Buổi chiều mùa xuân năm 1904, trên boong con tàu sang Nhật Bản, một nguời phụ nữ trẻ gương mặt đoan trang, y phục giản dị đang hướng cặp mắt đầy ưu tư nhưng cũng lộ vẻ cương nghị nhìn ra xa giữa muôn trùng sóng biếc. Đó chính là Thu Cẩn, một nữ chiến sĩ cách mạng nổi tiếng cuối đời Thanh.
Thu Cẩn là nguời Thiệu Hưng, Chiết Giang, sinh ở Hạ Môn, Phúc Kiến. Bà đã lớn lên bên cạnh nguời cha trước làm quan, tiếp thu được từ ông tính cách mạnh mẽ, cứng cỏi. Từ nhỏ, Thu Cẩn đã ham đọc sách nên nói năng hoạt bát, năm 20 tuổi, Thu Cẩn đã nổi tiếng trong vùng về tài văn thơ. Bà còn thích kiếm hiệp, rất khâm phục những tấm gương trượng nghĩa võ hiệp. Thật đáng tiếc nguời con gái đầy triển vọng ấy đã bị cha mẹ sớm ép gả cho một công tử phóng đãng.
Chồng của Thu Cẩn là Vương Diên Điếu, con một gia đình quan liêu ở Tương Đàm, Hồ Nam. Gia đình anh ta giàu có, mua được một chức quan ở Bắc Kinh, mọi ngón ăn chơi của con nhà quyền quý anh ta đều tinh thông, riêng với Thu Cẩn bị anh ta coi như một nguời tù giam lỏng, nhất cử nhất động đều bị giám sát. Một lần vào mùa thu, Thu Cẩn giả trang làm nam nhi tới dạo chơi trong vườn hoa ở Bắc Kinh, khi trở về, bị Vương Diên Điếu đánh đập. Trong lòng, Thu Cẩn vô cùng buồn chán, sống trong cảnh nhàn nhã mà trong lòng phiền muộn, chỉ có thể mượn rượu giải sầu hoặc làm thơ trút nỗi uất hận, có lúc múa vài đường kiếm mà cất lên khúc bi ai: “Thân bất đắc, nam nhi liệt; tâm tức bỉ, nam nhi liệt”.
Những câu thơ nói lên nỗi lòng của bà, nó thể hiện tinh thần phản kháng quyết liệt với gia đình phong kiến. Vì thế, Thu Cẩn dám ăn mặc giả đấng nam nhi, đi giày da, đội mũ lưỡi trai màu lam. Có nguời hỏi bà làm sao dám ăn mặc như thế, bà nói:
– Tôi muốn trở thành một trang nam nhi, đầu tiên phải thay đổi dáng vẻ bên ngoài, rồi sẽ thay đổi tâm tính bên trong.
Thu Cẩn lấy tên Cánh Hùng, ý muốn nói đua tranh anh hùng. Việc làm này của Thu Cẩn biểu hiện tinh thần phản kháng quyết liệt với truyền thống. Khi liên quân tám nước xâm lược Bắc Kinh, bà tận mắt chứng kiến những hành động bạo ngược của nguời Tây dương, cảm thấy một cách sâu sắc sự bất lực của triều đình nhà Thanh. Từ đó, ngọn lửa yêu nước trong bà được nhen nhóm và ngày càng bùng cháy.
Để tìm chân lý cách mạng, Thu Cẩn tạm xa chồng và con gái còn nhỏ, một mình sang Nhật Bản. Ở đây, bà vừa học tập vừa tích cực tham gia các hoạt động cách mạng chống lại triều đình nhà Thanh. Mỗi lần các nữ lưu học sinh tập hợp, bà đều đăng đàn diễn thuyết, tuyên truyền đường lối cách mạng và cổ vũ tinh thần mọi người. Những ý kiến của bà, khảng khái và kiên cường, tâm huyết và đầy sức thuyết phục khiến nguời nghe xúc đông rơi nước mắt. Khi Tôn Trung Sơn tổ chức Đồng Minh hội ở Nhật Bản, bà lập tức gia nhập. Lúc tuyên thệ, Lương Mạc Quang hỏi:
– Nếu không trung thành sẽ phải như thế nào?
Thu Cẩn không do dự trả lời:
– Lên núi gặp hổ dữ, ra ngoài gặp cường nhân.
Bà được tiến cử làm nguời phụ trách chi bộ Chiết Giang của Đồng Minh hội. Trong thời gian theo học ở Nhật Bản Thu Cẩn đặc biệt chú ý vận động phụ nữ tham gia cách mạng, bà tổ chức các nữ lưu học sinh ở Nhật thành Cộng ái hội để phản đối sự trói buộc của chế độ phong kiến với phụ nữ do mình làm Hội trưởng với mục đích lâu dài giải phóng phụ nữ Trung Quốc thoát khỏi “mười tám tầng địa ngục”. Bà đã đổi tên mình thành Cánh Hùng trong dịp này và triệt để cổ vũ cho lý tưởng bình đẳng nam nữ “Nhân quyền thiên phú nguyên vô biệt, Nam nữ hoàn tu nhất lệ đàm”.
Năm 1906, Thu Cẩn trở về nước, ở Thượng Hải, bà sáng lập Trung Quốc nữ học, chủ biên “Trung Quốc nữ báo”, đồng thời cùng với Thái Nguyên Bồi, Chương Thái Viêm gia nhập đoàn thể cách mạng Quang phục hội (1), kết giao với rất nhiều các chí sĩ cách mạng. Ở Thượng Hải, bà còn cùng với các nhà cách mạng như Trần Bá Nguyên dành mấy gian phòng để chế tạo thuốc nổ. Có một lần, thuốc đột nhiên phát nổ, bà bị thương tay trái. Những nguời bạn tốt khuyên bà không nên làm công việc nguy hiểm này, bà cười và không thay đổi ý định.
Mùa đông năm 1906 Đồng minh hội phát động khởi nghĩa Bình Lưu Lễ (2), có tiếng vang khắp khu vực. Cao trào cách mạng trong cả nước bùng phát. Thu Cẩn được cổ vũ, càng phấn khích đảm nhận phụ trách công tác khởi nghĩa ở Chiết Giang, bà về Thiệu Hưng quê hương chủ trì Đại thông học đường chuẩn bị nổi dậy ủng hộ khởi nghĩa Bình Lưu Lễ.
Đại Thông học đường là do Từ Tích Lân, Đào Thành Chương (3), những nhân vật trọng yếu của Quang Phục hội sáng lập, thực tế là một trường quân sự, cũng là nơi để Quang Phục hội bồi dưỡng cán bộ, căn cứ để tổ chức quần chúng. Sau khi đảm nhận cơ sở này, Thu Cẩn tăng cường hoạt động, tổ chức công khai “Thể dục hội”, tự mình đảm nhận vai trò giáo viên, hàng ngày vào buổi sáng, mấy trăm học viên cùng nhau tập luyện thể thao, cưỡi ngựa, bắn súng, … Ngoài ra, bà còn tới Kim Hoa, Lan Khê liên lạc với các đồng chí, bí mật tổ chức “Quang Phục quân”. Tháng 5 năm 1907, bà đã hẹn với Từ Tích Lân chờ tới tháng 7 sẽ cùng tổ chức khởi nghĩa ở Chiết Giang và An Huy.
Nhưng tới tháng 6, mục tiêu sớm bị lộ ở Thiệu Hưng, triều đình nhà Thanh nghe tin tới điều tra. Từ Tích Lân sợ đêm dài nhiều mộng, ngày dài sinh biến, nhân lúc Cảnh sát học đường chuẩn bị lễ tốt nghiệp, Tuần phủ An Huy là Ân Minh cùng các quan chức cao cấp tới dự đã dùng súng bắn chết Ân Minh. Quân triều đình bao vây, Từ Tích Lân cùng các học sinh chiếm sở quân giới, chuẩn bị mở kho phát súng để khởi nghĩa. Nhưng cuối cùng, ông bị quân triều đình bao vây. Do lực lượng hai bên quá chênh lệch, Từ Tích Lân bị bắt.
Qua báo chí, Thu Cẩn được tin Từ Tích Lân bị hại, bà vô cùng đau xót, nguời anh hùng kiên cường không thể cầm được nước mắt.
Khi ấy, có một nguời họ Hồ chạy tới cáo mật với Tri phủ Thiệu Hưng, Đại Thông học đường rất nhanh chóng bị quân đội giám sát chặt chẽ. Vương Kim Phát khuyên bà tạm thời dời Thiệu Hưng, nhưng những công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đã được bà sắp xếp chu đáo, bà từ chối thực hiện lời khuyên đó với giọng đanh thép:
– Nếu sợ chết tôi đã không làm cách mạng, không đổ máu cách mạng sao có thể thành công. Tôi nhất quyết không dời Thiệu Hưng!
Nói xong, bà lấy từ trong ngăn kéo bản danh sách quân khởi nghĩa giao cho Thủ lĩnh của đảng là Vương Kim Phát, nói ông ta lập tức dời Thiệu Hưng. Vương Kim Phát vừa đi, bỗng có một tiếng nổ lớn, quân triều đình nhà Thanh nhanh chóng bao vây Đại Thông học đường, bắt Thu Cẩn.
Trên công đường phủ Thiệu Hưng, Tuần phủ nham hiểm dùng nhục hình bắt Thu Cẩn khai báo. Nhưng bà không nói một lời, im lặng chịu đựng mọi đòn tra tấn, tuyệt đối gìn giữ những bí mật của cách mạng. Bà luôn chỉ có một lời nói với kẻ địch:
– Việc cách mạng không phải hỏi nhiều. Có giết thì cứ giết!
Tinh thần bất khuất của bà khiến triều đình hoảng sợ không dám kéo dài việc giam giữ.
4 giờ sáng ngày 15 tháng 7, trong khi mọi người còn chưa tỉnh giấc, nguời chiến sĩ cách mạng kiên cường, nguời tiên phong thức tỉnh quần chúng thoát khỏi triều đại cũ bị sát hại ở Cổ Hiên Đình Khẩu trong thành Thiệu Hưng. Khi ấy, bà mới 31 tuổi. Trước khi chết sắc mặt bà không thay đổi, tỏ ra không một chút run sợ.
Sau khi Thu Cẩn hy sinh, những nguời bạn của bà không quên di nguyện của nguời đã khuất mai táng bà ở Hàng Châu.
Từ đó, mỗi năm vào dịp tiết Thanh minh, thanh thiếu niên, phụ nữ, các giới nhân sĩ, kiều bào ở nước ngoài đều tới trước nấm mộ Thu Cẩn nghiêng mình tưởng nhớ. Tên Thu Cẩn mãi mãi còn với non sông đất nước.
Chú thích:
- Quang Phục hội: đoàn thể cách mạng thành lập cuối triều Thanh năm 1904, Tổng bộ ở Thượng Hải.
- Bình Lưu Lễ khởi nghĩa: mùa xuân năm 1906 nổ ra ở Bình Hương, Lưu Dương và Lễ Lăng, Hồ Nam.
- Từ Tích Lân (1873 – 1909), nguời Sơn Âm, Chiết Giang (nay là Thiệu Hưng). Năm 1904, tham gia thành lập Quang Phục hội sau gia nhập Đồng Minh hội. Sau khởi nghĩa Vũ Xương, phát động quân Quang Phục hưởng ứng. Bị Tưởng Giới Thạch giết.