Tiểu thư nhà Thái úy Hy Giám thời Đông Tấn tới tuổi cập kê (1), cô có sắc đẹp chẳng khác gì tiên nữ, Hy Giám yêu cô con gái như châu ngọc, bắt đầu suy nghĩ tới việc trăm năm cho con gái yêu.
Có người biết tâm tư của Hy Giám, bèn nói với ông ta:
– Nhà Vương Đạo có rất nhiều con trai, họ Vương lại là danh môn vọng tộc, sao không tới tìm rể hiền ở đó?
Lời khuyên lập tức được Hy Giám chú ý. Ông quyết định trước hết hãy cho người tới xem thử các chàng trai nhà họ Vương ra sao, rồi sẽ chọn một chàng trai vừa ý gả con gái cho anh ta.
Nhà họ Vương tiếp đãi người tới thăm rất trọng thị. Nghe nói mục đích cuộc thăm viếng, bèn gọi các chàng trai trong nhà, áo mũ chỉnh tề, tới căn phòng phía đông để nhà Hy Thái úy chọn người cho ái nữ.
Nghe nói để chọn người cho ái nữ nhà Hy Thái úy, anh nào cũng hào hứng, sao có thể bỏ lỡ cơ hội này? Ai cũng ăn mặc chải chuốt, dáng ngồi ngay ngắn chờ đợi mình gặp số đào hoa.
Duy có chàng trai tên Vương Hy Chi thờ ơ với việc này. Chàng không thay mũ thay áo, đến khuy áo cũng có cái chưa cài, lại còn nằm trên giường, hình như còn đang ăn cái gì đấy. Người của Hy Thái úy về nói với ông chuyện ấy. Hy Thái uý nghe rồi vội nói:
– Cái anh đang nằm trên giường ăn cái gì đó chính là rể hiền của ta đấy!
Đó là một trong rất nhiều câu chuyện về Thư thánh Vương Hy Chi.
Vương Hy Chi tự là Dật Thiếu, xuất thân trong gia đình đại quý tộc thời Đông Tấn. Năm 7 tuổi, ông đã theo học thư pháp Vệ phu nhân (2), một nhà thư pháp nổi tiếng khi ấy. Ông chăm chỉ luyện tập, thường quên ăn quên ngủ, nên tiến bộ rất nhanh, luôn được Vệ phu nhân khen ngợi. Nhưng Vương Hy Chi vẫn chưa vừa lòng, khát vọng vươn tới đỉnh cao luôn thôi thúc ông.
Một cơ hội ngẫu nhiên. Vương Hy Chi phát hiện cha có cuốn sách gối đầu bàn về thư pháp nổi tiếng “Bút thuyết”, bèn ngày ngày tìm cách đọc giấu cha. Người cha biết, hỏi ông vì sao đọc sách ấy, ông chỉ cười, không nói rõ lý do. Còn người mẹ, hiểu tâm tư của con, thường nói đỡ:
– Chắc con nó xem cách sử dụng bút chăng?
Người cha thấy Vương Hy Chi còn nhỏ, sợ học các kỹ xảo dùng bút sớm sẽ có hại, bèn nói:
– Đợi mai sau con lớn hơn, ta sẽ dạy con!
Vương Hy Chi quỳ xuống, xin cha:
– Con dù sao cũng đã đọc rồi! Đợi khi đã lớn sợ sẽ muộn mất!
Cha nghe con nói, thấy cũng hợp lý, rất vui vẻ, đưa sách cho con.
Sau một thời gian luyện rèn, quả nhiên thư pháp của Vương Hy Chi có tiến bộ vượt bậc. Vệ phu nhân đặt những chữ ông viết trước mặt, nói:
– Đứa trẻ này đã biết những kỹ xảo dùng bút rồi, tương lai nhất định sẽ hơn ta. Sợ rằng danh tiếng của ta rồi sẽ phai mờ thôi.
Một hôm, Vương Hy Chi vừa xong công việc, thay áo đi ra ngoài để tìm hiểu dân tình. Thấy bên đầu cầu có một quán trà, ông đi tới ngồi uống trà. Trên đường, người vẫn qua lại, chỉ thấy đầu phố có một ông cụ đang rao bán quạt, nhưng rao tới nửa ngày vẫn chẳng có ai mua.
Vương Hy Chi thấy rất lạ lùng, vì lúc này còn đang là mùa xuân. Ông mời ông lão tới bên bàn, mời uống trà rồi hỏi:
– Cụ ơi, bây giờ trời còn chưa nóng, sao cụ đã đi bán quạt?
Cụ già thở dài rồi than vãn:
– Ôi, đứa con lớn của tôi bị bắt đi làm lao dịch trên sông Tiền Đường, hai đứa con của nó để ở nhà nuôi, trong nhà còn bà lão đang ốm, cái ăn còn không có. Tôi đi bán mấy cái quạt này kiếm ít tiền, cũng là để kiếm miếng cơm thôi!
Nhìn ông lão áo quần rách rưới, tình cảnh thật đáng thương, lòng ông nặng trĩu khác thường. Ông hỏi:
– Một cái quạt này bán được bao nhiêu tiền?
– Năm đồng.
Vương Hy Chi mượn bút mực, viết trên mỗi cái quạt năm chữ. Viết xong, ông bảo cụ già:
– Giờ cụ nói chữ này do Vương Thạch Quân viết, mỗi cái cụ bán trăm đồng.
Nói xong, ông bỏ đi. Ông lão nửa tin nửa ngờ, đem bán thử, quả nhiên rất nhiều người tới mua quạt. Chẳng mấy chốc, số quạt đã hết nhẵn.
Hiện nay ở thành phố Thiệu Hưng, Chiết Giang còn có nơi đề “Phiến kiều”, tương truyền, đó là nơi Vương Hy Chi đã ngồi viết chữ trên quạt.
Về đến nhà, Vương Hy Chí khó có thể giữ được bình tĩnh, ông dâng một bức tấu chương lên Hoàng thượng, xin nhà vua giảm bớt những gánh nặng phu phen tạp dịch, giảm nhẹ những đóng góp của dân chúng. Tấm lòng lo cho đời, cho dân của ông không phải chỉ thể hiện trong câu chuyện này.
Cách thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang 12, 5 km có dãy núi Yên ngựa, tương truyền Việt vương Câu Tiễn đã từng trồng lan ở nơi đây, vì thế, nó được gọi là núi Lan Chử. Ở đây xanh ngắt một màu suối chảy róc rách, tùng trúc rậm rạp, vươn cao, cảnh như tranh vẽ, nơi mọi người thích tới nhất là Lan Đình, cũng là nơi các văn nhân nghệ sĩ thường tụ hội.
Một ngày mùa xuân, Vương Hy Chi cùng nhiều bạn nghệ sĩ tới Lan Đình dạo chơi. Mọi người ngồi hai bên dòng suối quanh co uốn khúc chơi trò “Khúc thủy lưu chương”. Vương Hy Chi cùng bè bạn thả một chén rượu trên dòng suối. Chén đựng đầy rượu từ từ trôi theo dòng nước, mỗi người phải làm một bài thơ trước khi chén rượu trôi qua trước mặt, ai viết không xong sẽ phải uống cạn chén rượu, đó chính là “phạt tửu nhất bôi”. Trò chơi vô cùng hứng thú.
Nào ngờ, chẳng mấy chốc, mặt trời đã khuất về phía tây. Cộng tất cả thơ đã viết được 37 bài. Có người đề nghị xếp 37 bài thơ ấy thành một tập, gọi là “Lan Đình tập”, lại cử Vương Hy Chi viết một bài tựa cho tập thơ này. Vương Hy Chi rất vui vẻ đồng ý. Ông lấy giấy tằm, sau một hồi suy nghĩ, dùng bút râu chuột viết thành. Đây chính là tác phẩm “Lan Đình tập tự” được lưu truyền từ xưa đến nay.
Văn phong của “Lan Đình tập tự linh diệu là một tác phẩm kiệt xuất trong tản văn thời cổ, về thư pháp, đó cũng là tác phẩm khó gì sánh được.
Lan Đình tập tự gồm 28 hành, 324 chữ, chữ thì khí phách hào hùng, chữ thì mềm mại uyển chuyển, trước đó và đương thời không ai sánh kịp, Hơn hai mơi chữ “chi”, mỗi chữ một kiểu, không chữ nào giống chữ nào. Về sau, khi người đời bình phẩm về thư pháp của tác phẩm này, đều cho rằng đây là đỉnh cao của lối hành thư, được coi là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”.
Tuy không phải là tranh vẽ, nhưng nó có đầy đủ phẩm chất của hội họa. Từ hàng nghìn năm, thư pháp của “Lan Đình tập tự” đã ảnh hưởng tới các bậc thầy của thư pháp từ đời này qua đời khác, tới nay , người ta xem nó là mẫu mực cao nhất của thư pháp.
Chú thích
(1) Thời cổ, con gái thành niên có lễ thành niên, cài trâm trên tóc nên gọi “cập kê”. Lễ tổ chức trước khi thành hôn. Con gái 20 tuổi chưa thành hôn cũng làm lễ này.
(2) Vệ phu nhân: (272 – 349), người An Ấp Hà Đông (tây nam Lâm Bồn, Sơn Tây ngày nay) thời Đông Tấn, vợ của Thích sử Giang Châu.
(3) Lan Đình tập tự: Lưu truyền trong dân gian, cuối cùng được Đường Thái Tông lưu giữ, sau được tùy tang khi vua mất.