Đào Uyên Minh (365 – 427), là nhà thơ nổi tiếng nhất thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều.
Ông sinh ra trong một danh gia vọng tộc ở huyện Sài Tang, quận Tầm Dương (tây nam Cửu Giang, Giang Tây ngày nay). Tổ phụ ông là Đào Khảm, một vị tướng nổi tiếng đầu đời Đông Tấn, Đô đốc 8 châu, trong tay nắm binh mã cả một vùng trung du sông Trường Giang, uy danh hiển hách một thời. Nhưng từ khi cha mất, gia đình Đào Uyên Minh trở nên sa sút.
Khi 29 tuổi, để phụng dưỡng cha mẹ, ông bắt đầu ra làm quan. Lúc đó, quyền thần của Đông Tấn là Lưu Dụ, người lập nên Lưu Tống đang giết hại công thần, chuẩn bị giành ngôi. Đào Uyên Minh cảm nhận cái gian nan của con đường làm quan nên từ quan trở về nhà, sống an nhàn qua ngày. Chỉ mới làm quan Huyện lệnh hơn tám mươi ngày, bị một đại nhân Đốc bưu tới kiểm tra, ông không vì năm thưng gạo mà chịu khom lưng uốn gối, vứt bỏ chức quan, đưa vợ về quê, làm một ẩn sĩ.
Không làm quan, Đào Uyên Minh không muốn lưu lại một chút bút tích nào, ông còn vui với cuộc sống tự do tự tại như con chim mới thoát khỏi cái lồng chật hẹp. Ông ở trong một căn nhà cỏ có tám, chin gian, cày ruộng hơn chục mẫu. Trước căn nhà tranh, có một vườn cây nhỏ, mùa xuân, hoa đào, hoa lê cùng nhau đua nở để con người thưởng lãm. Quanh nhà có nhiều cây tùng và liễu, che cái nắng gay gắt của ngày hè, khiến con người sống trong khung cảnh mát mẻ. Mở cánh cửa sổ, thấy dải núi xanh ẩn hiện trong sương mù, nghe tiếng cá quẫy trên mặt hồ lặng sóng.. Cảnh sắc thật như thơ như họa, khiến ông ngây ngất. Mỗi ngày, ông uống rượu, làm thơ, sống cuộc đời an nhiên tự tại.
Thoáng chốc đã ba năm, đến mùa hạ năm 408, cuộc sống của ông có một thay đổi lớn lao. Một trận hỏa hoạn đã thiêu cháy toàn bộ cơ nghiệp của ông, từ đó, gia cảnh không còn được như trước. Ruộng đất ít ỏi, không có tiền thuê mướn nhân công, cả nhà đành phải bỏ công tự lo việc canh tác. Để có đủ lương thực, gia đình thường phải khẩn hoang. Có lần, tới một vùng đất mới, chỉ thấy những cái giếng cũ còn sót lại, xương cốt rải đầy đất. Người con lớn hỏi cha:
– Cha ơi, đây là nơi nào vậy?
– Đây là chiến trường nơi Lưu Dụ và Hoàn Huyền giao tranh. Đào Uyên Minh đáp.
Người con lại hỏi:
– Đánh nhau như thế có chết nhiều người không? Rồi anh ta dùng cuốc đào vài chỗ, thấy xương cốt bị chôn vùi. Đứng bên cha, người con hỏi:
– Tại sao họ lại đánh nhau?
Điều người con hỏi, Đào Uyên Minh đã từng nhiều năm suy nghĩ. Tuy ông chưa có câu trả lời, nhưng trong lòng ông cũng đã hiểu ra phần nào. Thời thế bất an như hiện nay, xét đến cùng đều do tranh giành ngôi vua. Đó chính là nguồn gốc của chiến tranh. Ông thường nhìn trời ngắm đất ngẫm, nếu như có thể trở lại cái thời thượng cổ trong truyền thuyết, lương thực đầy đồng người thu hoạch không kịp, của rơi trên đường không có ai nhặt. Người người đều không ham lợi, tự làm tự ăn, ngày làm ngày nghỉ. Lúc đó, đời sống con người sẽ không còn phải như thế này. Ngẫm nghĩ mãi, trong óc Đào Uyên Minh hình thành bức tranh một xã hội hoàn mỹ.
Khi Đào Uyên Minh hơn năm mươi tuổi, cuối cùng sức tưởng tượng phong phú, ngọn bút viết nên những bài thơ vui cảnh điền viên ông đã tập hợp thành tập “Đào hoa nguyên ký”.
Trong “Đào hoa nguyên ký”, những con người trong xã hội được Đào Uyên Minh nói tới là nơi có cuộc sống an lạc, không có quan lại, không có tô thuế. Tất nhiên, đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng nó phản ánh mơ ước về cuộc sống bình đẳng với niềm tin an cư lạc nghiệp, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống gian khổ của nhân dân lao động, cho tới nay, vẫn còn có ý nghĩa.
Cuộc sống trong Đào hoa nguyên dù có tốt đẹp nhưng vẫn chỉ là cuộc sống trong mơ. Còn trong thực tế, gia đình nhà thơ phải chịu nhiều nghèo túng cay đắng.
Một hôm, trời vừa sáng, mặt trời ấm áp đang dần chiếu rọi khắp nơi, trước cửa nhà họ Đào xuất hiện một đám đông người ngựa. Hóa ra, quan Thích sử Giang Châu vừa tới nhậm chức tới thăm Đào Uyên Minh. Thích sử là thủ hạ của Lưu Dụ biết ông là nhà thơ, cháu nội của Tướng quân nổi tiếng hạ cố tới thăm. Thật là khó xử!
Qua hơn sáu mươi năm sống trong thiếu thốn, lại làm việc quá sức, ông đang ốm nặng phải nằm liệt giường. Dù không muốn ông cũng không thể ra cửa nghênh tiếp quan lớn. Nhờ đứa cháu dìu đỡ, ông miễn cưỡng ra gặp khách. Thích sử thấy căn nhà họ Đào tuềnh toàng, bốn phía trống huếch, không ngăn được lời than:
– Tiên sinh là nhà thơ nổi tiếng ở Giang Châu, không ngờ phải sống trong nghèo khó, nghe nói ông cày ruộng, trồng cây, việc gì cũng đã trải qua. Ta là quan phụ mẫu Giang Châu, không biết tới, thật là sơ xuất.
Đào Uyên Minh nghe nói, cười nhạt:
– Dân chúng Giang Châu liệu có mấy người được quan lớn tới thăm?
Thích sử chưa hiểu được cái hàm ý châm biếm của ông, vẫn cứ thao thao bất tuyệt. Vốn là quan lớn tới thăm với ý định mời ông ra làm quan. Đào Uyên Minh đã thẳng thừng cự tuyệt.
Sau khi nài ép nhiều lần vẫn không được, quan Thích sử không được vui vẻ. Thấy không thể làm gì hơn, quan lớn bảo người hầu mang rượu ngon, thịt béo tới:
– Có chút lễ mọn, kính mời tiên sinh nhận cho.
Lúc đó, cái cười nhạt trên miệng ông biến mất, ông làm sao có thể hợp tác với chính quyền Lưu Tống, làm sao có thể nhận được lễ vật của bọn tay sai Lưu Dụ? Ông chỉ tay ra cửa:
– Không được, các ông mang về đi!
Quan Thích sử cảm thấy vô cùng lúng túng, chưa bao giờ, hắn bị người ta miệt thị như thế. Nếu như bình thường, hắn đã nổi cơn thịnh nộ. Nhưng hôm nay, hắn tới vì muốn tỏ ra kính trọng Đào Uyên Minh, nếu sơ xuất trong cách cư xử, sẽ để lại tiếng xấu cho mình. Lặng đi một lát, quan Thích sử tự cáo lui:
– Tùy tiên sinh định liệu, bản quan cũng không ép. Ta về thôi!
– Tôi già cả, lại đang ốm, không thể tiễn xa. Đào Uyên Minh nói một câu chiếu lệ, rồi bảo đứa cháu dìu vào buồng trong.
Tháng 9 năm ấy, khi mùa thu tới, trong hương thanh cao của hoa cúc vàng, Đào Uyên Minh lặng lẽ từ giã cõi đời. “Thiên thu vạn thế hậu, Thùy tri vinh dư nhục?…” Đây là câu thơ cuối cùng ông đọc lên.
Theo di chúc của nhà thơ, tang lễ Đào Uyên Minh được tổ chức rất đơn giản, ông yên nghỉ trong mảnh vườn quen thuộc đã gắn bó bao năm.
Chú thích:
(1) Đào Khảm (259 – 334), Người Tầm Dương (nay là Cửu Giang, Giang Tây), từng làm Đốc bưu, Thái thú Vũ Xương, Thíc sử Quảng Châu.
(2) Lưu Dụ (363 – 422), người sáng lập Nam triều Tống, ở ngôi (420 – 422), người Bành Thành (Từ Châu, Giang Tô ngày nay).
(3) Đốc bưu: có từ thời Hán, quản việc thư tín, thay mặt Thái thú kiểm tra các huyện, truyền đạt giáo lệnh, …