Đây có lẽ là một trong những bộ phim đầu tiên được chiếu ở Việt Bắc trong những năm 1953, 1954 thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hình như từ lúc này, ngoài kháng chiến mới có chiếu bóng. Mọi thứ chắc được Trung Quốc viện trợ sau chiến thắng Biên giới.
Năm 1953 có phong trào “Phóng tay phát động giảm tô”, mở đầu cho cuộc vận động cải cách ruộng đất “trời long đất lở” vào năm 1954. Phim được chiếu để người xem thấy rõ bộ mặt của bọn “địa chủ cường hào gian ác”, kiên quyết vạch mặt bọn địa chủ ngoan cố. Có thể các cố vấn Trung Quốc đồng thời với việc làm tham mưu trong cải cách ruộng đất đã đưa phim này sang để giúp việc tuyên truyền.
“Bạch Mao Nữ” (Cô gái tóc trắng) là bộ phim nói về nông thôn Trung Quốc trước đây dưới ách áp bức của bọn địa chủ phong kiến. Nhân vật chính là cô gái tên Hỉ Nhi, cô có người yêu là Đại Xuân, cả hai cùng đi ở cho địa chủ Hoàng Thế Nhân. Hắn là một tên địa chủ giàu có và gian ác. Ruộng nương của hắn thẳng cánh cò bay, dê cừu của hắn không sao đếm xuể, kẻ ăn người làm trong nhà hắn không thể nhớ hết. Toàn bộ tài sản của hắn là do bóc lột áp bức nông dân mà có. Thấy Hỉ Nhi là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, hắn rắp tâm chiếm đoạt trong khi tình yêu của cô với Đại Xuân đang nồng thắm. Không cam chịu, cô phải bỏ trốn lên núi. Sống trong rừng hoang, tóc cô bạc trắng, khiến ai nhìn thấy cũng hoảng sợ, gọi là Bạch Mao Tiên Cô (cô tiên tóc trắng). Đại Xuân không chịu được uất ức, tham gia Hồng quân. Kết thúc phim là cảnh Đại Xuân trên lưng ngựa cùng Hồng quân về giải phóng quê hương. Hỉ Nhi được đón về kết duyên cùng Đại Xuân, còn tên địa chủ Hoàng Thế Nhân bị đem trói lại cho nông dân đấu tố kể tội.
Những người xem phim phần lớn chưa được biết điện ảnh, chưa được xem phim nên bộ phim này rất hấp dẫn. Vừa hấp dẫn về câu chuyện, nhân vật với nhiều tình tiết gây xúc động mạnh, vừa hấp dẫn vì một hình thức nghệ thuật mới có nhiều điểm hơn hẳn các thể loại nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng. (Ở Việt Bắc, kịch nói chỉ có một đoàn, thời gian này cũng đi các nơi biểu diễn vở kịch “Chị Trầm”. Tôi cũng đã xem nhưng lâu ngày không còn nhớ rõ, chỉ biết đại khái cũng nói về cuộc đời của một người phụ nữ nông dân (chị Trầm) đi ở cho địa chủ, bị bóc lột, áp bức. Những vở kịch nói “cây nhà lá vườn” vẫn thường được biểu diễn trong những đêm liên hoan văn nghệ không thể hấp dẫn mọi người bằng chiếu phim.)
Phim Bạch Mao Nữ gây xúc động tới mức đã có nhiều lần, người xem phim (thường là bộ đội) rút súng bắn tên địa chủ Hoàng Thế Nhân trên màn ảnh. Chuyện không phải chỉ xảy ra một lần nên sau đó các cấp chỉ huy phải ra lệnh bộ đội không được mang theo súng khi đi xem phim. Đấy là nghe kể. Còn chuyện người xem khóc như mưa như gió, hô khẩu hiệu “đả đảo” để biểu thị lòng căm thù, tôi đã được chứng kiến không phải chỉ một lần.
Nhưng ngay từ lúc ấy, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi trong bộ phim là ba bài hát. Ba bài hát của ba nhân vật mà 60 năm rồi tôi vẫn nhớ. Hay nhất là bài của Hỉ Nhi hát lúc cô cắt chữ “Hỉ” cùng đôi chim câu dán lên vách chuẩn bị căn buồng cưới:
Gió đông như giục ai ngoài song
Tuyết hoa như mang tin chờ mong
Trong tuyết hoa mưa gió lạnh lùng
Mà chim sánh đôi bay cùng.
Chim sánh đôi, hỉ thành đôi, duyên trăm năm ghi tạc từ đây
Gian buống vách đến nay đã thành chốn tân phòng
Rồi bài hát của cụ Triệu, người đi ở chăn dê, chăn cừu cho địa chủ Hoàng Thế Nhân. Cụ Triệu đội cái mũ cói rộng vành, hát khi đứng trên sườn núi, tầm mắt bao quát một vùng trời đất bao la, đất đai màu mỡ, dê cừu bạt ngàn, tất cả đều là tài sản của địa chủ Hoàng Thế Nhân do bóc lột áp bức nông dân mà có. Giọng hát đầy căm thù uất hận nhưng cũng mênh mang, sâu lắng:
Da trời xanh ngắt, xanh uốn quanh khúc sông dài
Đứng mà coi xa tắp, xa mờ lúa phơi màu
Lúa vàng, cao lương
Bát ngát chân trời
Ruộng nương của họ Hoàng
Đếm sao tường
Ai kia trên lầu tía
Biết bao tá điền đằm bùn sâu
Máu pha với ruộng vườn
Kiếp ngựa trâu
Cha ông đầu tắt mặt tối
Con cháu da bọc xương
Thống khổ khốn cùng
Biết nơi đâu.
Vui nhất là bài hát của Đại Xuân khi anh trên lưng ngựa trở về giải phóng quê hương:
Lung linh ánh sao
Khắp nơi cờ thắm hồng
Khó khăn dù mấy mươi
Quyết bền chí vững lòng
Cờ tươi thắm phất cao
Quyết phen này đây ta thắng, rồi thắng hoàn toàn.
Xem nhiều lần rồi thuộc phần giai điệu. Tôi biết lời ca của những bài hát này là nhờ tập bài hát của học sinh ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) được phát khi về nước năm 1955. Tập bài hát này (hình như có phần đóng góp lớn của nhạc sĩ Phạm Tuyên) được in rô-nê-ô, mỗi bài có cả phần nhạc và lời, trong đó ngoài các bài hát Việt Nam còn có rất nhiều bài hát của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân (lúc ấy chưa gọi là các nước xã hội chủ nghĩa như sau này). Khi mới hòa bình 1954, đây được coi là một cuốn sách quý của những người yêu thích ca hát.
Phim “Bạch Mao Nữ” tôi còn được xem mấy lần nữa vì đội chiếu bóng cứ chiếu ở đâu là bọn chúng tôi lại kéo nhau đi xem, mà lần nào cũng náo nức cả. Hà Nội những năm 1954, 1955 cũng có chiếu ở các rạp. Phim ảnh lúc ấy còn nghèo, chủ yếu là phim của Liên Xô, Trung Quốc. Phim Liên Xô có phim màu, còn nhớ bộ phim đầu tiên được xem ở Việt Bắc là phim “Mỏ dầu Ca-xpiên”. Phim Trung Quốc khi ấy chỉ có đen trắng.
Ghi lại vài kỷ niệm nhân 60 năm ngày được xem phim lần đầu tiên.
[…] () Một nhân vật trong vở kịch nổi tiếng của Trung Quốc. Chi tiết xem tại: https://onggiaolang.com/phim-bach-mao-nu/ […]
Bộ phim Bạch mao nữ và vở vũ ba lê BMN của Trung quốc có cốt chuyện rất hay được chiếu ở Việt nam trong những năm 55-70
nói về Hỉ nhi và Đại xuân yêu nahu và choonga lại sự áp bức của địa chủ Hoàng thế nhân ,lưu lạc vào rừng tìm ai dẩn quê hương được giải phóng địa chủ HTN bị bắt trị tội Hỷ nhi về đoàn tụ với Đại xuân bộ phim hay được khán giả yêu mến . t
Tôi đã xe vở vũ ba lê Bạch mao nữ tại trung quốc kha hấp dẫn.