Thời kỳ Liêu và Bắc Tống cùng tồn tại, phụ nữ chiếm giữ đỉnh cao quyền lực không ít. Có thể nói đây là thời kỳ thịnh nhất của hiện tượng này. Bắc Tống có bốn vị Thái hậu lâm triều nghe việc nước, triều Liêu cũng có ba Thái hậu lâm triều, trong đó nổi tiếng và xuất sắc nhất là Hoàng hậu Lưu Cảnh Tông, bà vốn là Tiêu Yên Yên của họ Tiêu (1). Thời kỳ bà nắm quyền, văn trị võ công của triều Liêu đều hiển hách.

Tiêu Yên Yên từ nhỏ đã là một người con gái khác thường. Bà có tư dung đẹp đẽ, nhã nhặn đoan trang chỉ xét từ nụ cười. Gặp những chuyện đáng cười, mọi người cười nghiêng cười ngả, bà chỉ giấu nụ cười sau chiếc khăn tay; gặp những chuyện đáng thương, những người con gái khác luôn miệng nói sự đồng cảm: “Đáng thương quá! Đáng thương quá!”, còn Tiêu Yên Yên thì giơ bàn tay nâng đỡ, giúp người đáng thương đó vượt qua hoàn cảnh khó khăn; gặp người lớn bắt nạt người nhỏ, kẻ mạnh chèn ép người yếu, những người phụ nữ khác chẳng dại gì mà can dự, thậm chí còn cố tránh càng xa càng tốt, Tiêu Yên Yên dám đứng ra dẹp nỗi bất bình, bảo vệ chính nghĩa. Một người con gái nhỏ bé có tính cách như thế báo trước trong tương lai có thể trở thành một người khác thường.

Tiêu Yên Yên có hai người chị, họ thích trang điểm, chuộng hư vinh, còn Tiêu Yên Yên sống đơn giản, tự nhiên thoải mái. Tuy gia đình là quý tộc quan liêu, nhưng mỗi khi năm hết Tết đến, cả nhà từ lớn đến nhỏ, đặc biệt là phụ nữ đều phải tham gia vào việc quét dọn. Cha mẹ để biết con gái chăm chỉ lo lắng việc nhà như thế nào đều phân công mỗi người quét dọn ở một khu vực nhất định. Hai người chị lười biếng lao động, thường chỉ làm cho qua chuyện. Duy chỉ có Yên Yên là làm một cách tỉ mỉ chu đáo. Quét dọn hết phần mình được giao, cô còn lau những đôi giày, đến đế giày cũng không có một hạt bụi. Vì thế, Yên Yên được cha mẹ rất yêu quý, họ thường nói:

– Nó làm việc gì cũng chăm chỉ, cẩn thận, họ Tiêu nhà chúng ta hiếm con trai, xem ra sau này có thể trông cậy vào nó.

Năm Tiêu Yên Yên 16 tuổi được tuyển đưa vào cung rất nhanh chóng được vua Liêu Cảnh Tông chú ý phong làm quý phi. Nhà vua sớm phát hiện Tiêu Yên Yên tài mạo song toàn, lại hay quan tâm đến quốc gia đại sự, thường bày tỏ những ý kiến đúng đắn không thể để làm một người chỉ biết lo việc nội trợ, bèn sách lập bà làm Hoàng hậu. Nhà vua trẻ tuổi Liêu Cảnh Tông mới 20 tuổi, còn đang hăng hái sôi nổi, nhưng từ khi còn nhỏ đã mang bệnh, khi thiết triều thường lên cơn bệnh phải nằm trên giường nghỉ ngơi nên phó thác việc quốc gia đại sự cho Tiêu Yên Yên thay mình lo liệu. Thời gian đó, tình hình chính trị Trung Quốc vô cùng phức tạp, hai nước Tống Liêu cùng cạnh tranh, xung quanh còn có Bắc Hán, Đảng Hạng, …nước nhỏ nhưng cũng không chịu lép vế. Sau khi lên ngôi, Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa muốn thực hiện bao tham vọng từ lâu. Tiêu diệt xong Bắc Hán, ông ta lập tức quay đầu ngựa, thừa thắng tiến công Liêu, muốn thu hồi lại vùng đất 16 châu huyện mà Thạch Kính Đường thời Hậu Tấn đã cắt cho Liêu.

Trước sức tiến công của quân Tống, triều Liêu chưa có sự chuẩn bị. Chiến tranh vừa mới bắt đầu, quân Tống liên tiếp giành được thắng lợi, rất nhanh chóng chiếm được Thành Nam U Châu (2), với Liêu, hình thế vô cùng bất lợi. Được tin U Châu nguy cấp, Liêu Cảnh Tông vội mời Hoàng hậu Tiêu Yên Yên mở hội nghị khẩn cấp, bàn bạc kế sách. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân Tống, có người chủ trương  trả U Châu. Liêu Cảnh Tông cũng đồng ý với chủ trương này. Nhưng Tiêu Yên Yên kiên quyết phản đối, bà nói:

– Quân Tống mới tiêu diệt Bắc Hán, tuy có thừa thắng tiến công giành thắng lợi, nhưng thứ nhất tổn thất quân số không ít, thứ hai là thời gian chiến đấu liên tục kéo dài, tướng  sĩ mỏi mệt, sức mạnh sẽ nhanh chóng suy yếu, có gì mà phải sợ? Chúng từ xa đến, vận chuyển lương thực vô cùng khó khăn, chúng ta chỉ cần đưa lực lượng tinh binh chặn lại, quyết giữ trận địa, một mặt đưa kỵ binh đánh tập kích vào hậu phương của chúng, ngăn chặn đường tiếp lương sẽ không khó để giành thắng lợi.

Đại tướng  Da Luật Hưu Ca thấy ý kiến của Hoàng hậu chính xác, đã chủ động xin với Liêu Cảnh Tông:

– Ý kiến Hoàng hậu rất đúng đắn, thần nguyện sẽ mang một đội quân cứu viện U Châu, nếu không thể giữ được U Châu, chí ít cũng đánh một trận cho bước tiến của quân Tống chậm lại để quân ta có thời gian chuẩn bị đầy đủ.

Liêu Cảnh Tông nhìn Da Luật Hưu Ca, lại nhìn Tiêu Yên Yên, một lát vẫn chưa quyết định, chỉ thấy Tiêu Yên Yên đã thay mặt Cảnh Tông phát quân lệnh cho Da Luật Hưu Ca. Bà phát tờ lệnh cho Da Luật Hưu Ca, nói:

– Đại tướng  quân trung dũng đáng khen, bây giờ, ta thay mặt Hoàng thượng cử ngươi làm Thống quân sứ (4), sẽ cử Da Luật Sa mang mang quân cùng ngươi phối hợp hành động, trước hết ngăn cản sức tiến công của quân Tống, Ta chúc các ngươi lập công trận đầu, mã đáo thành công!

Được Hoàng hậu và Liêu Cảnh Tông tín nhiệm, Da Luật Hưu Ca và Da Luật Sa càng thêm tự tin. Sau khi  bàn bạc, họ quyết định Da Luật Sa mang quân kỵ binh tinh nhuệ tới U Châu, Da Luật Hưu ca mang quân tới Thành Nam U Châu cùng phối hợp với số quân đang có mặt ở đó, chia làm hai đường ngăn chặn quân Tống. Họ đã tác chiến theo kế hoạch đã được Tiêu Yên Yên phê chuẩn. Tiêu Yên Yên nói:

– Hành quân tác chiến, Đại tướng  có quyền quyết định tất cả, chỉ cần các ngươi suy nghĩ chu toàn, bố trí chặt chẽ để giành thắng lợi. Các ngươi cần kịp thời báo cáo tình hình tác chiến, vạn nhất tình hình chiến trường có đột biến, cần khẩn cấp báo cáo cho ta, ta sẽ lập tức tăng viện.

Da Luật Hưu Ca và Da Luật Sa được trả lời như vậy, rất yên lòng cảm thấy Tiêu Hoàng hậu thật là anh minh, rất hiểu cách dùng binh. Do đó, họ rất nhanh chóng tới sông Cao Lương ở U Châu (nay thuộc Bắc Kinh) đánh quân của Tống Thái Tông không còn một mảnh giáp, bỏ chạy không kịp.

Trận sông Cao Lương, biểu hiện rõ tài năng xử lý việc quân của Tiêu Yên Yên. Sau khi  Liêu Cảnh Tông tạ thế, Tiêu Yên đã thay ông điều khiển mọi việc quốc gia đại sự, khiến Bắc Tống phải ký “Thiền Uyên chi minh” giành được thắng lợi trọng đại về chính trị và quân sự. Bà thực là một nhà chính trị kiệt xuất của dân tộc thiểu số Trung Quốc.

 

Chú thích:

  • Tiêu thị: Khi Liêu kiến quốc, Quân thị xưng Tiệu thị. Hoàng tộc Da Luật thị thông hôn với các bộ lạc khác cũng gọi Tiêu thị.
  • U Châu: vùng đất nay thuộc Bắc Kinh, Thiên Tân. Năm 936, Hậu Tấn cắt cho Khiết Đan. Năm 938, gọi U đô phủ, kiến hiệu Nam Kinh, vùng đất chiến lược ở phía nam Trung Nguyên của Khiết Đan.
  • Da Luật Hưu Ca ( ? – 998), danh tướng thuộc Hoàng tộc Liêu
  • Thống quân sứ: Triều Liêu Thống quân sứ là Trưởng quan về quân sự các châu.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here