Trước đây, việc tang ma ở Hà Nội do mấy cửa hiệu xe đòn đám ma đảm nhiệm (thường gọi là nhà đòn). Trên phố Hàng Da trước năm 1960 có mấy nhà. Theo yêu cầu của khách mà nhà đòn lo liệu đám tang. Mỗi hiệu có vài cái xe tang chở quan tài, xe bốn bánh, trang trí bằng các hoa văn sơn hai màu đen trắng, do ngựa kéo. Ngựa cũng được phủ một tấm vài đen viền trắng từ đầu tới chân, phần đầu có hai khoảng trống cho đôi mắt ngựa. Người xà ích ngồi trên xe cũng ăn mặc trang trọng với hai màu đen trắng. Tùy mức độ giàu nghèo mà xe tang có một hay nhiều ngựa kéo. Nhà giàu thường có mấy người đi đầu cầm cờ phướn, cũng hai màu đen trắng.Người đi đưa thường đi bộ sau một quãng thì lên hoặc xích lô, xe đạp (hiếm ô tô) theo phía sau, nhiều người đi tới tận nghĩa trang. Các nghĩa trang của thành phố không xa lắm. Có nghĩa trang ở ngay khu vực giáp đường Đại Cồ Việt, trường Bách Khoa bây giờ (mãi năm 60 mới di dời để lấy đất xây dựng trường), có cái ở trên đường Minh Khai, xa thì ở Cầu Giấy (gần đền Voi Phục).

Vì thành phố chưa đông dân, lại có nhiều nhà đòn nên cũng phải cạnh tranh ghê lắm. Nguyễn Công Hoan có viết một tryện ngắn (mình quên tên) trong đó kể ông chủ nhà đòn nghe tin có một ông cụ ở phố hàng Gà ốm nặng bèn cho người tới thăm dò. Hỏi mấy người đầy tớ nhà ấy, thấy nói ông cụ mấy hôm nay đã không ăn uống gì được, ông chủ bèn mua một cân lê tới thăm (đây là món quà sang lúc ấy). Sau đó,ông gặp gỡ người con trai trưởng, tự giới thiệu về cửa hiệu của mình, rồi ngỏ ý xin lo việc hậu sự cho cụ nhà. Được người con bằng lòng, ông chủ ra về mừng lắm. Nhưng chờ mấy hôm, chẳng thấy tin tức gì, nghi có kẻ “nẫng tay trên”, ông bèn đích thân tới xem xét. Ai ngờ, khi hỏi thăm,  người ta cho biết ông cụ đã khỏe lại, từ hai hôm nay đã ăn được lưng cháo, ông thất vọng quay về, tự nguyền rủa cái số mình đen đủi.

Chuyện chỉ có thế, nhưng mình đã nghe một thầy (dạy đại học hẳn hoi) giảng: Nguyễn Công Hoan thông qua truyện ngắn này đả kích giai cấp tư sản vì đồng tiền mà táng tận lương tâm mong cho người ta chết. Mình thì chẳng nghĩ như thế. Tư sản gì khi trong tay có cái xe tang và vài con ngựa! Lại còn phải đích thân đi  PR, đi “tiếp thị” (đấy là nói theo ngôn ngữ tân thời). Chẳng qua nhà văn nói một cái nghịch cảnh thường xảy ra trong cuộc sống. Vốn Nguyễn Công Hoan hay khai thác các đề tài loại này, kiểu như “nó chỉ thèm được ăn,  bà ấy chỉ thèm ăn được”, ông chủ thì nóng toát mồ hôi, còn đầy tớ rét từ trong bụng rét ra, con cái bất hiếu khi cha mẹ sống nhưng làm đám ma linh đình khi cha mẹ chết, .…

Cuộc sống tồn tại nhiều cảnh trái ngược, niềm vui và nỗi buồn, may mắn và bất hạnh, hạnh phúc và khổ đau, cái bi và cái hài, …Đó là những mặt đối lập luôn song hành tồn tại. Hình như đó mới là cuộc đời. Nhiều khi niềm vui của người này lại chính là nỗi buồn của người kia. Thời nào cũng thế, nước nào cũng thế. Ngay ở các nước văn minh hiện đại, bao nhiêu nhà chọc trời, đằng sau những biệt thự nguy nga tráng lệ là những khu nhà ổ chuột. Bên cạnh bao người giàu có với áo quần  sang trọng là những kẻ vô gia cư chết rét trên đường phố đầy băng tuyết, …

Chuyện tuyết ở Sa Pa cũng không ngoài những nghịch cảnh đó. Tuyết – một hiện tượng thiên nhiên còn hiếm gặp ở Việt Nam gây tai họa cho những người dân trồng hoa hồng, trồng su su, gây thất thu cho những cánh rừng thảo quả, chết trâu, chết  bò của người dân địa phương, bao con người, kể cả trẻ nhỏ với bộ quần áo  phong phanh, đôi chân trần chống chọi với tuyết  lạnh, … khiến bao người xúc động. Vì hiếm gặp, người dân không chuẩn bị đối phó nên tác hại càng nghiêm trọng, những tấm lòng  đầy lòng trắc ẩn càng xót xa, càng nhức nhối. Nhưng cũng vì hiếm gặp nên tuyết hấp dẫn biết bao người đủ mọi nơi. Muốn xem tuyết, muốn chạy nhảy, vui đùa trong tuyết trắng phải mất nhiều chục triệu đi du lịch các nước  châu Âu hay phía bắc vào mùa đông. Nay lên Sa Pa, Mẫu Sơn, tốn kém chỉ khoảng một phần mười khoản tiền ấy, sao ngăn được người ta thưởng ngoạn? Cho nên cũng chẳng nên trách những người không quản rét buốt đường xa lên Sa Pa dịp này. Mà  dân Sa Pa, Mẫu Sơn, những người kinh doanh du lịch cũng coi băng tuyết là dịp may,  là cơ hội tăng doanh thu vì đông khách, những phụ nữ và trẻ em bán hàng lưu niệm trên các con phố nhỏ cũng hy vọng bán được nhiều hơn mỗi khi có du khách tấp nập kéo về. Thế là đối với người dân Sa Pa, tuyết lạnh  cũng không phải chỉ là thảm  họa.

Cho nên cũng không nên trách những người đi du lịch ấy là vô cảm, là dửng dưng trước nỗi khổ của mọi người. Họ có cái quyền ấy, vì họ sử dụng đồng tiền của họ và không làm ảnh hưởng xấu tới ai. Không phải vì nhiều người ngắm tuyết mà tuyết rơi nhiều hơn, nhiệt độ thấp hơn.  Cũng như người bỏ mấy tỷ ra mua cái giường, cũng là quyền của họ. Không thể cứ “nếu như”, “giá như” để chỉ trích. Còn ý thích, khiếu thẩm mỹ thì đa dạng, không ai có thể bắt người khác phải theo ý mình. Nhiều khi, thấy người ta mua cái điện thoại gần hai chục triệu, cái xe máy cả trăm triệu, cái ô tô nhiều  tỷ đồng , mình cũng nghĩ “giá như”, “nếu như”, nhưng vội phải dẹp cái “giá như”, “nếu như” ấy ngay vì sợ không biết khi có ngần ấy tiền, mình sẽ làm gì.

Chỉ có điều, cần chú ý tới cách ứng xử khi hưởng niềm vui bên cạnh  những nỗi khổ đau của người khác. Nhà hàng xóm có đám tang, không ai cấm nhưng khi muốn nghe nhạc,  anh hãy làm sao cho vừa đủ nghe, trân trọng và sẻ chia nỗi buồn vì mất mát người thân của nhà bên cạnh. Đi ngoài đường, thấy đám tang, bây giờ chắc khó có ai theo được thói quen xưa, dừng chân, ngả mũ vĩnh biệt người quá cố về thế giới bên kia vì đang đi xe máy chứ không đi bộ, trên đầu  là cái mũ bảo hiểm chứ không chỉ là cái mũ che nắng nhưng cũng nên chạy chậm lại và đừng có nổi còi dù dòng người đưa tang nhiều khi lấn gần hết lối đi. Lên xem tuyết, đừng tỏ nỗi vui sướng hân hoan  thái quá bên cạnh những người đang rét mướt vì thiếu thốn đói nghèo, nên rộng rãi  một chút khi mua bán của những người đang vất vả mưu sinh mặc dù ta cũng chưa phải là giàu có, vì nhiều khi, chỉ một chút nhỏ tiền bạc không thấm tháp gì với khoản tiền mà chúng ta bỏ ra để hưởng niềm vui  đã có thể mang lại bao tiếng cười cho những đứa trẻ lam lũ.

Chung quy là cái lòng trắc ẩn trong mỗi con người đừng để nó thui chột. Trong đủ thứ tình cảm của đời sống,  con người còn có tình đồng loại.

4 BÌNH LUẬN

  1. Bác nhà văn ơi. Bác hãy viết thật nhiều những câu chuyện về cuộc sống, con người và những số phận hay những tình huống trong xã hội đời thường cho mọi người đọc tìm hiểu nữa bác nhé. Cảm ơn vì những câu chuyện của bác làm cháu tự nhủ ra nhiều điều.
    À, cháu còn một yêu cầu nho nhỏ nữa là bác hãy giúp mọi người cũng như cháu tìm những mẩu chuyện hay dã sử, sử kí của việt nam để bạn đọc biết đc những sự kiện của người việt xưa trong lịch sử (cháu rất yêu thích lịch sử phong kiến nhưng tìm đọc truyện sử Việt rất hiếm, toàn đọc sử Trung Hoa mãi cũng chán. K thấy tí tự hào về nước mình gì hết).
    Bác giúp cháu cũng như các độc giả bác nhé. Cám ơn bác nhiều!!!

  2. Thực ra những người giàu có chính đáng là những người tạo ra nhiều việc làm nhất giúp mọi mười có cuộc sống tốt hơn, họ có tiêu hết đâu, họ chính là những người làm v từ thiện lớn nhất …. Chúng ta chỉ có thể giúp người chăm chỉ, người ko may mắn chứ ko giúp kẻ lười biếng ….

  3. Bác Giao phân tích rất xác đáng. Nếu một nửa số cán bộ giảng dạy những môn khoa học xã hội và nhân văn có được nhãn quan này thì đất nước ta đỡ khốn nạn. Nhưng thực tế thì khó tìm được người giảng lý luận, các nhà quản lý mũ cao áo dài nói được câu nào giống như bác Giao viết.
    Nhưng hiểu đời như bác Giao chắc khó mà được chấp nhận trong “hệ thống chính trị” của đất nước ta hiện nay.

  4. Ông giáo làng viết nhiều bài tôi đọc thấy rất tâm đắc. Tính nhân văn rất cao, ý tứ sâu sắc, hóm hỉnh nhẹ nhàng nhưng thâm thuý. Không biết các Vị mũ cao áo dài họ có đọc không? Bây giờ không chỉ lớp trẻ mà cả một số người lớn tuổi cũng chayi theo kim tiền, danh vọng hão huyền. Họ đánh mất nhân cách làm người tử tế, nhưng lại thường giáo huấn đám đông về đạo đức về tấm gương này nọ. Kính chúc Ông giáo và gia đình đón năm mới nhiều sức khoẻ, hạnh phúc, có nhiều niềm vui và viết tiếp các suy ngẫm cho mọi người đọc. Cám ơn Ông nhiều

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here