Lần đầu tiên mình tới  Sơn Tây là Tết năm 1966. Ngày 2 Tết, lên chơi nhà một người bạn. Vì đi về trong ngày, bằng xe đạp nên thời gian ở lại chẳng được bao nhiêu. Trưa mới tới nơi, cơm nước xong, nghỉ ngơi một chút là phải quay về nên hầu như không đi được đến đâu. Chỉ có cảm giác là một nơi bình yên, lặng lẽ.

Từ khi ở Quảng Oai, nhiều lần qua Sơn Tây, rồi có thêm những người bạn ở Sơn Tây nên thường qua lại. Trong kháng chiến, Sơn Tây không phải là vùng có chiến sự nên nhà cửa không bị phá hủy, thị xã vẫn còn nguyên vẹn. So với một số thị xã mà mình đã đi qua lúc ấy như Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, … thì Sơn Tây là nơi có đường phố, nhà cửa đàng hoàng hơn cả. Vốn là thị xã của tỉnh Sơn Tây, nhưng từ năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây, trung tâm của tỉnh tập trung về Hà Đông,  Sơn Tây  không còn các cơ quan thuộc tỉnh. Dân cư thưa thớt, những  ngôi nhà một tầng rêu phong nép mình dưới những tán bàng xanh tốt khiến Sơn Tây mang một dáng vẻ trầm mặc, tĩnh lặng hiếm thấy, ít có vẻ của một đô thị. Đường quốc lộ từ Hà Nội về phía tây không chạy qua thị xã nên tránh cho nơi đây không bị ồn ào và bụi bặm của những chiếc xe tải loại lớn.

Thành cổ khi ấy còn hoang phế, bên trong hầu như không có gì đáng nói. Chỉ có một bãi cỏ rộng, hàng ngày, đám thanh niên thỉnh thoảng vào đá bóng. Đôi khi là nơi để biểu diễn văn nghệ quần chúng hoặc năm thì mười họa  có các đoàn văn công trung ương hay tỉnh về biểu diễn.

Hồi dạy ở Quảng Oai, nhà trường  thông cảm với mấy anh người  Hà Nội, thường xếp thời khóa biểu không có giờ ngày thứ 7  để có thể đạp xe về từ sớm. Mỗi khi từ Hà Nội lên Quảng Oai bằng xe đạp, bọn mình thường xuất phát từ 2 giờ chiều. Chặng nghỉ đầu tiên thường là chân dốc đoạn Quai Chè, ở đó có một hồ sen nhỏ, trên bờ là một bãi cỏ luôn xanh tốt. Vào mùa sen nở, nơi dừng chân này thật khó chối từ. Khoảng 5 giờ, tới Sơn Tây ăn bữa chiều ở cửa hàng mậu dịch (loại không cần có tem gạo, 6 hào một suất, gấp rưỡi giá có tem gạo có 4 hào). Khi máy  bay còn bắn phá, cửa hàng ăn uống sơ tán ra chùa Tổng (hay điếm Tổng?) ngay bên đường dưới một gốc cây cổ thụ, cách thị xã chừng 3 km. Vừa ăn, vừa nghỉ ngơi, sau đó tới Quảng Oai thì vừa tối.

Bờ một đoạn hào quanh thành cổ, có một cửa hàng giải khát của mậu dịch. Đây là nơi có thể coi là duy nhất bán cà phê bên cạnh mặt hàng quen thuộc ở tất cả các cửa hàng mậu dịch là xirô (một loại nước ngọt nhưng chỉ  ở mức độ ngòn  ngọt cộng thêm hương liệu và một ít đá). Mỗi khi qua Sơn Tây, khó có thể không ghé qua.

Khoảng từ 1972, đã có ô tô khách chạy tuyến Hà Nội – Trung Hà, nên ít có dịp qua Sơn Tây.

Năm 1973, ở Sơn Tây, anh Kiều Thể, tổ trưởng tổ Xã hội được triệu tập đi học trại sáng tác do Ty Văn hóa tổ chức mấy tháng. Anh Thể tốt nghiệp Văn Tổng hợp, cùng với việc dạy Văn, có làm thơ (bút danh Thế Mạc, lấy từ câu “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” của Cao Bá Quát). Trường Sơn Tây khi ấy có 5 giáo viên Văn, bây giờ thiếu người dạy, nhất là thiếu một người có thể dạy lớp cuối cấp, nên yêu cầu anh Thể phải giới thiệu người thay thế mới cho đi học. Anh Thể lên Quảng Oai, gợi ý giới thiệu mình. Mình trả lời: Về Sơn Tây cũng được, nhưng vì hai vợ chồng đang ổn định ở Quảng Oai nên nếu trường Sơn Tây nhận  mình thì phải nhận cả hai. Kể cũng là khó khăn, nhưng vì cần người nên trường Sơn Tây chấp nhận. Nhưng nhà trường  cũng đưa ra một điều kiện: nếu một người, sẽ giải quyết ở nhà tập thể, nhưng nếu gia đình thì trước mắt phải tự túc chỗ ở, phải ít nhất một năm sau xây dựng xong khu tập thể mới có nhà. Cuối cùng, do tác động từ nhiều phía, (nhưng tuyệt nhiên không mất đồng xu nào) gia đình mình chuyển về Sơn Tây. Lúc ấy, không ít người cho rằng mình quá may mắn, vì chuyển về Sơn Tây một người đã khó lắm, dù sao đó cũng là nơi “đô hội”.

Từ Hà Nội lên, chỉ gần hơn Quảng Oai có chục cây số, nhưng Sơn Tây như thuộc một thế giới khác. Trước hết là có điện. Ngoài thắp sáng, người dân Sơn Tây khi ấy chưa có nhiều đồ dùng cần đến điện. Quạt điện cũng rất hiếm, vài nhà có radio, máy quay đĩa. Ngoài ra hình như chẳng có gì. Mọi thứ chỉ xuất hiện và càng nhiều lên sau khi Sài Gòn giải phóng trong phong trào  “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Nhưng có điện là sung sướng quá rồi, có thể đọc sách thâu đêm, không còn cảnh tù mù với cái đèn dầu. Sơn Tây cũng có máy nước, nhưng nước không phải quan trọng. Giếng nước ở nông thôn  có khi còn tiện hơn (không phải đi gánh, Sơn Tây chỉ có máy nước công cộng, nước dùng phải gánh về). Ưu việt thứ hai là chợ búa cũng đầy đủ  hơn. Nhớ lần ở Quảng Oai, mời cơm mấy người bạn mà phải nhờ các chị ở Sơn Tây mua hành, rau thơm, măng, …mang lên. Ở Sơn Tây, chợ Nghệ là một chợ lớn của cả xứ Đoài,  họp suốt ngày. Ngày chủ nhật, có thể mua thịt  không cần tem phiếu, (dĩ nhiên giá đắt hơn nhiều, lương tháng mình có 55 đồng mà một cân thịt để làm ruốc cho con phải mua giá 14 đồng).

Rồi Sơn Tây còn có phở, phở gánh của ông Xê bán vào buổi tối ở đầu phố Đốc Ngữ, dù  chỉ có phở gà,  bò lúc ấy chỉ có nhà nước mới được mổ, không bán cho dân. Phở gà của ông Xê không thua kém  những hàng phở gà ở Hà Nội. Một đồng một bát, không phải là món có thể ăn thường xuyên, nhưng cũng làm cuộc sống thêm chút hương vị mỗi khi đến kỳ lương. Giờ ông Xê đã mất, con cháu tiếp tục nghề cũ, có cửa hàng cửa hiệu hẳn hoi, nhưng mình thấy ăn không bằng phở của ông bố ngày trước.

Ở Quảng oai, ba bốn tháng mới được xem phim một lần ở sân vận động. Nhưng Sơn Tây có một rạp chiếu phim dù nhỏ và tối nào cũng chiếu. Không khác mấy so với Hà Nội.

Chuyện chỗ ở đã được nhanh chóng giải quyết nhờ sự giúp đỡ của anh Cường. Dù bằng tuổi mình, chưa có gia đình riêng, nhưng anh đã có một cơ ngơi khiến  nhiều người mơ ước. Hàng ngày, anh vẫn khóa cửa chỉ thỉnh thoảng mới về. Anh cho nhà mình ở nhờ căn bếp (gọi là bếp nhưng cũng được gần chục mét vuông) và đưa chìa khóa nhà trên, khi cần, mình có thể sử dụng để tiếp khách, làm việc và nghe nhạc nhờ một cái máy quay đĩa (tourne disque), một vật dụng rất “xa xỉ” hồi ấy. Không ngờ ở xa Hà Nội bốn chục cây số, giữa lúc còn đói ăn, hàng ngày, mình vẫn được nghe nhạc cổ điển. Nói thêm, cũng chính nhờ anh Cường, mình đã mua được mảnh đất mà trên đó mình đang sống trong “ngôi nhà mơ ước” bây giờ.

Ở Sơn Tây, mình đã có đứa con đầu lòng, đã có được cảm giác hạnh phúc của người làm cha và tự hứa phải làm hết trách nhiệm với đứa con mình sinh ra.

Ở Sơn Tây, mình đã có những người bạn mà qua bốn mươi năm, vẫn gắn bó, nhất là  từ khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian qua lại, chuyện trò.

Ở Sơn Tây, bằng những thang thuốc Đông y, mình đã được ông lang Nhụ chữa khỏi bệnh thận tưởng như không còn hy vọng sau mười năm qua rất nhiều bệnh viện. Gần bốn mươi năm đã trôi qua nhưng căn bệnh  chưa hề có dấu hiệu tái phát.

Từ năm 2009, mình đã trở lại Sơn Tây mảnh đất đã có nhiều gắn bó. So với 40 năm trước, Sơn Tây chưa có nhiều thay đổi. Vẫn những con phố bình lặng, vẫn những ngôi nhà ngói một tầng nép mình dưới tán lá bàng xanh. Ngay căn nhà mình ở khi ấy, nay vẫn giữ nguyên dáng vẻ cũ với cánh cửa ra vào tróc sơn cùng  mấy cái đinh  treo mành tre,  chẳng biết có phải là những cái đinh mình đã đóng 40 năm trước?

Sơn Tây vẫn là mảnh đất bình yên, tĩnh lặng, rất phù hợp với những người không ưa cái xô bồ náo động của cuộc sống thị thành.

7 BÌNH LUẬN

  1. đọc chuyện của Thầy từ 40 năm trước mà ngỡ như mới hôm qua. Thầy có trí nhớ tốt và có một tấm lòng để hoài niệm!

  2. Mình rất thích những thị xã bé nhỏ, tĩnh lặng như bị bỏ quên, xa chốn phồn hoa đô hội. Ngay hồi trẻ đã thích cái không khí đìu hiu ” tỉnh lẻ / cô em / ngồi xem/ kiếm hiệp ..” rồi. Bây giờ về già lại càng thích. Cảm ơn ông Giao đã cho mình sống lại ký ức về những miền đất như thế mình đã từng qua.

  3. Trước 45 Sontay là tỉnh lớn, hơn hẳn Ha đông, Bắc ninh , Bắc giang, có hai hãng oto chay Hanoi
    1946 phá bằng địa, hơn 100 biệt thự từ Tông đến chân Ba vì tan nát, thị xã có 11 đình còn 2,
    Dân 1949 đến 1951 về tê (hồi cư) xay lại tạm bơ, cinema Tân Thành xay lại 1953

  4. Em chả biết Phú Thọ , Tuyên Quang , Vĩnh Yên ngày đó ntn nhưng kể cả TX Thanh Hoá ( nay là TP Thanh Hoá ) cũng kém xa TX ST vậy mà bây giờ … Có lẽ mình tụt hậu quá rồi Thầy nhỉ

  5. Đọc bài này mới biết bác đã dạy học ,sống và viết về quê xứ đoài của tôi.Cám ơn bác.Tôi quê Tây Đằng ,học văn thầy Tường(sau là hiệu trưởng), lớp 5 học toán thầy Tửu (hiệu trưởng ,trưởng gd sơn tây ).Trong quân đội cùng đơn vị Giác (em bác).Học ĐHSP khoa Toan 1960-1964 . Chúc bác khoẻ để chiêm nhiệm cuộc đời ! Tôi cũng đọc bài ” Tác phong HCM ” của bác.Khi gặp sẽ bình luận với bác.

  6. Mình có nghe bà ngoại kể hồi nhỏ lúc bà 10 tuổi sống ở làng Đồng Bảng, quận Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, gần đó có cây cầu Nhang (hay cầu Nhan), có ẽ cách Đường Lâm không xa lắm. Bà ở tỉnh Lâm Đồng 70 năm rồi không về, bây giờ tên địa danh cũng thây đổi, không biết chỗ bà sống bây giờ tên gì nữa.
    Nếu có dịp sẽ về đây 1 lần

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here