Năm 1973, vợ chồng tôi từ Quảng Oai chuyển về dạy ở thị xã Sơn Tây. Khu tập thể nhà trường  không có chỗ ở. Chúng tôi tạm ở nhờ căn bếp của anh Cường ở phố Ngô Quyền. Đây là một căn trong khu nhà xây cho bà con Việt kiều từ Thái Lan về nước năm 1960. Mặt phố là nhà ở, có 2 phòng. Cách cái sân nhỏ là bếp. Căn bếp chỉ khoảng chục mét vuông. Vợ sắp sinh con đầu lòng, lại còn đứa em trai  học lớp 7. Thật là bí. Nhưng chỉ còn mỗi cách là chờ đợi.

Một hôm, anh Chính, Hiệu phó gọi tôi vào,  bảo:

–         Hôm qua Thị uỷ mới yêu cầu trường bố trí giáo viên dạy bổ túc văn hoá. Tôi đã trao đổi với cụ Quý (Hiệu trưởng) là cử ông vào dạy Văn. Tôi biết hiện nay ông đã dạy quá nhiều rồi. Nhưng vẫn muốn cử ông vì hai lí do. Ông dạy được, giữ uy tín cho trường và thứ hai là lớp này toàn cán bộ lãnh đạo của thị xã. Bố trí để ông có thể tiếp cận với họ mà xin thuê nhà của Nhà nước.

 Đúng là năm ấy tôi đã dạy quá nhiều, phải dạy 4 lớp, lại còn nhiều công việc khác, bình thường chỉ phải dạy 2 hoặc 3 lớp là cùng. Dạy bổ túc lúc này là một hoạt động xã hội, không có thù lao. Nhưng trước lý lẽ xác đáng của anh Chính và biết đây cũng là thiện ý của lãnh đạo, tôi đồng ý.

 Lớp có khoảng hơn hai chục người, toàn cán bộ đầu ngành của Thị xã cả. To nhất là ông Bí thư Thị uỷ. Cỡ phó phòng chưa được học lớp này. Trình độ chắc là không ngang nhau, mỗi ông,  bà một lớp. Nhưng họ cứ gộp cả vào làm một vì có chết ai đâu. Chỉ học có Văn, Sử, Địa, gì mà không hiểu, không học  được?  Tổ chức nhiều lớp thì không có người dạy, mà lại buồn, vì lớp vắng quá. Học viên nói chung đều khoảng 40 – 50 tuổi, tôi mới chưa tới 30,  nhưng với giáo viên họ rất tôn trọng, luôn gọi là thầy, xưng tôi. Lúc ấy, số giáo viên mất tư cách cũng có nhưng rất ít. Nói chung, giáo viên đều đứng đắn và đặc biệt, không bao giờ để đồng tiền xen vào quan hệ thầy trò nên được mọi người quý trọng thật sự.

 

Ngay từ buổi đầu tiên, trong giờ nghỉ giải lao, các ông ấy đã hỏi tôi về gia cảnh. Tôi cứ thật thà nói tình cảnh của mình. Đến khi tan học, thấy tôi đi bộ, một ông lại có nhã ý đưa tôi về bằng xe đạp. Sau tôi mới biết nghe nói tôi đang phải ở nhờ một căn bếp có chục  m2, ông  Bí thư Thị uỷ bảo ông này theo tôi về xem nói có đúng không. Đến buổi học sau, cũng trong giờ nghỉ, ông Bí thư  bảo ông Cao, Trưởng phòng quản lý nhà đất cũng học lớp ấy :

– Này, anh xem có cái nhà nào bố trí cho thầy giáo nhé.

 Ý kiến ông Bí thư là lệnh Giời! Tôi hy vọng, nhưng chắc cũng còn phải chờ đợi.

 

Ở Sơn Tây lúc ấy có một số nhà cho thuê. Nhưng đây không phải là nhà do Nhà nước làm ra để cho thuê. Đó là những nhà chủ đã bỏ đi Nam sau năm 1954 nằm rải rác trong thị xã . Những nhà vô chủ này được nhà nước quản lý, ngoài một số sử dụng cho mục đích công cộng,  còn lại cho những người có nhu cầu thuê. Số lượng nhà thì không tăng, mà con người thì sinh sôi nẩy nở, nhu cầu rất lớn. Lúc bấy giờ, làm được một cái nhà để ở không phải là chuyện dễ dàng. Đất thì không khó lắm. Nhưng vật liệu thì rất hiếm. Sơn Tây có khá nhiều lò gạch. Nhưng đó là lò gạch của Nhà nước, gạch sản xuất ra là để “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, không phải để cho dân làm nhà. Không phải là Nhà nước thì không làm được gạch, vì đất sét thì vô khối, nhưng không có than, than là Nhà nước độc quyền! Quen thuộc lắm chỉ có thể được mua gạch phồng, gạch vỡ, tức là loại phế phẩm. Hôm nay xin mua được một xe (xe cải tiến, mỗi xe nếu chở đầy thì được khoảng 100 viên gạch lành, chứ không phải xe ô tô), vài tháng sau lại nhờ người xin mua được xe nữa, cứ thế,  mấy năm trời tích cóp mới có thể làm được một ngôi nhà bây giờ gọi là “nhà cấp 4”. Thế cho nên thuê nhà cực kỳ khó khăn. Chỉ có một cách là chờ xem có ai đang thuê nhà, làm được nhà mới, họ trả lại. Lúc ấy, ở Sơn Tây chưa có chuyện đem nhà được thuê nhượng cho người khác lấy “tiền hoa hồng”. Có lẽ không phải dân Sơn Tây “dại”, cũng không phải họ giàu quá, không cần tiền nữa. Mà vì đất Sơn Tây hẹp, dân ít, trong thị xã hầu hết biết nhau cả. Nhà nào làm nhà mới ai cũng biết.

Cho nên phải chờ. Còn phải làm đơn, xin cơ quan xác nhận hai vợ chồng đều là cán bộ Nhà nước, chưa có nhà ở; rồi xin Công đoàn xác nhận khó khăn, vợ sắp đẻ, …. Có người nộp đơn 2, 3 năm rồi mà vẫn phải ở nhờ. Tôi còn chưa nộp đơn. Vì nói chuyên với cụ Quý, Hiệu trưởng xin xác nhận vào đơn, cụ bảo đừng vội. Cụ Quý là một trong hai người Hiệu trưởng mà tôi kính trọng trong cuộc đời đi dạy học. Không phải vì cụ bằng tuổi Bố tôi. Mà vì Cụ thẳng thắn và liêm khiết. Suốt cuộc đời  dạy học, đến khi về hưu, vẫn ở căn nhà thuê của Nhà nước. Trong nhà ngoài cái xe đạp và bộ đồ trà có cái ấm hình quả phật thủ kỷ niệm thời gian làm việc ở Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, có lẽ chẳng có cái gì đáng tiền. Cụ bà vẫn hàng ngày phải ra chợ Nghệ, bán mấy thứ lặt vặt như quả chanh, quả ớt, mấy củ hành củ tỏi, đủ tiền rau dưa. Cụ bảo tôi:

–         Mình nộp đơn ngay họ sẽ bảo rằng mình chưa thấy lợi mắt đã sáng lên. Cái anh có quyền có chức là nó dễ khinh người lắm!

 Rồi Cụ lại nói thêm :

–         Người ta mà định cho ông thuê thì chẳng cần có đơn ông vẫn được thuê. Còn khi người ta không muốn cho ông thuê thì ông có nộp đến cả trăm cái đơn cũng chẳng ăn thua gì!”

Cho nên tôi còn chờ.

Nhưng thật bất ngờ, chỉ 2, 3 tuần sau, trong một buổi học, ông Cao  hẹn tôi sáng hôm sau đến,  ông ấy đưa đi xem nhà, nếu bằng lòng thuê thì sau đó đến cơ quan ký hợp đồng luôn. Cả đêm hôm ấy không ngủ được. Háo hức, cứ hình dung xem căn nhà nó thế nào. Chỉ mong trời mau sáng.

Hôm sau, trên đường đi, ông Cao bảo tôi:

–         Thầy may là có ý kiến anh Ban (Bí thư Thị ủy) đấy. Nếu không, cái nhà này phải đưa về trường thầy. Nhà trường mới bình xét xem ai được thuê. Thật hú vía! Vì nếu đưa về trường thì làm sao đến lượt tôi được! Tôi mới về trường chưa được 2 tháng, mà trường thì thiếu gì người cần thuê nhà!

Thế là chỉ trong 3 hôm, tôi đã dọn đến ở nhà mới, đó là một buồng khoảng 25 m2 trong căn nhà số 2 phố Cửa Tiền (nay là phố Quang Trung). Mà ông Cao còn cứ phân trần mãi là định bố trí cho tôi chỗ ở rộng rãi hơn nhưng chưa tìm được. Buồng này ngay góc phố, nên nó “hình ngũ giác” chứ không được vuông vắn, trông ra bờ hào, rất thoáng đãng, trước mặt có máy nước công cộng, gánh nước thì rất gần, mà buổi tối có thể mang quần áo ra giặt được. Lại gần trường, chỉ cách khoảng 300 m.

 Khổ là có cái loa phát thanh ngay  trước cửa. “Đường lối chính sách” lắm lúc điên hết cả đầu! Một hôm, gặp bà Hiền, Trưởng phòng văn hóa thông tin, tôi nói về chuyện cái loa. Bà ấy cười bảo:

–         Thông cảm với thầy lắm, nhưng tôi mà chuyển đi chỗ khác thì người ta kiện ngay. Thầy sợ, nhưng lại có người thích, vả lại, đấy là ngã ba, đông người nghe.

 Tôi đành cười gượng. Nhưng mấy hôm sau, thấy có người leo lên cột xoay cho cái loa hướng đi chỗ khác.

Tôi mới dạy lớp bổ túc ấy từ tháng 10, thế mà lúc  sinh con gái tháng 2 năm sau đã có nhà ở rồi.

1 BÌNH LUẬN

Trả lời Lang Dong Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here