Vương triều Thanh là do một dân tộc thiểu số phương bắc kiến lập sau khi chinh phục vùng Trung nguyên, vì thế, nó đặc biệt chú ý tới việc đề phòng tình cảm dân tộc của các phần tử trí thức nguời Hán, thường bắt bớ những nguời có câu chữ khác thường trong văn chương, phát động “văn tự ngục”, tiến hành các cuộc trấn áp tàn khốc đối với họ.Thời Hoàng đế Ung Chính là con của Hoàng đế Khang Hy tại vị, “văn tự ngục” đã xuất hiện và hoành hành rất nghiêm trọng, trong đó vụ án lớn nhất Lữ Lưu Lương đã được xử lý rất khác thường.
Lữ Lưu Lương là một học giả nổi tiếng thời cuối Minh đầu Thanh. Sau khi triều Minh diệt vong, ông tham gia vào cuộc kháng chiến chống Thanh nhưng không thành công nên ở nhà mở trường tư dạy học trò. Có nguời tiến cử ông tham dự cuộc thi Hồng từ khoa (1) do Hoàng đế Khang Hy tổ chức, nhưng vì không muốn cộng tác với triều Thanh nên ông kiên quyết từ chối. Các quan cũng khuyên ông, thậm chí còn dọa nạt để ông hạ sơn. Bất đắc dĩ, ông phải bỏ tới ở một ngôi chùa, xuống tóc làm hoà thượng. Mãi tới lúc đó, các quan mới chịu buông tha.
Làm hòa thượng, nhưng ông vẫn không quên việc viết sách, lập ngôn. Sách của Lữ Lưu Lương có những cuốn mang nội dung chống lại sự thống trị của vương triều Thanh của tộc Mãn. Nhưng sách của ông sau khi viết cũng không được lưu truyền. Năm 55 tuổi, ông bị bệnh mất, con cháu đem những cuốn sách đó khắc in, nhưng ảnh hưởng của chúng cũng không nhiều.
Mấy năm sau, vào những năm Hoàng đế Ung Chính mới lên ngôi, có một văn nhân bất mãn tên là Tăng Tĩnh ở Hồ Nam, xuất thân nghèo khổ, cuộc sống không được như ý, thấy ruộng đất, của cải tập trung hết vào trong tay một số nguời rất bất công , nảy sinh ý thức dân tộc và kiến giải chính trị, cho rằng chỉ có tiêu diệt được tầng lớp thống trị, dân chúng nghèo khổ mới có thể ngóc đầu lên được. Về sau, ngẫu nhiên ông đọc được mấy cuốn sách của Lữ Lưu Lương và tỏ ra rất khâm phục, cho rằng Lữ Lưu Lương hoàn toàn có đủ tư cách làm Hoàng đế. Từ đó, tư tưởng phản Thanh trong ông ngày càng rõ rệt.
Tăng Tĩnh cử một học trò của mình là Trương Hy từ Hồ Nam tới Chiết Giang, quê của Lữ Lưu Lương hy vọng tìm được những di cảo của Lữ Lưu Lương. Đến Chiết Giang, Trương Hy không những tìm được con cháu của Lữ Lưu Lương và một số di cảo mà còn tìm được hai nguời học trò của nguời đã khuất. Họ cùng nhau trò chuyện, thấy rất tâm đầu ý hợp. Trương Hy trở về báo lại với Tăng Tĩnh, Tăng Tĩnh cũng hẹn hai nguời học trò kia gặp mặt. Bốn nguời cùng nhau bàn về ách thống trị của triều Thanh, ai ai đều phẫn nộ. Họ bí mật bàn nhau tìm cách phản Thanh, lật đổ ách thống trị bất công này.
Họ cũng hiểu rằng, nếu chỉ dựa vào những nguời đọc sách thì không thể thành đại sự. Tăng Tĩnh nghe nói tới đại thần Nhạc Chung Kỳ đang làm Tổng đốc Xuyên Thiểm (chức quan cao nhất ở hai tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây), nguời đời sau của Nhạc Phi, bây giờ trong tay đang nắm binh quyền rất lớn. Ông này trong cuộc chiến dẹp phản loạn đã lập công lớn nên đã được Hoàng đế Ung Chính ân thưởng và trọng dụng. Tăng Tĩnh nghĩ, nếu khuyên được Nhạc Chung Kỳ tham gia vào công cuộc phản Thanh, hy vọng thành công sẽ rất lớn.
Từ đó, tư tưởng phản Thanh đã biến thành hành động, Tăng Tĩnh viết một phong thư, đưa Trương Hy đi tìm Nhạc Chung Kỳ. Trương Hy đã bán hết gia sản, vượt bao trở ngại tới Tây An, gặp Tổng đốc Nhạc Chung Kỳ. Nhận được thư, Nhạc Chung Kỳ thấy bức thư nặc danh khuyên mình phản Thanh rất ngạc nhiên. Đọc đi đọc lại, ông ta thấy đây là một trong những trọng tội với Ung Chính, thư còn chỉ trích chuyện Ung Chính đã dùng quỷ kế để đoạt ngôi vua. Nhạc Chung Kỳ nói với Trương Hy:
– Anh là ai mà dám đưa cho ta bức thư đại nghịch như thế này?
Trương Hy mặt không đổi sắc, nói:
– Tướng quân với nguời Thanh là kẻ thù, lẽ nào ngài lại không nghĩ tới chuyện báo thù?
Nhạc Chung Kỳ nói:
– Nói như thế là có ý gì?
Trương Hy nói:
– Tướng quân họ Nhạc, là đời sau của Nhạc Võ Mục vương (tức Nhạc Phi) đời Nam Tống. Hoàng đế của triều Thanh giờ có tổ tiên là nguời Kim. Nhạc vương gia hồi đó đã bị nguời Kim câu kết với gian tế Tần Cối của triều Tống hãm hại, oan đến nghìn đời. Giờ đây, trong tay Tướng quân có binh lực dồi dào, đây chẳng phải là cơ hội tốt để báo thù cho Nhạc vương gia hay sao?
Nghe xong, Nhạc Chung Kỳ lập tức đổi sắc mặt, cho nguời đem Trương Hy giam vào trong ngục, lấy khẩu cung để tìm nguời chủ mưu.
Mặc dù chịu nhiều cực hình nhưng Trương Hy vẫn không khai báo, còn khảng khái:
– Các nguời có thể giết ta, nhưng không bao giờ biết được ai là chủ mưu!
Nhạc Chung Kỳ suy nghĩ, thấy nguời này là một tay hảo hán gan góc, khó có thể thắng được bằng sức mạnh, muốn tìm cách mềm dẻo hơn. Hôm sau, Nhạc Chung Kỳ đưa Trương Hy ra khỏi nhà lao, bí mật tiếp kiến mình. Nhạc Chung Kỳ giả vờ nói: hôm qua thẩm vấn, tra tấn chẳng qua là để thử thách, nghe những lời Trương Hy nói rất cảm động, nên càng quyết tâm phản Thanh, mong Trương Hy sẽ giúp đỡ.
Ban đầu, Trương Hy chưa tin, nhưng Nhạc Chung Kỳ đã trịnh trọng làm lễ kết làm anh em để lừa gạt khiến Trương Hy tin tưởng. Trương Hy bèn đem mọi chuyện từ Tăng Tĩnh tới tên tuổi, địa chỉ của những nguời thường có những giao lưu mật thiết để tính chuyện phản Thanh nói hết với Nhạc Chung Kỳ.
Sau khi được Trương Hy tin tưởng cho biết những bí mật, Nhạc Chung Kỳ lập tức cho nguời tới Hồ Nam bắt Tăng Tĩnh, đồng thời, viết một bản tấu chương, nói hết tình tiết Tăng Tĩnh và Trương Hy mưu phản gửi lên Hoàng đế Ung Chính.
Nhận được báo cáo, nhà vua vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh giải Tăng Tĩnh và Trương Hy tới Bắc Kinh, để tự mình thẩm vấn. Đến lúc đó, Trương Hy mới biết dã tâm của Nhạc Chung Kỳ. Hoàng đế Ung Chính qua thẩm vấn, biết được Tăng Tĩnh cùng bọn nguời này có mưu đồ phản Thanh bắt đầu từ việc đọc các sách của Lữ Lưu Lương cho rằng những tư tưởng trong các sách này có ảnh hưởng vô cùng nguy hiểm. Hoàng đế Ung Chính cho rằng hành đông mưu phản của Tăng Tĩnh có liên quan tới những văn tự phạm tội của Lữ Lưu Lương. Nhà vua cho điều tra việc Tăng Tĩnh sao chép các sách của Lữ Lưu Lương, biên tập chỉnh lý chúng, rồi việc quan hệ giữa bọn họ với nhau, thuyết phục làm thay đổi nhận thức của họ để cho họ tự phê phán, thấy tội lỗi của mình.
Qua 4 năm điều tra, vụ án mới kết thúc. Nhưng việc xử lý cuối cùng là một thí dụ khác thường điển hình. Thủ phạm Tăng Tĩnh, Trương Hy được miễn tội, tha bổng để lập công chuộc tội, tới mọi nơi tự chỉ trích, nhận mọi sai lầm của mình, rêu rao ca ngợi công đức của nhà vua. Nhưng nguời được coi là tòng phạm Lữ Lưu Lương bị khai quật mồ mả, đời sau của ông và hai nguời học trò bị chém đầu, không ít những nguời tỏ ra khâm phục, đọc sách của Lữ Lưu Lương đều bị liên lụy, ít nhất cũng bị đưa tới miền biên viễn làm Thống quân (3).
Đồng thời, Hoàng đế Ung Chính cho biên soạn, khắc in tất cả các chỉ dụ về “ngục văn tự”, ghi chép lại các cuộc thẩm vấn, lấy khẩu cung, sau đó in sách về những tội Tăng Tĩnh đã nhận, tên sách là “Đại nghị giác mật lục”, trở thành một cuốn sách được phát hành công khai trong cả nước. Tới khi Ung Chính mất, cuốn sách có nội dung tiết lộ những bí mật cung đình này mới bị con của Ung Chính là Hoàng đế Càn Long ra lệnh tiêu hủy.
Chú thích:
- Bác học Hồng từ khoa: một hình thức khoa cử đời Thanh, do Hoàng đế đích thân chủ trì, nguời dự thi được tiến cử. Đã mở hai lần. Năm 1679 do vua Khang Hy chủ trì, năm 1736, vua Càn Long chủ trì.
- Nhạc Chung Kỳ (1686 – 1754), nguời Thành Đô, Tứ Xuyên, từng làm Phó tướng. Năm 1719 được cử làm Đề đốc Tứ Xuyên, năm 1723, làm Tham tán đại thần, Tổng đốc Xuyên Thiểm.
- Thống quân, một trong những hình phạt, nguời phạm tội bị đưa tới vùng biên viễn làm lao dịch, có các mức 1000 dặm, 2000 dặm, 3000 dặm, 4000 dặm. Có từ đời Minh.