Sau khi Lục Du sinh 15 năm, khu vực Trung nguyên bị nguời Kim thống trị lại ra đời một nhà thơ yêu nước vĩ đại. Ông suốt đời yêu nước yêu dân, chủ trương chống Kim, lại sáng tác một số lượng lớn những bài thơ và từ mang nội dung yêu nước khảng khái. Đó chính là Tân Khí Tật của Nam Tống.
Năm Tống Cao Tông Thiệu Hưng thứ 10 (1140), Tân Khí Tật sinh ở huyện Lịch Thành, Tế Nam (nay là Tế Nam, Sơn Đông). Cha ông là Tân Tán, tuy buộc phải làm một chức quan nhỏ cho triều Kim nhưng vẫn không quên triều Tống. Trong những khi nhàn rỗi, ông thường cùng Tân Khí Tật quan sát địa hình sông núi của nước Kim, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa trong tương lai. Ông còn hai lần cùng Tân Khí Tật tới Yên Kinh, thủ đô nước Kim dự thi nên càng có điều kiện để hiểu được nội tình nước Kim. Tất cả những công việc này đều đã sớm nhen nhóm trong lòng Tân Khí Tật ngọn lửa yêu nước chống Kim.
Năm Thiệu Hưng thứ 31 (1161), quân Kim mở cuộc tiến công xuống phía nam xâm lược nước Tống, nguời Hán ở vùng Luân Hãm nô nức khởi nghĩa. Ở Tế Nam có một nguời tên Cảnh Kinh đã phát động cuộc khởi nghĩa nông dân, tập hợp được mấy mươi vạn nguời dưới ngọn cờ của mình. Khi ấy, Tân Khí Tật tuổi còn trẻ cũng đưa hơn 2.000 nguời gia nhập đội ngũ của Cảnh Kinh. Vì thấy ông có trình độ văn hóa cao hơn, mưu trí hơn nguời, Cảnh Kinh đã giao cho Tân Khí Tật đảm nhận chức Chưởng thư ký (1). Tân Khí Tật trở thành nhân vật quan trọng của nghĩa quân.
Một lần, Tân Khí Tật nói với Cảnh Kinh, ở gần Tế Nam cũng có một đội quân khởi nghĩa, ông đã hiểu rõ nguời cầm đầu là Hòa thượng Nghĩa Đoan là một nguời rất am hiểu binh pháp. Nghe được tin này, Cảnh Kinh rất vui, cử tân Khí Tật tới liên lạc với Nghĩa Đoan để tranh thủ lực lượng của ông ta.
Mấy hôm sau, quả nhiên Nghĩa Đoan mang lực lượng của mình gia nhập đội quân của Cảnh Kinh. Nhưng nào ngờ, Nghĩa Đoan là con người bất nghĩa mà cũng chẳng đoan, hắn lợi dụng việc qua lại với Tân Khí Tật, đánh cắp Đại ấn (2) của nghĩa quân rồi cùng một số nguời trốn đi.
Biết việc này, Cảnh Kinh nổi giận, cho rằng Tân Khí Tật và Ngĩa Đoan đã cấu kết với nhau bèn ra lệnh cho thủ hạ:
– Nguời đâu, đem Tân Khí Tật chém đầu!
Tân Khí Tật cũng vô cùng hối hận vì chưa hiểu rõ bản chất của Nghĩa Đoan, ông khẩn cầu Cảnh Kinh:
– Xin Tướng quân bớt cơn thịnh nộ, cho tôi thời gian ba ngày, tôi nhất định sẽ bắt được Nghĩa Đoan, lấy lại đại ấn. Nếu không làm được, tôi sẽ tự chết trước mặt ngài để tạ tội.
Cảnh Kinh đồng ý.
Tân Khí Tật phân tích tình hình, đoán rằng Nghĩa Đoan nhất định sẽ tới trại quân Kim để tâng công, vì thế bay lên mình ngựa, đuổi theo về hướng trại quân Kim, quả nhiên, mới đi được nửa đường đã đuổi kịp Nghĩa Đoan. Nghĩa Đoan không lạ gì sự dũng mãnh của Tân Khí Tật, run sợ xin Tân Khí Tật:
– Xin ngài nể tình giao hảo giữa hai chúng ta đã lâu ngày tha cho tôi. Tôi sẽ mang đại ấn giao cho ngài, chỉ xin ngài đừng giết tôi!
Tân Khí Tật không giảm cơn thịnh nộ:
– Cái giống nguời như mày, làm sao có thể giao hảo được!
Rồi sẵn đao trong tay, chém đầu Nghĩa Đoan, mang về nộp Cảnh Kinh. Từ đó, Cảnh Kinh càng thêm tin cậy Tân Khí Tật.
Sau trận Thái Thạch, Tân Khí Tật cho rằng đây là thời cơ để các lực lượng chống Kim liên hợp với nhau giành lại vũng lãnh thổ đã mất, ông khuyên Cảnh Kinh tiếp nhận sự lãnh đạo của Nam Tống. Cảnh Kinh bèn cử ông tới yết kiến Tống Cao Tông, trình bày tình hình cuộc kháng chiến chống Kim ở phía bắc. Nghe nói ở phía sau lưng địch còn có một lực lượng chống Kim đông đảo, Tống Cao Tông rất vui vẻ, đã giao cho Cảnh Kinh làm Thiên bình quân Tiết độ sứ, đồng thời, phong chức quan cho Tân Khí Tật cùng hơn 200 nguời khác rồi để Tân Khí Tật trở về, tuyên bố lệnh của nhà vua.
Không ngờ sau đó, nội bộ quân của Cảnh Kinh xuất hiện mưu phản. Kẻ phản bội Trương An Quốc chỉ mong thăng quan phát tài mưu giết Cảnh Kinh rồi đầu hàng quân Kim. Tân Khí Tật về đến Hải Châu (nay là cảng liên vận Giang Tô) nghe được tin này, đau đớn không nói thành lời.
Hồi lâu, ông nuốt nước mắt, thề với những nguời cùng đi:
– Ta nhất định sẽ lấy đầu kẻ phản bội Trương An Quốc để trả thù cho Cảnh Kinh.
Sau khi mưu phản thành công, Trương An Quốc được làm Tri châu của Tế Châu. Tân Khí Tật mang theo hơn 50 kỵ binh tinh nhuệ vượt quãng đường hơn 500 dặm với khí thế như trúc chẻ tro bay xông thẳng tới năm vạn quân Kim ở Tế Châu.
Lúc đó, trong trại quân Kim, lửa đèn rực rỡ, Trương An Quốc cùng mấy tên tướng Kim đang chén thù chén tạc giữa tiếng đàn nhạc bổng trầm. Tân Khí Tật một mình một ngựa, xông thẳng tới trước mặt Trương An Quốc, trợn mắt, thét lớn:
– Cẩu tặc, ngươi còn chạy được không?
Rồi bắt sống Trương An Quốc. Quân Kim nhìn thấy đều há miệng trợn mắt, chưa kịp định thần. Tân Khí Tật tiếp lời:
– Mười vạn quân Tống đã tới!
Tranh thủ quân Kim rối loạn, ông trói Trương An Quốc dời khỏi doanh trại, ngày đêm chạy về phía nam. Tới khi quân Kim trấn tĩnh, tập hợp được quân lính đuổi theo, Tân Khí Tật đã không còn để lại dấu vết.
Tới Kiến Khang, Tân Khí Tật giao Trương An Quốc cho triều đình. Tống Cao Tông ra lệnh chém đầu Trương An Quốc thị chúng. Qua chuyện này, Tân Khí Tật được ca ngợi không dứt lời. Về sau, ông viết bài Giá cố thiên:
“Tráng tuế tinh kỳ ủng vạn phu,
Cẩm xiêm đột kỵ độ giang sơ.
Yên binh dạ sước ngân hồ lộc,
Hán tiễn triêu phi kim bộc cô.
Truy vãng sự,
Thán kim ngô,
Xuân phong bất nhiễm bạch tỳ tu.
Khước tương vạn tự bình nhung sách,
Hoán đắc đông gia chủng thụ thư.”
(Dịch: Tuổi trẻ anh hùng vạn kẻ trông,
Áo choàng đột kích vượt đầu sông.
Lính Yên đêm chỉnh bao hồ bạc,
Tên Hán sáng bay mũi nạm vàng.
Chuyện xưa cũ,
Than ta nay,
Gió xuân chẳng nhuốm tóc bờ mai.
Kế hay bình giặc, mang nghìn chữ,
Muốn đổi mấy dòng dạy tưới cây.
Bản dịch của Điệp Luyến Hoa).
Thể hiện tình cảm qua những bài từ, trở về Nam Tống, Thân Khí Tật vẫn chưa được trọng dụng. Tống Cao Tông vốn không muốn chống Kim, chỉ muốn hòa bình một cách nhục nhã, lại thêm Thân Khí Tật sinh ở phương bắc, triều đình không tin cậy ông, chỉ cho ông làm một chức quan thấp. Thân Khí Tật rất buồn, nhưng ông vẫn không quên lý tưởng kháng chiến chống quân Kim, ông viết “Cửu nghị”, “Mỹ cần thập ký” để dâng lên triều đình những kiến nghị chống Kim. Nhưng triều đình vẫn không thay đổi thái độ, càng không muốn chấp nhận. Tinh thần trách nhiệm với đất nước không có cách nào thực hiện, Thân Khí Tật bèn viết rất nhiều bài từ thể hiện tình cảm bi phẫn vì lòng yêu nước không thể thực hiện, biểu đạt hùng tâm tráng chí mà bất lực của ông.
Năm 42 tuổi, bị phe quan liêu trong triều đả kích, ông buộc phải về nghỉ, sống ẩn cư suốt hơn hai mươi năm. Tuy trong thời gian đó có hai lần được bổ nhiệm nhưng đều chưa lâu lại bị bãi miễn.
Đến đời Tống Ninh Tông, Hàn Đà Trụ để tạo dư luận chuẩn bị bắc phạt, lại sử dụng Thân Khí Tật. Đến lúc này, ông đã 64 tuổi. Mong muốn của ông vẫn chưa nguôi nên không thể làm việc qua loa. Ông kiến nghị Hàn Đà Trụ hành động thận trọng, chỉ quyết định sau khi hiểu rõ mọi việc. Hàn Đà Trụ không nghe lời nhắc nhở của ông mà còn giáng ông liền hai cấp. Thân Khí Tật cảm thấy long yêu nước không có con đường bộc lộ, viết liền hơn nghìn câu tuyệt bút trong “Vĩnh ngộ lạc – Kinh khẩu Bắc Cố đình hoài cổ”:
Thiên cổ giang sơn,
Anh hùng vô mịch,
Tôn Trọng Mưu xứ.
Vũ tạ ca đài,
Phong lưu tổng bị,
Vũ đả phong xuy khứ.
Tà dương thảo thụ,
Tầm thường hạng mạch,
Nhân đạo Ký Nô tằng trú.
Tưởng đương niên,
Kim qua thiết mã,
Khí thôn vạn lý như hổ.
Nguyên Gia thảo thảo,
Phong Lang Cư Tư,
Doanh đắc thương hoàng Bắc Cố.
Tứ thập tam niên,
Vọng trung do ký,
Phong hoả Dương Châu lộ.
Hà kham hồi thủ,
Phật Ly từ hạ,
Nhất phiến thần nha xã cổ.
Bằng thuỳ vấn,
Liêm Pha lão hĩ,
Thượng năng thực phủ.
(Dịch: Ngàn thuở non sông
Anh hùng khó kiếm
Nơi Tôn Quyền ở
Điện múa đài ca
Phong lưu thảy bị
Gió giập mưa vùi đổ
Tà dương cây cỏ
Tầm thường ngõ ngách
Nơi Ký Nô từng ở đó
Tưởng bấy giờ
Giáo vàng ngựa sắt
Khí thôn muôn dặm hùng hổ
Nguyên Gia lớt phớt
Phong Lang Cư Tư
Rút cuộc vội vàng Bắc Cố
Trải bốn mươi ba năm
Ngoảnh nhìn còn nhớ
Khói lửa Dương Châu lộ
Khá ngoảnh lại nhìn
Phật Ly dưới điện
Nhộn nhịp thần nha xã cổ
Bằng ai hỏi
Liêm Pha tuổi lão
Còn ăn được chứ
Nguồn: Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn, NXB Văn hoá – Thông tin, 1996).
Trong bài từ này, Thân Khí Tật đã hồi tưởng lại công tích của hai anh hùng Tôn Quyền và Lưu Dụ trong lịch sử, phê phán Lưu Nghĩa Long tiến hành bắc phạt cẩu thả khiến rơi vào cảnh thất bại, cũng ngầm ám chỉ cuộc bắc phạt thất bại của Hàn Đà Trụ. Đồng thời, ông cũng mượn chuyện Liêm Pha nói mình tuổi cao nhưng chí chưa già, với tấm lòng vì nước quên mình son sắt.
Năm Khai Hy thứ 2 (1260), nguời anh hùng dân tộc và nhà điền từ yêu nước vĩ đại từ trần. Ông để lại cho thế hệ sau một số lượng trước tác phong phú. Những bài từ của ông khảng khái bi tráng, có thể so sánh với trước tác của Tô Thức. Lịch sử đã đặt tên tuổi hai nguời bên cạnh nhau “Tô – Thân”. Tinh thần yêu nước của ông cũng còn mãi mãi khích lệ các thế hệ sau.