Ở miền trung tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) có huyện Hoàng Lăng, huyện Hoàng Lăng ở phía bắc núi Kỳ Sơn, trên núi Kỳ Sơn có một ngôi mộ lớn. Đây chính là mộ của Hoàng Đế, theo truyền thuyết là tổ của dân tộc Trung Hoa. Người ta gọi đó là Hoàng Lăng, rồi lấy cái tên này đặt cho huyện , gọi là huyện Hoàng Lăng. Lăng Hoàng Đế to cao, đẹp đẽ, sách cổ đã từng ghi lại, nó “toạ sơn hoài thuỷ” “Kỳ sơn thế như kiều, Thư thuỷ hoàn nhiễu chi” (núi Kỳ như cây cầu bắc ngang, sông Thư vòng

quanh như còn vương vấn). Chu vi của Hoàng Lăng là dải núi nhấp nhô trên cao nguyên Thiểm Bắc, trên núi cổ thụ thành rừng, xanh tươi rậm rạp, cao vút sừng sững, như tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa lâu đời, kiên cường, từng trải. Lăng Hoàng Đế đã có từ đời Hán. Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên đã ghi lại: “Hoàng Đế chôn ở núi Kỳ ”. Bất cứ người Trung Hoa nào cũng đều coi Hoàng Đế là tổ tiên của mình, cũng như Lỗ Tấn đã từng coi Hoàng Đế là tượng trưng cho dân tộc vĩ đại. Trong một bài thơ của mình, ông đã viết “Tôi muốn lấy máu của mình dâng lên Hiên Viên” (1) Tân Trịnh tỉnh Hà Nam, nên Hiên Viên chỉ Hoàng Đế), chính là muốn nói phải dùng máu xương của mình để bảo vệ cho dân tộc Trung Hoa. Gần đây, mỗi khi đến tiết Thanh minh, nhân dân lại nô nức đến lăng Hoàng Đế để tỏ lòng thành kính, nhớ về ông tổ của dân tộc. Đồng bào Đài Loan và hải ngoại mỗi khi về Đại lục cũng đều đến đây để biểu thị lòng ngưỡng mộ của thế hệ sau với tổ tiên. Mọi người đều coi Hoàng Đế là tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa. Hơn năm nghìn năm đã trôi qua, hình tượng Hoàng Đế vẫn luôn khích lệ mỗi người con của dân tộc Trung Hoa thêm nhiều cống hiến cho nhân loại.

Về nhân vật kỳ lạ – Hoàng Đế

Theo quan điểm khoa học giải thích, có thể coi Hoàng Đế là một vị thủ lĩnh của liên minh bộ lạc vào thời kỳ cuối của công xã thị tộc phụ hệ. Lúc đó, mới chỉ là bộ lạc trong hoàn cảnh thị tộc tụ cư, quốc gia và giai cấp đều chưa có. Nơi bộ lạc của Hoàng Đế tụ cư lịch sử có những ghi chép khác nhau.

Có thuyết nói rằng, Hoàng Đế từng ở vùng núi uốn lượn quanh co thuộc huyện Trác Lộc tỉnh Hà Bắc, sử sách gọi là “Trác Lộc chi dã” (Trác Lộc hoang dã). Cũng có thuyết nói, bộ lạc của ông tụ cư ở vùng nam Tân Trịnh tỉnh Hà Nam ngày nay, gọi là “Hiên Viên chi khâu” (gò Hiên Viên). Điều đó nói lên rằng lúc bấy giờ con người chưa hoàn toàn định cư, các bộ lạc thường di chuyển, bộ lạc của Hoàng Đế nhìn chung cư trú ở vùng ven sông Hoàng Hà nay thuộc các tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam, Hà Bắc.

Trong truyền thuyết, Hoàng Đế là một nhân vật thông minh tài trí khác thường. Ông là người hiểu biết về thiên văn, là người đã chế định lịch pháp sớm nhất Trung Quốc, còn chế tạo được xe, thuyền và xe chỉ nam. Ông còn tinh thông y thuật, đã cùng với thần y Kỳ Bá nghiên cứu ra phương pháp chữa bệnh. Ông và Kỳ Bá từng có những buổi trò chuyện về y học, được người đời sau tổng kết trong “Hoàng Đế nội kinh”, tác phẩm y học sớm nhất của Trung Quốc. Vợ của Hoàng Đế là Luy Tổ cũng rất giỏi giang, bà đã dạy cho dân nuôi tằm, tổng kết những kinh nghiệm nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải. Từ đó, con người đã biết may áo, khâu mũ, khâu giày để có mọi thứ trang phục cần thiết, từ bỏ thói quen mặc bằng vỏ cây da thú thuở trước. Cuộc sống của người cổ đại rất cần nước, thường phải cư trú ở ven sông, chăn thú vật mà xa nơi có đồng cỏ, xa nơi có nước rất bất tiện. Hoàng Đế đã phát minh ra giếng, vì thế, con người có thể ở mở mang khai phá ở nơi xa dòng sông. Lúc đó, con người cũng chưa có nhà ở, thường làm tổ trong hang hoặc trên cây. Hoàng Đế đã dạy cho mọi người lấy gỗ, tre làm thành chỗ ở, trên có đòn, dưới có hiên, phòng được mưa gió. Các thủ hạ của Hoàng Đế đều là những người tài giỏi, mỗi người đều phát huy được những sở trường của mình. Thí dụ như nhà văn tự Thương Hiệt tạo chữ viết theo thể tượng hình, nhà âm nhạc Linh Luân chia âm thanh ra làm 12 âm giai, phối hợp thành nhạc khúc; Lệ Thủ tinh thông số học chế định ra các phép đo lường. Đương nhiên những phát minh này trong đó có rất nhiều yếu tố thần thoại. Thực ra bất kỳ một phát minh nào đều không phải do công lao của một hai người làm nên. Những ghi chép này của lịch sử chỉ phản ánh Hoàng Đế tổ tiên của chúng ta là một con người tài trí. Vì thế, các học giả từ thời cổ đại đã thừa nhận Hoàng Đế là thuỷ tổ của Hoa Hạ, mọi người đều cho nguồn gốc của văn minh là từ ông.

Hoàng Đế đánh Xuy Vưu

Khoảng bốn nghìn năm trước, trên lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang  có rất nhiều bộ lạc và thị tộc sinh sống. Ngoài bộ lạc của Hoàng Đế, còn có một bộ lạc khác mà thủ lĩnh là Viêm Đế từ rất sớm đã cư trú ở vùng gần Khương Thuỷ phía tây bắc nước ta. Có thuyết cho rằng Viêm Đế có quan hệ thân thuộc với Hoàng Đế. Nhưng trong khi bộ lạc của Viêm Đế dần suy vong thì bộ lạc của Hoàng Đế ngày càng hưng thịnh.

Lúc này có một thủ lĩnh tộc Cửu Lê gọi là Xuy Vưu vô cùng hung dữ. Truyền thuyết nói Xuy Vưu có 81 anh em, họ toàn là những mãnh thú, đầu đồng trán sắt, ăn toàn cát đá, hung dữ vô cùng. Họ còn chế tạo được đao kích và cung nỏ cùng nhiều loại binh khí khác, thường mang quân xâm chiếm các bộ lạc lân cận. Điều này chẳng qua là phản ánh bộ lạc Xuy Vưu đã sớm nắm được kỹ thuật chế tạo kim loại, vì thế, bộ lạc này có sự phát triển vượt bậc so với các bộ lạc khác.

Một lần, Xuy Vưu xâm chiếm vùng đất của Viêm Đế, Viêm Đế mang quân chống lại, nhưng Viêm Đế chưa phải là đối thủ của Xuy Vưu, bị Xuy Vưu đánh cho phải bỏ chạy khỏi nơi cư trú. Viêm Đế không còn cách nào phải đến Trác Lộc nhờ sự giúp đỡ của Hoàng Đế. Hoàng Đế từ lâu đã muốn diệt trừ tai hoạ bèn liên hợp với các bộ lạc khác chuẩn bị người ngựa, mở một trận quyết chiến với quân Xuy Vưu ở Trác Lộc (nay là Diên Khánh, Bắc Kinh).

Về trận đại chiến này, có rất nhiều thần thoại và truyền thuyết. Ngày thường, Hoàng Đế đã huấn luyện 6 loại mãnh thú , đến khi lâm trận, Hoàng Đế mang 6 loại mãnh thú ra giúp sức (có người cho rằng 6 loại mãnh thú này chẳng qua là tượng trưng cho 6 thị tộc liên minh cùng Hoàng Đế). Binh lính của Xuy Vưu tuy dũng mãnh nhưng gặp đội quân của Hoàng Đế không thể nào địch nổi đành bỏ chạy. Hoàng Đế mang quân thừa thắng đuổi theo, bỗng nhiên trời đất tối sầm, sương mù dày đặc, gió thổi cuồn cuộn, sấm chớp vang trời, quân của Hoàng Đế không làm sao đuổi theo được nữa. Vốn là Xuy Vưu đã nhờ “Phong bá vũ sư” giúp sức. Hoàng Đế cũng không chịu thua kém, nhờ Thiên Nữ giúp đỡ, chẳng bao lâu, trời quang mây tạnh, mưa gió lặng thinh, cuối cùng Xuy Vưu bị đánh bại. Cũng có thuyết nói rằng, Xuy Vưu đã dùng yêu thuật tạo ra một lớp sương mù dầy đặc, khiến cho quân của Hoàng Đế mất phương hướng. Hoàng Đế bèn nhờ xe chỉ nam hướng dẫn, đưa quân lính đuổi theo đến Sơn Đông, chém chết được Xuy Vưu, đem đầu của Xuy Vưu về chôn ở Trác Lộc. Vì thế, hiện nay ở huyện Trác Lộc đông nam của thành phố Trương Gia Khẩu còn có mộ của Xuy Vưu. 

1 BÌNH LUẬN

  1. cách đây 4600 năm Lạc Long Quân liên minh với Đế Lai đánh nhau với quân Mông cổ tại Hồ Động Đình bị thua. Đế Lai chết trận, Lạc Long Quân bỏ chạy đến Hà Tĩnh ngày nay hợp huyết với người ở đây thành người Ba Na ngày nay, người Ba Na di cư sang Lào rồi Sang Thái Lan rồi trở về Hòa Bình thành người Mường. Người Mường bị Hán Hóa thành người Kinh. Những người không chạy kịp theo Lạc Long Quân thì hợp huyết với người Mông cổ thành người Hoa. Những dân tộc ở các khu vực ngày nay là Vùng ĐÔng Á, Đông nam Á chỉ trừ người Hoa, Kinh, ra đều có thể coi là từ các dân tộc cũ hình thành từ thời xa xưa.

Trả lời Lifecare Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here