Trong các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối đời Minh, hai thủ lĩnh khởi nghĩa nổi tiếng nhất là Lý Tự Thành và Trương Hiến Trung. Trương Hiến Trung tung hoành ngang dọc ở vùng Trung nguyên, khi thì ở hướng đông tới Dương Châu, lúc chuyển qua hướng tây, đánh Đồng Quan, làm cho quân triều đình loay hoay chống đỡ, vô cùng mỏi mệt.

Năm 1638, sau khi lãnh tụ Cao Nghệnh Dạng bị hại, Lý Tự Thành trúng kế bị mai phục, quân khởi nghĩa rơi vào thoái trào. Không biết làm cách nào, Trương Hiến Trung buộc phải chấp nhận lời chiêu hàng có điều kiện của tướng Minh Hùng Văn Xán. Điều kiện là quân khởi nghĩa không được mở rộng, phải an phận ở Cốc Thành, Hồ Bắc, thủ lĩnh nghĩa quân không được làm quan. Thực ra, Trương Hiến Trung không có ý định đầu hàng mà chỉ giả làm kế hoãn binh để cũng cố sức mạnh, chuẩn bị chống lại triều đình.

Tháng 5 năm 1639, ở Cốc Thành, Hồ Bắc, Trương Hiến Trung một lần nữa phất cao ngọn cờ khởi nghĩa. Vốn là Trương Hiến Trung đã chấp nhận lời chiêu an của triều Minh nhưng sau đó, quan tướng triều Minh phát hiện ý đồ của ông, chuẩn bị đưa quân đi trấn áp. Trương Hiến Trung biết trước, ra tay giết huyện lệnh của triều Minh ở Cốc Thành, đốt cháy huyện đường, rồi giương cờ khởi nghĩa.

Không lâu sau, La Nhữ Tài cũng khởi binh hưởng ứng. Tổng binh triều Minh là Tả Lương Ngọc đem quân tiến công, bị Trương Hiến Trung đánh cho một trận thất bại thảm hại, chỉ mang theo được mấy trăm tàn binh bại tướng trở về. Tức giận, vua Sùng Trinh cách mọi chức vụ của chủ tướng Hùng Văn Xán và Tổng binh Tả Lương Ngọc, cử Binh bộ thượng thư Dương Tự Xương đến Hồ Bắc bao vây quân khởi nghĩa của Trương Hiến Trung.

Dương Tự Xương mang thượng phương bảo kiếm (2) do vua Sùng Trinh trao, đưa hơn mười vạn nguời ngựa, giễu võ giương oai tới Tương Dương. Ông ta giao cho Tả Lương Ngọc và các tướng lĩnh bao vây bốn mặt quân khởi nghĩa. Trong khi chuyển quân tới Mã Não, nội bộ quân khởi nghĩa có gian tế nên bị vây chặt, rồi thua trận trước Tả Lương Ngọc, tổn thất rất nhiều nhân vật lực.

Vợ, con của Trương Hiến Trung cũng bị bắt. Trương Hiến Trung mang theo hơn nghìn kỵ binh từ Hồ Bắc chạy về Tứ Xuyên. Dương Tự Xương đuổi theo sau, dời cả hành dinh của mình tới Trùng Khánh, chuẩn bị tiêu diệt quân khởi nghĩa ở Tứ Xuyên.

Ở Tứ Xuyên, Dương Tự Xương cho dán cáo thị, nói ai bắt được Trương Hiến Trung sẽ được thưởng hai vạn lượng vàng và được phong hầu tước. Không ngờ ngay hôm sau, bên ngoài hành dinh của Dương Tự Xương cũng dán nhiều cáo thị, trên đó viết: Ai có thể chém được đầu Dương Tự Xương sẽ được thưởng ba tiền.

Dương Tự Xương đưa quan quân tới tận sào huyệt của Trương Hiến Trung, nhưng quân khởi nghĩa khi ở đông, lúc sang tây khiến quân triều đình không thể vây được. Mãi tới tháng giêng năm sau, quân triều đình mới vây được quân khởi nghĩa ở huyện Khai. Quân triều đình do tướng Mạnh Như Hổ, Lưu Sĩ Kiệt chỉ huy mất bao công sức tưởng đã thành công, nào ngờ bị quân của Trương Hiến Trung đánh từ phía sau lưng. Từ trên núi ập tới, quân khởi nghĩa khiến toàn bộ quân triều đình sụp đổ, Lưu Sĩ Kiệt bị giết, Mãnh Như Hổ chạy thoát. Quân khởi nghĩa giết được rất nhiều quân địch, từ trong doanh trại, mọi người cùng hát:

Tiền hữu Thiệu Tuần phủ (ý chỉ Tuần phủ Thiệu Tiệp Xuân)

Thường lai Đoàn truyền vũ

Hậu hữu Liệu Tham quân (ý chỉ Giám quân Liệu Đại Hanh)

Bất chiến tùy ngã hành

Hảo cá Dương các bộ (ý chỉ Dương Tự Xương)

Ly ngã tam xích lộ.

Bài hát này truyền tới trại quân Minh, khiến Dương Tự Xương dở cười dở khóc. Năm 1641, Trương Hiến Trung phát hiện Dương Tự Xương đưa quân tới Tứ Xuyên, ở Tương Dương, binh lực bị suy giảm, bèn muốn thoát khỏi sự vây hãm của quân Minh, đột nhiên đưa quân dời Tứ Xuyên, tiến về hướng đông, ngày đêm hành quân ba bốn trăm dặm khiến cho Dương Tự Xương ngày càng tiến vào chỗ không nguời.

Đến Đương Dương, Hồ Bắc, bỗng quân khởi nghĩa gặp một toán quân Minh ngăn chặn, Trương Hiến Trung bèn cử La Nhữ Tài ở lại Đương Dương giao chiến, còn bản thân mình đưa toàn bộ quân tinh nhuệ tới thẳng Tương Dương. Ở Trùng Khánh, Dương Tự Xương được tin, liền vội cử sứ giả tới Tương Dương, lệnh cho quân Minh ở đây phải phòng thủ nghiêm cẩn, ai ngờ, sứ giả đi tới nửa đường thì bị quân khởi nghĩa bắt được.

Quân khởi nghĩa bắt được cả lệnh bài, văn thư, trên đó có đại ấn của hành dinh Dương Tự Xương.

Trương Hiến Trung gọi nguời con nuôi là Lý Định Quốc tới, giao cho việc giả làm sứ giả của Dương Tự Xương, mang theo một bọn nguời “tùy tùng” mang theo văn thư, lệnh bài tới Tương Dương.

Lý Định Quốc tới Tương Dương đang nửa đêm. Nghe nói có sứ giả của Dương Tự Xương tới, kiểm tra văn thư, lệnh bài không có gì nghi ngờ quân triều đình bèn bèn mở cửa thành để Lý Định Quốc cùng tùy tùng vào. Vừa vào thành, mấy nguời tùy tùng của Lý Định Quốc bèn nổi lửa, dân chúng trong thành đang say giấc bừng tỉnh, phát hiện lửa cháy khắp nơi, cả thành náo loạn.

Trong cơn hoảng loạn, quân khởi nghĩa mở rộng cổng thành để đại quân tiến vào, quan quân triều đình không thể chống đỡ. Vào thành, quân khởi nghĩa một mặt cho mở cửa ngục, giải thoát cho các tù binh là quân khởi nghĩa cùng gia đình họ, vừa tiến thẳng tới phủ Tương vương, bắt sống Tương vương Chu Dực Minh (3).

Trương Hiến Trung ngồi ở Đại đường phủ Tương vương, cho áp giải Chu Dực Minh tới Đại đường, hắn quỳ xuống xin tha tội. Trương Hiến Trung nói:

– Ta không thể, chỉ cần mượn cái đầu của nhà ngươi thôi!

Chu Dực Minh nghe nói sẽ bị giết, lạy như tế sao, nói:

– Tôi quản lý rất nhiều vàng bạc châu báu, xin ngài cứ tùy ý sử dụng, chỉ mong xin được tha mạng.

Trương Hiến Trung cười lớn, nói:

– Ta tiến vào Tương Dương đâu phải để lấy vàng bạc châu báu của nhà ngươi? Ngươi không chịu đưa đầu cho ta thì cũng sẽ chết với Dương Tự Xương!

Nói xong, quát một tiếng lệnh mang Chu Dực Minh ra trước phủ đường chém đầu!

Chiếm được Tương Dương, Trương Hiến Trung chiếm được một kho tàng lớn chứa đựng rất nhiều lương thực, vũ khí của Dương Tự Xương. Trong kho còn đến mười mấy vạn lượng bạc. Ông lập tức ra lệnh đem phân phát cho những nguời dân nghèo. Dân chúng nghe nói Tương vương đã phải đền tội vui mừng không thể kể xiết.

Tin Trương Hiến Trung tiến công thành Tương Dương truyền tới Tứ Xuyên làm Dương Tự Xương kinh hoàng. Hắn biết kế hoạch bao vây để tiêu diệt quân khởi nghĩa ở đây đã phá sản, đặc biệt, việc Trương Hiến Trung đã che được mắt hắn, tập kích vào Tương Dương đã khiến Phan vương mất mạng. Làm thế nào để nói với vua Sùng Trinh?

Dương Tự Xương hồn bay phách lạc từ Tứ Xuyên trở về Hồ Bắc, vừa tới Sa thị đã nghe tin quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành dời núi Thương lạc giương cao ngọn cờ mang toàn quân từ Hà Nam tiến đánh Lạc Dương, giết chết Phúc vương Chu Thường Tuân.

Đến lúc này, Dương Tự Xương càng hoảng sợ, hắn suy đi tính lại, chỉ còn cách tự sát.

 

Chú thích:

  • Tả Lương Ngọc (1599 – 1645), nguời Lâm Thanh, Sơn Đôn. Từ sĩ tốt trở thành Phó tướng.
  • Thượng phương bảo kiếm: Tức Thượng phương trảm mã kiếm, vật dụng của Hoàng đế hoặc giao cho đại thần biểu thị nhận quyền của Hoàng đế.
  • Chu Dực Minh (? – 1641): Tông thất nhà Minh, được phong Tương vương.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here