Tiết Nhân Quý là một vị tướng  nổi tiếng ở triều Đường do tài năng, dũng mãnh, thiện chiến. Theo truyền thuyết, hễ là kẻ địch, chỉ nghe tên Tiết Nhân Quý đã vô cùng hoảng sợ, chỉ có một cách là cao chạy xa bay.

Từ nhỏ, Tiết Nhân Quý đã là người vô cùng thông minh, tập văn luyện võ, gian khổ mà học, tinh thông mười tám ban võ nghệ, luyện được bản lĩnh phi phàm đặc biệt là tài bắn tên. Ngay từ khi ấy, người ta đã nói về ông: “Tiết Nhân Quý không phải là người bình thường, trong tương lai, nhất định ông ta sẽ trở thành một trụ cột của quốc gia”.

Từ nhỏ, Tiết Nhân Quý là người có chí hướng cao xa, luôn hy vọng sẽ có ngày trở nên xuất chúng. Nhưng tiếc thay, ông xuất thân nghèo khổ mà xã hội khi ấy vẫn coi trọng những người xuất thân con nhà gia thế, ông chưa có cơ hội để thi thố tài năng, đành phải sống âm thầm nơi thôn dã.

Một hôm, ông nói với vợ:

– Bà xem tôi giờ đây, ngày ngày vẫn cắm cúi bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cứ thế này thì vĩnh viễn chẳng bao giờ ngóc đầu lên được. Có lẽ do mồ mả các cụ xưa đặt ở nơi phong thủy không tốt. Chi bằng giờ chúng ta thay đổi chỗ đặt mồ mả đi, tìm nơi nào có phong thủy tốt mà đặt.

Vợ ông là bà Liễu Kim Hoa, một người đàn bà hiền hậu, hiểu lễ nghi, phép tắc nói:

– Bản thân ông có năng lực, sớm muộn cũng có lúc được thi thố. Ông giờ đây chưa thành đạt chẳng qua do chưa gặp cơ hội thôi. Chuyện này với chuyện mồ mả đâu có quan hệ gì với nhau?

Ít lâu sau, Đường Thái Tông chuẩn bị mang quân đi đánh dẹp nên tìm người tài trong toàn dân. Liễu Kim Hoa nói với chồng:

– Ông võ nghệ cao cường, dũng lực hơn người, nếu rong ruổi nơi sa trường tất có ngày làm nên sự nghiệp. Bây giờ Hoàng đế đang tìm tướng tài, chính là cơ hội của ông đấy!

Tiết Nhân Quý thấy lời vợ nói rất có lý bèn nghe lời vợ, tham gia vào đội quân của vị tướng  Trương Sĩ Quý (1). Từ đó, ông bắt đầu bước vào cuộc sống chinh chiến.

Bước vào quân ngũ, ông đã bộc lộ tài năng xuất sắc. Một lần trong chiến đấu, một bộ hạ của Trương Sĩ Quý bị kẻ địch vây hãm, rõ ràng là tính mệnh ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng do kẻ địch quá đông, không có người nào dám tới giải vây. Khi ấy, Tiết Nhân Quý đang trên lưng ngựa, không cần nói tới lời thứ hai, xông thẳng vào kẻ địch. Với một cây thương trong tay, ông đánh ngã tướng  địch rồi tiện tay, cắt ngay thủ cấp của nó. Binh lính địch thấy chủ tướng  bị giết, đua nhau đầu hàng, vị tướng  đang bị vây hãm được giải cứu. Sau việc này sự dũng mãnh của Tiết Nhân Quý nổi tiếng khắp nơi, tên tuổi của ông bắt đầu được người ta nhắc đến.

Năm 645, Đường Thái Tông thân chinh ra trận đánh Cao Lệ, Tiết Nhân Quý cũng được đứng trong đội ngũ này. Quân Đường ngày đêm hành quân tới Liêu Đông. Đường Thái Tông quyết định trước tiên sẽ tiến công thành An Thị (nay là thành Nam Doanh, huyện Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh). Cao Lệ cử tướng  Cao Diên Thọ, Cao Huệ Trinh mang 25 vạn đại quân ra nghênh chiến. Cao Diên Thọ, Cao Huệ Trinh đều là những tướng  nổi tiếng của Cao Lệ, họ dựa vào thế núi cao, đất hiểm yếu để phòng thủ trước sức tiến công của quân Đường. Đường Thái Tông quyết định các tướng  lĩnh chia quân ra nhiều hướng tiến công, nhưng tinh thần quân lính Cao Lệ rất dũng mãnh, sau mấy lần lâm trận, quân Đường đều phải rút lui. Điều này khiến Đường Thái Tông vô cùng tức giận, không thể yên tâm.

Giữa lúc đó, có một người mặc bộ y phục màu trắng, trên tay cầm một thanh họa kích cưỡi trên lưng ngựa xông thẳng vào kẻ địch. Chỉ nghe một tiếng thét lớn, vị tướng  đó đã lao vào trận, tả xung hữu đột, họa kích vung tới đâu, người chết, ngựa ngã tới đấy, kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp trở tay. Quân địch trước vẻ dũng mãnh của vị tướng , lại thấy vô số người chết, người bị thương bỗng trở nên hỗn loạn. Chúng đua nhau bỏ chạy, không một ai dám dừng lại cản bước vị tướng  triều Đường. Nhìn thấy cảnh ấy. Đường Thái Tông lập tức cho quân tiến theo hỗ trợ. Kết quả quân Cao Lệ tan tác, quân Đường giành toàn thắng.

Đường Thái Tông rất vui vẻ, liền cử người đi tìm hiểu:

– Vị tướng  mặc y phục màu trắng kia là ai vậy?

Một lát sau, người được cử đi quay lại, báo:

– Vị tướng  đó chính là Tiết Nhân Quý.

Thái Tông lập tức cho triệu Tiết Nhân Quý, phong cho ông là Du kích tướng  quân. Sau cuộc Đông chinh trở về, Thái Tông lại một lần nữa triệu kiến Tiết Nhân Quý, thân mật nói với ông:

– Các tướng  lĩnh trước đây ở thời Tùy đều đã nhiều tuổi, ta đã sớm nghĩ đến việc trọng dụng các tướng  lĩnh trẻ có tài năng và anh dũng. Nhà ngươi là một nhân tài trong sự lựa chọn của ta. Lần xuất chinh tới Liêu Đông này, cái được lớn nhất của ta không phải là giành được một phần đất đai Liêu Đông mà là phát hiện ra ngươi!

Nói rồi, thăng Tiết Nhân Quý làm Hữu lãnh quân Trung lang tướng .

Không lâu sau, Đường Thái Tông bị bệnh mất, Đường Cao Tông nối ngôi, Tiết Nhân Quý càng được coi trọng, một phần do ông đã có ông lớn thời kỳ Đường Thái Tông trị vì nhưng còn có nguyên nhân do một câu chuyện khác.

Năm 654, Hoàng đế Cao Tông tới ngỉ ở cung Vạn Niên  (2) phía bắc thành Trường An. Tối hôm đó, đột nhiên có lũ lớn. Nước lũ từ cửa Huyền Vũ đổ thẳng vào cung Vạn Niên. Thị vệ trong cung đều hoảng sợ thất sắc, chỉ lo giữ lấy mạng mình, quên mất Hoàng đế Cao Tông đang ở trong cung. Thấy cảnh này, Tiết Nhân Quý vô cùng tức giận, ông lớn tiếng mắng nhiếc các thị vệ chỉ quan tâm tới tính mạng của mình, khiển trách họ:

– Bây giờ là lúc Hoàng đế đang gặp nguy hiểm, chúng ta phải coi Hoàng đế là trọng, làm sao có thể chỉ biết giữ cái mạng của mình?

Sau đó, ông chạy về phía Hoàng cung, vừa la lớn: “Nước lũ tới!” vừa chỉ huy thị vệ cứu Cao Tông. Cao Tông đang trong tẩm cung, nghe thấy tiếng Tiết Nhân Quý vội chạy ra khỏi đó. Họ tìm được một nơi đất cao để nhà vua tránh thì vừa lúc đó, nước lũ tràn vào tẩm cung. Cao Tông rất cảm kích trước thái độ của Tiết Nhân Quý, nói với ông:

– Mệnh của ta là do ái khanh cứu, giờ ta mới biết vẫn còn có trung thần!

Rồi thưởng cho Tiết Nhân Quý một con ngự mã. Từ đó về sau, Cao Tông có cách xem trọng ông khác thường.

Thời Cao Tông tại vị, người Thiết Lặc (3) và triều Đường phát sinh mâu thuẫn.Tiết Nhân Quý nhận lệnh hiệp trợ cùng Tổng quản Trịnh Nhân Thái mang quân chinh phạt Thiết Lặc. Trước khi xuất quân, Cao Tông mở tiệc tống hành. Trong buổi tiệc, Cao Tông nói với Tiết Nhân Tuấn:

– Thời cổ, người thiện xạ có thể bắn tên xuyên qua giáp, bây giờ, ngươi hãy thử bắn một mũi tên để ta xem.

Tiết Nhân Quý lấy một mũi tên, bắn xuyên một lỗ thủng trên áo giáp đồng. Hoàng đế Cao Tông vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh và kỹ thuật bắn tên bèn thưởng cho ông một bộ giáp trụ tốt nhất.

Sau đó, Tiết Nhân Quý mang quân đánh dẹp Thiết Lặc. Thiết Lặc lúc ấy có hơn mười vạn quân, họ cậy số lượng quân lính đông đảo lại tổ chức nhiều đơn vị kỵ binh thiện chiến đánh với quân Đường. Một mình Tiết Nhân Quý cưỡi ngựa ứng chiến. Lính Thiệt Lặc vốn đã không coi ai ra gì. Tiết Nhân Quý không nói tới lần thứ hai, giương cung bắn tên liền ba phát. Lính Thiệt Lặc chưa hiểu chuyện gì, chỉ nghe ba tiếng “phựt”, “phựt”, “phựt” đã thấy có ba người bị bắn hạ. Họ bị thuật bắn tên của Tiết Nhân Quý chinh phục bèn xuống ngựa đầu hàng. Sau đó, Tiết Nhân Quý lại mang quân chinh phục các nơi khác bắt được ba thủ lĩnh, bình định được vùng núi Thiên Sơn. Từ đó, Thiết Lặc tự suy yếu, không còn là mối đe dọa với triều Đường. Bộ hạ của ông vô cùng khâm phục võ nghệ và thuật bắn tên của Tiết Nhân Quý, có bài ca: “Tướng  quân tam tiễn định Thiên Sơn, Tráng sĩ trường ca nhập Hán quan.” Đây chính là lời ca khiến uy danh Tiết Nhân Quý vang khắp thiên hạ.

Sau đó, Tiết Nhân Quý lại chuyển sang cuộc chiến Nam Bắc, tuy đã từng thua trận bị biếm, nhưng uy danh của ông vẫn không suy giảm. Đến năm hơn sáu mươi tuổi, Đường Cao Tông lại cử ông đi đánh Đột Quyết. Trước khi hai bên vào trận, quân Đột Quyết hỏi:

– Tướng  quân Đường là ai?

Quân Đường bảo với họ:

– Là Tiết Nhân Quý.

Quân Đột Quyết không tin, nói:

– Bọn ta nghe nói Tiết Nhân Quý đã bị biếm và chết rồi, sao có thể ở đây?

Tiết Nhân Quý xuất hiện. Quân Đột Quyết thấy quả thực là Tiết Nhân Quý hoảng sợ thất sắc, đua nhau xuống ngựa, tới trước mặt Tiết Nhân Quý vài lạy rồi từ từ rút quân.

 

Chú thích:

(1)   Trương Sĩ Quý: người Lư Thị châu Đường Nghiêu (nay thuộc Hà Nam), từng được phong Nghiêu quốc công.

(2)   Vạn niên cung: tức Cửu thành cung, được xây dựng từ đời Tùy, trùng tu vào đời Đường.

(3)   Thiết Lặc: một bộ lạc du mục nói tiếng Đột Quyết, thời Tùy Đường, các bộ lạc Thiết Lặc chủ yếu sinh sống ở vùng nay là Thiên Sơn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here