Lý Tự Thành là lãnh tụ nông dân khởi nghĩa vào cuối đời Minh, ông sinh năm Vạn Lịch thứ 28 (1600) ở huyện Mễ Chỉ, phủ Diên An, tỉnh Thiểm Tây, tự là Hồng Cơ. Là người có dũng có mưu, đại nhân đại nghĩa, năm Thiên Khải thứ 6, Lý Tự Thành đi lính ở Ngân Xuyên. Do khổ công luyện rèn, ông đã trở thành một người anh dũng thiện chiến.

Năm Sùng Trinh thứ 3 (1630), phong trào khởi nghĩa nông dân nổi lên như sóng cuộn, sau khi thăm dò, ông đến đầu quân cho cuộc khởi nghĩa do Sấm vương Cao Nghênh Tường lãnh đạo. Gặp Lý Tự Thành, Cao Nghênh Tường rất vui, cho ông giữ một chức quan. Mọi người bắt đầu gọi Lý Tự Thành là Sấm tướng.

Năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), Lý Tự Thành kiến lập chính quyền Đại Thuận ở Tây An, niên hiệu Vĩnh Xương. Cùng năm ấy, Lý Tự Thành lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh chiếm Bắc Kinh. Được mấy mươi vạn đại quân phò trợ, ông đánh đâu thắng đấy, cuối cùng, lật đổ được triều đình hôn quân vô đạo của vương triều Minh đã lung lay. Sau đó, do lơ là mất cảnh giác, không đề phòng tướng Minh Ngô Tam Quế đang trấn giữ Sơn Hải Quan, nội bộ lại có tướng lĩnh làm phản, tới khi quân Thanh nhập quan, Lý Tự Thành không biết làm sao, đành phải rút quân khỏi thành Bắc Kinh, qua Hà Nam, Thiểm Tây, Hồ Bắc, … rồi không biết sao nữa. Vì thế, sau khi rút khỏi thành Bắc Kinh, Lý Tự Thành tới những đâu, số phận ra sao vẫn còn là một nghi án trong lịch sử. Gần 400 năm rồi, câu hỏi ấy vẫn còn khiến nhiều người phân vân.

Về những ngày cuối đời của Lý Tự Thành, nói gọn lại, có mấy thuyết sau đây: Một là, ông đã chết ở núi Cửu Cung, Thông Thành; hai là, chết ở núi La Công, Kiềm Dương; ba là chết ở núi Cửu Cung, Thần Châu; bốn là chết ở núi Cửu Cung, Thông Sơn; năm là chết ở núi Thạch Cáp; sáu là chết ở Quảng Tây. Trong những phán đoán này, có hai giả thuyết được nhiều người tán đồng: ông bị hại ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, Hồ Bắc và ông chết khi làm sư ở núi Thạch Môn Cáp, tỉnh Hồ Nam.

Sau khi thua trận, Lý Tự Thành chạy về Thạch Môn Cáp làm sư rồi già mà chết ở chùa Linh Tuyền là một giả thuyết được nhiều người tán thành. Huyện Thạch Môn tỉnh Hồ Nam tên cũ là Lễ Dương, còn gọi là Lễ Châu. Theo “Lễ Châu chí lâm” đời Càn Long nhà Thanh, trong phần Lý Tự Thành truyện có chép: Lý Tự Thành sau khi thua trận, về chùa Cáp Sơn làm hòa thượng, pháp danh là “Phụng Thiên Bảo hòa thượng”. Chùa Cáp Sơn ở cách huyện Thạch Môn 15 cây số, là một ngôi chùa cổ có từ đời Đường. Theo những ghi chép này thì Hà Lân đã tới tận nơi khảo sát, đã gặp một người từng hầu hạ Phụng Thiên Bảo hòa thượng, họa lại chân    dung của Hòa thượng người Thiểm Tây đã 70 tuổi. Bức họa này giống với hình của Lý Tự Thành trong sử sách. Năm 1981, ở Thạch Môn Cáp Sơn còn phát hiện một bản khắc gỗ “Mai Hoa bách vận” của Lý Tự Thành, từ mộ của Phụng Thiên Bảo hòa thượng phát hiện tro xương và một bài văn bia “Tháp minh” trên mộ táng do đệ tử Dã Phất soạn. Hà Lân đã coi đây là một chứng cứ quan trọng. Qua khảo sát, Dã Phất chính là người cháu của Lý Tự Thành. Do đó, có thể chắc chắn rằng Phụng Thiên Bảo hòa thượng được Dã Phất ca ngợi chính là Lý Tự Thành. Tại Cáp Sơn, người ta còn phát hiện được tiền đồng “Vĩnh Xương Thông Bảo” trên có khắc “Vĩnh Xương nguyên niên” cùng quạt gấp và lò than bằng đồng. Ngoài ra, khi Lý Tự Thành chỉ huy quân đóng giữ ở Lễ Dương 6, 7 năm không lựa chọn một ai làm thủ lĩnh cũng là một chứng cứ đã làm sư ở đây.

Thuyết cho rằng Lý Tự Thành ở Cáp Sơn làm hòa thượng nêu lý do vì tình thế bức bách để liên minh kháng Thanh. Lúc này để kháng Thanh chỉ có thể dựa vào Đường vương Chu Duật Kiện được Hà Đằng Giao ủng hộ. Nhưng Hà Đằng Giao đàm phán, tất mọi người sẽ giao cho ông ta làm tổng chỉ huy. Hà Đằng Giao là thần tử của Đường vương, Lý Tự Thành là đương kim Hoàng đế, trong hoàn cảnh này khó có thể tiếp nhận. Hơn nữa, Lý Tự Thành đã bức tử Hoàng đế Sùng Trinh, ông là người bị những người thuộc vương triều Nam Minh coi là đại họa. Vì thế, Lý Tự Thành đành phải dùng kế hoãn binh lui về, ẩn cư giả làm sư. Trước hết, để cho Lý Qua và Hà Đằng Giao liên kết để có thể đánh tan sự nghi ngở của vương triều Nam Minh, cùng nhau chống nhà Thanh; mặt khác để cho nhà Thanh mất cảnh giác, chờ thời cơ chín muồi, Lý Tự Thành có thể nổi dậy từ Đông Sơn. Ngoài ra, còn có những chuyện mang màu sắc kỳ ảo khác có thể làm bằng chứng cho việc Lý Tự Thành “Thiền ẩn chi thuyết”.

Tuy thế, một giả thuyết tương đối phổ biến cho rằng “Thiền ẩn chi thuyết” thuần túy chỉ là phỏng đoán, bởi vì cuối cùng, Lý Tự Thành được an táng ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn, đông nam của tỉnh Hồ Bắc. Núi Cửu Cung ở phía tây núi Ngưu Tích hơn chục cây số, ở đây có mộ của ông. Ghi chép sớm nhất nói Lý Tự Thành chết ở núi Cửu Cung là trong bản tấu của Viễn đại tướng quân triều Thanh A Tề Cách, dẫn bản tấu của Hà Đằng Giao gửi lên Đường vương. Trong bản tấu nói, Lý Tự Thành bị trọng thương, cùng với hơn hai chục người thân tín, bỏ chạy về núi Cửu Cung, bị dân thôn bao vây, không thoát  được, phải tự sát mà chết. Còn có một ghi chép khác rằng, ngày 2 tháng 5 năm Thanh Thuận Trị thứ 2, Lý Tự Thành trên đường di chuyển ở Giang Nam, cùng với quân Thanh đụng độ, binh lực hao tổn, chạy về Hồ Bắc nhưng rồi bị thủ hạ bao vây, cuối cùng chết trong cuộc chiến. Những di vật bên mộ của Sấm vương hiện còn những dấu vết đặc thù, còn khắc chữ Vĩnh Xương niên hiệu, có thể biết đó là dấu tích của Sấm Vương.

Ngoài ra, sử liệu còn có những ghi chép chứng tỏ một cách xác thực Lý Tự Thành đã chết ở núi Cửu Cung, huyện Thông Sơn.

Lý Tự Thành cuối cùng đã chết ở đâu? Vì sao mà chết? Những câu hỏi ấy vẫn còn vô cùng hấp dẫn lôi cuốn biết bao người để cố tìm lời giải đáp.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here