Một ngày của tháng 6 năm 1405, cảng Lưu Gia phủ Tô Châu (nay là cửa sông Thái Thương Lưu, Giang Tô) nguời đông như nêm cối, chiêng trống rộn ràng, pháo nổ râm ran. Vốn là, hôm nay, phụng mệnh vua Minh Thành Tổ, Trịnh Hòa lên đường vượt biển Tây Dương (1).

Trịnh Hòa vốn họ Mã, tên Hòa, còn có tên Tam Bảo, là nguời Côn Dương, Vân Nam (nay là Phủ Ninh, Vân Nam). Năm 13 tuổi, ông vào phủ Yên vương làm một tiểu hoạn quan. Là nguời thông minh ham học, có trí mưu thao lược lại am hiểu binh pháp nên trong vụ Tĩnh Nan, Trịnh Hòa đã lập được không ít chiến công. Năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404), khi Minh Thành Tổ ban thưởng cho công thần sau khi lên ngôi, ông được thăng Nội cung thái giám (2). Vì nguời xưa nói “Mã bất năng đăng điện”  nên Minh Thành Tổ đích thân viết chữ Trịnh ban cho Tam Bảo để ông lấy Trịnh làm họ. Từ đó, ông được gọi là Trịnh Hòa.

Đội thuyền của Trịnh Hòa gồm 208 chiếc, nếu xếp liền nhau trên sông từ phía này không thể nhìn thấy thuyền phía bên kia. “Bảo thuyền” (thuyền chở châu báu) có 62 chiếc, mỗi chiếc dài 44 trượng, rộng 18 trượng. Tướng sĩ trên các thuyền gồm hơn 27.800 nguời, trong đó bao gồm cả nhân viên kỹ thuật hàng hải, quản lý sự vụ, phiên dịch và thầy thuốc.

Nhiệm vụ chủ yếu của đội thuyền Trịnh Hòa là liên lạc với các nước châu Phi, châu Á, phát triển buôn bán với nước ngoài, vậy làm sao phải có nhiều tướng sĩ như thế? Có nhiều nguời không hiểu điều này, nghi ngờ ông mang quân đi xâm lược nước khác. Trong 7 lần vượt biển, đã có 3 lần Trịnh Hòa phải dụng binh. Sau đây chúng ta sẽ nói tới những chuyện xảy ra trong 3 lần ấy.

Đội thuyền của Trịnh Hòa xuất phát từ cảng Lưu Gia qua Phúc Kiến, Chiêm Thành, Gia-va (tức đảo Gia-va, In-đô-nê-xi-a ngày nay) khi đến Cựu cảng (tức cảng trên đảo Xu-ma-t’ra thuộc In-đô-nê-xi-a ngày nay) đột nhiên bị hải tặc Trần Tổ Nghị chặn đường tập kích.

Trần Tổ Nghị vốn nguời Quảng Đông, trong những năm Hồng Vũ chạy đến Nam Dương, tụ tập đồng đảng chiến giữ Cựu cảng, thường cướp bóc thuyền của thương nhân các nước qua lại, rất nhiều nhà buôn các nước phải đau đầu lo lắng về việc này. Khi đội thuyền của Trịnh Hòa qua đây, Trần Tổ Nghị thấy đoàn thuyền của ông đông binh lính giả bộ đầu hàng âm mưu cướp thuyền. Biết được âm mưu của Trần Tổ Nghị, Trịnh Hòa hết sức cảnh giác, đợi khi Trần Tổ Nghị ra tay, ông đã chỉ huy quân tướng đánh bại hắn, giết được hơn năm nghìn hải tặc, đốt cháy 10 thuyền, thu được 7 thuyền của bọn chúng, bắt sống ba tên cầm đầu trong đó có Trần Tổ Nghị áp giải về kinh xử tử. Diệt được bọn hải tặc do Trần Tổ Nghị cầm đầu, thương nhân các nước vô cùng hoan nghênh vì đã trừ được mối hại, giúp cho việc buôn bán giữa các nước trên biển thuận lợi.

Ở đông nam bán đảo Ấn Độ có hòn đảo mang tên Tích Lan, đó là nơi mà các thuyền từ đông sang tây Ấn Độ Dương đều phải đi qua. Tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409), lần thứ hai Tây Dương, Trịnh Hòa qua đây, thay mặt chính phủ triều Minh cung tiến cho một ngôi chùa ở Tích Lan rất nhiều vàng bạc châu  báu cùng các lễ vật khác. (Năm 1910, ở Xri Lan-ca, nguời ta đã khai quật được “Trịnh Hòa Tích Lan bia”, chính là vào năm đó) và trong chuyến vượt biển lần thứ ba, Trịnh Hòa đã tới đây. Quốc vương thấy đội thuyền của Trịnh Hòa có rất nhiều tài vật nảy sinh lòng tham, muốn mưu hại ông, cướp đội thuyền. Thấy hoàn cảnh bất lợi, Trịnh Hòa vội cho đội thuyền sớm dời nơi này. Khi trở về, Trịnh Hòa lại qua Tích Lan, Quốc vương giả đón tiếp rất nhiệt tình, lừa Trịnh Hòa và mọi người vào trong thành để cho vương tử vơ vét của cải, đồng thời, cử năm vạn nguời cướp bóc đội thuyền. Sau khi phát giác, Trịnh Hòa lập tức trở về thuyền, nhưng đường về bị ngăn chặn. Trong hoàn cảnh nguy cấp, Trịnh Hòa bất ngờ đem hai nghìn quân đánh chiếm Hoàng cung, bắt sống Quốc vương Tích Lan, đem ông ta về Nam Kinh. Sau đó, Minh Thành Tổ đã tha cho vua Tích Lan về nước.

Năm Vĩnh Lạc thứ 13, Trịnh Hòa lần thứ 4 vượt biển, đường lần này qua nước Tô Môn Đáp Lạp (nay ở tây bắc đảo Xu-ma-t’ra, In-đô-nê-xi-a). Ông đem biếu Quốc vương rất nhiều lễ vật nhưng ngay tối hôm đó xảy ra việc đội thuyền của ông bị cướp.

Vốn là phía tây nước Tô Môn Đáp Lạp có nước Cô Nhi, nguời ở quốc gia này đều có trổ hình trên mặt cho nên cũng gọi là nước Hoa Diện. Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408), hai nước xảy ra xung đột. Quốc vương Tô Môn Đáp Lạp trúng tên, chết, vương tử khi ấy còn nhỏ không thể báo thù, Vương hậu nói với mọi người:

– Ai có thể cầm quân đánh bại được nước Hoa Diện, báo thù cho Tiên vương, ta sẽ lấy nguời ấy và để làm Quốc vương.

Một Ngư ông xin làm việc này, mang quân đánh bại nước Hoa Diện, giết được Quốc vương của họ. Ngư ông lấy Vương hậu rồi lên làm Quốc vương. Khi nguời con của Quốc vương đã mất lớn lên bèn giết Ngư ông lên ngôi. Chính vào lúc này, Trịnh Hòa mang lễ vật biếu Quốc vương. Ngư Ông có một nguời con là Tô Cán Lạt, muốn giành lại ngôi bị Quốc vương mới đánh bại bỏ chạy tới một nơi tên gọi Linh Sơn tự lập lãnh địa riêng. Thấy Trịnh Hòa không mang lễ vật cho mình, rất tức giận, mang hơn một vạn quân tập kích đội thuyền của Trịnh Hòa. Do có sự phối hợp chặt chẽ với quân đội của nước Tô Môn Đáp Lạt, Trịnh Hòa chỉ huy tướng sĩ chiến đấu dũng cảm đánh cho quân của Tô Can Lạt đại bại, bắt sống được Tô Can Lạt, đưa về Bắc Kinh đem giết.

Trịnh Hòa ba lần phải dụng binh đều là để tự vệ đều là việc bất đắc dĩ. Mang quân đi là để bảo vệ đoàn thuyền, chống lại cướp biển, đảm bảo thông thương và hữu hảo với các nước, vì thế các chuyến đi đều được các nước hoan nghênh.

Từ năm Vĩnh Lạc thứ 3 đến năm Tuyên Đức thứ 8 (1405 – 1433), Trịnh Hòa 7 lần đưa thuyền vượt biển, lênh đênh trên biển cả suốt 28 năm hao tổn rất nhiều tâm huyết. Trung tuần tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 8 (tháng 4 năm 1433), nhà hàng hải vĩ đại này cuối cùng trên đường trở về bị bệnh mất ở Cổ Lý, tây nam bán đảo Ấn Độ.

Trịnh Hòa 7 lần “Tây Dương”, trước sau đã tới thăm hơn 30 quốc gia châu Á và châu Phi, nơi xa nhất là phía đông châu Phi, phía nam Ma Lâm Địa và Mạn Bát Tát (những  vùng thuộc nước Kê-ni-a ngày nay). Đây là chuyến vượt biển vĩ đại nhất trong lịch sử hàng hải thế giới cho tới lúc bấy giờ. Ông tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới. Trịnh Hòa là nguời đầu tiên mở đường tới Đông Phi, so với nhà hàng hải Kha Luân Bố, những chuyến đi của ông sớm hơn 87 năm, so với Đi-at Bac-tô-lô-mơ, nguời qua Hảo Vọng Giác sớm hơn 93 năm và so với Ma-gien-lăng tới Phi-lip-pin sớm hơn 116 năm. So với những nguời được coi là “Địa lý đại phát hiện”, Trịnh Hòa còn là nguời đi trước. Ông là nguời mở đường cho sự nghiệp phát triển hàng hải trên thế giới.

 

Chú thích:

  • Tây Dương: đời Nguyên, chỉ phía vùng biển và vùng đất tây Nam Hải (khoảng kinh độ đông 110 về phía tây). Xa nhất là phía đông châu Phi.
  • Thái giám: Đời Đường có Ngự phủ Thái giám, đời Minh là Trưởng quan của hoạn quan. Từ đời Vĩnh Lạc, quyền hành lớn dần.
  • Bảo thuyền: Thuyền lớn đi biển, có nghĩa mang nhiều vật quý
  • Năm 1492, Cô-lôm-bô nguời I-ta-li-a 4 lần vượt Đại Tây Dương tới quần đảo Ấn Độ và đại lục châu Mỹ. Năm 1497, nhà hàng hải Bồ Đào Nha xuất phát từ Li-xbon qua Hảo Vọng Giác tới Ấn Độ. Từ 1519 – 1521, nhà hàng hải Bồ Đào Nha Ma-gien-lăng xuất phát từ Tây Ban Nha thực hiện chuyến đi vóng quanh trái đất. Những nguời này được phương Tây gọi là “Địa lý đại phát hiện”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here