Tư Mã Chiêu (211 – 265), người huyện Ôn, Hà Nội thời Tam Quốc (phía tây huyện Ôn tỉnh Hà Nam ngày nay).

Xuất thân trong một gia đình giàu có, cha là Tư Mã Ý, một người nổi tiếng túc trí đa mưu, giỏi quyền biến, vì thế bị Tào Tháo ghen ghét, đến thời Ngụy Văn Đế Tào Phi mới được tín nhiệm kính trọng; đến thời Minh Đế được nhậm chức Đại tướng  quân, nhiều lần mang quân chống lại Gia Cát Lượng. Khi Tào Phương lên ngôi, Tư Mã Ý cùng với Tào Sảng người trong Hoàng tộc cùng phụ chính, về sau, Ý dùng mưu giết Tào Sảng, nắm giữ đại quyền, họ Tư Mã kết thúc triều Ngụy lập nên nhà Tấn.

Anh Tư Mã Chiêu là Tư Mã Sư cũng là kẻ nhiều thủ đoạn. Sau khi  nối nghiệp cha phụ chính nhà vua, thấy Ngụy Đế Tào Phương không vừa lòng mình, năm 254, đem phế đi rồi lập Tào Mao lên ngôi, nhưng thật đáng tiếc, chẳng được bao nhiêu ngày, cái phúc làm Nhiếp chính vương đến năm sau đã tan theo bọt nước.

Dựa vào cơ nghiệp do cha và anh gây dựng, Tư Mã Chiêu không chỉ vừa lòng với chức Đại tướng  quân, ông ta còn muốn tiến xa hơn cha và anh, công khai tuyên bố cái mình nghĩ tới là ngôi Hoàng đế.

Lúc đó, trong triều, nhiều người đã theo Tư Mã Chiêu hoặc phải câm lặng để giữ thân, chỉ có một người là Đại tướng  quân Gia Cát Đản không chịu khuất phục, thường tỏ ý chống đối. Tư Mã Chiêu rất muốn  nhanh chóng thanh toán Gia Cát Đản, nhưng ngại ông ta có đội quân hùng mạnh, không dám coi thường. Chiêu bèn sai người tâm phúc là Giả Sung tới nơi Gia Cát Đản thăm dò, nói người trong triều đều bằng lòng Hoàng thượng nhường ngôi cho Tư Mã Chiêu,  hỏi ý kiến Gia Cát  Đản.

Quả nhiên Gia Cát Đản nghiến răng:

– Chỉ cần ta còn sống một ngày, âm mưu của Tư Mã Chiêu nhất định không thể thực hiện! Nhường ngôi? Ta sẽ buộc hắn phải thoái vị.

Giản Sung về nói lại với Tư Mã Chiêu. Tư Mã Chiêu sợ đêm dài lắm mộng, quyết định phải nhanh chóng thanh toán Gia Cát Đản, giả truyền thánh chỉ, triệu Gia Cát Đản về kinh, phong cho Đản là Tư không. Kế này rất hay, nếu Gia Cát Đản đồng ý về kinh, sẽ nằm trong phạm vi thế lực của Tư Mã Chiêu, giết ông ta dễ như trở bàn tay; còn nêu ông ta không chịu về kinh nhận phong là đã kháng chỉ, có thể khép vào tội mưu phản, Tư Mã Chiêu có thể danh chính ngôn thuận mang quân đi trấn áp. Đằng nào Gia Cát Đản cũng chỉ có một con đường chết.

Gia Cát Đản chưa biết nên thế nào, tiến thoái lưỡng nan, bèn giương cờ chống lại. Thế là Tư Mã Chiêu có cớ mang quân tiêu diệt.

Gia Cát Đản chết, trong triều càng không còn ai dám trái ý của Tư Mã Chiêu, triều đình bỗng trở thành nhà của Tư Mã Chiêu, Hoàng đế trở nên ông phỗng bảo sao nghe vậy. Vốn là người tuổi trẻ có chí khí, Tào Mao đâu có dễ chấp nhận thân phận như thế. Biết là cuối cùng cũng hoặc bị phế truất hoặc bị giết, Tào Mao bí mật liên lạc với Thượng Thư Vương Kinh cùng bọn người họ Tào, chuẩn bị chờ thời cơ để ra tay. Tào Mao nói với bọn Vương Kinh:

– Các ngươi xem,  giờ đây triều đình đã trở thành như thế nào, mưu soán quyền của Tư Mã Chiêu đã rõ, người người trong thiên hạ đều biết! Ta không thể ngồi yên chịu chết.

Tào Mao càng nói càng xúc động:

–         Dứt khoát ngày hôm nay chúng ta phải hành động, chậm trễ sợ sinh biến!

Vương Kinh vội khuyên can:

–         Bệ hạ, Tư Mã Chiêu rất đông thủ hạ, mà ngài thì chẳng có quân lính gì, làm như thế chẳng phải là nguy hiểm lắm sao?

Tào Mao đã hành động thiếu suy xét do nhiều năm chịu áp chế, mắt ông ta đỏ rực, dừng một lát rồi tiếp:

– Không, ta sẽ không đội trời chung với hắn, cuối cùng nhất định một người phải chết.

Đáng tiếc, lòng căm hận không thể giải quyết được vấn đề. Đã có người sớm mật báo cho Tư Mã Chiêu về những lời bàn bạc của Tào Mao. Tư Mã Chiêu đã ra tay trước, cho mấy thủ hạ giết nhóm người thân tín của Tào Mao, rồi cho người ngựa xông vào nơi ở của Tào Mao, cuối cùng, Tào Mao bị giết.

Tào Mao chết, Tư Mã Chiêu lập Tào Hoán nối ngôi, lại lấy danh nghĩa Thái hậu, ra một đạo chiếu thư, bịa đặt tội danh của Tào Mao phế thành người bình dân, khi đã trở thành người bình dân, cái chết của Tào Mao không còn là điều đáng quan tâm nữa. Về sau do dư luận bàn tán, Tư Mã Chiêu phải tìm một người gán cho tội giết vua rồi đem hành hình, còn ông ta bình thản chiếm ngôi vua.

Về sau, “lòng dạ Tư Mã Chiêu người người đều rõ” đã trở thành một câu thành ngữ, ý nói âm mưu hoặc dã tâm hoàn toàn lộ rõ, ai ai trong thiên hạ đều biết.

 

Chú thích:

  1. Tào Phi 187 – 226), ở ngôi 220 – 226, con của Tào Tháo, năm 220 xưng đế, đóng đô ở Lạc Dương, quốc hiệu Ngụy.  Làm thơ có tiếng, tác phẩm: “Ngụy Văn Đế tập”
  2. Nhiếp chính vương: người thay Hoàng đế nghe chính sự khi Hoàng đế còn nhỏ tuổi
  3. Thượng thư: Có từ đời Tần, Tề thời Chiến Quốc.

5 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here