1. Từ hơn một năm nay, hàng ngày đi làm nhờ sử dụng xe bus trên tuyến xe B N từ Kim Mã đi Yên Nghĩa, (viết tắt của tuyến Buýt nhanh, BRT), vì thế tôi dễ dàng nhận thấy cái ưu việt của hình thức giao thông công cộng đang có nhiều tranh cãi này. Trước hết, do có tuyến đường dành riêng nên xe chạy được nhanh hơn, thời gian lưu thông có giảm bớt dù chưa nhiều. Tốc độ xe còn hạn chế chủ yếu do vẫn phải dừng ở các ngã tư chờ đèn xanh. Thứ hai, khách đi xe lên xuống dễ dàng hơn nhờ cửa xe rộng, không có sự chênh lệch giữa sàn xe và sàn nhà chờ, đồng thời, việc lên xuống xe hoàn toàn cách biệt với mọi lưu thông trên đường nên an toàn hơn; và đặc biệt, số lượt xe nhiều hơn nên thời gian chờ đợi ít hơn hẳn. Trước đây, 30 phút mới có một chuyến xe nên hàng ngày đi xe bus, tôi thường phải tới sớm hơn giờ làm việc 30 phút. (Không còn cách lựa chọn khác vì nếu chậm hơn sẽ chỉ có thể đi chuyến sau. Đi chuyến này sẽ “khớp” giờ làm việc nhưng chỉ “khớp” trên lý thuyết, chắc sẽ chậm, ít ra là dăm ba phút.) Nhưng với xe BRT, giờ cao điểm, 5 phút có một chuyến, tôi sẽ không cần đi sớm như trước đây. 20 – 30 phút đối với người về hưu chắc ý nghĩa không lớn, nhưng với nhiều người, khoảng thời gian này vào buổi sáng là rất đáng kể. Cho nên, nếu trước mắt, bus nhanh chưa nhanh được về thời gian lưu thông trên đường thì cũng nhanh hơn nhiều xét về thời gian đi xe của hành khách. Chắc cái “nhanh” này cũng có giá trị không nhỏ, theo tôi rất đáng ghi nhận, cần rút kinh nghiệm để tiếp tục phát triển các tuyến xe khác. Nếu các tuyến BRT được phát triển, cùng với việc tổ chức các tuyến kết nối hợp lý, chắc chắn số người đi xe máy sẽ giảm.

2. Cứ xem việc trưng cầu dân ý ở nước Anh và chuyện bầu cử ở Mỹ vừa qua, có thể dễ dàng thấy sự đúng đắn không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Chuyện giao thông ở ta cũng thế. Một hồi, người ta ra sức lên án cái cách “bịt” một số ngã ba, ngã tư với lý do không đâu trên thế giới làm cách này khiến các nhà điều hành giao thông hoảng sợ vội xóa bỏ. Nhưng rồi, sau nhiều thử nghiệm, chuyện ùn tắc đã được giải quyết nhờ “bịt” lại các ngã tư, ngã ba. Gần đây, trên mạng, tôi thấy lan truyền một clip cho thấy ở một nước nào đó cũng áp dụng hình thức này. Chuyện “xe chính chủ” cũng vậy. Với những tài sản lớn, cần có chứng nhận sở hữu thì chuyện sang tên đổi chủ là tất yếu. Một thời gian ta dễ dãi bỏ qua, nay cần trở lại nền nếp này là quá cần thiết. Thế mà cũng không ít người lên tiếng phản đối. Rồi chuyện sắp xếp xe chở khách trên các tuyến trở về các bến xe để khắc phục tình trạng xe chở khách chạy “xuyên tâm” qua thành phố, hạn chế ùn tắc cũng là việc nên làm từ lâu. Nhưng khi chủ trương đưa ra, cũng có những phản ứng trái chiều, thậm chí quyết liệt. Nhưng do có thái độ kiên quyết, chủ trương vẫn được thực hiện nên rõ ràng trên một số tuyến đường, mật độ xe đã giảm hẳn. Cho nên, khi đã có chủ trương đúng đắn (được cân nhắc, có tham khảo ý kiến các chuyên gia và kinh nghiệm các nước, …), lại không xuất phát từ quyền lợi của các “nhóm lợi ích”, các nhà quản lý nên mạnh dạn thực hiện. Ngại sự thay đổi, “năm người mười ý” là chuyện bình thường trong cuộc sống. Ở ta, cách sống tùy tiện theo phương thức “chăn thả tự nhiên” nhất là trong giao thông còn rất phổ biến. Muốn văn minh hiện đại không thể vội vàng, cần có vận động, thuyết phục nhưng cũng không thể  vì thế mà ngại ngần. Tôi cho rằng đất nước ta đang rất cần tự do, dân chủ, nhưng đó là tự do dân chủ ở lĩnh vực khác chứ không phải trong điều hành giao thông, một lĩnh vực đang trong tình trạng gần như vô chính phủ.

3.Muốn khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, còn cần có rất nhiều cải tiến. Không phải chuyên gia, tôi không dám có ý kiến. Nhưng với tư cách một hành khách, tôi đề nghị cải tiến cách bán vé. Làm sao với một cái vé, người ta có thể đi lại trên nhiều tuyến trong ngày. Điều này đã được đảm bảo với người mua vé tháng. Nhưng với những người không có nhu cầu đi lại thường xuyên, nếu trong một hành trình phải chuyển tiếp qua nhiều tuyến xe, nếu mua vé, giá tiền sẽ có thể không rẻ hơn “xe ôm” bao nhiêu, và tất yếu “xe ôm” sẽ được lựa chọn (vì “nó” tiện hơn). Nhưng nếu chỉ cần mua vé một lượt (có thể đắt hơn vé bình thường) mà được đi lại khắp nơi trong ngày, tôi chắc người ta sẽ sử dụng xe bus.

Khi cái mới hình thành, chắc chắn việc thuyết phục, hấp dẫn rồi tranh thủ được sự tán đồng không phải dễ dàng. Nhưng tôi tin đây là một cố gắng đáng khích lệ.

P/S: Ở đây, tôi bỏ qua chuyện số tiền lớn đã phải bỏ ra và tỷ lệ thất thoát chắc không nhỏ. Bởi vì, trước hết, tôi không có những căn cứ chính xác; và thứ hai, thử hỏi, với số tiền ấy, làm một tuyến vận chuyển hành khách công cộng như BRT này và xây dựng một tượng đài, cái nào có ích cho dân hơn?

4 BÌNH LUẬN

  1. Lộ trình tuyến buýt nhanh (BRT) này chạy trên các con phố mới mở chưa có nhiều dân cư nên hãy còn vắng khách so với tuyến 02 chạy dọc đường Tôn Đức Thắng-Nguyễn Trãi. Tuy nhiên với mật độ các khu chung cư cao tầng dọc Lê Văn Lương, Tố Hữu… khi được đưa váo sử dụng thì dân cư đông đúc, người đi xe BRT sẽ đông lên, mật độ ô tô xe máy cũng sẽ cao lên…buýt nhanh cũng sẽ thành chậm. Hiện nay tôi thấy ưu điểm lớn nhất của tuyến buýt này là nhờ có giao thông thuận lợi hơn trước đã làm lợi cho các chủ đầu tư các khu nhà cao tầng bán được các căn hộ với giá 40-50 triệu/m2. Những khu căn hộ chưa có giao thông thuận tiện như ở đây chỉ bán được với giá 25-30 triệu/m2 thôi. Chả biết ai được hưởng lợi nhiều nhất khi tuyến buýt này được đầu tư với mức trên 50 triệu Obama nhỉ?

  2. Chào thày ạ,
    Em đồng ý với thày về vấn đề BRT, chỉ góp ý thêm một chút về vấn đề đăng ký xe. Đăng ký xe chính chủ cần thiết không chỉ bởi đó là tài sản có giá trị lớn, mà những ý nghĩa chủ yếu của nó là: nâng cao trách nhiệm chạy xe đúng pháp luật (do dễ dàng xử phạt nguội qua camera), dễ truy cứu trách nhiệm đối với xe gây tai nạn bỏ trốn (không xác định được người lái xe thì chủ xe phải chịu do lỗi quản lý xe), dễ xác minh, tìm kiếm xe bị mất trộm…
    Đáng tiếc việc làm đúng đắn mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện thì ở Việt Nam lại không dám thực thi nghiêm túc, thậm chí nhiều vị “trí thức”, “dân biểu” còn phản bác lại để chiều lòng người dân đã quen thói vô tổ chức.
    Chúc thày luôn mạnh khỏe!

  3. Cái Buýt Rất Tít nầy nó hay lắm, nó là văn minh, nó là tương lai của GT Nụi đó!
    Nếu biết khai thác tốt, chính nó sẽ là kẻ thù của bọn xe máy, nó sẽ góp phần tiêu diệt dần được bọn xe máy bố láo trong tương lai! Lão Cẩm cũng đã có mấy bài nhiệt liệt ủng hộ nó!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here