Khi nổi dậy ở Thái Nguyên, Đường Cao Tổ Lý Uyên vốn cũng còn đắn đo, may mà có người con trai thứ hai là Lý Thế Dân kiên quyết, có cách để buộc cha phải đi vào con đường chống lại nhà Tùy.
Sau đó năm sáu năm, Lý Thế Dân chinh chiến ở phía đông, nhiều lần lập công. Có thể nói, thiên hạ của Đại Đường quá nửa là do Lý Thế Dân giành được. Một nguyên nhân tạo nên kết quả này là do các nhân vật tài năng kiệt xuất của triều đình nhà Đường, văn như Trưởng Tôn Vô Kỵ, Đỗ Như Hối, Phòng Huyền Linh, võ như Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo, Từ Thế Huân, Lý Tĩnh, phần lớn đều tập hợp dưới trướng của Lý Thế Dân, thế lực của ông ta trong triều đình khó có ai sánh nổi.
Người xưa nói rằng: công cao làm chủ. Lý Uyên không phải không biết thực lực của Lý Thế Dân, cũng đã nhiều lần nói với Lý Thế Dân muốn lập ông làm Thái tử, nhưng đều bị Lý Thế Dân cự tuyệt. Lý Thế Dân không những sợ làm việc này sẽ gây họa mà còn do ngay từ khi mới xưng đế, Lý Uyên đã theo truyền thống của lễ giáo phong kiến lập con trưởng là Lý Kiến Thành làm Thái tử. Bản thân Lý Thế Dân đã được phong là Tần vương, chỉ sợ phế trưởng lập thứ sẽ mang tội với ngàn năm.
Nhưng Lý Kiến Thành dù đã làm Thái tử vẫn không nghĩ như thế. Lý Kiến Thành tuy cũng dụng binh, cũng đánh trận, nhưng công lao còn xa mới có thể so với Lý Thế Dân. Trước mọi người, thấy không thể bằng người em thứ hai của mình, ông ta nghĩ: trước mắt vua cha còn khỏe mạnh, còn có thể dựa vào thân phận Thái tử để áp đảo Lý Thế Dân, nhưng vạn nhất khi Lý Uyên tạ thế, ngôi Hoàng đế mất hay còn là điều chưa thể biết trước. Vì thế, ông ta trăm phương nghìn kế củng cố thế lực bản thân, tìm mọi cách để cũng cố con đường dẫn tới ngai vàng của mình.
Lý Kiến Thành đã có một trợ thủ đắc lực là người em thứ ba cùng có dã tâm như thế, đó là Lý Nguyên Cát để đối phó với Lý Thế Dân. Ông ta còn lôi kéo các hoàng thân quốc thích, nắm vững lực lượng ở khu vực Trường An đặc biệt là những người nắm đại quyền chỉ huy quân đội trong cung đình, hình thành một lực lượng có thể chống lại Lý Thế Dân.
Dưới con mắt Lý Kiến Thành, nay Lý Uyên là Hoàng đế triều Đường, nhưng so với khi làm Lưu thủ ở Thái Nguyên, ông ngày càng trở nên thiếu năng lực, suốt ngày ở trong nội cung, vui thú cùng phi tần. Thành bèn gần gũi, nịnh bợ những người được Lý Uyên yêu mến, nhờ họ nói thêm vào với Lý Uyên nhằm hạ thấp uy tín của Lý Thế Dân.
Một số quý phi vốn không mấy thiện cảm với Lý Thế Dân. Mục đích cuộc sống của họ chẳng qua chỉ là kéo dài thời gian được Hoàng thượng yêu mến để được thêm vàng bạc châu báu, giành thêm quyền lợi cho những người thân thích. Nhưng Lý Thế Dân mải lo việc lớn, không mấy khi quan tâm tới yêu cầu này của họ. Khi Lý Thế Dân tiến về đánh chiếm Trường An, các quý phi cho rằng Tần vương nhất định đã vơ vét được rất nhiều châu ngọc từ đại uyển của Tùy Dạng Đế, đua nhau muốn được ban tặng. Tần vương đã trả lời họ:
– Tất cả những đồ châu ngọc đó đã ghi vào sổ sách nhập quốc khố, ta không thể cho được.
Lời của Tần vương đã khiến các quý phi vô cùng thất vọng. Giờ đây, họ sẽ cùng với Lý Kiến Thành phối hợp bắt đầu cuộc tiến công vào Tần vương.
Có lần, Lý Thế Dân thấy Hoài An vương Lý Thần Thông lập công, đem một ít đất đai ban thưởng. Đúng lúc ấy, phần đất này cũng được ban thưởng cho cha của Trương Tiệp Hảo. Hảo bèn khóc, nói với Lý Uyên:
– Ngài ban đất ấy cho cha tôi, Tần vương lại mang cho Lý Thần Thông, không biết quyền của Hoàng đế lớn hay quyền của Tần vương lớn?
Biết chuyện, Lý Uyên mắng cho Lý Thế Dân một hồi.
Lý Kiến Thành trăm phương nghìn kế lấy lòng Lý Uyên và gây hiềm khích giữa Lý Uyên với Lý Thế Dân để hãm hại Lý Thế Dân. Thành muốn giá như Lý Thế Dân chết vì bất cứ lý do nào, vua cha cũng không trách cứ gì mà chỉ thêm tin cậy Thái tử mà thôi.
Mùa thu năm ấy, theo lệ thường, hoàng tộc tổ chức cuộc săn. Thái tử cùng Tần vương, Tề vương đi săn cùng với Lý Uyên. Khi cuộc săn bắt đầu, Lý Uyên lệnh cho ba hoàng tử thi cưỡi ngựa bắn cung. Lý Kiến Thành chỉ con ngựa Hồ của mình, nói với Lý Thế Dân:
– Con ngựa này có thể nhảy vượt qua khe núi, nhị đệ là mã thượng anh hùng, thử cưỡi xem sao!
Lý Thế Dân không nghi ngờ gì, nhảy lên lưng ngựa đuổi hươu. Ai ngờ con ngựa Hồ vô cùng bướng bỉnh, vừa chạy được một đoạn ngắn đã nổi tính hoang dã, Lý Thế Dân chỉ còn cách bám chặt lấy lưng nó. Bỗng chốc, con ngựa đột ngột khuỵu chân trước xuống, khiến Lý Thế Dân ngã ngựa rơi xuống đất. Sau mấy lần như thế, cuối cùng, Lý Thế Dân cũng nhận ra ý đồ độc ác của Lý Kiến Thành, ông quay lại, nói với mọi người:
– Đây rõ là ý muốn hại ta. May là sống chết có số, không ai có thể thay đổi được!
Lời nói này đến tai Lý Kiến Dân, ông ta lập tức nói với các quý phi của Lý Uyên nhằm nói xấu Lý Thế Dân, thêm mắm thêm muối vào, nói rằng Tần vương nói mình có chân mệnh Thiên tử, sau tất sẽ làm Hoàng thượng. Lý Uyên nghe được cả giận, muốn đem Lý Thế Dân ra trị tội. May là đúng lúc đó quân Đột Quyết xâm lược, Lý Uyên cần Tần vương ra trận đợi sau đó mới làm việc luận công tội. Sau việc này, ý đồ xấu xa của Lý Kiến Dân càng lộ rõ. Thậm chí, trong một lần mời Lý Thế Dân uống rượu, rượu Kiến Dân đã bỏ độc dược. May mà Lý Thần Thông có mặt hôm đó đã kịp thời đưa Lý Thế Dân về Tây cung cứu chữa mới qua khỏi tai họa. Sau lần này, xung đột giữa ba hoàng tử với Lý Thế Dân đã tới mức không đội trời chung. Lý Kiến Thành buộc phải xin Lý Uyên: do Lý Nguyên Cát mang quân đi đánh Đột Quyết, cần điều Uất Trì Kính Đức cùng các bộ hạ của Tần vương đi hỗ trợ khiến lực lượng của Lý Thế Dân yếu đi, âm mưu đưa Lý Thế Dân và những người thân tín vào con đường cùng. Nghe tin này, Lý Thế Dân còn đang hồ nghi, nhưng Uất Trì Kính Đức không thể nín nhịn đã cùng với Trưởng Tôn Vô Kỵ tới gặp Lý Thế Dân nói rõ đầu đuôi, muốn ra tay trước tiêu diệt Lý Kiến Thành, Nguyên Cát để họ không còn ở Trường An hòng gây họa. Đến lúc này, Lý Thế Dân không còn đường lui, đành phải quyết tâm loại bỏ hai hoàng tử anh em.
Ngày hôm sau, Lý Thế Dân vào cung tố cáo với Lý Uyên việc Lý Kiến Thành và Nguyên Cát câu kết với phi tần tìm cách hãm hại mình. Lý Uyên rất ngạc nhiên, quyết định ngày hôm sau sẽ gặp cả ba hoàng tử để cùng đối chất. Đêm đó, cả hai bên đều chuẩn bị cho cuộc tử chiến. Sáng sớm hôm sau, Lý Kiến Thành cùng với Nguyên Cát vào cung qua cửa Huyền Vũ (3), họ yên tâm cứ thẳng đường mà đi không cần đề phòng gì. Tới trước cửa Huyền Vũ, hai người mới phát hiện có sự bất thường, cửa vắng tanh vắng ngắt, không thấy bộ hạ của mình, cả hai vội quay lại. Lý Thế Dân đã sớm có sự chuẩn bị, lớn tiếng quát:
– Điện hạ không được quay lại! Sao lại không vào cung?
Nguyên Cát muốn giương cung, nhưng mấy lần giương đều không được. Lý Thế dân giương cung, một phát tên đã khiến Lý Kiến Thành ngã ngựa, không nói được lời nào. Từ xa Uất Trì Kiến Đức đã mang 70 lính chạy tới, chỉ nghe tiếng cung tên va chạm, ngựa của Nguyên Cát cũng trúng tên. Lý Thế Dân thúc ngựa đuổi theo Nguyên Cát vào trong rừng nhưng bị một cành cây cản lại, ngã xuống ngựa. Nguyên Cát may mắn, phi thân về phía trước, thoát khỏi mũi tên của Lý Thế Dân. Nói thì chậm, việc thì nhanh, Uất Trị Kính Đức phi ngựa tới, giương cung lắp tên, một mũi tên làm Nguyên Cát chết ngay tại chỗ. Lúc đó quân của Kiến Thành và Nguyên Cát cùng quân Lý Thế Dân giao tranh quyết liệt. Khi Uất Trì Kính Đức mang thủ cấp của Kiến Thành và Nguyên Cát tới, quân lính đang bao vây Tần vương mới biết mọi việc đã xong xuôi. Lý Uyên và các đại thần còn đang ở trong cung trò chuyện với các phi tần. Bỗng Uất Trì Kính Đức mang nguyên giáp trụ bước vào, quân hầu thấy ông mang trường mâu, vội hỏi:
– Ngươi vào cung làm gì?
Uất Trì Kính Đức nói to:
– Bệ hạ, Thái tử cùng Tề vương khởi binh làm loạn, Tần vương cử hạ thần tới bảo vệ Hoàng cung.
Khi hỏi tới Thái tử và Tề vương, Lý Uyên mới biết hai người đã bị giết. Không biết làm thế nào, Lý Uyên hỏi các đại thần cách xử lý.
Các đại thần nghe nói Thái tử đã chết, trước mắt, Uất Trì Kính Đức đang mang mâu, đành phải khuyên Lý Uyên lập Tần vương làm Thái tử. Lý Uyên đành nghe theo, hạ lệnh từ nay mọi việc quốc gia đại sự đều do Thái tử Lý Thế Dân xử lý. Mấy tháng sau, Lý Uyên thoái vị làm Thái thượng hoàng (4).
Sau khi lên ngôi, Lý Thế Dân đổi niên hiệu là Trinh Quán mở đầu triều đại Đường Thái Tông ra đời từ sự biến Huyền Vũ môn.
Chú thích:
(1) Tiệp Hảo: tên nội cung, lập từ đời Tây Hán Vũ Đế.
(2) Uất Trì Kính Đức (585 – 658): người Thiện Dương, châu Đường Sóc (nay là Sóc Châu, Sơn Tây), tham gia sự biến Huyền Vũ Môn, sau được phong Ngô quốc công.
(3) Huyền Vũ môn: tên cửa vào cung ở phía bắc, có từ đời Tùy.
(4) Thái thượng hoàng: tôn xưng cha của Hoàng đế sau khi truyền ngôi cho Thái tử.
Có 1 đoạn đã viết tên “Kiến Thành” là “Kiến Dân”, Thầy giáo xem và sửa lại.
Cần sửa lại tên ở phần này “Lời nói này đến tai Lý Kiến Dân, ông ta lập tức nói với các quý phi của Lý Uyên nhằm nói xấu Lý Thế Dân.”
Hay quá xem lại diễn biến có chi tiết hơn