Để củng cố sự thống trị của mình, Chu Vũ Vương đã thực hành chế độ phân phong, tức là phong cho những người thân thích, bạn bè, người có công cai quản đất đai làm chư hầu. Các chư hầu được phân phong có quân đội và dân chúng, nhưng đều dưới quyền vua Chu, được điều động và thưởng phạt, định kỳ phải triều cống, chúc mừng vua Chu.
Năm thứ hai sau khi diệt Thương, Vũ Vương lâm trọng bệnh, Chu Công lo lắng, ông đem ngọc bích dâng thần linh là các tiên vương triều Chu, cầu khấn:
– Con cháu của các vị, anh trưởng Cơ Phát của tôi là trụ cột của sự nghiệp nhà Chu. Ông đã vất vả sinh bệnh, không biết các vị có điều gì trách cứ ông, tôi xin thay anh tôi nhận lần này.
Cuối cùng Chu Công lòng thành nguyện chết thay, đổi lấy sinh mệnh của Vũ Vương. Khi Vũ Vương chết, giao cả thái tử Cơ Tụng còn thơ ấu và mọi việc của đất nước cho Chu Công. Sau khi an tang Vũ Vương, Chu Công lập Cơ Tụng làm thiên tử, đó là Chu Thành Vương. Vì Thành Vương còn ít tuổi, mọi việc lớn nhỏ của đất nước đều do Chu Công sắp xếp.
Chu Công là người thông minh, tài hoa xuất chúng, mọi việc lớn nhỏ trong cung đều được Văn Vương dạy dỗ, ngoài ra khi còn sống, Vũ Vương và ông hòa hợp, tình cảm sâu sắc cho nên bây giờ với việc nước, không thể tùy tiện mà mười phần gắng sức. Để cai trị quốc gia, ông tìm mọi cách thu hút nhân tài, giúp ông mọi việc. Để tiếp đón người hiền, ông bận túi bụi: có một lần, Chu Công đang gội đầu (người xưa không cắt tóc, đầu thường để tóc rất dài, mỗi lần gội đầu rất vất vả), khi mới dội nước, người ở bên ngoài có việc khẩn cấp phải yết kiến, Chu Công cứ với cái đầu ướt ròng ròng ra tiếp khách, đến khi xong việc mới vào gội tiếp; gội được một nửa, lại có người đến xin yết kiến, ông lại vội mang cái đầu ướt ra tiếp khách. Liên tiếp mấy lần như thế mới gội được cái đầu sạch sẽ. Lại có lần, Chu Công đang ăn cơm, mới cho miếng thịt vào miệng, bên ngoài đã có khách tới thăm. Ông lập tức nhả miếng thịt ra rồi đi đón khách. Một bữa ăn mà ba lần khách đến, Chu Công phải ba lần nhả miếng thịt . Gia nhân thấy thế, bảo ông:
– Ngài sao không ăn xong rồi ra tiếp khách?
Chu Công lắc đầu, nói:
– Đây là khách quý tới thăm, đều có ý hay muốn nói. Ta tiếc là không thể nghe ngay lập tức, làm sao có thể thờ ơ với người ta?
Đây chính là lai lịch điển cố “Chu Công nhả thịt, thu phục thiên hạ”. Vì nghiệp lớn của nhà Chu, Chu Công quên ăn quên ngủ, dốc hết sức mình. Thế mà vẫn có người nói xấu sau lưng. Có lần người giúp việc nói với ông:
– Thưa ngài, nay ở bên ngoài có nhiều lời nói bậy, nói ngài độc đoán nắm quyền, chắc có ý xấu, muốn phế cháu đi để tự mình làm thiên tử.
Chu Công nghe nói, bình tĩnh hỏi lại:
– Những lời này là do ai nói?
– Chính là do anh thứ ba Quản Thúc và em thứ năm là Thái Thúc của ngài nói. Nay đến các lão thần như Khương Thái Công, Triệu Công cũng nửa tin nửa ngờ.
Gặp những lời gièm pha, Chu Công càng ra sức lo mọi việc lớn nhỏ của quốc gia, một mặt giái thích với mọi người. Ông nói với những trọng thần khai quốc Khương Thái Công và Triệu Công:
– Tiên Vương hằng mong muốn thiên hạ ngày càng thái bình, ổn định. Nay mới lập quốc, Vũ Vương lại mất sớm, Thành Vương còn nhỏ tuổi, nếu có sai sót gì, làm sao dám nhìn thấy liệt tổ liệt tông nữa! Tôi làm như thế này hoàn toàn là vì giang sơn của triều Chu, không có một chút tư lợi.
Khương Thái Công và Triệu Công nghe những lời giãi bày chân thành rất cảm động, không còn hoài nghi. Mọi người tận mắt thấy Chu Công tận tâm tận lực vì đại sự quốc gia, những lời bậy bạ của Quản Thúc, Thái Thúc cũng không được mọi người tin theo nữa.
Chỉ có Vũ Canh là con của vua Trụ còn muốn tìm cơ hội, cùng lôi kéo Quản Thúc và Thái Thúc, kêu gọi họ cùng mình làm phản, giành lấy thiên hạ. Ngoài ra cũng có một số người ở các nơi muốn chờ cơ hội dấy binh phản Chu. Chu Công biết được liền hạ lệnh đông chinh, dẹp loạn. Qua ba năm chiến tranh gian khổ, cuộc đông chinh cuối cùng giành thắng lợi, phản loạn bị dẹp yên, biên giới của triều Chu cũng được mở mang.
Khi Cơ Tụng trưởng thành, đó là Chu Thành Vương, Chu Công giao cho Thành Vương mọi việc của quốc gia, bản thân mình lui về cung kính đứng vào hàng các đại thần. Ông sợ Thành Vương không hiểu được sự gian nan vất vả khi lập nghiệp, viết thiên “Vô dật” nhắc nhở: “Cha mẹ lập nghiệp qua bao năm tháng , gặp bao gian lao vất vả; con cháu kiêu ngạo, chỉ trong khoảnh khắc có thể mất nước chết người. Là con cháu, phải hiểu rõ điều đó! Vua hiền Tổ Giáp của triều Thương để thuận lợi cho anh cả nối ngôi đã tự động dời xa cung đình, về chốn dân gian, hòa mình với cuộc sống của dân, trực tiếp hiểu được nỗi thống khổ của dân. Sau đó, khi ông lên ngôi, có thể bảo vệ dân, quan tâm đến người già trẻ con không nơi nương tựa. Cho nên ông ở ngôi 33 năm, triều Thương phồn vinh thịnh vượng. Tấm gương này ngươi phải học cho đến nơi”.
Chu Công dùng hành động của bản thân làm tấm gương cho đại thần các đời, ông chế định lễ nhạc, cũng là người mở đầu cho truyền thống văn hóa nhà nho của Trung Quốc.