Đại Đô đời Nguyên, nhà buôn như mây, du khách như sợi, cảnh tượng đâu đâu cũng phồn vinh tấp nập.
Buổi trưa một ngày tháng 6 năm 1281, bên một quán rượu nhỏ trên phố, không biết có chuyện gì, nguời đông nghịt, khung cảnh thật náo nhiệt. Nguời thì nghển cổ, nguời thì kiễng chân, ai cũng cố nhìn, có nguời lại nói năng liên hồi không chịu dừng, hình như ai cũng chờ đợi một việc gì sắp xảy ra.
Lúc ấy, nhà viết kịch Quan Hán Khanh (1) có việc đi qua, thấy cảnh tượng ấy, ông nghi hoặc không biết có chuyện gì. Bỗng phía trước nghe có tiếng trống thúc dài, gấp gáp, đội nghi trượng do quan Giám trảm Mông Cổ cưỡi ngựa dẫn đầu đi qua trước mặt mọi người. Sau đó, mấy tên sai dịch vừa đi vừa hét: “Mọi người dẹp ra! Mọi người mau dẹp ra!” Sau đám sai dịch là đao phủ với bộ mặt hung tợn rồi xe la chở nữ phạm nhân bị trói đầu tóc rũ rượi đi qua trước mặt Quan Hán Khanh và mọi người.
Quan Hán Khanh thấy nữ phạm nhân tuy áo quần xôc xếch nhưng khuôn mặt có vẻ xinh đẹp. Ông quay đầu, hỏi một bà cụ đứng bên cạnh:
– Làm sao một nguời phụ nữ xinh đẹp thế kia lại phạm tội giết nguời?
Bà cụ quay lại nhìn ông, trả lời:
– Ai bảo là cô ấy giết nguời? Cô ấy là nguời tốt lắm, nhưng bị kẻ xấu vu oan.
Qua chuyện trò, Quan Hán Khanh mới biết tất cả đầu duôi câu chuyện. Nữ phạm nhân tên gọi Chu Tiểu Lan, con nhà nông dân ở Tương Dương. Sau khi ruộng đất bị quan phủ cướp đoạt, nguời cha tức giận bỏ đi. Hai mẹ con Tiểu Lan không sống nổi bèn tới Đại Đô nương nhờ nhà cậu của Tiểu Lan. Chẳng may, nguời cậu cũng mất, hai mẹ con đành phải nương nhờ một nguời đồng hương là Trần Nhị. Rồi thật bất hạnh, mẹ Tiểu Lan mắc bệnh nặng, được nửa năm thì mất. Trước khi mất, bà hứa gả Tiểu Lan cho Văn Tú là con trai của Trần Nhị. Sau khi kết hôn, tình cảm của Tiểu Lan và Văn Tú rất nồng nàn, nhưng ai ngờ, ngày tháng qua mau lại sinh chuyện. Sự việc bắt đầu từ Lý Lư Nhi, nguời thông gia của Trần Nhị. Vốn Lý Lư Nhi là một kẻ vô lại. Muốn giành lấy Tiểu Lan xinh đẹp, hắn tìm cách hãm hại Văn Tú. Sau khi Văn Tú chết, hắn lập tức cầu thân với Tiểu Lan nhưng nàng không chịu. Một hôm, Trần Nhị muốn ăn canh, bảo Tiểu Lan nấu cho. Khi Tiểu Lan nấu xong, Lý Lương Nhi muốn đầu độc Trần Nhị vì chính ông ta là trở lực lớn nhất ngăn cản việc hắn muốn thành thân với Tiểu Lan. Hắn giấu Tiểu Lan, bỏ nhân ngôn vào canh. Nào ngờ, Trần Nhị chưa kịp ăn thì cha của Lý Lư Nhi là Lý Lục Thuận đã ăn trước. Ăn xong, Lý Lục Thuận thất khiếu chảy máu, lát sau thì chết. Lý Lư Nhi thấy chất độc lại giết chết cha mình, bèn vu cho Tiểu Lan đầu độc, để ép cô phải thành thân, nếu không sẽ bắt cô giải lên quan. Tiểu Lan thấy mình chẳng có tội tình gì, bằng lòng cùng Lý Lư Nhi lên quan. Nhưng chẳng may đây là một hôn quan, coi mạng nguời như cỏ rác. Ông ta đã nhận hối lộ của Lý Lư Nhi dùng đòn roi tra hỏi Tiểu Lan, buộc cô phải thừa nhận. Thấy Tiểu Lan thà chết cũng không nhận, quan phủ bèn vu cho Trần Nhị và đánh ông 80 roi. Thấy bố chồng già cả bị oan ức, Tiểu Lan đành nhận tội về mình. Vì thế, cô bị xử tử hình.
Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, Quan Hán Khanh không kìm được phẫn nộ. Ông có lòng muốn giúp đỡ Tiểu Lan, nhưng thân cô thế yếu. Khi ấy, thấy mọi người đã dần tản đi, Quan Hán Khanh biết mình sẽ chẳng làm được gì, không thể cứu Tiểu Lan được. Sau khi ra về, Quan Hán Khanh tới nhà Chu Liêm Tú. Chu Liêm Tú là một ca kỹ nổi tiếng ở Đại Đô, cô là nguời hào hiệp trượng nghĩa, dám làm dám chịu đã có quan hệ thân thiết với Quan Hán Khanh. Vừa tới nơi, Quan hán Khanh đã đem câu chuyện của Chu Tiểu Lan nói cho Chu Liêm Tú nghe. Kể xong, cố nén cơn giận, ông nói:
– Cô xem, một sinh mạng con người quý giá bị tước đoạt. Hành động như thế sao còn dám nói “dân chi phụ mẫu” (2)
Chu Liêm Tú khuyên giải ông:
– Quan đại gia, cuộc đời là như thế đấy, tức giận phỏng có ích gì?
Quan Hán Khanh nói:
– Sao lại không có ích gì, nghe nói câu chuyện táng tận lương tâm như thế mà cô không tức giận sao?
Chu Liêm Tú nói:
– Làm sao tôi không tức giận được. Chỉ có điều, tôi đã sớm nhận ra rằng, bây giờ, tất cả đều tê liệt hết rồi. Mọi người đều hiểu rằng bất công là cái lẽ đương nhiên ở đời. Duy chỉ có ông đầu đã bạc mà còn chưa hiểu cứ như một đứa trẻ, thấy sự bất công là nổi giận lên như thế.
– Làm sao chúng ta có thể thờ ở được, cổ nhân đã nói “giữa đường thấy sự bất bình phải ra tay cứu giúp, tôi, tôi….tài hèn sức mọn, chỉ còn một cách là dùng ngọn bút của mình…
Chu Liêm Tú cầm lấy tay Quan Hán Khanh, nói:
– Bút chẳng phải là đao của ông sao? Trong kịch của mình, ông hãy lên án Dương gia nội, lên án Cát Bưu để những ai xem kịch của ông đều đồng tình với chúng ta oán hận bọn nguời bất lương vô đạo, hãm hại nguời lương thiện, đồng lòng nguyền rủa Lý Lư Nhi và hôn quan, đồng cảm với cái chết oan ức của Tiểu Lan.
Nghe xong, Quan Hán Khanh như phát hiện được điều kỳ lạ, bừng tỉnh, nói:
– Đúng thế! Vừa đi trên đường tôi đã nghĩ, nhất định sẽ đem chuyện vụ án của Tiểu Lan viết thành một tạp kịch (3). Nhất định phải đem bộ mặt của bọn tham quan ô lại phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ, nhất định phải minh oan cho Tiểu Lan, để cho mọi người biết dân chúng vẫn còn tha thiết với công lý, cũng là để cho rõ trắng đen trong vụ này.
Nói xong, Quan Hán Khanh lập tức trở về nhà, toàn tâm toàn ý vào việc sáng tác kịch bản. Ông chong đèn, chốc chốc lại đọc, nghĩ suy, rồi nhớ lại vụ án, rồi cắm cúi viết, ngọn bút đưa nhanh như mũi kiếm khi xung trận, … suốt từ sáng sớm tới hoàng hôn, rồi từ hoàng hôn cho tới gà gáy sáng…
Cứ như thế, qua bao ngày không ngừng nghỉ, cuối cùng ông đã hoàn thành vở kịch làm kinh thiên địa, khốc quỷ thần. Đó là vở tạp kịch “Đậu Nga oan”.
Chú thích:
- Quan Hán Khanh (khoảng 1220 – khoảng 1300), nguời Đại Đô đời Nguyên (nay là Bắc Kinh). Cùng với Mã Chí Viễn, Bạch Phát, Trịnh Quang Tổ hợp thành “Nguyên khúc tứ đại gia”.
- Trong xã hội tông pháp truyền thống của Trung Quốc, quan liêu phong kiến tự coi mình quan là cha mẹ, dân là con, ý nói trách nhiệm to lớn trong việc quản lý và chăm sóc dân trong địa hạt của mình.
- Tạp kịch: loại kịch hý khúc Trung Quốc ra đời vào khoảng năm 1234. Tạp kịch phát triển rực rỡ vào đời Nguyên.