Huyền Trang là đại sư Phật học, dịch giả nổi tiếng đời Đường. Tên ông nguyên là Trần Y, người Câu Thị, Lạc Châu (nay là Yển Sư, Hà Nam), Huyền Trang là pháp hiệu sau khi ông xuất gia, mọi người quen gọi ông là Đường Tam Tạng (1).

Cha của Huyền Trang là một tín đồ Phật giáo thành tâm, anh của ông cũng là một hòa thượng ở chùa Tĩnh Thổ, Lạc Dương. Đầu đời Đường, Huyền Trang tới nghiên cứu kinh Phật ở Tứ Xuyên. Khi ấy, Tứ Xuyên là nơi tương đối ổn định, rất nhiều cao tăng ở khắp nơi đã về đây. Huyền Trang thỉnh giáo họ, học vấn ngày càng được mở rộng. Thấy các tư liệu kinh Phật ở trong nước có rất nhiều những vấn đề chưa được giải quyết,  ông học Phạn văn, quyết tâm tới Thiên Trúc (bán đảo Ấn Độ ngày nay) để học kinh Phật.

Khi ấy, phía tây Trung Quốc còn là khu vực do người Đột Quyết kiểm soát, chính phủ triều Đường nghiêm cấm cư dân tự ý  ra ngoài biên giới. Quan phủ cự tuyệt lời xin của Huyền Trang và những người cùng nguyện vọng. Huyền Trang không ngại khó khăn quyết vượt qua. Mùa thu năm 627, ông cùng một đoàn thương nhân xuất phát từ Trường An đi về phía tây. Khi tới phía tây Cam Túc, trước lúc vượt qua Ngọc Môn quan (phía tây Đôn Hoàng, Cam Túc ngày nay), ngựa của Huyền Trang bị chết, hai tiểu hoàng thượng đồng hành cùng ông cũng bỏ đi mất. Bị quan phủ địa phương truy tìm, Huyền Trang phải náu mình trong một nhà trọ, chưa biết phải làm như thế nào. Quan châu ở đó là Lý Xương xem giấy tờ rồi hỏi ông:

– Sư phụ chính là Huyền Trang có phải không?

Huyền Trang còn đang lưỡng lự, chưa trả lời, Lý Xương nói tiếp:

– Sư phụ phải nói thực, đệ tử có thể có cách giúp ngài.

Huyền Trang thấy thái độ của Lý Xương chân thành, nói rõ tên tuổi của mình. Lý Xương  tỏ vẻ thán phục rồi nói:

– Sư phụ quyết tâm đi lấy kinh, nghiên cứu Phật pháp, thật là đáng quý, tôi nhất định sẽ hết sức giúp ngài.

Nói xong, Lý Xương xé bỏ giấy tờ đi rồi thúc giục:

– Ngài mau đi ngay, tối đến sẽ không thể qua cửa Ngọc Môn được.

Huyền Trang vừa ngạc nhiên vừa mừng, vội dời nhà trọ đi về Ngọc Môn quan.

Trước khi đi vào sa mạc, một buổi trưa, ông tới phong hỏa đài đầu tiên. Đang chờ ngựa uống nước, bỗng nhiên có một mũi tên bay tới. Lát sau,lại một mũi tên nữa. Huyền Trang hoảng sợ, vội hướng về phía phong hỏa đài, kêu to:

–         Tôi là hòa thượng từ Trường An tới, đi Tây Thiên lấy kinh. Xin các ngài đừng bắn.

Quan lính trên phong hỏa đài đã nghe tên Huyền Trang đều rất kính trọng, đưa ông qua phong hỏa đài. Đến phong hỏa đài thứ tư, Phong quan (quan phụ trách phong hỏa đài) còn giữ ông lại một đêm, chuẩn bị thêm cho ông lương khô và nước uống, khi chia tay, còn dặn dò:

–         Quan lính ở phong hỏa đài thứ năm rất nghiêm ngặt, tính mệnh khó bảo toàn, sư phụ nên cẩn thận, mong sư phụ gặp may mắn.

 Huyền Trang lại tiếp tục lên đường. Giữa sa mạc, trên trời không một cánh chim bay, dưới đất không một vết chân thú, ban ngày trời nóng như đổ lửa, ban đêm, gió rét như cắt da. Có lúc, do sự thay đổi của thời tiết, trước mắt như thấy ảo ảnh, rõ ràng thấy cả đoàn người ngựa từ xa thế mà khi tới gần lại chẳng còn dấu vết, người đi đường như gặp yêu ma quỷ quái. Ven đường là xương người xương ngựa, kiếm gãy dao hoen. Huyền Trang đi hơn một trăm dặm chỉ dừng lại mỗi khi cần uống nước. Có lần, không ngờ, nước đựng trong cái túi da đã chảy hết trên sa mạc. Mênh mang là cát trắng chẳng thấy đâu là bến là bờ, đến đâu mới có thể tìm được nước uống đây? Huyền Trang cố chịu cơn khát tới cực điểm, đi suốt 5 ngày, cuối cùng, ngất đi trên sa mạc. Nửa đêm tỉnh lại, thấy gió thổi hiu hiu. May mắn cho ông,ngay phía trước là một ốc đảo, nước ngọt trong lành, cỏ cây tươi tốt đã giúp ông thoát khỏi cảnh hiểm nguy.

Qua hơn nửa tháng hành trình gian khổ, Huyền Trang cuối cùng đã vượt qua hơn tám trăm dặm trên sa mạc, tới nước Cao Xương (nay thuộc Tân Cương). Vua Cao Xương vốn là người Hán, cũng là một tín đồ của đạo Phật, rất kính trọng Huyền Trang, khẩn khoản mời Huyền Trang ở lại thuyết pháp và hứa sẽ trả cho ông một khoản thù lao lớn. Huyền Trang nói:

– Tôi ra đi là để cầu Phật, bây giờ mà quốc vương lưu lại, đại vương chỉ có thể giữ được phần thân xác của tôi, làm sao có thể lưu giữ được tinh thần?

Vua Cao Xương vẫn chưa chịu để ông lên đường, Huyền Trang bèn nhịn ăn nhịn uống suốt ba ngày đêm. Tới ngày thứ tư, vua Cao Xương thực sự cảm động, thuận để ông ra đi, còn chuẩn bị lương khô, nước uống, người gánh thuê và ba mươi con ngựa. Nhà vua còn viết thư gửi các quốc gia trên đường đi nhờ họ bảo vệ và giúp đỡ Huyền Trang trong chuyến đi xa này.

Sau đó, Huyền Trang lại vượt đỉnh Phiên Sơn, thời gian  đi đường đã tới một năm, mùa hạ năm 628 Huyền Trang mới tới được Thiên Trúc. Tới đây, ông mới thấy rất nhiều đà điểu, thấy tượng Phật đá cao năm mươi thước, tượng Phật điêu khắc trên đá dài một ngàn thước và những quần thể tượng. Ông đã mấy lần vượt sông Hằng thăm các di tích cổ của Phật giáo. Ông cũng thăm thành Già Gia (ở bang Bihar, Ấn Độ ngày nay). Ở đó có cây bồ đề cao năm trượng, dưới gốc nó, người sáng tạo ra Phật giáo là Thích Ca Mâu Ni đã tọa thiền, ông đã tới Tây Thiên Linh Sơn, nghe giảng kinh Phật, tham quan nơi Thích Ca Mâu Ni đã thuyết pháp. Những chuyến đi thực tế này đã giúp Huyền Trang lý giải được sâu sắc nhiều điều trong kinh Phật.

Chùa Lan Đà ở Ma Ca Đà quốc (nay ở phía nam bang Bihar, Ấn Độ) là trung tâm Phật giáo lớn nhất Thiên Trúc, đã có lịch sử hơn bảy trăm năm, thường xuyên có hơn một vạn tăng đồ tu tập. Hôm Huyền Trang tới ngôi chùa này, hơn một nghìn hòa thượng mang hương hoa tới đón tiếp vị khách Trung Quốc. Giới Hiền (2), nhà sư trụ trì chùa này là một người có uy tín đã hơn trăm tuổi, từ lâu đã không còn giảng đạo, nhưng để biểu thị tình hữu hảo với Trung Quốc đã nhận Huyền Trang làm đệ tử, trong suốt 15 tháng giảng cho Huyền Trang  những điều quan trọng nhất của kinh Phật.

Huyền Trang đêm ngày nghiên cứu kinh Phật, học tập ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại đạt được những thành tích khác thường. Ở chùa Lan Đà, có  một nghìn người thông hiểu hai mươi bộ kinh Phật, năm trăm người thông hiểu ba mươi bộ kinh, còn thông hiểu năm mươi bộ kinh chỉ có mười người. Huyền Trang là một trong số mười người đó. Nhưng ông thấy vẫn chưa đủ. Trong mười năm ở Thiên Trúc cầu Phật, cuối cùng, cũng như Giới Hiền, ông đã thông hiểu tất cả những ảo diệu của các bộ kinh. Danh tiếng hiểu nhiều biết rộng của Huyền Trang khắp Thiên Trúc chẳng ai không biết.

Năm 641 Huyền Trang lên đường tới Khúc Nữ thành (ở phía bắc bang Kanari, Ấn Độ ngày nay) được Giới Nhật vương đón tiếp. Vừa lúc đó, có người viết một luận văn phản đối phái Na Lan Đà gửi tới Giới Nhật vương, nói chưa có ai có thể bỏ được một chữ. Giới Nhật vương là một tín đồ trung thành của đạo Phật, quyết định tổ chức một cuộc gặp gỡ đông đảo để công khai thảo luận bản luận văn này. Bước vào cuộc  tranh luận, Giới Nhật vương mời Huyền Trang làm chủ tọa cuộc hội thảo có quốc vương của 18 nước ở Thiên Trúc cùng hơn 6000 giáo đồ nổi tiếng tham dự. Huyền Trang ngồi trên giường trân bảo thuyết pháp, ông đưa ra những quan điểm bác bỏ luận văn ấy, người nghe không ai không tỏ ra khâm phục. Ông còn đem một trước tác của mình là “Phá ác kiến luận” trình bày và trưng cầu ý kiến mọi người. Cuộc luận bàn kết thúc sau 18 ngày, không một ai có thể đưa ra ý kiến phản đối. Khi bế mạc, quốc vương các nước mang tiền, vàng tặng cho Huyền Trang. Nhưng ông đều từ chối, tất cả đem cho dân chúng nghèo khổ.

Giới Nhật vương thành tâm muốn lưu Huyền Trang lại Ấn Độ. Có vị quốc vương thậm chí còn muốn xây dựng một ngôi chùa lớn trăm gian để giữ Huyền Trang ở lại nước mình,. Nhưng Huyền Trang nhớ đất nước sau hơn mười năm xa cách quyết tâm trở về. Trước khi lên đường, Giới Nhật vương đã cùng với các bè bạn Ấn Độ rơi nước mắt đưa tiễn Huyền Trang hơn chục dặm đường.

Đầu năm Đường Thái Tông Trinh Quán thứ 19 (645), Huyền Trang mang theo hơn sáu trăm năm mươi bộ kinh Phật từ Tây thành trở về đến kinh đô Trường An, Trung Quốc. Kể từ khi ông dời Trường An đến khi đó đã là 18 năm. Khi ra đi, Huyền Trang đã vi phạm lệnh cấm của triều đình, giờ đây, Đường Thái Tông biết tất cả hoàn cảnh ra đi của ông rất khâm phục bản lĩnh ngoan cường của Huyền Trang, đã cử Phòng Huyền Linh tới Trường An đón tiếp ông. Ngày 24 tháng Giêng, dân chúng khắp thành Trường An đứng hai bên đường, bày hương án và hoa tươi, chiêng trống rộn ràng chào đón ông. Hơn một vạn tăng ni ở Trường An xếp thành hàng dài nghênh đón những bộ kinh Phật do ông mang về tại chùa Hoằng Phúc. Huyền Trang tới Lạc Dương triều kiến Đường Thái Tông, giới thiệu những điều tai nghe mắt thấy trên đường đi cùng với Tây thành, phong tục và đời sống của dân chúng các nước ở Thiên Trúc. Nghe mọi chuyện, Đường Thái Tông cảm thấy rất thú vị. Nhà vua khuyên Huyền Trang hoàn tục, giúp vua cai trị đất nước. Nhưng Huyền Trang cảm ơn và từ chối. Không lâu sau, Huyền Trang bắt tay vào công việc phiên dịch các bộ kinh Phật. Mỗi ngày năm canh, canh ba ông mới dừng công việc. Trong 19 năm, ông đã dịch được 74 bộ kinh Phật, 1.335 quyển, hơn 1.300 vạn chữ. Văn dịch của ông lưu loát đẹp đẽ, trung thành với nguyên tác. Có một số danh từ được ông sử dụng  như “Ấn Độ”, “Sát na”, còn được lưu giữ cho tới nay.

Công việc phiên dịch trường kỳ gian khổ đã làm tinh lực của Huyền Trang suy kiệt. Tháng 2 năm 664 nhà lữ hành vĩ đại, nhà phiên dịch kiệt xuất đã viên tịch  tại Ngọc Hoa tự ở ngoại ô Trường An. Cùng với việc dịch thuật kinh Phật, Huyền Trang còn là đồng tác giả của cuốn “Đại Đường Tây vực ký” (3). Hiện nay, cuốn sách này đã được phiên dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, trở thành bộ sách nổi tiếng. Tiểu thuyết “Tây du ký” quen biết với đông đảo người hâm mộ đã lấy nhiều chuyện từ cuốn sách này.

 

Chú thích:

(1)  Tam tạng: dịch nghĩa chữ Phạn TriPitaka, gọi chung kinh điển Phật giáo.

(2)  Trụ trì: chức tăng Phật giáo, ý nói bảo vệ Phật pháp, được sử dụng từ thời Nam Bắc triều.

(3)  “Đại Đường tây vực ký”: ghi chép lại nhiều chuyện  của hơn một trăm các nước và khu vực từ Tân Cương tới Ap-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Ấn Độ, Băng-la-đét, Nê-pan, Xri Lan-ca,…. Một tài liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử và địa lý khu vực này.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here