngô Bội Phu đang chiếm giữ. Ngày 16 tháng 8, 6 đoàn của Đệ tứ quân tiến công vào cầu Thinh Tứ, cửa ngõ của Vũ Xương.
Thinh Tứ là cây cầu đường sắt, ba mặt là nước, còn dựa lưng vào núi, dễ giữ mà khó đánh. Ngô Bội Phu bố trí hơn hai vạn người, xây dựng lô cốt, hạ lệnh quyết tử để ngăn cản quân Bắc phạt. Do có hỏa lực mạnh chống trả, quân Bắc phạt bị thương vong rất nhiều, suốt một ngày một đêm vẫn không chiếm được cầu.
Lúc đó, Diệp Đình lãnh đạo đoàn độc lập kiên quyết đòi ra trận nên được phê chuẩn. Diệp Đình mang theo một số quân lính, được một người nông dân dẫn đường, theo con đường nhỏ tới cánh trái của quân địch, bí mật tới được đỉnh núi, các chiến sĩ dũng mãnh như hổ xông tới cầu Thinh Tứ. Quân địch bị bất ngờ hoảng loạn. Quân Bắc phạt từ hai phía đánh tới, cuối cùng, chiếm được cầu Thinh Tứ.
Ngày 28, cuộc chiến đấu trên cầu Thinh Tứ càng tàn khốc. Ngô Bội Phu hạ lệnh đem giết một Lữ trưởng, chặt đầu bêu ở đầu cầu , muốn dùng cách ấy để cảnh cáo, thôi thúc quân lính quyết tử.
Chiến sĩ quân Bắc Phạt được sự chi viện của hỏa pháo đều nhất tề xung phong; các doanh, các liên,… đều độc lập tác chiến, hình thành thế bao vây quân địch. Qua cuộc chiến đấu đẫm máu, cuối cùng quân địch phải rút chạy.
Ngô Bội Phu tức giận mắt long lên, nhìn quan quân tháo chạy, bèn sai đội chấp pháp mang đại đao đứng ở đầu cầu chặt đầu những người lính chạy qua. Nhưng những hành động ấy cũng không ngăn nổi quân lính. Thấy tình cảnh ấy, quân lính đã xông vào giết cả đội chấp pháp. Đến lúc ấy, Ngô Bội Phu mới nhận ra đại thế đã mất, vội nhảy lên tàu hỏa chạy trốn. Quân Bắc phạt cuối cùng tiêu diệt được quân chủ lực của Ngô Bội Phu, đánh vào Vũ Xương.
Cùng thời gian đó, các cánh quân khác cũng đánh vào Nam Xương, Cửu Giang, tiêu diệt quân chủ lực của Tôn Truyền Phương. Một cánh quân khác đến tháng 12, đánh chiếm được Phúc Kiến, Chiết Giang. Từ đó, phần đất phía nam sông Trường Giang đã nằm trong tay quân cách mạng quốc dân. Thắng lợi này đã được đánh đổi bằng xương máu của các chiến sĩ quân Bắc phạt, trong đó, những đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng.
Nhưng trong khi làn sóng cách mạng đang dâng cao thì có một làn sóng khác đối nghịch cũng nổi lên, khiến tiền đồ của Trung Quốc bị che phủ bởi một đám mây đen.
Vốn là những thắng lợi của quân Bắc phạt đã khiến các nước đế quốc hoảng sợ; họ cảm thấy quân phiệt Bắc Dương không còn là chỗ dựa, trong khi thái độ của Quốc dân đảng lại không rõ ràng. Tưởng Giới Thạch trong nhiều trường hợp đã tỏ ra “cách mạng đến cùng” khiến các nước đế quốc không phân biệt được thật giả. Họ dùng chính sách vừa cứng vừa mềm để thăm dò Tưởng Giới Thạch, muốn có sự ủng hộ của quân phiệt Bắc Dương, tìm một chỗ dựa thích hợp ở Trung Quốc. Ngày 14 tháng 3 năm 1927, tàu chiến Anh Mỹ bắn pháo vào trong thành Nam Kinh, làm thương vong hơn hai nghìn người, phá hoại rất nhiều nhà cửa, thực tế, đó là một đòn cảnh cáo với Tưởng Giới Thạch. Đồng thời, Anh Mỹ cũng ủng hộ tập đoàn tư bản Giang Chiết thăm dò Tưởng Giới Thạch bằng cách đưa ra một số tiền lớn để dẫn dụ, đổi lại, Tưởng Giới Thạch phải chấp nhận làm chỗ dựa cho Anh Mỹ. Quả nhiên, ngày 25, 26 tháng 3, Tưởng Giới Thạch liên tục phát biểu trong các cuộc họp, thay đổi thái độ so với trước đây. Ông ta nói: “Tôi không bao giờ có ý đối lập với Anh Mỹ”, “Các quốc gia trên thế giới đối đãi bình đẳng với tôi, tôi đều coi là bạn. Các quốc gia trước đây đã áp bức chúng tôi, chúng tôi cũng khẩn thiết mong muốn họ cùng đoàn kết lại”.
Các nước đế quốc đã tìm được một người đại biểu mới, Tưởng Giới Thạch cũng đã tìm được chỗ dựa, hai bên đã tìm thấy nhau. Từ đó, Tình thế của cách mạng Trung Quốc bước sang một giai đoạn mới.
Chú thích:
- Hồ Hán Dân (1879 – 1936), người Quảng Đông, du học ở Nhật thời còn trẻ. Năm 1905, gia nhập Đồng minh hội, sau cùng Tôn Trung Sơn tổ chức Trung Hoa cách mạng đảng. Năm 1927, làm Chủ tịch chính phủ Quốc dân. Năm 1931, bị giam cầm do có mâu thuẫn với Tưởng Giới Thạch.
- Liêu Trọng Khải (1877 – 1925), nhà cách mạng giai cấp tư sản Trung Quốc, người Quảng Đông. Năm 1905, gia nhập Đồng minh hội, tham gia Cách mạng Tân Hợi, trợ thủ đắc lực của Tôn Trung Sơn. Năm 1924, tham gia Đại hội lần thứ nhất của Quốc dân đảng, Quốc Cộng hợp tác, tham gia sáng lập trường Quân sự Hoàng Phố. Ông là người có tư tưởng tiến bộ chống lại phái hữu.