Đó là cái tên để gọi tuần lao động ở các làng ngoại thành vào mùa gặt. Để giúp học sinh hiểu và thông cảm với  đời sống của nông dân, mỗi năm học, chúng tôi phải “xuống xã” một tuần lễ, tham gia gặt lúa mùa.

Vào thời điểm này, thời tiết không còn nắng nóng. Đêm trời đã lạnh, ban ngày có nắng hanh. Dù mới 14, 15 tuổi, nhưng chúng tôi đã được yêu cầu phải thực hiện “ba cùng” giống như cán bộ đi tham gia cải cách ruộng đất. “Ba cùng” tức là cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân.

Năm đầu tiên, thực hiện việc này, tôi học lớp 7 trường Nguyễn Trãi. Học sinh lớp dưới vì còn nhỏ quá nên không tham gia. Chúng tôi cùng về hai thôn Gia Quất và Sài Đồng ở Gia Lâm (không nhớ thuộc xã nào), cách nội thành khoảng 7, 8 cây số. Ba bốn đứa được chia vào ở với một gia đình nông dân và “ba cùng” với họ, một đứa được cử làm nhóm trưởng..

Đứa nào cũng chuẩn bị ba lô có quần áo, chăn, màn, … Nhưng nông dân khi ấy còn nghèo lắm. Hầu hết trong làng là nhà tranh vách đất, những cái nhà thấp, người lớn ra vào còn phải cúi. Ban ngày trong nhà cũng chỉ nhìn thấy mờ mờ vì chỉ có mỗi cái cửa ra vào, buổi tối được che bằng cái liếp đan bằng nứa. Cả làng chỉ có vài cái nhà gạch, lợp ngói là của địa chủ vừa bị đấu tố xong, bây giờ chia cho một số gia đình nông dân. Cũng có nhà xây tường gạch nhưng mái lợp vẫn bằng tranh hoặc lá cọ. Nhà nào đàng hoàng thì có cái giường tre, còn toàn nằm ổ rơm, không có màn, lạnh thì đắp chiếu. Vì nông dân ở như thế, nên để “ba cùng” chúng tôi cũng phải cất màn đi. Cả lũ cùng nằm trên  cái ổ rơm,  trải  chiếu lên trên. Ban đầu, muỗi, rồi trời lạnh quá  không ngủ được. Phải nằm trên ổ rơm, còn lấy chiếu đắp. Có lẽ đang “tuổi ăn tuổi lớn” nên chỉ có đêm đầu còn trằn trọc, từ đêm sau cộng thêm cái mệt vì làm suốt ngày ngoài đồng nên  đặt mình xuống, chỉ chuyện trò được dăm ba câu là ôm lấy nhau ngủ như chết. Buổi sáng dậy sớm như chủ nhà, từ khi trời còn mờ đất. Lúc họ thổi cơm dưới bếp chúng tôi ngồi xung quanh vừa chuyện vừa sưởi. Nghĩ cứ thế này thì ngồi mãi được, vì ấm quá! Ăn cơm xong thì đi làm đồng.

Là vụ thu hoạch lúa nên công việc chủ yếu của chúng tôi là cắt lúa rồi ôm lên bờ ruộng sau khi đã bó lại thành từng lượm. Chủ nhà sẽ gánh về nhà. Lúc này chưa có hợp tác xã, có vài ba người lớn vừa trong gia đình vừa đổi công với những nhà hàng xóm hoặc họ hàng, chúng tôi giúp thêm. Cắt lúa bằng liềm còn dễ, chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ là quen tay, nhưng cắt bằng hái thì khó vô cùng. Vì nó có một cái mỏ tre (như mỏ con cò) ở đầu. Cái mỏ này dùng để móc những cây lúa bị đổ rạp xuống do gió bão, .. Có nó, người gặt đỡ phải cúi. Nhưng vì cái mỏ này nó cứ “lều nghều”, nên đứa nào cũng bị cái lưỡi hái “xơi” một nhát vào chân, máu chảy lênh láng. Nhưng bà con chỉ cần lấy một thứ cỏ mọc hoang nào đấy trên bờ ruộng, nhai rồi đắp vào vết thuơng là cầm được máu. Thời tiết tương đối dễ chịu, ruộng mùa này khô ráo nên chúng tôi làm việc cũng không đến nỗi vất vả lắm. Chẳng ai có đồng hồ nên giờ làm, giờ nghỉ toàn theo cảm giác của nông dân. Ăn sáng xong thì đi làm, thấy mặt trời “đứng bóng” thì về. Ăn trưa, nghỉ ngơi một chút lại ra đồng. Mặt trời xế bóng thì về.

Khổ nhất là chuyện “ăn cùng”. Cả mấy đứa chúng tôi không phải con nhà khá giả, nhưng thật cũng chưa bị đói dù có lúc phải ăn ngô ăn khoai trừ bữa. Nhưng về ở với người nông dân ở đây mới thấy cái ăn khổ quá. “Triết lý” của họ là: ăn là để lấy sức làm. Cho nên, thường bữa sáng và  bữa trưa được ăn no. Nhất là đúng vụ gặt, có thóc mới. Gạo mới, cơm thơm phức. Dù thức ăn rất ít nhưng chúng tôi ăn vẫn ngon miệng. Món ăn quen thuộc là cà muối. Mùa này không có cà pháo (quả nhỏ), chỉ có “cà bát” (quả to). Để có thể dành ăn dần, người ta phải muối rất mặn. Một quả cà cắt làm nhiều miếng, nhưng suốt một bữa cơm nhiều khi chỉ ăn hết một miếng cà. Sau này, đọc ca dao, có câu nói về anh thợ gặt nói với con gái nhà chủ:

Giếng đâu em dắt anh ra,

Kẻo anh chết với vại cà nhà em.

Là tôi nhớ ngay tới những miếng cà được ăn vào dịp này.

Nhưng bữa chiều thì hầu như không được ăn gì. Họ bảo tối đi ngủ, cần gì ăn? Thế là chiều đi làm về, mỗi đứa chỉ được củ khoai luộc. (Buổi trưa còn ít cơm nguội thì mấy đứa con chủ nhà ăn). Tối đầu tiên, mấy đứa trằn trọc, không ngủ được. Hôm sau lúc đi làm, hỏi nhau, ra nhà nào cũng thế cả. Đều nghĩ, nhưng chưa đứa nào có cách giải quyết. Chiều, sau khi đi làm về, mấy đứa cũng ăn vội củ khoai rồi rủ nhau ra đầu làng. Mục đích là xem thử có cái gì có thể mua ăn được không. Nhưng đầu làng có cái quán dưới gốc đa, ban ngày bán bát nước chè tươi, mấy cái kẹo bột, gói thuốc lào, … Chiều tối là họ nghỉ. Ba đứa ở cùng nhà cứ tha thẩn, chưa nghĩ ra cách gì. Bỗng thằng Lịch (nó lớn nhất, hơn tôi 2 tuổi) bỗng có “sáng kiến”:

– Cứ đói thế này, không chịu nổi đâu! Mà còn những mấy ngày nữa. Tao có cách, chúng mày chờ ở đây, tao về Hà Nội mua bánh mì.

Nghĩ đoạn đường về Hà Nội sợ quá, 7, 8 cây số chứ có ít? Thằng Lịch nói thêm:

  • Thôi, chúng mày cứ chờ tao ở đây. Tao về mua bánh mì rồi mang sang cho mà ăn.

Lịch là bạn cùng lớp, học khá lắm, hơn bọn tôi hai ba tuổi vì gia đình khó khăn, phải nghỉ học mất mấy năm. Vì thế, Lịch cũng rất tháo vát trong mọi việc.

Thế là Lịch đi. Chúng tôi chờ. Hết ngồi lại đứng. Cùng nhau đi ra ngoài đường quốc lộ rồi lại quay vào, đi đi lại lại mấy lượt mãi chưa thấy Lịch sang. Trời tối đen như mực, nhiều lúc thấy rờn rợn. Có đứa còn đoán già đoán non: “Có khi nó về ăn no rồi ngủ kỹ mai mới sang cũng nên.” Có đứa cãi: “Thế nào nó cũng sang, nó đã hứa rồi.” Cãi nhau như mổ bò.

Nhưng rồi cũng thấy Lịch xuất hiện. Hóa ra nó đi xe đạp cùng với đứa em, rồi để em đi xe về. May quá, chứ nếu đi bộ thì không biết còn chờ tới bao giờ. Không biết lúc ấy là mấy giờ vì không đứa nào có đồng hồ. Nó mang một cái “đẫy” (một loại túi to bằng vải) trong có mấy cái bánh mì. Nó vừa thở hổn hển, vừa bảo:

– Có 8 cái, mỗi thằng 2 cái, còn 4 cái để đến mai. Tao ăn rồi.

Đang ăn thì thấy bốn đứa nữa xuất hiện. Thì ra cũng đi tìm cái ăn cả. Chẳng lẽ lại giấu. Mà có giấu cũng không được. Thế là đành chia mỗi đứa được một cái.

Đang ăn, thằng Cát nêu ý kiến:

– Ngày mai, làm đồng về, tao sẽ về mua bánh mì. Đi ngay, vừa đi vừa chạy, thì chỉ khoảng tối một lúc là sang đến nơi thôi. (nhà nó không có xe đạp).

Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi thỏa thuận: Tất cả có 7 đứa. Trong 5 ngày sẽ có 5 đứa lần lượt về mua bánh mì (những năm này chưa xây dựng CNXH nên bánh mì nhiều lắm, một hào một cái mua bao nhiêu cũng có). Đứa nào về, sẽ xin tiền của nhà đi mua. (vì chẳng đứa nào có đủ tiền để góp) nếu nhờ được ai đèo xe đạp sang thì tốt. Hai đứa bé nhất (tuổi thì sàn sàn như nhau, nhưng hai đứa tôi “còi” hơn) không phải về mua thì chuẩn bị mời những đứa kia uống nước mía những hôm đi đá bóng ở Ba Đình (nước mía mùa đông được đun nóng, có pha một chút bột đỗ xanh, thơm phức!). Bọn tôi tình nguyện cũng về mua nhưng chúng nó không cho, vì “chúng mày đi chậm như sên để chúng tao chết đói à?”

Thế là từ hôm ấy đến hết đợt, chúng tôi vẫn có thể “ăn cùng” với nông dân mà không thấy đói lắm.

Mà này, cái bánh mì chẳng có pa-tê, xúc-xích, nhai không mà thấy cũng ngọt ra “phết”, sau mãi tới khi lên lớp 8, học mới biết là do tinh bột chuyển hóa thành đường nhờ cái men gì đấy trong nước bọt.

Mãi tới gần ngày cuối cùng, bọn cùng lớp mới phát hiện ra “mẹo” của chúng tôi. Bọn nó cứ trách sao không bảo để chúng nó tham gia với ngay từ đầu.

Nhưng từ năm sau trở đi, có lẽ thấy chuyện “ba cùng” với học sinh là quá sức nên  chúng tôi chỉ xuống xã tham gia gặt mùa một tuần, mỗi  ngày  làm một buổi, vẫn đi về nhà như đi học.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here