Nhiều người chỉ biết tới bệnh viện (nhà thương) Quy Hòa qua cuộc đời của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Không tài liệu nào viết về thi sĩ họ Hàn không nhắc tới nơi ông đã sống những năm tháng cuối cùng của đời mình. Nhưng Hàn Mặc Tử chỉ là bệnh nhân thứ 1.134 ở Quy Hòa, còn từ đó (1940) tới nay đã có bao nhiêu người được cưu mang, chăm sóc ở nơi đây khó có thể tính xuể. (Chỉ cần biết số liệu thống kê này: Hàn Mặc Tử là người thứ 1.134 vào Trại phong Quy Hòa điều trị ngày 20.9.1940, nhưng hai tháng sau, ông mất, ngày 11.11.1940, trong danh sách đã ghi tên 5.247 bệnh nhân được khám và điều trị ở đây).
Đọc lại những trang hồi ký của một bệnh nhân sống cùng Hàn Mặc Tử những ngày cuối cùng, có thể thấy bệnh nhân ở đây đã được chăm sóc như thế nào (xin lưu ý, khi ấy, nhà thơ họ Hàn chưa thành danh):
“…Sáng ngày 09.11.1940, sau khi khám bệnh, mẹ Juetta bưng chén thuốc cho Trí uống xong nói: “Chiều nay có xe đi mời cha tuyên úy vào xức dầu cho con”. Trí gật đầu và dạ rất nhỏ.
Sáng 10.11.1940, lúc 6 giờ 45 phút, cha cho Trí chịu phép xức dầu và rước lễ… Đêm ấy tôi trực với mẹ Juetta và xơ Julienne. Chúng tôi có đến thăm Trí ba lần, và lần thứ ba lúc khoảng 3 giờ thì xơ Julienne cho biết từ giờ đến sáng Trí sẽ chết. Ngày 11.11.1940 thì Trí đã tắt thở. Sau khi báo tin cho các mẹ, tôi và anh em cùng giúp thay áo quần cho Trí và khâm liệm. Xong xuôi đâu vào đó, thì anh em bệnh nhân đến đọc kinh cầu nguyện. Khi ấy tôi thu gọn ‘tài sản’ của Trí gồm một bộ bà ba trắng cũ, một veston cũ, một đôi bata sắp hư, một gối con con, một cuốn sách dày 200 trang của Rousseau và một bài văn tiếng Pháp viết bằng bút chì, mà lúc thay đồ cho Trí tôi lấy ở trong túi ra xem qua, đó là bài văn ‘La pureté de l’âme’. Và tuyệt nhiên không có một xu hào nào trong túi Trí từ khi vào cho đến chết” (Hồi ký của Nguyễn Văn Xê. Trích dẫn theo Phan Cự Đệ – Hàn Mặc Tử tác phẩm phê bình và tưởng niệm, Nhxb. Văn Học, Hà Nội 2002, trang 380).
Về Hàn Mặc Tử, tôi không viết thêm vì đã quá nhiều người viết về nhà thơ tài hoa mà bạc mệnh này.
Được sự ủng hộ của Đức cha Grangeon, Giám mục Đại diện Tông tòa giáo phận Qui Nhơn và chính quyền đương thời, cha Paul Maheu thuộc hội Thừa Sai Paris cùng với bác sỹ Le Moine, Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn thành lập trại Phong Qui Hòa vào năm 1929.
Bờ biển Qui Nhơn từ Ghềnh Ráng đến mũi Bãi Bàng (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên ngày nay) núi ăn ra tới biển quanh năm sóng bạc, đã tạo nên những ghềnh và vịnh, bãi: Bãi Nhỏ, Bãi Dại, Bãi Dài, Bãi Bàng, Bãi Rạng, Bãi Bàu, Bãi Xép…. Trong đó có một thung lũng đất rất rộng gọi là Xóm Cát hay Qui Hòa có núi đồi bao bọc ba phía Bắc, Tây, Nam; phía Đông nhìn ra vịnh Làng Mai, trên biển Đông.Cha Paul Maheu đã chọn nơi đây để xây dựng một bệnh viện chuyên chăm sóc cho người bị bệnh phong.Cho tới nay, con đường duy nhất có thể tới đây là qua đèo Quy Hòa, dù đường có được trải nhựa phẳng phiu nhưng lượng người qua lại cũng không nhiều, những ám ảnh nặng nề của căn bệnh này cho tới nay vẫn chưa thôi theo đuổi biết bao người. Ở một nơi khuất nẻo ấy, những con người mắc căn bệnh đáng sợ nhất trong “tứ chứng nan y” thời bấy giờ (phong, lao, cổ, lại) ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã được đưa về chữa trị.
Cơ sở vật chất của Trại Phong được xây dựng ban đầu chỉ là những căn nhà tranh vách đất gồm: Nhà thờ, nhà bệnh nhân và nhà phát thuốc. Sau một năm miệt mài làm việc quá vất vả, trong khi tuổi tác không còn trẻ, cha Maheu đuối sức và được bề trên đưa về Pháp an dưỡng. Đến ngày 27 tháng Hai năm 1931, cha Maheu trút hơi thở cuối cùng tại Pháp.
Sau khi cha Maheu dời Việt Nam , cha Alexandre Pierre (Cố Trí) đến tiếp tục công việc. Tháng 08.1931, cha Alexandre được bổ nhiệm làm quản lý giáo phận, cha Nicolas Gabriel (Cố Cận) đến Qui Hòa và một số nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị đến cộng tác với cha. Lúc mới thành lập, Trại phong đã đón nhận 52 bệnh nhân, năm sau lên đến 140 bệnh nhân.
Cuối năm 1930, Đức cha Tardieu, Giám mục Đại diện Tông tòa giáo phận Qui Nhơn, gõ cửa Nhà Dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ ở Roma, nhờ những người có chuyên môn, có kinh nghiệm và có khả năng kinh tế giúp cho Trại Phong. (Lúc bấy giờ Dòng đã đảm trách 09 trại phong trên toàn thế giới).
Được sự ủy nhiệm của Nhà Mẹ ở Roma, ngày 23.09.1932, năm nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ thuộc tỉnh Dòng Thánh Tâm Paris đã lên tàu Le Général Mesinger ở cảng Marseille và cập bến Sài Gòn ngày 20.10.1932. Vì thời tiết xấu, các nữ tu không đi đường thủy về Qui Nhơn nhưng đi xe hỏa đến Nha Trang, rồi về Qui Nhơn bằng xe hơi.
Ngày 24.10.1932, Đức cha Tardieu và cha Nicolas vui mừng đón tiếp các nữ tu tại Tòa Giám Mục Qui Nhơn. Sau đó các nữ tu được đưa tới Quy Hòa. Ngày hôm ấy là một ngày đáng nhớ trong lịch sử phát triển nơi đây. Từ ngày này, những nữ tu bắt đầu thực hiện lời nguyện của mình: Hiến dâng toàn bộ cuộc đời để góp phần cứu độ những con người bất hạnh dù ở phương trời nào.
Đến nhiệm sở, các nữ tu bắt tay ngay vào công việc. Trên mặt bằng đất được chính quyền cấp 01 km², các nữ tu ổn định cơ sở để phục vụ bệnh nhân được hiệu quả hơn, phát quang mở rộng mặt bằng, tổ chức và ổn định đời sống bệnh nhân cũng như gia đình của họ. Phía bờ biển được qui hoạch dành cho nhà thờ, nhà tuyên úy, nhà các nữ tu, nhà chẩn bệnh, nhà điều trị, nhà dược. Phía bên trong là làng bệnh nhân, giữa làng có chợ. Các con đường trong làng đều tập trung về chợ, chia thành nhiều khu vực. Bệnh nhân sau khi điều trị, được cùng với gia đình ở từng nhà riêng, mỗi nhà mang kiểu dáng theo sở thích, chất liệu bằng tranh tre gỗ đất.
Trận bão ngày 01.11.1933 đã làm sập đổ tất cả nhà cửa trại Phong. Bệnh nhân lúc này đã lên tới 350 người. Nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân xa gần, đặc biệt những nỗ lực của các nữ tu Phan Sinh hậu quả cơn bão dần được khắc phục.
Năm 1935, Tỉnh Dòng gửi thêm bốn nữ tu đến Qui Hòa, trong đó có soeur Marie Ozithe là một kiến trúc sư, bà đã góp sức mình trong việc tái thiết Trại Phong kiên cố hơn. Nhà Thờ mới được dời vào trung tâm của trại Phong, chiều dài 36m, chiều rộng 16m, có tháp cao 22m. Ngày 08.12.1937 Đức cha Tardieu đến chủ lễ khánh thành.
Sau khi Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945), các nữ tu Phan sinh phải rời khỏi Qui Hòa theo lệnh của Ủy Ban Kháng Chiến Khu V. Trong thời gian này, các Linh mục: Phaolô Huỳnh Biên, Giuse Võ Ngọc Nhã và Phaolô Nguyễn xuân Bàn, lần lượt điều hành trại phong gần 700 bệnh nhân với sự cộng tác của các nữ tu Mến Thánh Giá Gò Thị.
Từ năm 1955, năm nữ tu Phan Sinh gồm 02 nữ tu ngoại quốc: Ozithe và Charles Antoine và 3 nữ tu Việt nam: Anna Trần Thị Mộ, Martha Nguyễn Thị Nghi và Anna Phùng Thị Khóa trở lại Qui Hòa. Từ đây các nữ tu Phan Sinh điều hành bệnh viện cho đến ngày 25 tháng 6 năm 1976.
Trong thời gian dài phục vụ tại Qui Hòa, một kiến trúc sư khác là nữ tu Charles Antoine, người Pháp, đã cùng các nữ tu Phan Sinh góp nhiều sáng kiến để tổ chức đời sống cho bệnh nhân: Xây nhà thương, phòng cho bệnh nhân nặng; cất khoảng 250 căn nhà ở xinh xắn, lát gạch, lợp ngói, mỗi nhà một vẻ, với vườn hoa trước hiên. Trại phong lúc này trở thành một khu phố nhỏ, có đường ngang dọc ngăn nắp, nhà cửa khang trang. Trong Trại phong có chợ, có xích lô, xe đạp, có một trường học cấp một, có hội trường, có sân bóng giải trí. Ngoài ra, còn có các cơ xưởng ngành nghề như: Rèn, mộc, hàn xì, hồ, đúc gạch bông, đá mài granitô. Các ngành thủ công như: Dệt vải, dệt chiếu, đan, may, thêu, vẽ. Ngoài ra, còn có xưởng làm nước mắm, sản xuất dầu dừa, làm xà phòng, vừa giúp thêm thu nhập cho anh chị em bệnh nhân, vừa giúp họ phát huy khả năng, gây niềm tự tin và vui sống trong xã hội. Nhật ký của nữ tu Magarita Phùng Thị Khóa (1920 – 2001) ghi lại, khi bệnh viện lên đến hơn 1.000 bệnh nhân mà chỉ có 10 nữ tu phục vụ. Có hôm các nữ tu phải vắng nhà đi “khất thực” cho các bệnh nhân, chỉ còn hai nữ tu ở nhà, một người trực giải quyết công việc bệnh viện, một người quán xuyến công việc ở toàn khu, cho dù không khỏi cảm thấy sợ hãi, nhưng rồi mọi việc cũng tốt đẹp. Các bệnh nhân còn sức khỏe được huấn luyện đã động viên nhau tùy theo sức mình giúp đỡ nhiều việc mà các nữ tu không thể đủ sức. Nhiều người cảm phục những tấm gương của các bác sĩ, các nữ tu nơi đây đã viết những dòng cảm động “Tôi được nghe các bệnh nhân kể về xơ Charles Antoine, Giám đốc cũ của viện, đêm đêm ngồi trực bên giường bệnh nhân, sẳn sàng tận tay dọn cả nhà vệ sinh nếu gặp thấy bẩn”.
Theo chủ trương của nhà nước, ngày 25 tháng 6 năm 1976, các nữ tu Phan Sinh trao Bệnh Viện Phong Qui Hòa cho Bộ Y Tế điều hành. Bệnh Viện Phong Qui Hòa được đổi tên thành Khu Điều trị Phong Qui Hòa. Tiếp nối những người đi trước, các bác sĩ ở đây cũng đã nêu nhiều tấm gương sáng trong việc quên mình chăm sóc người bệnh. Một trong những điển hình đó là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc bệnh viện Qui Hòa (1985-1994), người đã từ chối nhận giải thưởng Gandhi, giải thưởng quốc tế dành cho người có công với bệnh nhân phong. Ông nói: “Ba mươi năm qua tôi mới làm được rất ít trong phạm vi nghĩa vụ vủa mình. Ngược lại, tôi đã chứng kiến bao nhiêu tấm gương hy sinh âm thầm của những người vô danh phục vụ trong trại phong. Tôi thực sự thấy mình bé nhỏ trước những con người ấy. Tôi đã im lặng quan sát và học hỏi ở họ trong nhiều năm. Có người ở sát bên buồng tôi mà mấy tháng trời tôi không biết, vì ngày nào cũng thế, tôi chưa dậy thì bà đã xuống buồng bệnh, tôi đi ngủ, bà vẫn chưa về. Có người cả một đời cống hiến rất nhiều cho người bệnh, tới lúc chết vẫn không cho phép ai nhắc đến việc làm của mình ”.
Xin lược ghi vài dòng trên đây để góp phần nhỏ bé tôn vinh những con người đã thầm lặng hy sinh cả đời mình cho đồng loại trong đó không ít người khác quốc tịch, màu da.
Trong chuyến đi Quy Nhơn vừa qua, tôi đã có dịp tới thăm xứ sở của tình yêu thương bao la này. Những căn nhà được xây dựng từ hàng nửa thế kỷ trước vẫn tồn tại với nhiều dáng vẻ phong phú dù đã xuống cấp sau nhiều năm không được sửa chữa. Những con đường rợp bóng cây vẫn được gìn giữ. Và ở đó, hơn 450 người bệnh tật đã ổn định vẫn tiếp tục cuộc sống lặng lẽ với trợ cấp hàng tháng dù con số đó còn quá khiêm tốn cùng với tài trợ của các nhà hảo tâm.
Tôi đã tới thăm một gia đình người bệnh. Anh người Quảng Trị, khi đang học đại học thì nước nhà thống nhất. Gia đình ly tán, anh phải dời ghế nhà trường kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Năm 1979, trong lần khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh được các bác sĩ cho biết đã mắc bệnh phong và hướng dẫn anh tới Quy Hòa chữa trị. Ở đây, sau khi được chữa khỏi bệnh, anh lại được tuyển dụng vào làm việc ở bộ phận hành chính, rồi được cử đi học đại học. Sau khi tốt nghiệp, anh trở lại làm việc ở Bệnh viện cho tới nay và sẽ nghỉ hưu vào sang năm. Phải tới khi nghe anh tự kể chuyện mình, tôi mới biết anh vốn là bệnh nhân phong vì thấy anh khỏe mạnh, trẻ trung hơn cái tuổi 59. Chị cũng là một bệnh nhân phong quê ở Hà Tĩnh. Sau khi khỏi bệnh, cũng như nhiều người khác, anh chị không trở lại quê hương để tránh sự kỳ thị đã cùng nhau xây dựng tổ ấm nơi đây và hiện đang có một con trai đang theo học đại học ở Sài Gòn.
Anh khước từ chụp cùng tôi một kiểu ảnh kỷ niệm vì một chuyện buồn đã làm anh vô cùng khổ sở nhiều năm trước. Vốn có một nhà báo viết về anh như một tấm gương “người tốt việc tốt”, một bệnh nhân phong đã vượt lên số phận. Bài báo cùng với tấm ảnh đã khiến những người thân của anh ở khắp nơi trong và ngoài nước vừa hãi hùng, vừa lo lắng. Một người em của anh ở một tỉnh đông Nam Bộ đã phải tìm mua (kể cả mua lại) những tờ báo phát hành ở địa phương để ngăn chặn thông tin bất lợi này lan truyền. Thế mới biết cái định kiến từ xa xưa tới nay vẫn chưa dừng đeo đẳng với nhiều người. Họ không biết rằng theo những kết quả nghiên cứu từ lâu, bênh phong hoàn toàn không lây, và tới nay bệnh phong đã có thể chữa khỏi (bệnh nặng nhất cũng chỉ trong vòng 24 tháng). Và cũng từ đó, càng cảm phục biết bao con người dám xả thân từ gần một thế kỷ trước. Họ sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất với cuộc đời mình.
Tới đây, mọi người còn có thể được chứng kiến một khu vườn tượng các nhà y học trong và ngoài nước, từ Hy-pô-crat tới Hải Thượng Lãn Ông, từ Lu-i Pa-xtơ, Han-xen, … tới Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, …những thầy thuốc đã cống hiến cả đời mình cho loài người. Gần trăm pho tượng bán thân trong quần thể hay nằm rải rác bên bờ biển mang lại cho khung cảnh nơi đây một sự khác biệt. Có lẽ đây là vườn tượng duy nhất tôn vinh các thầy thuốc trên đất nước chúng ta. Nhưng những người xây dựng nó không cần đến tiếng tăm của các kỷ lục. Thật vô cùng trân trọng khi họ cũng tiếp tục truyền thống thầm lặng của bao người được tôn vinh nơi đây.
Quy Hòa nằm bên một bờ biển rất đẹp, những nếp nhà nhỏ nơi đâu cũng có bóng cây rợp mát, những khóm hoa muôn màu khoe sắc, tới đây, tôi hoàn toàn không có cảm giác xung quanh mình là những con người mang căn bênh mà nhiều người xa lánh vì sợ hãi. Vẳng bên tai tôi chỉ còn tiếng sóng vỗ dạt dào suốt ngày đêm như những lời ngợi ca bất tận biết bao các bác sĩ, các Nữ tu đã quên mình vì đồng loại.
Tháng 6 vừa qua,tôi đã đi thăm Quy hòa trong chuyến du lịch Quy nhơn.Tôi thật sự xúc động khi bước chân vào khu điều trị này.Quả là những con người xây dựng đầu tiên là những người có tấm lòng vàng.Họ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho những bệnh nhân phong,căn bệnh mà thời đó và mãi sau này người ta cho rằng vô phương cứu chữa và bị xã hội kì thị,xa lánh.Khu điều trị rợp bóng cây và hoa,mầu sắc sặc sỡ,gió biển lồng lộng,sóng biển âm vang,cảnh thật đẹp.Tôi cũng rất ấn tượng với khu tượng bán thân tôn vinh các nhà khoa học đã cống hiến cả đời mình cho Việt nam.Khu tượng cũng như hòa mình với thiên nhiên nơi đây,tựa như các vị đang hòa mình với cuộc sống của những bệnh nhân phong vậy.Tôi thiết nghĩ cần phải quảng bá khu này như một khu du lịch của Qui nhơn,quảng bá những tấm gương đã hy sinh thầm lặng ở đây để hiểu thêm sâu sắc câu “Lương y như từ mẫu” thời nào cũng đúng!
Một địa chỉ quê hương mà chưa có dịp đến, cảm ơn thầy D Đ G đã ghi lại những cảm tưởng và nhận xét quý giá: “Nhưng những người xây dựng nó không cần đến tiếng tăm của các kỷ lục. Thật vô cùng trân trọng khi họ cũng tiếp tục truyền thống thầm lặng của bao người được tôn vinh nơi đây”.
Cảm ơn những bài viết của thầy.
Từ nhiều năm nay, VN đã làm cái trò nhố nhăng : ” Kỷ lục ” , Quốc kỳ lớn nhất VN, Báng mỳ dài nhất VN, Bánh chưng lớn nhất VN ! Bây giờ là Lá cờ phật giáo cũng kỷ lục VN ! ! ! cho đại lễ phật đản LHQ Vesak 2014. Sao họ không dành tiền mua hoa mua hơn 1 tấn sắt để giúp những người đang cùng cực nằm ở các bệnh viện, đang kêu cứu? Cấp TW các ông ấy bận việc, còn các vị ở cấp sở cấp phòng Sao lại vô cảm đến thế là cùng.
Cảm ơn tác giả rất nhiều, những thông tin, cảm nhận của tác giả cho tôi hiểu hơn về vùng đất ấm tình người này.
Nghe Ô.G.L kể mà tôi thấy xấu hổ vỉ bản thân là người B.Đ nhưng chưa cảm nhận được hết nét đẹp của quê hương mình.
Cảm ơn ông giáo làng có công sưu tập những tin tức về trại phong Quỹ hoà. Tuy nhiên tôi vẫn thấy cụ chưa có nhiều chuyện (tài liệu) về những đức tính tuyệt diệu, sự nhẫn nại, đức nhân hậu của nhiều sơ ( soeurs) đã tận tuỵ phục vụ bệnh nhân phong Quỹ hoà như sơ Lan ( học phẫu thuật 2 năm ở Nhật bản), sơ X(tôi quên mất tên) làm X quang và mấy sơ làm việc cả đời tại trại phong này v.v..
Tôi có nghe tin Sác Sĩ Nguyễn Công Trứ tôt nghiệp Đai Hoc
Y Khoa SaiGon năm 1970 phục vụ tai Quân Y Viện Quy Nhơn
những ngày nghỉ thường đên trai phong Quy Hòa giúp việc điều tri.