Tôi là đàn ông trăm phần trăm, người thân trong gia đình, bè bạn từ rất nhiều năm trước, chưa có ai thoảng có chút nghi ngờ về giới tính của tôi. Thế mà,  tôi đã có lần được tặng quà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3.

Chuyện thế này:

Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết âm lịch là các trường có thực tập sư phạm. Sinh viên các trường Sư phạm về thực tập ở các trường Phổ thông. Chuyện này thì xưa như Trái đất, thời tôi đi học cũng thế.

Nhưng đi thực tập bây giờ không hoàn toàn giống bọn tôi ngày trước.

Cái khác đầu tiên là, thời chúng tôi, sinh viên đi thực tập ở rất nhiều trường, ở nhiều địa phương khác nhau, kể cả Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, …xa lắc xa lơ.  Đi xa thực tập có hai cái lợi. Thứ nhất, đó là dịp để mở rộng tầm mắt cho sinh viên “Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà quanh quẩn biết ngày nào khôn!” Ca dao đã dạy thế. Đời cái anh làm nghề “gõ đầu trẻ” ít có điều kiện đi đây đi đó lắm. Cái lợi thứ hai là, địa bàn thực tập rộng, ít sinh viên thực tập ở một trường sẽ có điều kiện lựa chọn các thầy có kinh nghiệm hướng dẫn. Chỉ thời gian ngắn nhưng sinh viên học hỏi được rất nhiều từ những người đi trước.

Nhưng bây giờ sinh viên chỉ thực tập loanh quanh mấy trường ở Hà Nội. Chỉ được cái tiện cho các thầy phụ trách. Còn cái hại đã rõ ràng.

Cái khác thứ hai là hồi trước, đi thực tập, phần lớn chỉ đạt loại trung bình, giỏi lắm là  loại khá (hiếm lắm). Thế là bình thường, vì sư phạm là khoa học, cũng là một nghệ thuật, “lính mới tò te”, đứng trên bục giảng còn chưa hết run, sao mà khá được? Nhưng sinh viên thực tập bây giờ, ai được loại khá (điểm 8) là bất hạnh. Phần lớn là 9, 10. Nghĩa là anh chị  nào ngay từ khi còn “chập chững” vào nghề  cũng loại “tuyệt cú mèo” cả.

Khoảng giữa những năm 90  thế kỷ trước, tôi hướng dẫn giảng dạy cho một cô sinh viên. Cô này nghe nói đã được giải thi học sinh giỏi của tỉnh, học đại học cũng được coi là vào loại giỏi. Các bài dạy, tôi đánh giá có tiến bộ dần. Những tiết dạy cuối, có thể coi là khá. Kết thúc đợt thực tập, tôi cho 8 điểm. Nghĩ bụng “thôi cũng ưu ái một chút để động viên”. Nhưng sau khi nộp các loại giấy tờ cùng nhận xét đánh giá cho Ban chỉ đạo thực tập, tôi phải tiếp không biết bao nhiêu các vị khách không mời. Trước hết là giáo viên của trường Sư phạm, rồi sau đó là Trưởng đoàn thực tập, rôi bè bạn của cô ấy cùng thực tập, rồi Tổ trưởng của tôi và cuối cùng là ông Hiệu trưởng. Trong có vài ba hôm, vợ con cứ “mắt tròn mắt dẹt” vì không hiểu sao tôi vốn ít bạn mà tự nhiên lại lắm khách, mà khách lại ngồi lâu như thế? Khách lắm vì tôi vốn là cái “thằng” cũng ương bướng, không phải là người dễ dàng nay thế này, mai thế khác. (Hồi còn nhỏ, đọc truyện của Lỗ Tấn, đã thấy nhà văn người Trung Quốc  coi những người “tiền hậu bất nhất” như thế là có phẩm chất lưu manh). Ai cũng thừa nhận với tôi là xếp loại khá không có gì sai, còn rất đúng. Nhưng chẳng lẽ cả tổ của cô ấy toàn 9 với 10, cô ấy là người khá nhất , là tổ trưởng lại chỉ được có 8. Cứ “cò cưa” mãi. Cuối cùng, ông Hiệu trưởng đưa cho tôi cái giấy xếp loại mới, bảo:

–         Nói thật với ông, anh em giáo viên trường mình cũng nhờ có chuyện thực tập mà đời sống được cải thiện tý chút. Chặt chẽ quá, năm sau người ta sợ thì… Thôi, ông chỉ cần ký một chữ giúp tôi. Có cái gì toàn vẹn đâu ông? Cho các cháu nó vui vẻ.

Tất nhiên là tôi phải ký. Nhưng thề không bao giờ “dây” vào cái chuyện này nữa.

Mà cũng chẳng phải “thề”. Người ta đã phải chi một khoản tiền không nhỏ để bồi dưỡng cho các thầy hướng dẫn mà các thầy lại “khó khăn” như thế thì người ta cũng “cạch đến già”!

Thế là suốt gần hai chục năm, tôi ra khỏi cuộc chơi.

 

Gần 40 năm, tôi chỉ chủ nhiệm có đâu 4, 5 lớp thời kỳ đầu. Còn sau là như bị “cấm cửa” Vốn là vì năm ấy, đang chủ nhiệm một lớp,  giờ sinh hoạt, cậu lớp trưởng hỏi:

–         Giờ sinh hoạt thầy cho chúng em có được không ạ?

Tôi hỏi lớp có việc gì? Cậu ấy bảo:

–         Trường yêu cầu các bạn chép bài dự thi tìm hiểu về đảng.

Tức là thành phố mở cuộc thi đua tìm hiểu về đảng, nhưng chẳng ma nào nó thèm dự thi, mà thế thì “tẽn” quá,  nên các nơi đều nhận được bài dự thi sẵn cùng với “chỉ thị” phải có “trăm phần trăm” người dự thi. Thế là chỉ việc đọc cho mọi người chép rồi nộp lên cấp trên, đợi tổng kết “cuộc thi đã thành công tốt đẹp, 100% người đã tham gia dự thi”.  Tôi bèn lên gặp Hiệu trưởng phản đối cái lối bắt học sinh giả dối như thế. Từ năm sau đó, tôi không được phân công làm chủ nhiệm nữa. Ông Hiệu trưởng giải thích:

–         Nhà trường bố trí ông tập trung vào giảng dạy vì ông dạy có chất lượng.

Nghe tôi chỉ cười thầm, biết thừa các ông ấy sợ mình “phá đám”, không để cho các ông ấy dạy học trò “ăn gian nói dối”.

 Trước khi về hưu 3 năm,  đề nghị nhà trường phân công chủ nhiệm một lớp, gọi là có chút kỷ niệm cuối cùng trước khi “về vườn” của tôi được chấp nhận.

Sau Tết, lại có thực tập. Tôi đã lâu không hướng dẫn thực tập, nhưng lúc này thì không thể từ chối. Có 3 sinh viên thực tập giảng dạy các môn khác ở lớp của tôi, và đương nhiên họ phải thực tập chủ nhiệm ở lớp này. Nhận hướng dẫn, tôi đã nghĩ bụng  “thôi cho nó qua chuyện, sắp về hưu rồi chẳng hơi đâu mà… .” Vẫn tận tình chỉ bảo, nhưng thôi, làm được đến đâu thì làm, họ nghe đến đâu hay đến đấy!

Tối ngày 7 tháng 3, khoảng hơn 9 giờ, nghe có tiếng gọi cửa, tôi vội chạy ra. Thấy ba cô sinh viên thực tập chào. Tôi mời vào nhà, hỏi:

–         Có việc gì gấp mà các em đến muộn thế?

Các cô cứ cười bẽn lẽn không nói gì. Rồi quay sang nói một số việc của lớp. Miệng nói, nhưng tôi vẫn cứ hồ nghi, vì những việc như thế này đâu cần cả ba người tới vào lúc này.

Rồi cứ thấy cô nọ “huých’ cô kia, cô kia ra hiệu với cô khác. Tôi cứ phải làm ra vẻ không để ý.

Mãi mới có một cô đặt cái hộp, có thắt cái nơ đỏ lên bàn, nói:

–         Chúng em có món quà chúc mừng thầy!

A, thế ra các cô ấy mừng ngày 8 tháng 3. Nhưng các cô ấy cũng cảm thấy không bình thường nên không nói mấy tiếng “Hôm nay nhân ngày…”. Nhưng mỉnh hiểu, đây chỉ là cái cớ thôi, còn thực chất là do mấy hôm nay đang chuẩn bị tổng kết đợt thực tập sư phạm.

 Mình cười, bảo:

–         Ơ, thế các em nghĩ tôi là phụ nữ sao?

Các cô cứ ngồi, mặt đỏ bừng, không nói gì.

Mình phải bảo:

–         Tôi không cám ơn, mà tôi cũng không nhận cái này đâu. Các em có biết làm thế là coi thường tôi và coi thường ngày Phụ nữ quốc tế  đấy. Mà các em còn đi học, tiền ăn tiền học còn chưa đủ, lấy tiền đâu ra mà quà cáp thế này?

    Tiễn mấy cô ra cửa, quay vào cứ mải nghĩ: mấy năm học trường sư phạm chẳng hiểu các cô học được những gì về tri thức khoa học, những gì về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Nhưng chắc tất cả đều thấm nhuần phương châm xử thế của con người bây giờ: “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

2 BÌNH LUẬN

  1. Lại phải nhắc lời ông HNHiến ” Cái nước mình nó thế” . Ông bạn tôi mà làm hiệu truởng chắc sẽ bị cách chức khi chưa đến nửa học kỳ (!)

  2. Thầy được coi là lạc lậu là đúng rồi, thầy được gọi là number one .kể từ Khổng Tử đến AQ. Mình phải hòa đồng chứ không hòa tan. Một nền kinh tế định hướng XHCN sẽ có nhiều cái định hướng theo và không loại trừ Văn hóa giáo dục. Nếu các cháu nói tặng cô của chú nhân Ngày 8/3 thì đúng lại là number one cho thầy
    Nhân dịp 8/3/2018

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here