Ngày 5 tháng 5 năm Hàm Bình thứ 6 Tống Chân Tông (năm 1003) tại phủ Tây Bình (tức Linh Châu, nay ở tây nam Linh Vũ, Ninh Hạ), một bé trai chào đời. Cha của bé là Lý Đức Minh, Hành quân tư mã (1), nguời có những sở thích khác thường. Chú bé này chính là Lý Nguyên Hạo, Hoàng đế khai quốc của vương triều Tây Hạ sau này.
Lý Đức Minh là nguời tộc Đảng Hạng, ông nhận tước phong của vương triều Bắc Tống, lợi dụng thời cơ trong chiến tranh Liêu Tống để ra sức phát triển thế lực của mình khiến cho kinh tế ở Hạ Châu phát triển rất nhanh chóng, cương vực được mở rộng. Lý Đức Minh còn rất chú ý tới việc bồi dưỡng Lý Nguyên Hạo, mong con sẽ trở thành nguời kế thừa sự nghiệp của mình.
Khi trưởng thành, Lý Nguyên Hạo có vóc dáng không thật cao lớn, nhưng là nguời rất tráng kiện. Đôi mắt tinh anh nhìn thẳng, cái sống mũi lộ rõ vẻ lạnh lùng cương nghị. Truyền thuyết nói, tướng Tào Vĩ của triều Tống đã thốt lên sau khi nhìn bức vẽ chân dung Lý Nguyên Hạo:
– Đây thật là một anh hùng, sau này, anh ta nhất định sẽ trở thành một nguời vô địch của đất nước chúng ta.
Khi đã trưởng thành, trước việc cha xưng thần với Bắc Tống, Lý Nguyên Hạo rất không tán thành. Lý Đức Minh cho rằng thời cơ chống Tống chưa tới, cứ nhắm mắt hành động chỉ mang lại tai họa. Ông nhắc nhở nguời con còn bồng bột của tuổi trẻ:
– Hạ Châu chúng ta lực lượng còn non yếu, chưa thể đương đầu với kẻ địch. Từ 30 năm nay, tộc Đảng Hạng chúng ta quen dùng vải vóc tơ lụa đều là do ân huệ của nguời Tống, không thể quên điều đó.
Lý Nguyên Hạo lập tức lớn tiếng phản bác:
– Vốn nguời Đảng Hạng chúng ta quen mặc bằng da lông của gia súc vẫn chăn thả, nguời anh hùng sinh ra là để xưng vương xưng bá, sao lại chỉ nghĩ tới tơ lụa vải vóc?
Năm Tống Chân Tông Minh Đạo nguyên niên (1032), Lý Đức Minh bị bệnh chết, Lý Nguyên Hạo vốn chỉ nghĩ tới việc “xưng bá xưng vương” đã nắm được chính quyền Hạ Châu, lập tức chuẩn bị việc xưng đế.
Đầu tiên, ông có ý thức làm dân tộc Đảng Hạng mạnh lên, ông bỏ họ Lý do vương triều ở Trung nguyên ban cho, đổi họ thành “Vĩ danh thị”, đổi cách ăn mặc theo lối Trung nguyên thành cách ăn mặc của Thổ Phồn để biểu thị khác với Trung nguyên. Ông còn lệnh cho chính quyền Hạ Châu yêu cầu mọi người đều cạo tóc, mang vòng đeo tai. Để có văn tự riêng, Lý Nguyên Hạo đích thân chủ trì việc biên soạn văn tự Đảng Hạng (tức văn tự Tây Hạ) rồi coi là quốc tự. Đến nay cuốn “Phồn Hán hợp thời chưởng trung chu” (2) có thể cho chúng ta thấy diện mạo của văn tự Tây Hạ lúc bấy giờ.
Nhằm đạt tới mục đích xưng đế, Lý Nguyên Hạo còn chú trọng tới việc thanh trừ những lực lượng đối lập trong nước. Mẹ là Vệ Mông thị ủng hộ thủ lĩnh tộc Vệ Mông là Sơn Hỷ giết ông để giành quyền lực, sớm nhận ra âm mưu này, Lý Nguyên Hạo đã ra tay trước, bắt toàn bộ họ của Sơn Hỷ và không một chút băn khoăn, giết tất cả. Ngay với mẹ mình, ông cũng không do dự, dùng rượu độc giết chết rồi giết toàn bộ tộc Vệ Mông. Sự tàn bạo của Lý Nguyên Hạo khiến quý tộc Đảng Hạng khiếp sợ, không còn một ai dám nghĩ tới chuyện ăn ở hai lòng.
Tháng 10 năm Bảo Nguyên nguyên niên đời Tống Nhân Tông, Lý Nguyên Hạo 30 tuổi, được sự ủng hộ của các đại thần Dương Thủ Tố, Dã Lợi Nhân Vinh, chính thức lên ngôi Hoàng đế, định quốc hiệu là Đại Hạ. Năm sau với thân phận thần quốc, Lý Nguyên Hạo cử sứ giả tới Bắc Tống, yêu cầu Tống Nhân Tông thừa nhận địa vị Hoàng đế. Tống Nhân Tông tất nhiên cự tuyệt yêu cầu này, treo giải cho nguời bắt được Lý Nguyên Hạo. Lý Nguyên Hạo nổi giận, tập kết toàn bộ binh lực Tây Hạ, mở cuộc tiến công đại quy mô Bắc Tống, mục tiêu chủ yếu là cứ điểm quân sự Kim Minh ở Diên Châu.
Lúc đó, nguời đang trấn giữ ải Kim Minh là tướng Tống Lý Sĩ Bân vẫn xưng là “Thiết bích tương công”. Lý Nguyên Hạo biết đây là nguời khó đối phó bèn thực hiện kế phản gián. Ông cho nguời mang theo một phong thư cùng áo vàng đai ngọc vứt vào đất huyện Kim Minh, trong thư viết Tây Hạ sẽ cùng với Lý Sĩ Bân đánh vào sau lưng quân Tống. Quân Tống nhặt được thư cùng với áo vàng đai ngọc giao cho tướng Hạ Tùy. Không ngờ, Hạ Tùy biết ngay đó là kế phản gián của Lý Nguyên Hạo.
Thất bại, Lý Nguyên Hạo lại nghĩ một kế khác, ông ta cho binh sĩ Tây Hạ cố ý đầu hàng Lý Sĩ Bân để chuẩn bị làm nội ứng. Tri châu Diên Châu Phạm Ung không biết âm mưu của Lý Nguyên Hạo, rất sung sướng, cười nói với Lý Sĩ Bân:
– Ta sớm đã biết Lý Nguyên Hạo sẽ thất bại, ông xem thủ hạ của hắn đang đánh vào sau lưng hắn. Những kẻ vừa đầu hàng này sẽ do ông quản, chỉ cần thưởng cho chúng một ít tiền bạc vải lụa.
Ngoài ra, Lý Nguyên Hạo còn ngầm lệnh cho binh lính gặp quân của Lý Sĩ Bân không được đánh mà phải bỏ chạy. Lý Sĩ Bân tưởng thật, dương dương tự đắc, càng lơ là mất cảnh giác với Tây Hạ. Vốn thông minh, Lý Nguyên Hạo thấy thời cơ đã đến, bèn giả đầu hàng triều Tống, ngầm liên lạc với nội ứng, bất ngờ đánh chiếm ải Kim Minh, sau đó, ông ta lại dùng chiến thuật “vây điểm đánh viện”, đánh bại quân Tống ở Tam Xuyên khẩu (nay là nơi giao nhau của Diên Xuyên, Nghi Xuyên và Lạc Xuyên ở phía đông An Tái, Thiểm Tây).
Hai năm sau đó, Lý Nguyên Hạo lại liên tục hai lần tiến công đại quy mô quân Tống. Ông ta khoa trương thanh thế, lần lượt đánh bại tướng Tống Nhậm Phú Trung, Cát Hoài Mẫn, tạo nên sự uy hiếp vô cùng lớn với triều Tống. Tống Nhân Tông hiểu rằng Tây Hạ có thực lực rất mạnh, không thể nhàn nhã ngồi nhìn, bèn cử Phạm Trung Yểm và Hàn Kỳ là hai tướng văn võ song toàn phụ trách việc phòng ngự quân Tây Hạ. Hai tướng Tống tận lực làm nhiệm vụ khiến Lý Nguyên Hạo không còn cơ hội. Thời gian đó, Tây Hạ liên tục động binh, cuộc sống của nhân dân bị ảnh hưởng rất nặng nề. Năm Khánh Lịch thứ 4 đời Tống Nhân Tông, Tây Hạ phải cúi đầu xưng thần xin hòa.
Lúc đó, nước Liêu cũng tích cực chuẩn bị đánh Tây Hạ. Liêu Hưng Tông đích thân mang mười vạn kỵ binh chia làm ba đường, vượt sông Hoàng Hà nhằm hướng Tây Hạ. Lý Nguyên Hạo biết thực lực quân Liêu rất mạnh, tự thấy không phải là đối thủ, bèn dùng kế hoãn binh, xin đầu hàng quân Liêu. Liêu Hưng Tông đồng ý, gặp Lý Nguyên Hạo, mở tiệc lớn. Trong tiệc, Lý Nguyên Hạo xảo trá, dâng rượu chúc thọ Liêu Hưng Tông, bẻ tên thề không bao giờ phản lại Liêu. Đại thần của nước Liêu Túc Huệ thấy rõ âm mưu của Lý Nguyên Hạo, nói với vua Liêu:
- Lý Nguyên Hạo là nguời gian trá, đã nhiều lần phản lại chúng ta. Lần này đang có cơ hội tiêu diệt hắn, bệ hạ dứt khoát không thể đáp ứng yêu cầu xin hòa của hắn.
Vua Liêu Hưng Tông là nguời rộng lượng không có chủ ý chưa dứt khoát, Lý Nguyên Hạo lợi dụng thời cơ lệnh cho nguời phóng hỏa tất cả những nơi chứa cỏ hai bên đường. Lửa cháy ba ngày ba đêm, khắp trong ngoài trăm dặm đều thành biển lửa. Ngựa chiến của quân Liêu không có cỏ ăn, Liêu Hưng Tông đành phải đồng ý giảng hòa.
Lý Nguyên Hạo cố ý kéo dài ngày giảng hòa, đợi tới khi nguời ngựa quân Liêu đói dài mới bất ngờ tấn công. Đúng lúc cuồng phong bão tố, đất cát tung bụi khiến quân Liêu tối tăm mặt mũi, vô cùng khiếp sợ, trong phút chốc trở nên đại loạn. Lý Nguyên Hạo vô cùng sung sướng, kêu lớn:
– Trời giúp ta!
Quân Tây Hạ xông vào trận, thả sức chém giết. Quân Liêu giày xéo lên nhau mà chạy, thương vong không sao đếm xuể. Liêu Hưng Tông cũng bị bắt. Lý Nguyên Hạo chuyển bại thành thắng nhưng không thừa thắng truy kích. Sau khi cân nhắc lợi hại, ông ta trả tù binh chho Liêu rồi cùng nước Liêu giảng hòa.
Sau chiến tranh lần này, ba nước Tây Hạ, Tống, Liêu hình thành cục diện cân bằng. Lý Nguyên Hạo cuối cùng thực hiện được mộng đế vương, trở thành ông vua khai quốc, hùng bá một phương.
Chú thích:
- Hành quân tư mã: đặt từ đời Đường, chủ yếu thuộc quyền các Tiết độ sứ.
- “Phồn Hán hợp thời chưởng trung chu” bộ tự điển văn tự Tây Hạ, biên soạn thành sách năm 1190, có hơn 800 mục từ.
- Liêu Hưng Tông (1014 – 1055), ở ngôi 1031 – 1055, con trưởng của Liêu Thánh Tông.