Triều Tây Tấn thối nát và tranh giành quyền hành khiến cho dân chúng vô cùng khốn khổ, lại thêm thiên tai xảy ra liên miên, rất nhiều nơi con người không có thức ăn, buộc phải dời xa quê hương bản quán, trở thành dân lý tán khắp nơi. Những người nông dân này thường được gọi là “lưu dân”.

Năm 298, vùng Quan Trung xảy ra nạn đói lớn, mười mấy vạn dân sáu quận vùng Lạc Dương (nay là một vùng huyện Tần An, Cam Túc), Thiên Thủy bỏ đến đất Thục. Lý Đặc cùng anh em là Lý Tường và Lý Lưu, người tộc Thị cũng trong đám lưu dân ấy. Trên đường đi, có nhiều người chết vì đói, nhiều người ốm vì bệnh tật. Anh em Lý Đặc đã giúp đỡ họ nên được mọi người rất tôn trọng.

Ở Miên Trúc, Lý Đặc dựng một trại lớn, thu nạp các lưu dân. Chưa đầy một tháng, lưu dân tới ngày một đông, có tới khoảng hai vạn người. Người em là Lý Lưu cũng dựng một trại thu nạp được mấy nghìn người.

Sau khi  thu nạp được  lưu dân, Lý Đặc cử sứ giả Diễm Thức đi gặp La Thượng xin hoãn thời hạn trở về vùng đất cũ. Diễm Thức tới phủ Thứ sử Ích Châu gặp La Thượng, thấy ở đây đang xây dựng doanh trại, điều động người ngựa, biết họ có ý chưa tin cậy. Diễm Thức gặp La Thượng, nói rõ ý của mình. La Thượng nói với Diễm Thức:

– Ta đã cho phép lưu dân hoãn ngày trở về, ngươi hãy nói với họ như thế.

Diễm Thức nói với La Thượng:

– Ngài đã nghe người khác nói chưa đúng, sợ rằng họ có sự hiểu lầm. Tôi chỉ muốn nói với ngài, đừng có cái nhìn hẹp hòi với những lưu dân. Những con người này vốn nghèo đói, ngài đừng đẩy họ tới đường cùng, lúc đó họ sẽ có thể hành động xúc phạm tới ngài.

La Thượng vẫn bình thản, nói:

– Ta không lừa các ngươi đâu, cứ về nói với họ như thế.

Diễm Thức trở về Miên Trúc, đem những lời La Thượng nói lại với Lý Đặc, rồi thêm:

– La Thượng tuy nói như thế, nhưng chúng ta không thể tin lời ông ta, phải đề phòng ông ta tập kích.

Lý Đặc cũng hoài nghi lời của La Thượng, lập tức cho các lưu dân chuẩn bị vũ khí, bố trí phòng thủ, sẵn sàng chống lại cuộc tiến công của Lý Đặc.

Đêm hôm đó, quả nhiên La Thượng mang ba vạn bộ binh và kỵ binh tập kích doanh trại ở Miên Trúc. Tướng quân Tấn chờ hiệu lệnh cùng xông vào trại của lưu dân.

Khi ba vạn quân Tấn xông vào trại, chỉ nghe thấy bốn phương tám hướng chiêng trống nổi lên. Hóa ra trong trại, lưu dân đã mai phục sẵn, ai cũng trong tay sẵn trường thương hay đại đao, nhất tề xông ra, sức mạnh khó ai địch nổi, một có thể chống với mười, mười có thể chống với trăm. Quân Tấn không ngờ lưu dân đã chuẩn bị, hoảng loạn không còn sức chiến đấu, bị lưu dân tiến công bỏ cả khôi giáp, tháo chạy. Hai ba tướng quân Tấn bị lưu dân giết chết. Lưu dân biết tướng Tấn bị giết, chính quyền sẽ không để yên, bèn mời Lý Đặc đứng ra làm chỉ huy chung, lãnh đạo họ chuẩn bị chống lại quan phủ. Lý Đặc cùng thủ lĩnh của lưu dân 6 quận bàn bạc, mọi người cử Lý Đặc làm Trấn bắc đại tướng  quân, Lý Lưu làm Trấn đông tướng  quân, các thủ lĩnh lưu dân đều được cử làm tướng  lĩnh. Họ chỉnh đốn binh mã, tổ chức chặt chẽ, sau đó có mấy ngày đã hạ được phủ Quảng Hán ở gần đó, rồi thẳng tiến đến phủ Thái thú. Tiến tới Quảng Hán, Lý Đặc học theo Hán Cao Tổ Lưu Bang, tuyên bố Ước pháp tam chương (2), đánh vào kho lương của phủ quan, lấy lương thực chia cho người nghèo đói. Lưu dân tổ chức thành quân đội dưới sự lãnh đạo của Lý Đặc có kỷ luật nghiêm minh. Dân chúng đất Thục thường ngày đã chịu sự áp bức của quân Tấn, giờ đây khi quân của Lý Đặc tới, cuộc sống được ổn định xiết bao vui mừng. Dân gian truyền nhau câu ca dao: “Lý Đặc cứu dân, La Thượng giết người”.

La Thượng cử sứ giả tới gặp Lý Đặc xin hòa, âm mưu sẽ cấu kết với các thế lực cường hào bao vây rồi tiến công Lý Đặc. Trong cuộc chiến đấu, Lý Đặc thua trận, hy sinh. Con của ông là Lý Hùng tiếp tục chỉ huy lưu dân chiến đấu. Năm 304, Lý Hùng tự lập làm Thành Đô vương (3), hai năm sau, tự xưng Hoàng đế, quốc hiệu Đại Thành. Sau đó, khi Lý Thọ con của Lý Hùng ở ngôi đổi quốc hiệu là Hán, cho nên lịch sử gọi là Thành Hán.

Thành Hán là quốc gia đầu tiên của các dân tộc thiểu số thiết lập cuối đời Tấn. Sau đó, năm dân tộc Hung Nô, Tiên Ty, Kiệt, Thị, Khương cùng tộc Hán thành lập hơn mười quốc gia ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà. Tộc Hán thời cổ đại quen gọi các dân tộc thiểu số là người Hồ. Hơn chục quốc gia này trong đó có Thành Hán được gọi là Ngũ Hồ thập lục quốc.

 

Chú thích:

(1)   Thị tộc: Ân Chu tới Nam Bắc triều phân bố ở các vùng nay là Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên. Năm 111, Hán Vũ Đế diệt Thị vương, thiết lập quận Vũ Đô (phía tây và tây nam Cam Túc ngày nay). Sau đó, người Thị dần tiến về phía đông, sống cùng người Hán.

(2)    Ước pháp tam chương: Cuối đời Tần, khi Lưu Bang vào Quan Trung, tuyên bố “ước pháp tam chương” để an định dân chúng.

(3)   Thành Đô: thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên ngày nay.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here