LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG QUỐC
Người dịch: Phan Văn Các
Ông Văn Tùng
Dương Đình Giao
Nguyên tác: Khải Lương – Trung Quốc văn minh sử (2 tập)
Nhân dân văn học xuất bản xã xuất bản – Bắc Kinh – 2001
Cuốn sách này tôi “ăn theo” hai bậc trưởng lão Phan Văn Các và Ông Văn Tùng. Phần Viễn cổ trong cuốn sách này do tôi đảm trách, cũng đã được Ông Văn Tùng hiệu đính.
PHẦN VIỄN CỔ
(Từ thời đại truyền thuyết đến đời Thương)
Chương thứ nhất: Vấn đề cách hiểu của lịch sử viễn cổ
I. Bắt đầu nói từ “thuyết Tầng luỹ” của Cố Hiệt Cương
Lịch sử nhân loại từ xa đến gần cũng giống như một bức tranh thuỷ mặc của Trung Quốc vậy, gần là cây cối đung đưa, núi non hiểm trở xa thì mờ nhạt xa xăm, trời nước một màu.
Lịch sử nhân loại đi từ mơ hồ đến rõ nét, điều ấy được quyết định bởi phương pháp ghi nhớ của con người. Trước khi văn tự được phát minh, phương pháp bảo tồn lịch sử của con người là khẩu nhĩ tương truyền.. Cách nói “truyền qua mười cái miệng thì thành cổ” (thập khẩu vi cổ) đủ để phản ánh rõ nét cách cách ghi nhớ lịch sử của người đương thời. Sau khi cóvăn tự, do tài liệu dùng ghi chép còn rất nghèo nàn, nên lịch sử do con người ghi lại còn rất giản đơn. Chỉ tới khi kỹ thuật làm giấy và kỹ thuật in ấn được phát minh, lịch sử mới được ghi chép lại nhiều.
Việc ghi chép lại lịch sử nhiều hay ít rất khó đánh giá là tốt hay là xấu. Với nhân loại ngày hôm nay, bất cứ sự việc gì dù lớn hay nhỏ đều được ghi chép lại. Báo chí, hồ sơ, văn kiện, ghi âm, chụp ảnh, … hàng loạt các phương tiện đã ghi rất chân thực cuộc sống của con người.. Nhưng những di sản này đối với thế hệ sau chẳng qua chỉ là một gánh nặng. Những sử liệu hằng hà sa số chỉ làm cho lịch sử khó nắm bắt, công việc nghiên cứu tất cả những thứ đó càng trở nên khó khăn. Nếu thử đem so sánh ta sẽ thấy nghiên cứu về xã hội cổ đại còn nhẹ nhàng hơn nhiều. Những sử liệu có hạn tuy khó giúp tái hiện toàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhưng lại có thể phác nên những nét vẽ chủ yếu, phản ánh cái mạch chính sự phát triển của lịch sử, hơn nữa, còn giúp thế hệ sau dễ có được một nhận thức chung có tính phổ biến về lịch sử của các thế hệ trước. Họ không bị những sử liệu quá phức tạp làm cho rối lên dẫn tới khó thống nhất quan điểm.
Nhưng sự thiếu hụt sử liệu đồng thời lại gây khó khăn không kém cho việc nhận thức lịch sử của các thế hệ sau dễ đưa tới việc gán ghép qua loa về lịch sử. Con người cần có lịch sử. Sự cần thiết đó vừa có tính vụ lợi, vừa có ý nghĩa sinh tồn. Nói về tính vụ lợi, mọi hành vi của con người đều cần có lịch sử làm căn cứ, hcoặc lấy lịch sử để biện hộ. Nói về ý nghĩa sinh tồn. Con người cần tìm ra một chỗ đứng để an thân lập nghiệp cho mình trong lịch sử . Con người nhân sinh tại thế bao giờ cũng phải sống trong một không gian và thời gian hữu hạn. Về không gian, con người rất khó xác định được toạ độ cho mình. Con người vừa cảm thấy lạ lẫm vừa cảm thấy không thể thích nghi với tất cả mọi thứ ở xung quanh, uy lực của khối đại tự nhiên đã khiến cho họ chỉ còn biết cúi đầu nghe theo. Đối mặt với thời gian, họ lại có một cảm giác khác. Trong thế giới này, con người là chúa tể. Thế giới thời gian là thế giới của con người, thế giới của lịch sử. Lịch sử là lịch sử của con người, sự kéo dài của thời gian chính là chuỗi kéo dài tích tụ những hoạt động của con người. Từ trong lịch sử,, con người biết được mình từ đâu tới, ngày hôm nay họ đang sống ở vị trí nào , mà vị trí ngày hôm nay là do chuỗi dài của lịch sử quyết định. Hay nói cách khác, lịch sử bố trí cho họ vào một vị trí nào đó chứ không để họ phiêu lãng không gốc rễ. Gốc rễ đó chính là lịch sử mà sinh mệnh và tâm linh họ nương tựa , ký thác. Cũng chính vì thế, sự quyến luyến của con người với lịch sử cũng chính là sự gắn bó với cội nguồn vậy. Họ vui lòng ghi chép hay truyền lại lịch sử, thực chất là họ quan tâm tới ý nghĩa sinh mệnh của chính mình đó mà thôi.
Nhưng ý thức của con người với lịch sử ngay bản thân nó lại có tính lịch sử, nó là kết quả của sự tiến hoá về trí năng của nhân loại. Chúng ta không có cách nào nói cho thật rõ bắt đầu từ khi nào con người có quan niệm về thời gian, có ý thức tự giác về lịch sử. Nhưng có một điểm có thể khẳng định, đó là ý thức về lịch sử của con người không ngừngtăng lên cùng với sự phát triển của nền văn minh. Ngay từ lúc khởi đầu của xã hội văn minh, nhân loại đã có ý thức lịch sử và họ đã thông qua phương thức truyền miệng để lưu lạimà bảo tồn lịch sử của mình. Nhưng lúc ấy, thứ gọi là lịch sử mà họ nhận thức được chỉ hạn chế ở mức độ bộ lạc, phần lớn lịch sử chỉ là sự di chuyển của bộ lạc, sự nối ngôi của các thủ lĩnh và sự đấu tranh giữa các bộ lạc, còn phần lịch sử vượt qua bộ lạc của mình thì họ không thể nhận thức được, đương nhiên cũng không thể lưu truyền. Nhưng cùng với sự giao lưu tăng lên, sự mở rộng của bản đồ, nội hàm của lịch sử cũng ngày một phong phú hơn. Họ bắt đầu suy xét đánh giá lịch sử chứ không chỉ dừng lại ở mức truyền lại lịch sử. . Xem xét về lịch sử chủ yếu là xem xét văn minh, cụ thể là đưa ra những giải thích có tính căn nguyên về hiện thực văn minh. Ví dụ, khi có nhà cửa, cung thất, họ liền nghĩ xem ai là vị kiến trúc sư đầu tiên; họ sống nhờ nghề nông, biết cây cỏ có thể chữa được bệnh tật, vì thế họ liền nghĩ xxem ai là người phát minh ra nông nghiệp và thuốc thang. Họ nhận thức được tầm quan trọng của con người, nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa con người với vạn vật trong giới tự nhiên, vì thế họ dần tìm hiểu nguồn gốc của loại người, nguồn gốc của vạn vật.
Những mối quan hệ như vậy đã quyết định đến tính khó phân biệt thatạ giả của lịch sử thời viễn cổ. Bằng phương thức truyền miệng, người đời xưa quả thực đã bảo tồn lại một phần lịch sử nhất định; nhưng mặt khác vì bản thân nhận thức về lịch sử có tính lịch sử nên lịch sử do người xưa truyền lại có một phần khá lớn là do hư cấu, là họ xuất pháttừ sự lý giải lịch sử mà phác hoạ lịch sử. Vấn đề này, “thuyết tầng luỹ” của Cố Hiệt Cương đã đưa ra những kiến giải rất đúng đắn.
Trong giới sử học Trung Quốc, rất nhiều nhà sử học theo quan điểm nghi ngờ về lịch sử viễn cổ, nhưng có thành tích nhất là phái đánh giá cổ sử ở nửa đầu thế kỷ này mà Cố Hiệt Hương là đại biểu. Năm 1923,, trong một bức thư bàn về vấn đề phân biệt thật giả của “Kinh Thi” viết cho Tiền Huyền Đồng, ông đã đưa ra “thuyết tầng luỹ” của mình một cách có hệ thống, đó là “Quân niệm cổ sử được tạo thành một cách có tầng luỹ. Quan điểm này có ba ý lớn: Thứ nhất, thời đại càng về sau, cổ sử được lưu truyền lại trở nên càng dài hơn; thứ hai, thjời đại càng về sau, hình tượng các nhân vật trong truyền thuyết càng trở nên to lớn hơn; thứ ba, tuy chưa thể chắc chắn về tính thật giả của một sự kiện hay nhân vật lịch sử nào đó, nhưng có thể biết được tình hình sớm nhất của sự kiện, nhân vật ấy trong truyền thuyết.
Ví dụ khi nói về lịch sử, phần lớn mọi người đều nói bắt đầu từ Bàn Cổ trở đi, tức là điều người ta vẫn nói “Từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa tới Tam Hoàng Ngũ Đế rồi tới ngày nay”. Nhưng Cố Hiệt Hương lại cho rằng, dù là Bàn Cổ hay Tam Hoàng Ngũ Đế thì cũng chỉ là những nhân vật hư cấu, hơn nữa, càng về sau, lịch sử được hư cấu ấy lại càng trở nên sớm hơn. Vào thời Tây Chu, mọi người chỉ biết tới Đại Vũ, tới thời Xuân Thu mới có truyền thuyết về Nghiêu, Thuấn; Hoàng Đế, Thần Nông thì tới thoiưì Chiến Quốc mới được nặn ra. Thuyết về “Tam Hoàng” thì tới tận thời Tần mới có, còn truyền thuyết về Bàn Cổ thì càng muộn hơn, đến tận sau thời Hán mới xuất hiện.
“Thuyết tầng luỹ” do Cố Hiệt Cương nêu ra phù hợp với thực tế lịch sử Trung Quốc, hơn nữa nó còn có tác dụng thúc đẩy nhất định tới việc giải phóng tư tưởng ở Trung Quốc vào thế kỷ 20; do đó đã được sự đồng tình rộng rãi của những nhân sĩ văn hoá tiến bộ lúc bấy giờ. “Thuyết tầng luỹ” của Cố Hiệt Cương có những căn cứ xác thực, chặt chẽ nhưng do thiếu xem xét tới tính lý thuyết, tính tư tưởng nên cũng như các thuyết khác, nó cũng còn tồn tại một số vấn đề ở chỗ này chỗ nọ.
Thứ nhất, “cổ sử được tạo thành một cách có tầng luỹ” cố nhiên là sự thực nhưng điều này không hề nói rằng những gì liên quan tới cổ sử là không đáng tin. Nếu cứ phủ định sạch trơn thì cổ sử chẳng phải là một trang rỗng tuyếch hay sao?
Thứ hai, cổ nhân “tạo ra cổ sử một cách có tầng luỹ”, tuy có những thành phần hư cấu nhưng hoàn toàn không phải la ftừ không nmói thành có mà nó có nguyên mẫu trong lịch sử. Đặc biệt cổ nhân thần thoại hoá lịch sử, điều này cho thấy giữa thần thoại và lịch sử có một mối quan hệ nội tại nào đó. Nếu không chỉ ra được mối quan hệ ấy thì sẽ rất khó nắm được thực chất của lịch sử được thần thoại hoá.
Thứ ba, cổ nhân tạo ra lịch sử một cách có “tầng luỹ”, điều này có nguyên nhân nội tại tiềm ẩn ở bên trong và có liên quan tới quan hệ giữa lịch sử với trình độ tự giác, sự phát triển ý thức lịch sử của con người, đó là kết quả của sự tiến hoá trí tuệ loài người, hơn nữa, nó còn liên quan tới việc con người tìm hiểu về ý nghĩa sự sinh tồn của chính mình. Nếu không rõ điểm này mà chỉ nhìn thấy mặt cổ nhân “làm giả” lịch sử thì rất dễ gaya nên loại ấn tượng sau: cho rằng tất cả những nhận thức, ghi chép của cổ nhân về lịch sử đều là bịa đặt, loạn tạo ra cả. Trên thực tế, khi so sánh những ghi chép về lịch sử của người xưa với người ngày nay, giữa người trước đời Tần và người sau đời Tần, ta thấy lịch sử được ghi chép từ trước bao giờ cũng chân thật hơn. Sau đưòi Tần, đặc biệt là con người hiện nay, tuy miệng thì gào thét sử học phải lấy chân thực làm nguyên tắc, nhưng khi ghi chép hay nghiên cứu lịch sử tì họ lại rất khó đạt tới chân thực, khách quan. Chính trị của các vương triều, lợi ích của các tập đoàn, sự khen chê cá nhân cho tới sự phụ thuộc của nhà sử học vào quyền lực… không cái nào không dẫn tới sự sai biệt và thiếu xác thực của sử học. Còn trước đời Tần, tuy cũng khó tránh khỏi sự thiếu chân thực của lịch sử như ở trên, nhưng do sử học còn giữ được một khoảng cách nhất định với quyền lực nên so với sau này, lịch sử vẫn có tính xác thực hơn. Có điều tính chân thực này xuất hiện dưới bộ mặt của truyền thuyết hay thần thoại mà thôi.
Vì vậy, đối với lịch sử viễn cổ Trung Quốc, cả hai khuynh hướng tư tưởng “tín cổ” và nghi ngờ “nghi cổ” đều không thể tiếp thu được. Cách làm hiệu quả nhất là tin tưởng vào nội dung cốt lõi của lịch sử trong truyền thuết, nghi ngờ cái vỏ bề ngoài dùng biểu đạt nội dung lịch sử ấy. Như vậy có nghĩa là vừa phải “tin” , vừa phải “ngờ”. Chỉ “tin” mà không “ngờ” thì dễ xem truyền thuyết là lịch sử chân thật; chỉ “ngờ” mà không “tin” sẽ dễ rơi vào chủ nghĩa hư vô. Khi so sánh hai thái độ này thì “ngờ” còn quan trọng hơn “tin”. Vì chỉ có “ngờ” mới có phê phán, có nghiên cứu sâu hơn về học thuật. Có điều trong quá trình “ngờ”, phải đặc biệt phải tránh “ngờ” chỉ để mà “ngờ”, quan trọng là sau nghi ngờ và phê phán rồi phải có được cách hiểu mới, cách tìm hiểu mới về cổ sử. Dùng cách nói của Phùng Hữu Lan, điều ấy có nghĩa là “giải thích về cổ sử” – “thích cổ”.
II. Lại bắt đầu nói từ “Sơn Hải kinh”
Trong thư tịch cổ của Trung Quốc,, cuốn sách thần bí, kỳ ảo nhất phải kể tới “Sơn Hải kinh”. Học giả Hồ Ứng Dân đời Minh đã gọi đó là “Tổ tông của những cuốn sách kỳ quái viết về thời cổ đại”.
Nội dung của “Sơn Hải kinh” đã được Lưu Hâm đời Hán khái quát như sau: “Bên trong thì viết về núi của năm phương, bên ngoài thì viết về biển của tám hướng, sách viết về sự sinh ra của những của quý vật lạ trên đời, sự mất đi của đất đai cây cỏ, côn trùng, muông thú, lân phượng, v.v.. Ngoài việc viết về bốn biển, sách còn nói về một quốc gia rộng vô biên, nói về những con người đặc biệt.” Còn về loại hình của cuốn sách này, từ Lưu Hâm trở đi, quan niệm của các học giả xưa nay rất khác nhau. Lưu Hâm và nhiều học giả các đời thì cho cuốn sách này thuộc loại sách địa lý; “Hán thư” và “Tống thư” thì cho đây là thuật số học; Hồ ứng Lân đời Minh thì cho là sách chuyên viết về những chuyện thần kỳ; Kỷ Quân đời Thanh gọi đây là “cuốn tiểu thuyết cổ nhất của Trung Quốc”; Trương Chi Động thế kỷ 19 cho đây là cuốn sách lịch sử; Lỗ Tấn thế kỷ 20 thì lại cho rằng đây là “loại sách mê tín”; Viên Kha thế kỷ 10 lại cho rằng đây là loại sách “nguồn gốc của thần thoại”.
Trong nhiều cách nói trên, trừ cách nói “cuốn tiểu thuyết cổ nhất Trung Quốc” của Kỷ Quân, các cách nói khác đều có lý riêng hoặc đều có phần đúng. “Sơn Hải kinh” lấy “sơn và “hải” làm chủ đề, nội dung chính là ghi chép về tình hình địa lý núi sông, phong tục tập quán của các vùng đất, xem nó là một cuốn sách về địa lý, tất nhiên không phải không có lý. Nhưng nội dung của cuốn sách ngoài phần địa lý, điều làm cho người đời sau khó hiểu là phần viết về những điều thần kỳ mang đầy màu sắc thần bí ly kỳ và cổ quái. Do vậy, xem đây là sách thần thoại , sách vu thuật thì cũng chẳng sai. Hơn nữa, tỏng sách có bàn tới nhiều nhân vật trong truyền thuyết như Hoàng Đế, Đại Vũ, … do vậy xem đây là một cuốn sách về lịch sử thì cũng chấp nhận được.
Nhưng mặt khác của vấn đề là, nếu xem nội dung thì có thể xếp cuốn sách vào nhiều loại khác nhau, nhưng trên thực tế nói như vậy cũng đồng nghĩa với việc không thể xếp “Sơn hải kinh” vào bất cứ loại nào vừa nêu ở trên. Cũng chính vì tính chất không rõ ràng của cuốn sách nên khi nghiên cứu và và giải thích về cuốn sách này, các học giả cũng khó tránh khỏi viẹc mỗi người một cách, nhiều lắm thì cũng chỉ là mò mẫm kiểu người mù xem voi, chỉ rút ra được một số ấn tượng cục bộ mà thôi.
Trên thực tế, “Sơn hải kinh” là một bộ sách nổi tiếng về văn hoá nhân loại học sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Chỉ có điều nội dung của cuốn sách không phải là lý luanạ về nhân loại học mà là những tài liệu kinh nghiệm về nhân loại học. Nói ngược lại chỉ có thể đi từ góc độ văn hoá nhân loại học mới có thể hiểu được sự huyền ảo của bộ “sách trời” này. Tjheo lời của học giả Chung Kính Văn vào khoảng năm 1930, ông đã có ý dùng quan điểm văn hoá nhân loại học giải thích “Sơn hải kinh”, ông còn viết cuốn khảo sát về lịch sử văn hoá trong “Sơn hải kinh”. Đáng tiếc là cuốn sách chưa hoàn thành và chưa được in ra.
Văn hoá nhân loại học là một môn khoa học do người phương Tây sáng tạo, đây là sản phẩm phụ ra đời cùng với sự xâm lược của các nước phương Tây, hình thành vào nửa cuối thế kỷ 19., chủ yếu nghiên cứu về tôn giáo, tập quán, nghệ thuật, kết cấu xã hội, … thời nguyên thuỷ. Cũng đã xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu có uy tín và những tác phẩm kinh điển trong bộ môn này như cuốn “Văn hoá nguyên thuỷ” của Taylor”, Kim chi” của Fraser (John) Malcolm, cuốn “Văn hoá lý luận khoa học của Malinovxki, cuốn “Tư duy nguyên thuỷ” của Lebreuer, cuốn “Tư duy của người cổ” của Lewish Stralaus, cuốn “Mô hình văn hoá” của Bleyclik, v.v…
Những tác phẩm kinh điển này cùng với sự phục hưng của trào lưu chuộng văn hoá trong những năm gần đây hầu như đã có tác phẩm dịch sang tiếng Trung Quốc, cũng đã có một số học giả thử dùng lý luận để giải thích hiện tượng văn hoá viễn cổ Trung Quốc. Nhưng do thời gian du nhập tương đối muộn, vì phong trào học xập xí xập ngầu hám công danh lợi lộc nên hieuẹ quả còn rất mờ mịt. Các học giả nghiên cứu cổ sử vẫn phải dựa vào những tài liệu văn hiến và khảo cổ rất khó dùng lý luận văn hoá nhân loại học để soi sáng những lâu đài còn tối tăm trong việc nghiên cứu cổ sử.
Khi nghiên cứu cổ sử, đặc biệt là với những tư liệu như “Sơn hải kinh”, nếu chỉ dựa vào phương pháp xem xét truyền thống sẽ rất khó thu được kết quả. Những tài liệu khảo cổ nếu không có sự giải thích của lý luận đúng đắn thì chẳng qua cũng chỉ là những đồ bỏ đi. Nguyên nhân là: thứ nhất, mỗi thời đại đều có một hệ thống ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói riêng, nó có liên hệ mật thiết đến cuộc sống xã hội đương thời, một khi đời sống xã hội thay đổi, ngôn ngữ mất đi hoàn cảnh xã hội, ý nghĩa của nó sẽ trở nên mơ hồ, từ đó dẫn đến việc người đời sau sẽ rất khó khăn để hiểu nó.. Thứ hai, khi đối diện với những tư liệu cổ, người đời sau thường khó tránh được cách hiểu và giải thích nó theo nhu cầu của mình, từ đó mà dẫn đến hiểu sai. Thứ ba, tư liệu khảo cổ tuy có thể phản ánh chính xác lịch sử của người cổ đại nhưng do nó còn rải rác nên cũng thiếu tính chính xác và càng khó thể hiện được toàn cảnh lịch sử đương thời. Bản thân tư liệu khảo cổ không biết nói mà người nói chính là nhà nghiên cứu. Khi nhà nghiên cứu bị giới hạn về kiến thức, khuynh hướng tư tưởng, lợi ích của nhiều người, quan niệm lịch sử, đều có thể dẫn tới những giải thích sai lầm. Khi vận dụng kiến thức nhân loại học vào nghiên cứu cổ sử sẽ có thể bù đắp được những khiếm khuyết nói trên. Nhân loại học được xây dựng trên cơ sở ccr những tư liệu thực chứng còn tồn tại về các dân tộc nguyên thuỷ, căn cứ của nó là những sự thực kinh nghiệm đầy sức sống, hơn nữa, những sự thực kinh nghiệm này lại rất toàn diện, nó vừa có trong không gian của vật chất vừa có trong lĩnh vực tinh thần của cuộc sống. Quan trọng hơn nữa, nó có thể đem nối liền cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của người xưa để tìm hiểu. Dễ dàng để thấy, chỉ có dưới ánh sáng của lý luận nhân loại học những tài liệu cổ và những tư liệu khảo cổ mới có thể sống lại, mới có thể thể hiện tình hình lịch sử đương thời, từ đó làm cho cách hiểu của người đời sau gần với thực tế hơn.
Vốn “Sơn hải kinh” được xem như một bộ “sách trời”, là “nguồn gốc của những sách kỳ quái” là vì lịch sử mà nó phản ánh đã sớm mất đi trước khi có dân tộc Hán. Ngôn ngữ trong sách do đã không còn bối cảnh lịch sử nên đã mất đi ý nghĩa. Nói theo cách nói hiện nay là do ngữ cảnh đã mất nên ngữ nghĩa cũng mất. Những từ trong sách như “nhân ngư”, “thiên mã”, “cổ thú”, “cử phụ”, “trường tả”, đặc biệt là “nước Vũ Dân”, “nước Quán Đầu”, “nước Yếm Hoả”, “nước Giao Kinh”, “nước Tam Thủ”, v.v… nếu không rõc được thế giới tinh thần của người xưa, chỉ lưu ý tới ý nghĩa của tên gọi thì không bao giờ có thể hiểu nổi.
Trên thực tế, toàn bộ cuốn “Sơn hải kinh” chính là lịch sử thế giới trong con mắt tác giả bấy giờ. Coi đây là một tác phẩm nhân loại học vì cái gọi là “sử” trong đó khác với “sử” của người đời sau rất nhiều . “Sử” của người đời sau chủ yếu là lịch sử chính trị của các vương triều, còn “sử” của cổ nhân lại là phong tục tập quán, tình hình cuộc sống cho tới sự sùng bái thần linh, chú trọng về văn hoá chứ không phải là chính trị. Đây cũng là đối tượng nghiên cứu của văn hoá nhân loại học hiện đại. Từ đó cũng có thể suy đoán rằng, thời gian ra đời của “Sơn hải kinh” nhất định là rất sớm, hoặc nói cách khác, cuốn sách đã được hình thành trong thời gian rất dài chứ hoàn toàn không phải hình thành vào đời Chiến Quốc hay đời Hán như các học giả đời sau thường nói.
“Sơn hải kinh” ghi chép có sông có núi, có vị trí địa lý cụ thể của các bộ lạc. Ví dụ, trong “Sơn hải kinh” viết “Đứng đầu “Bắc sơn kinh” là một ngọn núi độc lập có nhiều cây cối, trên đó có nhiều hoa cỏ, có nước chảy mạnh, ở phía tây thì chảy vào một dòng suối nhỏ, bên trong núi có nhiều đá hoa cương, đá lớp.” Rồi lại nói “Cách 250 dặm về phía bắc có một trái núi hình tròn, trene núi có nhiều đồng, chân núi có nhiều ngọc, không có cây cối.” Rất rõ ràng, viết như vậy là về địa lý, hơn nữa, vị trí nói trong đó rất khó nói là hư cấu. Có điều hàm nghĩa của “núi độc lập”, “núi hình tròn” người đời sau còn chưa hiểu được mà thôi. Nhưng sông núi mà “Sơn hải kinh” ghi chép hoàn toàn không chỉ là địa lý học mà là mượn địa lý để giới thiệu phong tục tập quán, đặc biệt là giới thiệu tôn giáo và phong tục tập quán nguyên thuỷ của các nơi. Tuy chữ nghĩa ở trong sách đã được thần bí hoá ở mức độ nhất định nhưng nhờ có lý luận của nhân loại học nên cũng có thể đọc được. Như “Hải ngoại nam kinh” viết nước Kết Hung nằm ở phía tây nam, người nước này bụng đều thắt lại” hay “nước Vũ Dân nằm ở phía đông nam, người nước này đầu dài, trên người mọc nhiều lông”. Nếu như bình thường, đoạn văn này thật là khác thường, những người được miêu tả ở đây như người từ hành tinh khác. nhiều nhà chú thích do không rõ sự ảo diệu nên đã ép câu gượng chữ, cuối cùng vẫn chưa thoát khỏi được đám mây mù, không có cách nào tách bạch ra được sự thật lịch sử hàm chứa trong lớp ngôn ngữ thần bí ấy.. Nhưng nếu xem xét từ góc độ văn hoá nhân loại học thì sẽ rất dễ giải thích. Cái gọi là “nước Kết Hung” chính là bộ lạc Văn Hung; cái gọi là “nước Vũ Dân” chính là một bộ lạc chuyên dùng lông vũ để hoá trang thân thể. Ngoài ra những tên gọi như “nước Tu Cổ”, “nước Kỳ Cổ”, “nước Nhất Tý”, “nước Tam Thân”, “nước Phản Thiệt”, “nước Hắc Xỉ”, v.v.. đều là tên gọi các bộ lạc và gắn liền với quan niệm tôn giáo của người xưa, sự sùng bài tô tem gắn liền với việc hình thành những phong tục tập quán.Trong hoàn cảnh ấy, chỉ cần đọc những tài liệu văn hoá nhân loại học về các vùng đất trên thế giới của các học gỉa phương Tây, chúng ta sẽ thấy rất dễ hiểu.
Đương nhiên, cũng có điều phải chỉ ra rằng “Sơn hải kinh” không hề được viết thành sách vào một thời gian nhất định, càng không phải là của một tác giả duy nhất mà nó được hình thành trong thời gian dài, điều này đã quyết định một số nội dung trong “Sơn hải kinh” đã được người đời sau tô vẽ thêm. Ví dụ như những phần viết về Hoàng Đế, Đại Vũ, Chu Mục Vương rất khó nói không phải là hư cấu. Nhưng dù sao chăng nữa, những phần thêm bớt vào sau này cũng không thể thay đổi được thuộc tính văn hoá nhân loại học của toàn bộ cuốn sách.