Tào Tháo đưa Hiến Đế đang cùng đường về Hứa Đô, ngày càng khống chế đại quyền triều chính, việc này làm phát sinh mâu thuẫn với Viên Thiệu. Viên Thiệu cho người nói với Thào Tháo:

– Hứa Đô là nơi ẩm ướt, không thích hợp để vua ở, chi bằng dời đô về Quyên Thành (phía đông huyện Bộc, Sơn Đông nay).

 Tào Tháo thoáng qua đã biết ý đồ của Viên Thiệu, không nghe theo. Viên Thiệu tự cho mình sức mạnh, chuẩn bị nuốt sống Tào Tháo, xem ra, một trận đại chiến khó mà tránh được.

Viên Thiệu cuối đời Hán, gia thế hiển hách, từ đời Cao Tổ trở xuống đến ông ta, bốn đời có 5 người làm đến “tam công”(1), môn sinh đệ tử của nhà họ Viên khắp cả thiên hạ. Viên Thiệu chuẩn bị mang 10 vạn quân xuống phía nam. Ông ta còn cho người khuyên Lưu Biểu(2) ở Kinh Châu cùng ông ta mang quân từ phía nam đánh  Tào Tháo. Lưu Biểu bên ngoài ra vẻ bằng lòng, nhưng thực tế án binh bất động. Viên Thiệu còn cho người đến Nhương Thành (huyện Đặng, Hà Nam nay), yêu cầu Trương Tú đánh thọc sườn vào Tào Tháo, nào ngờ trộm gà không thành, ngược lại đẩy Trương Tú đến đầu hàng Tào Tháo. Hai nước cờ của Viên Thiệu đều hỏng, không thể trì hoãn, Viên Thiệu ra lệnh tiến công Tào Tháo.

Tháng 2 năm 200, Viên Thiệu tập kết 10 vạn người ngựa, chuẩn bị vượt sông Hoàng Hà đánh thẳng vào Hứa Đô. Trước hết, Thiệu cho tướng Nhan Lương đánh Bạch Mã (phía đông huyện Hoạt, Hà Nam nay),  nhưng Nhan Lương xuất quân bất lợi, chết dưới đao của Quan Vũ (4), bộ tướng của Tào Tháo. Ý đồ đánh Bạch Mã của Viên Thiệu phá sản. Trong cơn giận dữ, Viên Thiệu lại lệnh cho tướng Văn Sửu mang quân xuất kích. Tào Tháo đã mai phục sẵn, lấy một số ít kỵ binh giành thắng lợi, Văn Sửu cũng chết. Qua hai trận chiến đấu, Viên Thiệu mất hai đại  tướng, đành phải dừng cuộc tiến công, cùng Tào Tháo giằng co. Lúc này, quân của Viên Thiệu có gần 10 vạn, quân Tào Tháo không  quá 3, 4 vạn, Viên Thiệu có lương thảo dồi dào, quân Tào lương thảo dần cạn.

Nếu giữ thế giằng co lâu dài, TàoTháo khó mà theo được. Viên Thiệu không      nghe theo lời can ngăn của Thư Thụ, muốn tốc chiến tốc thắng, liền cho quân chủ lực đến tiền tuyến Quan Độ hạ trại, chuẩn bị chờ tiến công vào quân Tào Tháo. 

Tào Tháo biết mình không thể trì hoãn, thúc đẩy đại quân tiến công Viên Thiệu. Hai bên giao tranh một trận, không phân thắng bại, Tào Tháo lập tức thay đổi chiến lược, củng cố trận địa chắc chắn. Binh lực Tào Tháo rất ít, lương thảo lại không đầy đủ, Tào Tháo rất lo lắng, đã định rút khỏi Hứa Đô. Mưu sĩ Tuân Ức cho rằng không được, một khi đã rút, chiến sự sẽ thay đổi khó lường, phải kiên trì giữ, chờ thời cơ. Tào Tháo suy đi tính lại, đồng ý với chủ trương của Tuân Ức.

Một ngày mùa đông, hậu phương của Viên Thiệu lại đưa rất nhiệu lương thảo đến tiền tuyến. Đại tướng Thuần Vu Quỳnh mang một vạn người ngựa đi hộ tống, dừng lại cách doanh trại của Viên Thiệu 40 dặm. Thư Thụ lại một lần nữa kiến nghị, cần tăng lính tuần tra xung quanh. Viên Thiệu vốn đã có thành kiến với ông ta, không chấp nhận kiến nghị của Thư Thụ.

Đúng vào lúc đó, mưu sĩ của Viên Thiệu là Hứa Du đầu hàng Tào Tháo, báo cáo với Tào Tháo những tình báo quân sự quan trọng, đề nghị Tào Tháo cho quân đánh vào nơi chứa lương của Viên Thiệu. Tào Tháo được những tin tức tình báo ấy vui sướng như điên, lệnh cho Tào Hồng ở lại giữ trại, tự mình mang 5000 quân tiến đánh.

Quân Tào lợi dụng đêm tối đến nơi chứa lương của Viên Thiệu, lập tức bao vây đoàn xe chở lương. Tào Tháo hét lên một tiếng, binh sĩ nhất tề phóng hỏa. Trong chớp mắt, gió thổi lửa cháy, lửa bốc ngút trời, quân hộ lương của Viên Thiệu đang ngủ chợt tỉnh giấc, thấy lửa cháy ngùn ngụt thì hỗn loạn. Thuần Vu Quỳnh thoáng nhìn, phát hiện số lượng quân Tào rất ít, lập tức chỉnh đốn đám loạn quân, mang quân ra ngoài giao chiến. Tào Tháo chỉ huy quân tiến công mãnh liệt, Thuần Vu Quỳnh chỉ biết rút về trại cố thủ.

Viên Thiệu nghe báo cáo Tào Tháo tiến công Thuần Vu Quỳnh, lập tức cử Cao Lãm, Trương Cáp đánh vào doanh trại của Táo Tháo. Trương Cáp cho rằng doanh trại của Tào Tháo kiên cố, khó mà đánh được, việc đầu tiên là phải cứu viện cho Thuần Vu Quỳnh. Bộ tướng Quách Đồ muốn giành tình cảm của Viên Thiệu, ra sức tán thành việc đánh vào doanh trại Tào Tháo, kết quả Viên Thiệu chỉ cử một số ít quân cứu viện cho Thuần Vu Quỳnh, quân chủ lực đều đánh vào trại quân Tào Tháo.

Quân cứu viện của Viên Thiệu đến nơi chứa lương, tả hữu đều lập tức báo cáo với Tào Tháo, xin Tào Tháo chia quân ra nghênh chiến. Tào Tháo nổi giận, mắng:

– Đợi khi nào kẻ địch đến sau lưng ta mới được báo cáo!

 Quân Tào biết nguy cơ khi kẻ địch đến sau lưng, liều chết tìm đường sống, ra sức chém giết. Lúc đó, tiếng kêu giết kinh thiên, tiếng kêu thảm động địa, quân giữ lương của Viên Thiệu đại  bại, Thuần Vu Quỳnh bị chém, toàn bộ lương thảo của Viên Thiệu bị cháy thành tro.

Quách Đồ để trốn trách nhiệm mưu kế thất bại, đến gặp Viên Thiệu hãm hại Trương Cáp:

– Trương Cáp nghe nói quân ta thảm bại, đang vui mừng.

 Trương Cáp khi biết vừa giận vừa sợ, bèn cùng với Cao Lãm đốt cháy kho binh khí trong trại, mang quân đến trại Tào Tháo đầu hàng. Liên tiếp chịu thất bại khiến cho quân Viên Thiệu lo sợ vô cùng, toàn quân trở nên hỗn loạn, quân lính bỏ chạy khắp nơi. Viên Thiệu mang theo 800 kỵ binh vượt sông Hoàng Hà trở về. Qua trận Quan Độ, Viên Thiệu tổn thất 7 vạn người ngựa, Thiệu vừa tức vừa lo, kết quả mang bệnh nặng. Năm 202, Viên Thiệu chết vì bệnh; đến năm 206, Tào Tháo diệt sạch lực lượng tàn quân của họ Viên.

Trận Quan Độ là trận đánh nổi tiếng lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh trong lịch sử quân sự Trung Quốc, cũng là chiến dịch then chốt  thống nhất sự chia cắt ở phía bắc Trung Quốc.

 

Chú thích:

(1)                          Tam công: Tên chung các quan, đời Chu đã có, là Phụ chính đại thần tối cao. Một thuyết chỉ Thái sư, Thái phó, Thái bảo, một thuyết chỉ Tư đồ, Tư mã, Tư không. Thời Tây Hán là Thừa tướng, Đại tư mã, Ngự sử địa phu là Tam công. Đời Đông Hán đổi tên Thái úy, Tư đồ, Tư không, cùng là quan hành chính chức cao nhất.

(2)                          Lưu Biểu: người Cao Bình, Sơn Dương thời Đông Hán (tây nam Trâu Thành, Sơn Đông nay), tông thất Hán, tên Thiếu Tri, một trong “bát tuấn”. Năm 190, làm Thích sử Ích Châu, mở rộng đất đai đến nghìn dặm, chức quan đến Trấn Nam tướng quân, Ích Châu mục, phong Vũ Thành hầu.

(3)                          Trương Tú:  người Tổ Lệ, Vũ Uy thời Đông Hán (tây nam Tĩnh Viễn, Cam Túc nay), từ sớm đã theo Đổng Trác, làm đến Kiến Trung tướng quân, được phong Tuyên Uy hầu. Năm 197, về hàng Tào Tháo.

(4)                          Quan Vũ: người huyện Giải Hà Đông, thời Đông Hán (tây nam Lâm Ký, Sơn Tây nay)  cùng Lưu Bị khởi binh. Năm 200 Tào Tháo đánh bại Lưu Bị, Quan Vũ bị bắt quy hàng.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here