Nhìn những cảnh cướp áo mưa, cướp bia khi xe chở bị đổ, cảnh tranh nhau một suất ăn miễn phí, leo rào đến rách cả váy áo để vào Công viên nước miễn phí, … rồi cảnh những bạo hành trong trường học, trò đánh lại thầy cô, cảnh nguời dân khắp nơi đánh cho tới chết mấy kẻ trộm chó, … nhiều nguời lý giải, đó chỉ là hành vi của những nguời còn ít tuổi, nguời nghèo, nguời ít học, …

Vậy lý giải thế nào trước cảnh hàng năm mỗi độ xuân về, các quan chức tranh nhau cướp ấn ở đền Trần, cảnh các quan lãnh đạo cấp Tỉnh “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với đồng nghiệp ở quán bia, cảnh các quan chức Hà Nội chặt cây đốn gỗ rồi ra sức lấp liếm,  cảnh các quan cấp Trung ương hãnh diện khoe của bất chấp đó là tài sản có được do bòn rút công quỹ ? … Không thể phủ nhận từ nhiều năm gần đây, đạo đức ở ta đã suy thoái trầm trọng, chưa bao giờ, đạo đức trong xã hội ta lại tha hóa, lại tồi tệ như thế  mặc dù báo chí truyền thông không ngớt đề cao những tấm gương đạo đức.

Vì sao trong khi đời sống vật chất có được cải thiện, mức sống được nâng cao nhưng đạo đức lại có xu hướng theo chiều ngược lại. Ngay từ trong nhà trường, cái nôi ươm mầm cho tương lai, gian dối trở thành một đức tính ngày càng phổ biến phát triển cùng với sự lớn lên của con người. Gian dối, thiếu trung thực là biểu hiện của 20% học sinh tiểu học, 40% học sinh THCS, 60% học sinh THPT và 80% sinh viên đại học. Chắc ai cũng có thể thấy sau khi dời ghế nhà trường, con số ấy chắc sẽ tiếp cận với 100%.

Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong phạm vi một bài viết nhỏ, xin nêu ra hai nguyên nhân sau đây:

1. Trước hết, lớp trẻ hiện nay đều thiếu những tấm gương cụ thể về đạo đức, tư cách trong đời sống thường ngày. Trừ một số ít con nhà tử tế, được sự dạy bảo, “đe nẹt” và noi theo những tấm gương của ông bà cha mẹ từ khi còn nhỏ, phần lớn lớp trẻ hiện nay đều lớn lên trong tình trạng “chăn thả tự nhiên”. Nghĩa là, cha mẹ chủ yếu nuôi cho ăn, còn làm thế nào để tồn tại và phát triển hoàn toàn “tự thân vận động”. Bố mẹ cho đi học, nhưng muốn lên lớp thì phải quay cóp, lớn thêm ít nữa thì xin điểm, mua điểm, ra trường, muốn có việc làm thì phải hối lộ, phải gian dối, .. muốn giàu sang, phú quý thì phải lừa đảo, phải táng tận lương tâm.

Nhà trường có dạy đạo đức, gia đình cũng dạy đạo đức, nhưng đáng tiếc, bên ngoài những bài giảng đạo đức trên lý thuyết ấy, lớp trẻ toàn thấy những điều ngược lại. Nhà trường dạy phải tuân thủ luật giao thông, nhưng khắp nơi là cảnh luật này bị coi thường, ngay khi đưa đón con, bố mẹ chúng cũng sẵn sàng lao xe máy lên vỉa hè mỗi khi gặp đèn đỏ hay ùn tắc. Thầy cô giáo dạy phải trung thực nhưng mỗi khi có cấp trên tới kiểm tra, chính những nguời dạy trung thực lại xui các em gian dối (báo trước cho những câu sẽ hỏi hoặc dặn giơ tay nhưng có cách riêng để phân biệt “thật” hay “giả”, ..)….

Nhớ lại học trò chúng tôi hơn nửa thế kỷ trước: lúc ấy chưa có giờ học đạo đức, cũng chưa có những phong trào hay vận động rôm rả như bây giờ. Tư cách, đạo đức lũ chúng tôi được tiếp thu chủ yếu thông qua giáo dục của gia đình, qua nội quy của nhà trường hoặc những lời nhắc nhở qua các tiết sinh hoạt lớp hàng tuần và đặc biệt, qua những tấm gương của những nguời xung quanh. Nhà trường, Đội thiếu niên hay Đoàn thanh niên có tuyên truyền, vận động chúng tôi đọc các  cuốn sách trong đó có những tấm gương dũng cảm, trung thực. Bên cạnh những Lý Tự Trọng, Hoàng Văn Thụ qua các hồi ký, những Pa-ven Cooc-xa-ghin, Ruồi trâu trong tiểu thuyết…những nguời sống quanh chúng tôi khi ấy chứng tỏ cái đạo đức ấy là có thật và việc phải noi theo không cần bàn cãi. Từ ông bà cha mẹ trong gia đình hay thầy cô ở nhà trường; từ hàng xóm láng giềng  tới những nguời gặp gỡ hàng ngày trên đường phố, … đâu đâu chúng tôi cũng thấy những con người trung thực, cần cù lao động, sẵn sàng giúp đỡ nguời gặp khó khăn, …nghĩa là tuyệt đại bộ phận đều là những con người tử tế. Cảnh xếp hàng có thứ tự, nhường nhịn nhau khi mua gạo, mua thực phẩm,  mua vé xem những bộ phim hay, hình ảnh một nguời lớn đang đi xe đạp, thấy viên gạch vỡ nằm giữa đường đã xuống xe, nhặt vứt vào lề đường để nguời khác khỏi vấp ngã, … là những tấm gương không cần phải nhiều lời. Ngay những nguời lam lũ, ít học (thậm chí mù chữ) nhưng cũng tỏ ra biết tuân thủ pháp luật: nguời đánh xe bò kéo, mỗi khi chở tre, nứa đi trên đường không quên việc buộc một miếng vải rách ở ngọn cây tre để báo hiệu cho nguời qua lại chú ý tránh va chạm (đây là luật), những nguời buôn thúng bán mẹt chỉ gánh hàng rong đi trên phố chứ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, (cũng là luật)… là điều thường thấy. Công bằng mà nói, trước đây đạo đức của cán bộ, đảng viên thường là những tấm gương cho nhiều nguời học tập, noi theo. Hồi cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, cán bộ đảng viên thường xuất thân từ những gia đình tử tế, được thụ hưởng nền giáo dục của chế độ phong kiến, thực dân. Họ tham gia cách mạng trước hết vì lòng yêu nước, căm ghét áp bức bóc lột, muốn giành lại cơm no áo ấm cho mọi người, muốn toàn dân sống trong xã hội công bằng, hạnh phúc. Còn nhớ vào thời gian này, cán bộ, đảng viên cùng với bộ đội, công an và gia đình họ là những nguời chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh nhất, là những nguời sống mẫu mực nhất. Bên cạnh kỷ luật nghiêm minh của tổ chức, họ đều là những nguời giàu lòng tự trọng. Chính nhờ những tấm gương  ngay trước mắt trong đời sống hàng ngày, đạo đức xã hội tương đối lành mạnh dù cuộc sống vật chất còn rất nhiều gian khổ. Những đối tượng này chiếm tỷ lệ không lớn nhưng những hành vi của họ có sức lan tỏa, có tác dụng thuyết phục giới trẻ và đều là những tấm gương không phai mờ. Đáng tiếc hiện nay tất cả đã ngược lại. Tôn trọng luật pháp được coi là “quê”, ăn nói lễ độ được coi là “hâm”, trung thực, khiêm nhường được coi là “dại”. Càng cán bộ, đảng viên càng coi thường luật pháp, càng công an, bộ đội càng cậy quyền thế bất chấp lẽ phải. Cho nên, muốn lớp trẻ coi trọng đạo đức, trước hết đòi hỏi người lớn nhất là cán bộ, đảng viên hãy nêu gương là những nguời trong sạch, có lòng tự trọng, biết tuân thủ pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.

2. Ngoài việc nêu gương, muốn giáo dục đạo đức cần có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với những nguời xâm phạm những nguyên tắc đạo đức. Đây là đòi hỏi ở bất kỳ xã hội nào trên thế giới. Học sinh trước kia bên cạnh việc phải ở lại lớp khi học dưới trung bình, chỉ cần đánh nhau do có tính chất gây gổ, ăn nói tục tằn theo kiểu dân “anh chị” lập tức sẽ bị đuổi học. Nhà trường không thể dung nạp những nguời bất chấp đạo lý như thế. Nguời xưa nói “nhân bất học, bất tri lý” nghĩa là phải học mới biết được lẽ phải, mới biết đạo làm nguời và ngược lại, nguời không biết những lẽ phải thông thường không thể xứng đáng là nguời có học. Nhà trường hiện nay đã không làm được việc mang tính chất thanh lọc ấy, thậm chí cùng với thành tích về tỷ lệ lên lớp, với lòng thương yêu mang tính chất “lừa mị”, nhà trường đã cho lên lớp, thậm chí tốt nghiệp tất cả, vô hình trung đã dung dưỡng cho những nguời không đủ tri thức và phẩm chất đạo đức cần thiết.

Đến khi trưởng thành, bước vào đời, những thói xấu, những hành vi phạm pháp không bị xử lý hoặc có xử lý chỉ mang tính chất “vuốt ve”, “lừa mị” đã tiếp tục khuyến khích lối sống bất chấp đạo lý. Nguời sử dụng bằng giả để leo lên những chức vụ cao, nguời tham nhũng để có gia tài kếch xù, nguời vì vụ lợi mà có những quyết sách hại dân hại nước, …   nhận những hình thức kỷ luật như phê bình, phê bình nghiêm khắc hay cảnh cáo… chỉ  khiến họ  cười “khẩy” và những nguời xung quanh thấy “pháp luật ở ta chẳng khác gì diễn viên hài dù mang tên Công Lý”,  càng thêm coi thường kỷ cương, phép nước.

Ngay các cơ quan truyền thông với những hiện tượng này cũng chỉ mới “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa có những phản ứng tích cực cần thiết. Những hành vi phạm pháp, vi phạm các chuẩn mực đạo đức  lẽ ra cần có sự phân tích thấu đáo, thái độ phê phán nghiêm khắc với tần suất cao hơn, với thời lượng nhiều hơn, với những hình thức phong phú hơn mang tính chất cảnh tỉnh và giáo dục. Theo tôi, đây chính là việc làm cần thiết nếu muốn “nêu cao tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thực sự.

“Thuốc đắng dã tật”, câu tục ngữ này không chỉ đúng với việc chữa tật bệnh thông thường, nó đúng cả khi cần chữa những thói hư tật xấu của con người.

Chặn đứng sự suy thoái đạo đức không phải là công việc có thể một sớm một chiều. Nhưng nếu vin vào đó để không ngay lập tức có những thái độ và hành động quyết liệt là vô trách nhiệm với dân với nước, là  trọng tội với lịch sử dân tộc.

 

                                                                                                              Nhân ngày Giổ Tổ

2 BÌNH LUẬN

  1. Đạo đức truyền thống tạo nên những con người trung thực, tự trọng.

    Đạo đức Cách mạng thì đề cao thi đua, thắng thì được ca ngợi cho dù có chơi bẩn cũng được. Đạo đức dối trá bạo lực hiện nay là kết quả tất yếu của đạo đức Cách Mạng. Theo tiêu chuẩn của đạo dức Cách Mạng, thì thắng là có đạo đức cao. Dù dối trá lừa bịp để thắng cũng được coi là có dạo đức Cách mạng cao.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here