• “Hà đồ”, “Lạc thư” đều là những hình vẽ thần bí từ đời Thượng cổ của Trung Quốc truyền tới nay. Truyền thuyết và những vấn đề của nó đã gây ra rất nhiều cuộc tranh luận về Dịch học phức tạp và hỗn loạn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề rất phong phú về nội dung.

Tương truyền, vào đời Phục Hy thị thuộc thời Viễn cổ ở Trung Quốc , có một quái vật xấu xí đã tới Mạnh Tân bên con sông Hoàng Hà, trên lưng nó  có nhiều hình vẽ kỳ lạ, đây là con quái vật gây sợ hãi cho mọi người, nó ăn hết hoa màu, lương thực của dân chúng, cuối cùng nó bắt đầu nuốt cả con người. Nghe nói chuyện này, Phục Hy mang theo một thanh kiếm thần tới bờ sông để diệt trừ yêu quái. Yêu quái không đánh lại nổi Phục Hy , quỳ xuống xin tha thứ, tự xưng là Long Mã của sông Hoàng Hà, đem phiến ngọc trên lưng dâng cho Phục Hy, nói đó là bảo bối của sông Hoàng Hà. Phục Hy gọi phiến ngọc đó là “Hà đồ”. Về sau, Phục Hy còn dựa vào “Hà đồ” làm ra “Bát quái”, có thể dùng để tính toán lịch pháp, dự đoán được lành dữ, …

Đến khi  Đại Vũ trị thủy, có một lần, Đại Vũ đào sông Lạc dẫn nước vào đồng ruộng, từ lòng sông cạn khô, nổi lên một con rùa lớn phải tám mươi người mới khiêng nổi. Đại Vũ cho rằng đây là con Rùa thần linh thiêng nên thả Rùa đi, không lâu sau, con Rùa cưỡi mây đạp gió một lần nữa tới sông Lạc cho Đại Vũ một phiến ngọc hào quang muôn dặm, trên đó có những nét chữ và hình vẽ kỳ lạ. Đại Vũ gọi phiến ngọc này là “Lạc thư”. Về sau, do tìm tòi, dựa vào đó, Đại Vũ thực hiện chỉnh lý lịch pháp, trồng trọt các loài cây cối, chế định pháp lệnh, …tất cả bao gồm chín nội dung.  Người đời sau dựa vào  9 chương đó, chỉnh lý thành “Hồng phạm biên” được lưu truyền đến ngày nay.

Những truyền thuyết nói trên trong các sách vở cổ nhất ở Trung Quốc như “Chu Dịch”, “Thượng thư”, “Luận ngữ” đều có ghi chép, trong đó tương đối tin cậy có hệ Từ biên trong “Chu Dịch”. Trong đó, có những ghi chép như thế này: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, Thánh nhân tắc chi”. Điều này rất phù hợp với truyền  thuyết. Đến đời Tống, khi Chu Hy giải thích “Chu Dịch” , còn cử các học giả là thủ hạ của mình là Thái Nguyên Định đi Tứ Xuyên sưu tầm “Hà đồ”, “Lạc thư” trong các đạo sĩ ở Hoa Sơn đều là những điểm tròn được tạo thành hình vẽ. Ngoài ra, còn một số chứng cứ đáng tin cậy khác  là ở huyện Lạc Ninh vùng Trường Thủy hiện nay còn lưu giữ hai phiến đá trên có đề “Lạc xuất Thư xứ”. Năm 1987, ở bãi Lăng Gia, huyện Hàm Sơn tỉnh An Huy trong những mộ mai táng thời nguyên thủy, có những phiến ngọc, rùa ngọc, theo các chuyên gia kiểm chứng tất cả đều cách nay khoảng 5.000 năm, đó là Lạc thư và Bát quái của thời nguyên thủy chưa có văn tự.

Theo truyền thuyết, khi “Hà đồ” và “Lạc thư” xuất hiện, những văn tự ấy không có nhiều người hiểu được, nhưng sau đó đã dần mất mát, hai hình vẽ mà ngày nay mọi người thường thấy đều nằm trong “Dịch Học Khải Mông” của Chu Hy đời Tống, nhân do các hình vẽ không có văn tự khó hiểu, mọi người gọi nó là “Vô tự thiên thư”. Trong “Hà đồ”, dùng những hình tròn đen trắng để biểu thị, xếp đặt thành hình. Tức 1, 6 ở dưới, 2, 7 ở trên, 3, 8 bên tả, 4, 9 bên hữu, 5, 10 ở giữa. “Lạc thư” là bức vẽ cũng chỉ dùng các vòng tròn đen trắng biểu thị. Có người đã hình dung: “Đới cửu lý nhất, Tả tam hữu thất, Nhị tứ vi kiên, Lục bát vi túc, Ngũ hoàn cư trung.” Về những hình vẽ thần bí này của “Hà đồ” và “Lạc thư”, từ xưa tới nay chưa ai có thể khám phá thành công.

Từ đầu thời Xuân Thu Chiến Quốc, Hà đồ, Lạc thư đã bắt đầu có quan hệ tới số mệnh, âm dương, bói toán, … Khi đi chu du các nước không được đắc ý, Khổng Tử đã cảm khái mà than rằng: “Điểu bất chí, hà bất xuất đồ, ngô dĩ hĩ phu.” Khi ấy đã có Lão Tử, Khổng Tử viết sách về số mệnh “Hà lạc sấm”. Quan niệm về số mệnh, Hà đồ, Lạc thư  trong thời kỳ Lưỡng Hán  lại càng thần bí và phức tạp, bao gồm “Hà đồ quát địa tượng”, “Hà đồ thủy khai đồ” tới 37 loại, “Lạc thư châu diệu độ”, “Lạc thư linh chuẩn thính” gồm 9 loại. Đời Tống, “Hà đồ”, “Lạc Thư” xuất hiện lại mang nội dung mới, có thiên văn, nhân thể, âm dương, tượng số, … và những tranh  về Dịch học, là những ý niệm về tọa độ, âm dương, bao hàm trong đó những nội dung rất rộng lớn.

Việc giải thích “Hà đồ” và “Lạc thư” có rất nhiều thuyết khác nhau, có những người cho rằng đó là kết quả của những quan sát về thiên tượng được ghi chép lại. Ghi chép thời Chu Khang vương tại vị ghi tại phía đông phòng ở có Thiên ngọc, Di ngọc, Thiên cầu, Hà đồ. Người đời sau đã cho rằng “Hà đồ” là Trắc nhật quỹ nghi và tọa độ của thiên tượng. Đây chính là công cụ để quan sát Trời đất. Dưới con mắt của người xưa mang tính chất thần thánh và bí hiểm nên mới có thể đại diện cho vương quyền uy nghiêm để thống trị thế gian. Còn có một căn cứ khác “Bảo thạch phụ đồ” trong “Ngụy chí” nói Bát quái là sự tổng hợp của Hà đồ và Lạc thư, xem nó giống như cái địa bàn, bên ngoài là bát quái, tầng ngoài cùng là 28 túc. Cho nên Hà đồ là căn cứ vào quan sát và đo đạc mặt trời rồi ghi lại bằng hình vẽ; còn Lạc thư là một bức tranh về thiên văn, dùng nguyên lý khái quát thiên văn. Cũng có người cho rằng phiến đá khai quật được ở Tây An vẽ những hình tròn trên đó bằng chạm khắc chính là nguyên hình của nó.  Nhưng còn có những vấn đề  khác, vẫn chưa có lời giải thích  thỏa đáng về mối quan hệ giữa “Hà đồ” với “Lạc thư”.

Gần đây, nhà nghiên cứu về điện tử đã về hưu Dương Quang cùng với người con của mình là Dương Tường đã phát hiện: Hạt nhân của Lạc thư” là chữ “Thập” và Mặc Tây Ca đã phát hiện con người ở trung tâm của viên đá Aztec cũng giống chữ “thập”, từ trên Kim tự tháp nhìn xuống   trung tâm cũng thấy hoàn toàn tương hợp với chữ “thập”. Họ cho rằng “Lạc thư” là một di vật của người ngoài hành tinh, “Hà đồ” chính là miêu tả quy tắc sắp xếp trật tự của “gen” sinh vật trong vũ trụ mà viên đá Aztec chính là lời tự giới thiệu về bản thân mình của người ngoài Trái đất.

Những lời giải thích về Hà đồ, Lạc thư vẫn chưa tìm được một căn cứ vững vàng. Hà đồ cuối cùng là một bức vẽ về cái gì? “Lạc thư” cuối cùng là cuốn sách dùng ký hiệu để nói điều gì? Hình dáng ban đầu của Hà đồ”, “Lạc thư” là thế nào? Người xưa đã làm thế nào để từ “Hà đồ”, “Lạc thư” tạo nên hình Bát quái? Những câu hỏi đó đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here