Sau cách mạng Tân Hợi, vua nhà Thanh thoái vị, nhưng tôn hiệu Hoàng đế vẫn còn được bảo lưu, vẫn được giữ nghi lễ của Hoàng đế, các thành viên của nhà Thanh vẫn được ở trong Cố cung, quân Cấm vệ vẫn được giữ nguyên, tài sản, tông miếu vẫn còn được chính phủ Dân quốc bảo hộ. Sau đó Phổ Nghi lên ngôi, tiếp tục làm Hoàng đế, các “vương công đại thần” vẫn ngày ngày triều bái, tung hô vạn tuế, Tử cấm thành  bỗng trở thành một “quốc gia trong quốc gia”. Năm 1924, Phùng Ngọc Tường phát động “Bắc Kinh chính biến” mới khiến hiện tượng kỳ lạ này hoàn toàn kết thúc.

Phùng Ngọc Tường người huyện Thanh, Hà Bắc, sinh năm 1882, trong gia đình nông dân nghèo khổ. Năm 14 tuổi ông đã đăng lính, thời kỳ cách mạng Tân Hợi, tham gia khởi nghĩa Loan Châu, chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng  của Tôn Trung Sơn, ông ủng hộ chế độ Cộng hòa, đồng tình với cách mạng, chủ trương cách tân.

Năm 1922, Phùng Ngọc Tường theo Ngô Bội Phù (1) trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất đánh bại Phụng hệ Trương Tác Lâm, được làm Đốc quân  Hà Nam. Nhưng Ngô Bội Phù vẫn hết sức muốn diệt trừ Phùng Ngọc Tường, ông bị điều làm Kiểm duyệt sứ Lục quân, chuyên việc luyện quân ở Nam Uyển, bị mất địa bàn, không có lương bổng, rất căm hận Ngô Bội Phù, quyết tâm báo thù. Trong cuộc chiến tranh lần thứ hai , Phùng Ngọc Tường liên kết với Trương tác Lâm, quay lại chống Ngô Bội Phù. Sáng sớm ngày 23 tháng 10, Phùng Ngọc Tường nhận được lệnh của Tư lệnh lộ quân thứ hai Hồ Cảnh Dực tiếp ứng Phó Tư lệnh cảnh vệ Kinh kỳ Tôn Nhạc, phát động “Bắc Kinh chính biến”, bắt giam Tổng thống Tào Côn (2), Ngô Bội Phù nhanh chóng thất bại phải vượt biển bỏ chạy về phía nam.

Phùng Ngọc Tường do chịu ảnh hưởng tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn rất  không vừa lòng với Phổ Nghi và cái tiểu triều đình đang tồn tại. Năm 1917, khi Trương Huân khôi phục ngôi vua, ông đã từng gửi điện yêu cầu đuổi Phổ Nghi ra khỏi Tử Cấm thành, nhưng do bị Đoàn Kỳ Thụy ngăn cản nên việc này không thực hiện được. Giờ đây, sau khi “Bắc Kinh chính biến” thành công, một khi đã nắm được chính quyền trong tay, ông quyết tâm thừa thế sẽ tiêu diệt cái tiểu triều đình của Vương triều Mãn Thanh kia.

Sau khi được tin Phùng Ngọc Tường phát động “Bắc Kinh chính biến”, Phổ Nghi cùng con cháu tông thất nhà Thanh vô cùng hoang mang, đã có dự cảm không yên. Phổ Nghi đã có dự định dời về Tô giới Thiên Tân. Các vương công đại thần cũng đua nhau khuyên Phổ Nghi chuẩn bị , đề phòng bất trắc. Phổ Nghi được ủng hộ đã có ảo tưởng “vũ trang tự vệ”. Một hôm, Phổ Nghi với danh nghĩa Thiên tử đi kiểm duyệt “ngự lâm quân” mới biết  quân lính của ông ta mới được luyện tập chưa bao lâu, đội ngũ hỗn loạn; khi kiểm tra đến vũ khí chỉ có hơn hai chục lính có súng trường đứng gác, còn lại đều rỉ sét cả trong lẫn ngoài. Cuối cùng, Phổ Nghi nhìn vào kiếm chỉ huy cũng chỉ thấy mấy thanh dùng cho lính gác là còn tốt còn toàn những thứ chưa bao giờ được mở ra. Thấy tình cảnh ấy, Phổ Nghi thất vọng không nói được lời nào.

Buổi sáng ngày 5 tháng 11 năm 1924, Phùng Ngọc Tường cho người bộ hạ đắc lực của mình là Lộc Chung Lân (3) cùng hơn hai chục quân cảnh tiến thẳng vào Cố cung, trục xuất  Phổ Nghi. Nội các của Tiểu triều đình nghe tin hoảng hốt đón tiếp. Nhìn thấy bọn Lộc Chung Lân, họ cười cười nói nói:

  • Người anh em, vất vả quá, xin mời vào trong dùng trà.

Lộc Chung Lân nghiêm sắc mặt:

  • Chúng tôi tới đây yêu cầu Phổ Nghi chuyển chỗ ở, không phải làm khách. Hạn cho các ông nội trong hai giờ phải dời khỏi cung.

Chiêu Anh nghe xong, sợ hãi, không nói được lời nào, chỉ ấp úng:

  • Từ khi Hoàng đế Đại Thanh nhập quan tới nay, tấm lòng bao dung, chưa mất nhân tâm, sao chúng tôi lại bị ức hiếp như thế này.

Lộc Chung Lân lập tức nghiêm giọng, cảnh cáo:

  • Cách mạng Tân hợi tới nay đã 13 năm, sao triều Thanh bị lật đổ còn cứ ở mãi trong cung, thực là vô lý. Nếu nói triều Thanh tấm lòng bao dung thì sao khỏi mua lấy tiếng cười. Quân Thanh nhập quan, đi đâu cũng tàn hại, đến hôm nay dân chúng vẫn chưa quên những chuyện ấy.

Chiêu Anh không nói thêm được lời nào, đành vội chạy đi báo Phổ Nghi.

  Lúc ấy, Phổ Nghi đang cùng Hoàng hậu Uyển Dung ngồi ăn hoa quả và tán gẫu, bỗng thấy Chiêu Anh hốt hoảng chạy tới, ấp úng, nói:

  • Hoàng…, Hoàng thượng, không… không ổn rồi. Phùng Ngọc Tường cho lính tới buộc dời khỏi cung.

Nghe xong, Phổ Nghi thấy như có tiếng sấm nổ ngang tai, vừa cắn miếng táo, quả táo đã rơi ngay xuống. Chiêu Anh vội đưa phong thư của Phùng Ngọc Tường, trong đó viết những điều kiện:

  1. Hoàng đế Đại Thanh ngay trong ngày phải vĩnh viễn từ bỏ tôn hiệu, từ nay, có mọi quyền lợi và bình đẳng trước pháp luật như quốc dân của Trung Hoa Dân quốc.
  2. Sau đây, chính phủ Trung Hoa Dân quốc mỗi năm cấp cho vương thất nhà Thanh 100.000 đồng, còn 2.000.000 đồng dành để xây dựng một nhà máy cho người nghèo ở Bắc Kinh, ưu tiên nhận người nghèo vào làm việc.
  3. Con cháu nhà Thanh ngay trong ngày phải dời khỏi Cố cung, sau đó được tự do lựa chọn nơi cư trú.
  4. Các tư sản của nhà Thanh được bảo vệ, nhưng tất cả công sản do Chính phủ quốc dân sở hữu.

Phổ Nghi dự cảm đại họa đã giáng lên đầu, nhưng mượn cớ thời gian gấp gáp, muốn trì hoãn, Lộc Chung Lân nghiêm túc, nói:

  • Các ông cuối cùng cũng phải trở thành người bình dân, hay vẫn muốn là Hoàng đế sao? Chúng tôi sẽ có những biện pháp đối xử với Hoàng đế. Đại pháo ở Cảnh Sơn sẽ không khách khí với các ông đâu.

Lộc Chung Lân vẫn mang tiếng là “Long chủng”, hoàng thân quốc thích nghe tên đã “ớn” cho nên tất cả chỉ biết khóc lóc. Phổ Nghi không biết làm cách nào, đành mếu máo, chấp nhận:

  • Tôi đi, tôi đi!

Buổi sáng hôm ấy, Phổ Nghi triệu tập buổi họp các vương công đại thần cuối cùng quyết định tiếp nhận những điều kiện ưu đãi do Phùng Ngọc Tường đưa ra, sau đó lập tức dời khỏi cung. Phổ Nghi cùng các thành viên ngồi trên xe ô tô do Phùng Ngọc Tường đưa tới Vương phủ Sát Hải Thuần, tức Bắc Phủ bị giam lỏng. Cố cung sau đó được Ủy viên hội tiếp nhận.

Việc đưa Phổ Nghi cùng Hoàng thất ra khỏi Cố cung của Phùng Ngọc Tường như một làn sóng lớn, quân phiệt Bắc Dương, các chính khách quan liêu đều cho là ác nghiệt và ra sức phê phán, Đoàn Kỳ Thụy chỉ trích Phùng Ngọc Tường là “bất cận nhân tình”. Trương Tác Lâm chủ trương mời Phổ Nghi về làm Hoàng đế không tán thành, nhưng các lực lượng tiến bộ trong nội các  không những không phản đối mà còn ủng hộ, ca ngợi một sự kiện lớn mà cách mạng Tân Hợi chưa hoàn thành, cắt bỏ được cái đuôi của vương triều Thanh. Ngày hôm sau khi Phổ Nghi dời cung, nhân dân Bắc Kinh treo đèn kết hoa giương cờ chúc mừng.

Phùng Ngọc Tường phát động “Bắc Kinh chính biến”, đưa Phổ Nghi ra khỏi Cố cung đã hoàn thành được một nhiệm vụ của Cách mạng Tân Hợi, góp phần thúc đẩy tiến trình lịch sử.

Chú thích:

  • Ngô Bội Phù (1874 – 1939): Thủ lĩnh Bắc Dương quân phiệt Trực hệ, người Sơn Đông. Đi lính từ sớm sau trở thành thủ hạ của Tào Côn, từng trải qua Đoàn trưởng, Lữ trưởng, Sư trưởng. Năm 1927, bị quân Bắc phạt đánh bại, sau do cự tuyệt làm Hán gian, bị Nhật Bản đầu độc chết.
  • Tào Côn (1862 – 1938): Thủ lĩnh Bắc dương quân phiệt Trực hệ. Người Thiên Tân, sớm theo Viên Thế Khải làm Bắc Dương quân quản, Thống lĩnh, Thống chế. Năm 1916, làm Đốc quân Trực Lệ. Năm 1923, được cử làm Đại Tổng thống, năm sau hạ đài.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here