Cứ mỗi khi hết năm cũ, sắp bước sang năm mới, cuộc tranh cãi về giữ hay bỏ Tết âm lịch, có nên kết hợp hai cái Tết dương và âm lịch, … lại nóng lên. Những ý kiến đã nêu trước đây được bổ sung thêm bằng nhiều ý kiến khác. Chắc chắn những cuộc bàn luận này sẽ kết thúc khi mấy ngày nghỉ Tết qua đi, và nó lại được trở lại khi chuẩn bị Tết sang năm. Nghĩa là nó sẽ bất tận, … vì ai nói cứ nói, còn thì việc ai nấy làm. Những người có trách nhiệm chẳng mấy quan tâm vì hình như cả xã hội đang vận hành theo đúng cái quỹ đạo mà họ hằng mong muốn. Ai nấy đang đua nhau lao vào các cuộc cạnh tranh giành giật cho được những đồng tiền chân chính hay bất chính để được thành “đại gia”, “tỷ phú”, nhảy xổ vào các đền chùa bất chấp là nơi thờ tự trang nghiêm để tranh cướp “lộc rơi lộc vãi”, khẩn cầu các đấng siêu nhiên “phù hộ độ trì” cho mình được tai qua nạn khỏi, được “mua may bán đắt” để vững lòng thả sức “táng tận lương tâm” hãm hại đồng bào trong cuộc đua tranh. Thiển nghĩ, chẳng nên bàn luận hay tranh cãi làm gì, vì mấy lý do sau đây:

  1. Các con cháu vua Hùng vốn rất ưa thích lễ hội. Đất nước mỗi năm đã có tới hơn 8.000 lễ hội (tức là trung bình mỗi ngày có tới gần 22 dịp ăn chơi nhảy múa) nhưng vẫn chưa đủ. Người ta còn hàng ngày hàng giờ đưa các lễ hội từ đủ các phương trời trên Trái đất này vào để có cớ vui chơi. Ngày Giáng sinh là của người Thiên Chúa giáo, người Phương Tây nhưng mấy năm nay, nó đã trở thành ngày lễ của cả nước. Cứ như nước ta đã coi đạo Thiên Chúa là quốc đạo. Lại còn bao nhiêu ngày Lễ ngày Hội khác, mỗi năm lại thêm phong phú, dồi dào. Nào là Valentin, Tạ ơn, Ngày của Cha, Ngày của Mẹ, …Vẫn chưa đủ, mỗi nhóm người hàng năm còn nghĩ ra biết bao dịp để gặp gỡ, ăn nhậu, khoe khoang. Ai cũng có hội bạn học từ tiểu học tới cấp 2, cấp 3; rồi hội đồng ngũ, hội cựu chiến binh các cấp (thôn, xã, huyện); họp mặt các kiểu cơ quan cũ (mà một người có thể có tới mấy cơ quan trong cuộc đời); rồi đồng hương đồng khói, rồi nhân ngày nọ ngày kia,…Đến cái xóm nghèo của tôi, nhiều gia đình chưa đủ tiền học cho con dù chỉ vài ba trăm nghìn mỗi tháng nhưng cũng không chịu thua kém, năm nào cũng tổ chức liên hoan thịt cầy thịt lợn mỗi khi Trung thu hay sắp Tết âm lịch.  Nghĩa là trong một năm, mỗi con cháu vua Hùng có thể có tới cả chục cái dịp để họp mặt vui chơi. Đó là chưa kể tới đám cưới, (giờ lại them cưới  bạc, cưới vàng, cưới kim cương), đám tang, đám giỗ, … Cho nên, dù có tuyên bố bỏ cái Tết âm lịch này thì dân chúng cũng không mấy ai quan tâm, họ vẫn còn biết bao dịp để thả sức vui chơi, nhậu nhẹt, bài bạc đủ kiểu, … kể cả tự gây tai nạn để sang thế giới bên kia.

  2. Têt âm lịch là cái Tết cổ truyền, vốn có từ xưa. Tết dương lịch tới nước ta cùng với người phương Tây cũng đã tới trên thế kỷ. Nhưng những năm trước, hai cái Tết này đâu có rườm rà, nặng nề, gây nhiều tai ương như những năm gần đây. Tết dương lịch, viên chức được nghỉ 1 ngày (khi ấy còn chưa có lệ nghỉ bù, nếu vào ngày chủ nhật thì coi như “mất Tết”). Nhà văn minh lắm thì trong nhà có thêm lọ hoa. Ngoài lời “Chúc mừng năm mới” ở cơ quan và trên trang bìa in màu của vài tờ báo hàng ngày, không mấy ai chú ý tới cái Tết Tây. Với người Việt Nam, Tết âm lịch mới đúng là Tết.

Nhưng ngay Tết âm lịch rất được nhiều người chờ đón, viên chức Nhà nước cũng chỉ được nghỉ hai ngày rưỡi (chiều 30 và hai ngày 1, 2 Tết). Nông dân thì nhiều nơi chiều ngày 1 Tết đã ra ruộng cấy nếu chưa cấy xong trước Tết theo lịch thời vụ.

Cũng có tục “xông” nhà, nhưng “tiêu chuẩn” để chọn người  “xông” nhà không phải là tuổi tác hợp hay xung; mệnh này mệnh nọ so với chủ nhà mà là người tử tế, cư xử hòa hợp, được mọi người quý mến.

Cũng có chơi bài. Đi chợ Tết, cha mẹ không quên mua cho các con bộ bài Tam cúc để cùng chúng bạn vui chơi nhưng chỉ tới ngày “hóa vàng”, thú chơi cũng chấm dứt. Mấy “hội” tổ tôm của các trung, cao niên cũng kết thúc khi hạ cây nêu, cỗ bài được gói lại cẩn thận, cất kỹ ở một góc ban thờ chờ năm sau. (Tất nhiên ngoại trừ những “phần tử bất hảo”)

Cũng có mừng tuổi. Nhưng tiền mừng tuổi chỉ là những tờ giấy bạc có giá trị thấp, chỉ đủ cho lũ trẻ bỏ ống để dành hay mua những vật dụng thông thường mà suốt năm mơ ước.

Cỗ bàn cũng thịnh soạn, cũng có rượu Tết. Nhưng người ta “nhắm” rượu bằng những chén hạt mít chỉ đủ gây một chút phấn khích đầu xuân với những người trong gia đình hay bè bạn thân tình.

Cũng có bói toán, xóc thẻ ở nơi chùa chiền hay đền miếu nhưng ngoài những cô gái còn ngây thơ dễ tin người, chẳng ai lại bỏ ra nhiều tiền của để ngu muội mà tin rằng đó là những chỉ bảo của thánh thần soi sáng cho cuộc đời mình.

….

Điểm lại những chuyện ấy để muốn nói rằng, bản thân cái Tết chẳng có lỗi gì. Làm cho cái Tết giàu truyền thống, nhiều thi vị  trở thành thời điểm để các thói xấu hoành hành, những nhiêu khê, rườm rà tràn lan trở thành những hiểm họa mỗi ngày chết bao nhân mạng chỉ do con người thời nay đang kế thừa và phát huy đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa. Cái Tết sẽ trở lại như vốn có khi đạo đức xã hội được phục hưng.

  1. Đừng hy vọng gì vào Nhà nước trong sự chấn hưng này vì mục đích để họ giành giật ghế ngồi không phải ở đó. Nếu như vì một sức ép nào khiến họ phải ban hành những cái lệnh dưới dạng các nghị định, thông tư, quy chế thì rồi tất cả cũng dễ dàng bị quên lãng giống như các lệnh cấm thuốc lá, uống rượu, hay tổ chức lễ hội, cưới xin…đã ban hành. Người Việt Nam ta lại vốn rất giàu tính hồn nhiên, nhiều khi bản thân không có nhu cầu, không thích và có khi cũng không có khả năng, nhưng chỉ vì sợ kém cạnh, sợ bị “lạc hậu” với xu thế chung, lạc điệu với bầy đàn, luôn mang tâm lý “chẳng sợ gì bố con thằng nào!”  nên cũng đua đòi bằng được. Thêm vào đó, chính nhà cầm quyền đang mong chờ những biểu hiện ấy để người ta quên đi thực trạng của đất nước, những biển đảo bị xâm lăng, những tài nguyên khoáng sản bị bòn rút, những đất đai bị cướp đoạt, ngân khố quốc gia đang bị đục khoét khiến nợ công chồng chất. … Lại còn các nhà kinh doanh, những người làm đủ thứ dịch vụ luôn có nhiều chiêu phép kích cầu để tăng doanh thu, để thêm lợi nhuận, … Thế là cả xã hội cứ nháo nhào nhào cả lên vì Tết. Năm nào cũng vài ba trăm người chết, chết vì rượu, chết vì đánh nhau, chết vì tai nạn giao thông, …

Cho nên nếu chỉ kêu gọi bỏ Tết dù với mục đích gì cũng chẳng được mấy người quan tâm. Chi bằng, những người còn nặng lòng với văn hóa dân tộc, mong mỏi cuộc sống văn minh thực sự đến với đất nước hãy tự mình thực hiện. Nếu mỗi người có thiện ý chỉ coi Tết là nét đẹp văn hóa, làm gì đúng với nhu cầu của mình, chỉ mua sắm những gì hợp với sở thích của gia đình mình, chỉ vui chơi, giao tiếp trong hoàn cảnh của mình cho phép, không a dua, không phách lối…; Ông bà, cha mẹ hãy hành xử cho đúng mực, bảo ban để con cháu biết làm sao  là phải, thế nào là hay. … Chỉ thế thôi, chắc chắn sẽ có những chuyển biến sau mỗi cái Tết.

Cứ xem gương ông cha ta hồi đầu thế kỷ trước, kêu gọi ý thức thương nước nhớ nòi, canh tân đất nước, kêu gọi noi gương văn minh phương Tây cắt tóc ngắn, sống hợp vệ sinh, dùng hàng nội hóa, …cũng chỉ bằng những tấm gương từ bản thân và gia đình các bậc chí sĩ mà lan tỏa.

Trong hoàn cảnh hiện nay, có lẽ khó có cách nào hơn.

4 BÌNH LUẬN

  1. Cái này ngày xưa cụ Nguyến Công Hoan đã mô tả trong tinh thần TDTT và thời đi học được các thầy bảo là chính sách ru ngủ của bọn TD Pháp đối với dân ta !

  2. Đây là bài viết thật hay,thật đầy đủ ý nghĩa và có thể chúng ta nên Share cho rộng khắp để nhiều người được đọc.Tết Tây hay Tết ta quan trọng với ai?Người nghèo thì Tết theo kiểu nào cũng vậy thôi.Câu chuyện được gợi lên qua bài viết đề nghịcủa GS-TS Võ Tòng Xuân,nay cũng đã đến tuổi nghỉ ngơi nên chắc nhà nước nầy cũng không để ý đến đâu.Một đất nước với 8000 lễ hội và người ta còn bày vẽ thêm lễ hội để vui chơi cho thỏa thích với những đồng tiền kiếm được có khi là “ma giáo”thì không cho vui chơi họ vẫn vui chơi.Ai làm gì họ?Thôi thì chúng ta nên để tâm trí mà lo cho người dân không thiếu gạo mà 12 tỉnh đã van xin cứu giúp là hay lắm rồi nhân dịp Xuân về Tết đến.

  3. Thoi Minh Tri o Nhat Ban da bo Tet Am Lich vi ton kem .
    Nha VUA va Chinh Phu de xuat va lam truoc nen NHAN DAN lam theo.O Nuoc CHXHCN VN LE HOI nao cung co mat cac QUAN CHUC,
    dien hinh la LE HOI PHAT AN den TRAN

  4. Viêt Nam có lẽ là số 1 thế giới về LỄ HỘI,về Đăng Cai Tổ chưc Hôi Nghị,Ca Hat Nhẩy Múa (Ca Sĩ Nhí ,Dance Sport,tiêng hat Bolero ,Người Mẫu)
    Trong ngôn ngữ Viêt Nam chữ “ĂN”đươc dùng quá nhiêu dù có nhưng chuyện chăng liên quan đến viêc đưa thức ăn qua miêng ví dụ “ăn học,ăn gian,ăn cắp,chụp hình “ăn ảnh” chuyện nam-nữ “ăn nằm”
    người Pháp “faire l’amour” người Anh “make love”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here